Tôi thật không biết phải bắt đầu từ đâu để câu chuyện đời lộn xộn của mình có được một chút ngăn nắp để bạn hiểu tôi hơn. Thôi thì bắt đầu vào một ngày nắng đẹp, tôi bước ra khỏi toà án Saigon với cái giấy ly dị trên tay. Tôi có một trai và một gái và quan toà đã rộng lượng xử cho tôi được trọn quyền giữ cả hai với điều kiện là không nhận được chu cấp từ người chồng. Tôi hoan hô quan toà cả hai tay. Đó là năm 1969.
Bà chị tôi có hãng thầu cung cấp dịch vụ hớt tóc, giặt quần áo, bán hàng kỷ niệm cho quân nhân Mỹ tại Việt Nam và hàng ngàn xe đá để hãng RMK làm phi trường. Đó là một công cuộc làm ăn lớn lao có tới vài trăm nhân viên nên chị nhận cho tôi theo làm để nuôi con. Do đó tôi gặp Ron, người chồng hiện tại.
Bạn ơi, không biết tôi
đã tốn bao nhiêu nước mắt cho cuộc hôn nhân nầy. Không biết tôi đã nhận
được bao nhiêu lời sỉ nhục khi đi sánh đôi với người chồng Mỹ tại Việt
Nam. Nếu phải đếm hết những danh từ thô bỉ, những ánh mắt chê bai, những
đối xử khinh bạc của bạn bè, của những người quen biết cho đến những
kẻ qua đường vì tôi "lấy Mỹ" thì chắc tôi phải biến thành con rết khổng
lồ với cả ngàn chân tay mới đếm hết nổi. Thôi thì chẳng qua là cái
nghiệp. Chắc mình đã dè bỉu, chê bai bao nhiêu là người ở những kiếp
trước nên kiếp nầy nhận lại "gậy ông đập lưng ông" thôi mà.
Mỗi
lần bị "tai nạn" như vậy, tôi giả vờ phớt tỉnh. Những dòng nước mắt tủi
hổ cứ chực tràn ra. Ông xã cứ hỏi là "họ nói gì vậy?", tôi thì cứ ai
biết đâu, họ dùng danh từ em không hiểu!". Nhưng ông xã thì biết vì anh
có rất nhiều nhân viên Việt Nam làm việc cho anh và chắc họ đã giải
nghĩa cho anh hiểu địa vị của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội khi họ
vô phước kết hôn với ngươì Mỹ.
Sau khi anh hiểu được, tôi không bao giờ quên được ánh mắt của anh nhìn tôi trong những lần "tai nạn" đó. Đôi mắt anh chứa đầy những biết ơn, những chia xẻ, những đau thương, những căm giận, những cảm thông.. Anh cầm tay tôi nói: "Thật là không công bình cho em. Anh rất biết ơn em. Sự chịu đựng những nỗi nhục nhằn của em làm tan nát tim anh. Anh cảm thấy không xứng đáng với sự hy sinh của em." Tôi chỉ nói nhỏ: "Cả hai, em và họ đều là nạn nhân, mỗi người mỗi cách. Có phải chúng ta đã hứa là sẽ cùng chung chịu những niềm vui và nỗi khổ trên đời không? Vậy đó không phải là sự hy sinh. Đó chỉ là sự chia xẻ."
Và
tôi đã sát cánh cùng anh nổi, chìm trong cõi ta bà, trong nụ cười khi
gia đình xum họp, trong nuớc mắt khi một đứa con sớm vội ra đi, trong
thành công, trong thất bại suốt bốn chục năm qua.
Rồi
Trời Đất nổi cơn gió bụi. Năm 1975 tôi dắt díu các con qua Mỹ sống tại
California. Bà mẹ chồng ở tận Boston qua Cali thăm cháu nội và dâu lần
đầu tiên.
Mẹ ruột kẹt lại quê nhà, mẹ
chồng ở kề cận, thôi thì hãy vui với hiện tại và những gì mình có. Gạo
trồng ở Việt Nam hay trồng ở Mỹ thì cũng nấu thành cơm. Mẹ ruột hay mẹ
chồng thì người đàn bà đó cũng đã thương yêu và dưỡng nuôi người mình
yêu dấu. Bà hỏi chớ các cháu đã được rửa tội chưa? Tôi nói ngắn gọn: "Dạ
chưa. Con đạo Phật." Bà mỉm cười không nói gì và không bao giờ nhắc
lại.
Hình như người Mỹ có tâm hồn rộng rãi hơn. Bà thường hay lục lọi và gởi về cho cháu nội những quyển thánh kinh rất cũ của gia đình. Tôi nhận và trân trọng giao lại cho các con. Mẹ chồng gần với con dâu hơn người con ruột.
Thời
gian qua, một hôm thằng con cả báo cho mẹ biết là nó muốn cưới vợ. Mình
đã già rồi mà không hay bạn ơi. Khi nghe con trình bày mọi điều, bà chị
la làng chói lói. Trời ơi, nó là con trai lớn nhất mà theo đạo Chúa thì
lấy ai mà thờ phượng em? Bạn ơi, bạn nghĩ sao? To be or not to be? Nói
Yes, con cứ tiếp tục lo hôn lễ hay nói No, No Way.
Hừm,
thờ phượng là nó sẽ nhớ tới ngày mình theo Phật, mua một mâm đủ cả heo
quay, gà vịt, có cả bia rượu, bưng lên bàn thờ để một tiếng đồng hồ rồi
dọn xuống mời bạn nhậu? Hay là nó cúng mâm chay nhưng lại không ăn? Hay
là nó tới chùa nhờ thầy đọc một thời kinh? Thầy lo đọc, nó lo nhớ tới
cái đầu gối hơi đau vì quì lâu! Hay nó dọn một cái bàn thờ trong nhà,
chưng cái hình mình lên. Có ai đó hỏi con nó trưng hình của ai vậy thì
thằng cháu nội nhìn hình và nói "I don't know" !
Chỉ còn cách hỏi nó.
Chỉ còn cách hỏi nó.
Cô
đó hiền không? Dạ hiền. Cô đó giỏi không? Dạ giỏi. Cô đó thích săn sóc
con cái, nhà cửa không? Dạ thích. Cô đó thương con không? Dạ thương. Vậy
thì Yes, con ơi, Yes. Mẹ chỉ cần thấy con được hạnh phúc, an vui. Mẹ
tin vào sự khôn ngoan và lựa chọn của con. (Cho con học bao lâu chắc con
không ngu đâu, phải không?).
Vợ chồng
con thương yêu nhau và tử tế với Mẹ khi Mẹ còn sống là con đã "thờ
phượng" Mẹ rồi. Trong con đã có dòng máu của Mẹ. Con làm một người chồng
tốt, một người cha tốt, một con người tốt là con thờ phượng Mẹ đó, phải
không? Bạn ơi, bạn có thấy tôi quá "văn minh" không? Quá... quá...
tiếng gì hả mà người Mỹ thường hay chỉ mấy ông nghị viên trong đảng dân
chủ đó? À à, quá "liberal" không?
Vậy là
tôi có hai thằng con theo đạo Chúa của vợ và năm đứa cháu nội biết Phật
là Budha chớ chẳng biết Nam Mô. Quên cho bạn hay là tôi đã không rửa
tội hoặc bắt các con theo đạo nào hết. Tôi để cho chúng tự do chọn lựa
khi chúng đến tuổi trưởng thành (hoặc "được" vợ dẫn dắt). Tuy nhiên tôi
cũng thường đem các con đi chùa khi chúng còn nhỏ và mỗi khi tết tôi đều
dạy chúng lạy bàn thờ Phật và bàn thờ tổ tiên. Cho đến bây giờ vẫn vậy.
Phải lạy bàn thờ. Đó là điều kiện duy nhứt tôi đòi hỏi gia đình các
xuôi gia trong ngày cưới, dù họ là đạo nào. Tôi kính trọng tất cả các
đấng dẫn dắt linh hồn.
Mỗi khi gia đình
tụ họp tại nhà thằng con cả, nhằm ngày ăn chay, tôi luôn có ít nhứt một
món chay rất ngon do con dâu Công giáo nấu. Tôi biết ơn chúa Jesus quá
đỗi vì con dân của Ngài quả là một người đầu bếp giỏi và là một đứa con
dâu rất hiếu thảo.
Thế là tôi trở thành
minority, có nghĩa là thiểu số trong gia đình tôi. Ông xã, hai thằng
con, hai cô dâu, năm đứa cháu nội, tất cả là mười người con Chúa. Một
đứa con gái và chồng cùng ba đứa con tin tưởng cả Phật lẫn Chúa. Ngày lễ
Giáng Sinh và cuối tuần thằng cháu ngoại mười hai tuổi đi đờn violin
trong nhà thờ. Khi về nhà ngoại thì vô lạy Phật và... ngồi thiền!
Thằng con út thì , bạn có thể gọi nó là người vô tôn giáo, khuyên các cháu của nó không nên mỗi chút mỗi đổ thừa cho Chúa và khi xưng tội thì phải nhớ chừa cái tội đó đừng lập lại và nhận xét rằng thuyết nhân quả của nhà Phật rất hay nhưng đôi khi Phật tử lạm dụng thuyết nhân quả để chê đè người khác và vì thế làm cho người ta đau khổ. Bạn thấy nó đúng không? Nó mới hai mươi bảy tuổi và đôi khi nó nói chuyện đạo Phật làm tôi cũng ngẩn ngơ. Nó nghiên cứu đạo Phật bằng tiếng Mỹ. Tôi học Phật bằng tiếng Việt. Không biết có khác nhau nhiều không?
Nói
cho bạn mừng dùm là dù thiểu số nhưng đạo Phật trong nhà tôi vẫn thịnh
vượng. Tôi chưng bày tượng Phật tùm lum, trong vườn hoa đằng trước,
trong sân đằng trước, trong vườn hoa đằng sau, trong sân đằng sau, ngay
giữa vườn, trong luống hoa, giữa bụi lan... Bàn thờ Phật ở phòng khách,
bàn thờ Phật trong phòng thờ, tượng Phật trên đàn dương cầm, tượng Phật
trên đầu ti vi. Đây cũng là một tội ăn hiếp người (chồng) quá đáng,
chắc kiếp sau lại phải trả thôi.
Rồi
cách đây hai tháng, khi anh và tôi cùng ở tuổi bẩy mươi, phải bạn ơi cái
tuổi 'thất thập cổ lai hi' đó, thì có một người quen từ Việt Nam qua
chơi. Người nầy đã đi tu Chúa khi còn con gái mười bẩy tuổi và hiện nay
năm mươi bẩy tuổi và đã được lên chức Mẹ Bề Trên. Trong khi trò chuyện,
Sơ (xin tạm gọi như thế cho gọn) khám phá ra là chồng thì đạo Chúa chánh
gốc (quên nói cho bạn biết là bố chồng mình gốc gác người Ý), đã được
rửa tội, đã hưởng hết các phép ban ơn v.v.. mà lại đi cưới một người vợ
ngoại đạo, lại còn không bắt vợ theo đạo của mình. Thế thì khi chết sẽ
không được vào nước Thiên Đàng, sẽ không được Chúa tha thứ, sẽ xuống địa
ngục v.v.. Và Sơ chỉ cho tôi nên đi kiếm Cha để xin Cha làm phép, xin
Chúa tha tội cho ông xã để ông xã được trở về với Chúa.
Tôi
hoảng hồn nghĩ mình thật là tội lỗi, bấy lâu nay chỉ lo cho linh hồn
của mình, còn người bạn đời thì mình lại thờ ơ, may mà có Sơ nhắc nhở.
Tôi bèn dịch lại những lời Sơ nói. Ông xã vẫn làm thinh (lại cho bạn
biết anh là người ít nói nhất thế gian, bạn có biết tại sao không? Vì
chị vợ đã nói hết thời gian rồi, anh chồng làm gì còn chỗ và thời gian
để nói nữa, đã cưới nhau bốn mươi năm rồi, phải quen tánh quen nết chớ,
phải không bạn?). À hình như anh có lầm thầm cái gì là anh chưa từng bao
giờ bỏ Chúa thì tại sao phải trở lại? Tôi thì sợ hãi nên thúc giục anh
mau đến tìm Cha.
Bạn có thấu hiểu được
nỗi đau lòng của tôi không? Chắc là không. Vì để hiểu được bạn phải ở
trong hoàn cảnh nầy và tôi thì không muốn cho bất cứ ai vướng vào cái
vòng tục lụy nầy hết. Giống như cái ông gì đó (trí óc tôi lúc nầy chậm
chạp quá, đã quên béng tên ổng) đang làm quan lớn với đầy đủ vợ đẹp, con
khôn, quyền cao, chức trọng thì bỗng giựt mình tỉnh giấc Nam kha thấy
mình vẫn đang ngồi dưới đất, vợ con không, lầu đài không, tiền bạc
không, quan chức không.
Giống như bạn, tôi đã "cho anh cả cuộc đời", những tưởng mình đã cùng ai chung chịu nhục nhằn, hạnh phúc, đã cùng ai nở nụ cười, lau nước mắt, đã cùng ai ngẩng mặt, cúi đầu... Ngờ đâu bừng con mắt dậy thấy mình tay không! Mình đã đẩy người ta xuống địa ngục, mình là nguyên nhân để người ta xuống địa ngục. Bạn khuyên tôi phải làm sao? Người ta xuống địa ngục chưa thì tôi không biết, mà tôi thì đã ở trong đó rồi. Lòng tôi tan nát, bạn ơi. Tôi phải đọc tụng kinh gì hả bạn? Lương Hoàng Sám? Thủy Sám? Mà tụng thì ăn thua gì! Nếu tụng mà hết được tội đẩy người xuống địa ngục thì tôi nguyện đọc mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút , từ đây cho đến hết cuộc đời.
Ngày hôm sau khi ngồi ăn cơm, dưới cái diã, tôi thấy một cái bao thơ, giống như cái card chúc tết hay chúc sinh nhật vậy. Tôi ngạc nhiên vì không phải tết, cũng chẳng là sinh nhật. Anh chẳng nói gì. Tôi mở card ra đọc những dòng chữ có thể dịch ra Việt ngữ như sau:
"Nếu phải xuống địa ngục và vĩnh viễn bị cấm cửa thiên đàng thì anh sẵn sàng và hạnh phúc chấp nhận. Ngày em nhận lời làm vợ anh là ngày Chúa đã ban ơn phước cho anh và chấp nhận anh vào cõi Thiên Đàng và anh đã ở Thiên Đàng từ dạo đó, nay sao lại còn phải xin xỏ để trở vào? Anh không ăn năn. Anh không ân hận. Anh không van xin. Anh chắc rằng Sơ đã không nhìn thấy những giọt nước mắt của em đã đổ ra cho anh, vì anh, vì hạnh phúc của anh, vì tội lỗi của anh. Nếu thấy thì anh lại tin chắc rằng Sơ sẽ bảo anh:
“ Con hãy cám ơn Chúa đã
cho con gặp người vợ ngoại đạo nầy'. Em hãy yên lòng, đừng thúc giục
anh tìm Cha. Chúa rất nhân từ và thông cảm. Anh đang ở Thiên Đàng."
Đọc
xong, tôi ngẩng lên nhìn anh. Tôi lại để cho nước mắt chảy ra thấm ướt
tờ thư. Đã lâu rồi tôi không khóc. Lần nầy tôi không cố ngăn lại. Khóc
được cứ khóc bạn ơi. Chỉ sợ rằng mình không khóc được và không được
khóc!
Bạn có thấy dị không khi một bà già bẩy mươi tuổi còn khóc được vì một lá thư.. (có thể gọi là thư tình không bạn?). Không, đây không phải là thư Tình! Đây là thư Nghĩa! Tình yêu sôi nổi với dục vọng, với ghen tương, với giận hờn đã qua lâu rồi. Đây là sự thương yêu, nâng đỡ, dắt dìu nhau của hai con người đang đi vào đoạn cuối của cuộc đời mà không lãng quên những hứa hẹn ở buổi ban đầu. Đây là Nghĩa Vợ Chồng. Dù cho bạn có thành hôn với người Việt Nam, người Mỹ, người Trung Quốc, người Đại Hàn, người Pháp, người da đen, da trắng, da màu... thì nó vẫn tồn tại và rực rỡ trong tâm bạn.
Tôi hy vọng mãnh liệt rằng Chúa sẽ không bắt tội anh vì tôi tin rằng anh đã sống giống như ý Chúa: Thương Yêu, Trung Thành và Nhân Ái.
Đây
là một phần câu chuyện đời lộn xộn của tôi và tôi xin chia xẻ cùng bạn
với tất cả trái tim tôi. Có tội hay không có tội? Anh đã đi trật đường
của Chúa dạy? Anh đang từ bỏ Thiên Đàng và trên đường xuống địa ngục?
Anh thật không biết. Tôi là tên ác quỷ đang đẩy người vào chốn tối tăm?
Tôi thật không biết. Chúng tôi chỉ biết cầu xin Chúa và Phật cho chúng
tôi được có mặt bên nhau những khi hoạn nạn, được giúp đở nhau những lúc
vấp ngã, được nấu cho nhau chén cháo trong lúc ốm đau, được nắm tay
nhau mỉm cười khi mở cửa nhà đón đàn con cháu.
Bạn
ơi, tôi không cần phải có bàn thờ và anh thì không cần phải kiếm Cha để
rửa tội. Tôi vẫn là một Phật tử thuần thành và anh vẫn làm dấu thánh
giá. Chúng tôi không quá "liberal" phải không bạn ? Thiên Đàng và Niết
Bàn của chúng tôi có nghĩa là " in the here, in the now" như Sư Ông Nhất
Hạnh vẫn nói. Không biết chúng tôi có hiểu đúng ý của Sư Ông không?
Hai chúng tôi Tội Lỗi và Hạnh Phúc ngang nhau. Cả Phật, cả Chúa đều rất Bác Ái và Công Bằng, Bạn đồng ý không?
* Tác giả mặ áo dài bông
hay quá
Trả lờiXóa