Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

BÍ ẨN CŨA NHỮNG NGƯỜI NGỦ ÍT



Bạn sẽ làm gì nếu bạn có thêm 60 ngày rảnh rỗi trong một năm?
Hãy hỏi Abby Ross, một nhà tâm lý học về hưu ở Miami, Florida, một 'người ngủ ít'. Bà chỉ cần ngủ có bốn tiếng mỗi đêm, do đó bà có rất nhiều thời gian rảnh rỗi trong khi phần còn lại của thế giới vẫn còn chìm trong giấc ngủ.

'Có hai cuộc sống'

"Có thêm nhiều thời gian trong ngày là một điều tuyệt vời - tôi cảm thấy tôi có thể sống hai cuộc sống," bà nói.
Những người ngủ ít như bà Ross không bao giờ cảm thấy uể oải cũng như họ không bao giờ ngủ nướng.
Họ dậy sớm - thường là khoảng bốn hay năm giờ sáng - và đầy hứng khởi để bắt đầu một ngày mới.
Margaret Thatcher có lẽ là một trong những người như vậy - bà từng có câu nói nổi tiếng rằng bà chỉ cần ngủ có bốn tiếng mỗi đêm trong khi Mariah Carey thì nói cô cần ngủ đến 15 tiếng mỗi đêm.
Điều gì khiến cho một số người có giấc ngủ hiệu quả đến tuyệt vời như vậy trong khi những người khác thì dành cả nửa ngày để chợp mắt? Và liệu chúng ta có thể thay đổi thói quen ngủ để cho giấc ngủ của chúng ta hiệu quả hơn?

Hồi năm 2009, một người phụ nữ đến phòng thí nghiệm của Ying-Hui Fu tại Đại học California ở San Francisco than thở rằng bà luôn thức dậy quá sớm.
Lúc đầu, Fu nghĩ rằng người phụ nữ này là một người thức dậy quá sớm - tức là bà đi ngủ sớm và dậy sớm. Tuy nhiên, theo lời bà thì bà đi ngủ vào khoảng nửa đêm và thức dậy vào lúc 4h sáng và cảm thấy hoàn toàn tỉnh táo. Và một số thành viên trong gia đình bà cũng gặp tình trạng như vậy, bà cho biết.
Fu và các đồng nghiệp của bà đã so sánh bản đồ gene của các thành viên khác nhau trong gia đình người phụ nữ này. Họ phát hiện ra một đột biến nhỏ ở một gene có tên DEC2, vốn hiện diện trong những người ngủ ít nhưng lại không thấy ở những thành viên có giấc ngủ bình thường cũng như ở 250 tình nguyện viên.
Khi các nhà khoa học này cho sản sinh loài chuột có đột biến tương tự thì những con chuột này cũng ngủ ít hơn nhưng vẫn hoạt động như những con chuột bình thường ở những chức năng cơ thể và chức năng nhận thức.

Tại sao ngủ đủ giấc quan trọng?

Ngủ quá ít thường có ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ. Nó có thể gây ra chứng trầm cảm, tăng cân và khiến bệnh nhân gặp nguy cơ đột quỵ và tiểu đường cao hơn.
"Giấc ngủ thật sự rất quan trọng, nếu bạn ngủ đủ giấc bạn có thể tránh được nhiều chứng bệnh, trong đó có cả bệnh mất trí nhớ," Fu nói. "Nếu ai đó bị mất chừng hai giờ ngủ mỗi ngày, chức năng nhận thức của họ sẽ bị suy yếu nghiêm trọng gần như ngay lập tức."
Tuy nhiên tại sao giấc ngủ quan trọng như vậy vẫn là một điều bí ẩn. Nhận thức chung của các nhà khoa học là bộ não con người cần giấc ngủ để dọn dẹp sắp xếp lại và bảo trì mọi thứ do não bộ không có nhiều thời gian nghỉ ngơi trong ngày. Trong khi chúng ta ngủ, não bộ chúng ta sẽ hồi phục lại những hư tổn trong tế bào, đào thải chất độc tích lũy trong ngày, củng cố nguồn cung cấp năng lượng và giúp bộ nhớ nghỉ ngơi.



Rõ ràng những người có đột biến gien DEC2 cũng có thể thực hiện những chức năng dọn dẹp như vậy trong khoảng thời gian ngắn hơn. "Đơn giản là giấc ngủ của họ hiệu quả hơn những người còn lại trong số chúng ta," Fu cho biết. "Nhưng làm sao mà họ lại có khả năng đó? Đó là vấn đề mấu chốt."
Kể từ khi phát hiện ra đột biến gien DEC2, nhiều người đã nói rằng họ chỉ ngủ có vài tiếng đồng hồ mỗi ngày, Fu cho biết. Phần lớn những người này bị chứng mất ngủ, bà nói. "Chúng tôi không tập trung vào những người bị khó ngủ vốn khiến họ ngủ không đủ giấc mà chúng tôi muốn tập trung vào những người chỉ ngủ chỉ có vài tiếng nhưng tinh thần vẫn minh mẫn."

'Lạc quan và hăng say'

Trong số tất cả những người có giấc ngủ ngắn mà Fu đã nghiên cứu đều có triển vọng tích cực. "Theo những gì mà họ kể lại," bà nói, "thì họ cảm thấy tràn đầy năng lượng, rất lạc quan. Điều rất bình thường là tất cả họ đều cảm thấy họ muốn làm việc hăng say nhất có thể nhưng chúng tôi vẫn không nắm chắc bằng cách nào hay liệu điều này có liên quan gì đến đột biến gene hay không."
Ross có lẽ nằm trong tuýp người này. "Tôi luôn cảm thấy rất sảng khoái mỗi khi tôi thức dậy," bà nói. Bà đã ngủ chỉ từ bốn đến năm tiếng mỗi ngày từ lúc nào bà cũng không thể nhớ nổi.
"Những lúc vào buổi sáng - khoảng năm giờ sáng - là khoảng thời gian tuyệt vời. Không khí thật yên bình và tĩnh lặng và bạn có thể làm được nhiều việc. Tôi ước chi có nhiều cửa hàng mở cửa vào lúc đó. Tuy nhiên tôi có thể mua sắm trên mạng, hoặc tôi có thể đọc - có rất nhiều thứ để đọc trong cuộc sống này. Hoặc tôi có thể đi ra ngoài và tập thể dục trước khi mọi người thức dậy hay nói chuyện với những người ở các múi giờ khác nhau."
Thời gian ngủ ngắn giúp cho bà hoàn tất chương trình đại học chỉ trong vòng hai năm rưỡi cũng như cho bà thời gian để học thêm nhiều kỹ năng mới.
Chẳng hạn như, chỉ ba tuần sau khi sinh đứa con trai đầu lòng, Ross quyết định dành một buổi sáng sớm của bà để chạy quanh khu nhà. Bà mất hết 10 phút. Vào ngày kế tiếp bà tiếp tục chạy và chạy thêm được một quãng nữa.
Bà tăng dần thời gian chạy và cuối cùng bà có thể hoàn thành không chỉ một mà 37 cuộc chạy marathon trong vòng ba năm. "Tôi có thể thức dậy và tập thể dục và đến khi những người khác thức dậy thì mọi việc đã xong," bà cho biết.

Hồi còn nhỏ, Ross nhớ bà dậy rất sớm cùng với bố, một người cũng dậy rất sớm. "Những buổi sáng sớm của chúng tôi đã cho cha con tôi khoảng thời gian rất đặc biệt," bà kể. Giờ đây, ngay cả khi bà ngủ nướng - mà bà nói chỉ xảy ra một vài lần - chồng bà nghĩ rằng bà đã chết.

Điều chỉnh thời gian thức giấc

Sau đó, Fu đã sắp xếp lại bộ gene của một số gia đình khác cũng ngủ ít. Đó chỉ mới là khởi đầu để hiểu về đột biến gene dẫn đến tình trạng này nhưng về mặt nguyên tắc một ngày nào đó nó có thể giúp cho những người khác cũng có thể ngủ ít được.
Cho đến khi đó, liệu có điểm yếu nào đối với giấc ngủ trong số phần còn lại của chúng ta?
Neil Stanley, một chuyên viên tư vấn giấc ngủ độc lập, nói rằng có. "Cách hiệu quả nhất để cải thiện giấc ngủ là điều chỉnh lại thời gian thức giấc vào buổi sáng."
Stanley cho rằng khi cơ thể chúng ta đã quen với thời gian mà nó cần thức dậy thì chúng ta có thể sử dụng thời gian có được để ngủ một cách hiệu quả nhất có thể.
"Các nghiên cứu chỉ ra rằng cơ thể chúng ta đã chuẩn bị thức dậy một tiếng rưỡi trước khi chúng ta thật sự thức dậy. Cơ thể chúng ta muốn có sự thường xuyên do đó nếu chúng ta thay đổi thói quen ngủ thì cơ thể không có dấu hiệu gì để biết khi nào nó cần chuẩn bị để thức dậy."
Bạn có thể giúp cho cơ thể của mình bằng cách bỏ qua những định kiến của xã hội về giấc ngủ, ông nói.
"Có quan niệm cho rằng ngủ ít là điều tốt và nên được khuyến khích - chúng ta thường ca ngợi những tấm gương như Margaret Thatcher và những giám đốc điều hành hàng đầu vốn không cần ngủ nhiều. Thật ra, thời lượng giấc ngủ cần thiết đối với bạn được quyết định ở yếu tố di truyền cũng như chiều cao của bạn vậy. Một số người chỉ cần ngủ rất ít trong khi những người khác cần ngủ đến 11 hay 12 tiếng mới khỏe được."
Stanley nói rằng rất nhiều người gặp vấn đề về giấc ngủ thật ra không có bệnh gì hết. Họ nghĩ rằng họ cần phải ngủ trong bao nhiêu đó thời gian.
"Nếu tất cả chúng ta đều biết được thời gian ngủ của mình và sống tương thích thì chúng ta có thể tạo nên khác biệt lớn đối với chất lượng cuộc sống của chúng ta," ông nói.

Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future.
Ảnh : THINKSTOCK

1 nhận xét:

“Quẳng gánh lo đi” đâu quá khó? - Vi Lê

Quẳng gánh lo đi mà vui sống,” vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần thực ra không hẳn là chuyện “nói nghe thì dễ, làm được mới khó.” Chỉ cần c...