Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

FM 974:Thụy Điển: Raoul Wallenberg – Ân Nhân Của Hàng Ngàn Người Do Thái Được Tuyên Bố Đã Chết 71 Năm Sau Ngày Biệt Tin.



FM974
Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 07/11/2016


    Nhà ngoại giao Thụy Điển,ông Raoul Wallenberg, người đã cứu sống hàng ngàn người Do Thái trong những ngày của thế chiến thứ hai, cuối cùng, được chính phủ Thụy Điển tuyên bố đã chết, trong tuần qua, 71 năm sau ngày ông biến mất khi bị Hồng quân Nga Sô giam giữ.
    Lời tuyên bố này, chỉ chấm dứt một phần của một trong những câu chuyện bí ẩn nhất trong thời kỳ đệ nhị thế chiến, số mạng của một người mang bí danh “Thụy Điển Schindler”, khi thân xác ông không bao giờ được trở lại nhà. Là người sứ giả đặc biệt của Thụy Điển, được phái đến thủ đô Budapest của Hung Gia Lợi trong thời xảy ra cuộc chiến, Wallenberg, lợi dụng vào chức vụ mình, đã giúp cho hàng ngàn người Do Thái trốn thoát khỏi sự giam cầm của quân Đức Quốc Xã đang chiếm đóng Hung Gia lợi. Nhiều tháng trước ngày cuộc chiến chấm dứt, Liên Sô tràn quân vào Budapest, cho đòi ông đến gặp họ tại tổng hành dinh vào tháng giêng năm 1945, nhưng sau đó ông biệt tin, hình ảnh của ông đã trở thành đề tài tranh cải giữa thế giới phương Tây và Liên Bang Sô Viết lúc bấy giờ. Theo lời Pia Gustafsson, một viên chức của sở thuế vụ Thụy Điển, cũng là cơ quan đăng bộ khai sinh khai tử, thì “ngày chết chính thức của ông Wallenberg là ngày 31 tháng 7 năm 1952” nhưng chỉ là ngày tháng trên hình thức, vì chính quyền phải chọn một ngày, ít nhất là 5 năm sau ngày ông mất tích và không có dấu hiệu cho thấy là  ông còn sống tới cuối tháng 7 năm 1947”. Quyết định của chính phủ Thụy Điển đưa ra như trên, sau khi người thay mặt cho gia đình ông Wallenberg đến văn phòng đăng bộ xin cấp giấy khai tử, sau thời gian đăng bố cáo tìm kiếm và không có bất cứ tin tức nào về ông ta. Bản văn gởi đến văn phòng của gia đình ông Wallenberg năm 2015, viết rõ “việc tuyên bố khai tử là cách duy nhất, để làm quên đi sự đau khổ mà họ đã chịu đựng từ bao nhiêu năm qua và cũng là cách khép lại câu chuyện để họ tiếp tục sống an bình trong những ngày còn lại”. 
    Wallenberg được Thụy Điển, một quốc gia trung lập trong thời gian có cuộc thế chiến, phái đến Hung Gia Lợi năm 1944 và ngay đầu năm 1945, ông đã cấp phát giấy tờ tùy thân Thụy Điển cho hàng ngàn người Do Thái, nhờ đó cho phép họ trốn thoát khỏi nước này, đang bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, nhà ngoại giao 32 tuổi, cũng dùng các cao ốc, được xem là lãnh địa của Thụy Điển ở Hung, chứa chấp người Do Thái càng nhiều càng tốt và che chở cho họ mọi thứ cần thiết để qua mặt quân Đức. Năm 1957, liên bang Sô Viết công bố một bản tài liệu, nói rằng, Wallenberg bị giam giữ ở nhà tù Lubyanka, một nhà tù khét tiếng, tổng hành dinh của cơ quan gián điệp KGB và ông đã chết vì bệnh đứng tim ngày 17 tháng 7 năm 1947, nhưng gia đình ông Wallenberg từ chối công nhận việc này và trong nhiều thập niên qua, đã cố truy tìm mọi dữ kiện có thể được để biết sự thật, chuyện gì đả xảy ra cho ông. Wallenberg danh dự nhận nhiều khen tặng từ chánh phủ sau khi ông được cho là đã chết, trong đó có huy chương vàng từ quốc hội Hoa kỳ và công nhận là một trong “người anh hùng của quốc gia” của Do Thái, những người đã can đảm cứu thoát người Do Thái trong thời kỳ “diệt chủng” do Đức quốc xã gây nên.
    Tuy nhiên, những điều bí ẩn về cái chết của ông Raoul Wallenberg vẫn chưa được sáng tỏ, một nhân viên cao cấp của chánh quyền Nga Sô, mấy năm trước đây, nhìn nhận, mật vụ của Stalin đã bắn Wallenberg, nhà ngoại giao gan dạ Thụy Điển, đã cứu được hàng chục ngàn người Do Thái thoát chết từ các lò hơi ngạc của trại Auschwitz trong những năm 1944 và 1945. Ông Alexander Yakovlev, cựu đảng viên Cộng sản Nga, người trưởng toán truy tầm tội ác của Stalin, cho biết, ông tin chắc rằng, tổng thống Nga, Putin sẽ tuyên nhận Wallenberg là một nạn nhân của sự áp chế chính trị, tên gọi của hàng triệu người bất đồng chính kiến đã chết trong các trại tù “gulag” hay mật vụ NKVD, tiền thân của tổ chức KGB, của Stalin. Ông Yakovlev nói với cơ quan thông tấn xã Interfax, không còn nghi ngờ gì nữa, chính mật vụ của Stalin đã bắn chết Wallenberg trong nhà tù Lubyanka.
    Raoul Wallenberg, con của một gia đình đại doanh nhân nổi tiếng Wallenberg, được phái đến Budapest, thủ đô Hung Gia Lợi, như là một nhân viên ngoại giao lúc ông 32 tuổi vào tháng 6 năm 1944, một năm trước khi thế chiến thứ hai chấm dứt, ngay cùng lúc cộng đồng người Do Thái đông nhất còn lại ở Âu châu, đang bị bắt đưa đến chôn sống trong các lò hơi ngạc ở trại trừng giới Auschwitz, ông đã cứu thoát ít nhất 20 ngàn người, có người nói khoảng 100 ngàn trong số 230 ngàn người Do Thái còn lại tại thành phố Budapest khi ông đến đây, bằng cách cấp cho họ sổ thông hành Thụy Điển có hình ảnh rõ ràng. Wallenberg mất tích lúc hồng quân Liên Sô rầm rập tiến vào Hung Gia Lợi vào những ngày cuối năm 1944, ông bị quân Liên sô bắt giữ khoảng tháng giêng năm 1945 tại thị trấn Debrecen, phía tây đất Hung, từ đó không có tin tức gì về số mạng của ông ta nữa, Liên sô nói rằng, theo họ, Wallenberg bị Hồng quân tình báo bắt vì cho rằng ông là điệp viên của Hoa kỳ, sau đó, vào năm 1957, Mạc Tư Khoa cho biết, họ có giữ hồ sơ sức khỏe của Wallenberg, trong đó ghi rõ, ông chết vì bị bệnh đứng tim năm 1947 tại Lubyanka.
    Tháng 10 năm 2009, một đài truyền hình của Nga Sô loan tin họ tìm ra một ông lão sống ở thành phố Lviv, miền tây Ukrainian, ông này xác nhận, ông đã bắt Wallenberg năm 1945 tại vùng phía đông Hung Gia Lợi. Qua nhiều thập niên, chính quyền Liên sô cứ cho là Wallenber chết vì bị đứng tim năm 1947 trong một nhà tù của họ, nhưng bối cảnh về cái chết của Wallnberg ngày càng có thêm nhiều sự kiện cho thấy không phải vậy, khi mà các người tù lao động khổ sai trong các trại tù “gulag” nói rằng, họ đã thấy người Thụy Điển này ở vùng Siberia trong những năm 1950. Chánh phủ Thụy Điển, cũng trong thời gian này, đã yêu cầu, đòi hỏi Liên Sô mở cuộc điều tra hẳn hoi về sự biệt tích bí ẩn của Wallenberg và một ủy ban hổn hợp Nga-Thụy Điển được thành lập năm 1997, cùng năm mà Sergei Stepashin, người thủ tướng tiền nhiệm của Putin và kế đến là bộ trưởng tư pháp, nói rằng, chắc chắn Wallenberg bị cơ quan mật vụ NKVD của Stalin hạ sát. Ông Yakovlev là cố vấn thân cận của Mikhail Gorbachev cuối những năm 1980, người chỉ đạo và cổ động chính sách thay đổi, cởi mở và tự do báo chí, nhờ nó, những bí mật của thời kỳ đại kinh hoàng của Nga được tiết lộ và những gì che giấu trong lịch sử Nga lần lần bị phơi bày ra ánh sáng.
    Yakovlev nói rằng, Wallenberg và viên tài xế của ông bị giam giữ năm 1945 như là một tù binh chiến tranh, rồi bị kết án và xử tử vì tội trạng chính trị, trong nhiều năm, Mạc Tư Khoa duy trì lập luận là có tài liệu chứng minh số mạng của Wallenberg nhưng, ông Yakovlev cho biết, các chuyên viên làm việc với ông đã thu thập một số bằng chứng và gởi các thứ này cho văn phòng công tố quân đội lượng giá, và những vật dụng tư nhân của Wallenberg cũng đả giao cho Thụy Điển. Thêm vào đó, theo Yakovlev, một sắc lệnh của tổng thống đã được chuẩn bị cho trường hợp của Wallenberg, sắc lệnh này nói rằng, Wallenberg là nạn nhân của sự áp chế của Stalin, từ đó, chuyện của Wallenberg nên chất dứt vì nó đã gây nhức nhối cho cả hai quốc gia quá lâu rồi. Một Nhân chứng khác, theo lời của Yakovlev, ông Vladimir Kryuchkov, cựu trưởng cơ quan gián điệp KGB của Nga Sô, người lãnh đạo cuộc biểu tình chống lại hành động của Mikhail Gorbachev năm 1991, dẩn đến sự sụp đổ của Liên Bang Sô viết, biết rõ và xác nhận, ông Wallenberg đã bị bắn chết tại tổng hành dinh của mật vụ Nga ở Lubyanka.
    Cuối cùng, Wallenberg chánh thức được khai tử sau 71 năm dài trong bí ẩn nhưng vẫn còn một điều, một câu hỏi mà không ai có thể trả lời cho chính xác, ngay cả về phía Nga Sô cũng vậy, “qua hành động cứu người Do Thái của Wallenberg, đúng lý ra, Đức Quốc Xã phải giết ông nhưng tại sao Liên Sô lại làm chuyện này”.
  
Thuyên Huy
Mon 07.11.2016

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...