Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

CHUYỆN SỬA SẮC ĐẸP : Ở Đâu Cũng Thế

Trần Văn Giang

Sửa Sắc Đẹp – Trần Văn Giang

1. Lời mở đầu
Một hiện tượng mỗi ngày một thêm nóng hổi trong cộng đồng Việt tị nạn. 
Đó là Giải Phẫu Thẩm Mỹ (Plastic* Surgery).

Giải Phẫu Thẩm Mỹ gồm 2 ngành khác nhau:
– “Giải phẫu chỉnh hình” (Reconstructive Surgery) sửa chữa lại các bệnh bẩm sinh như sứt môi, ngón tay hoặc ngón chân dính liền với nhau, bớt hay bướu to trên mặt, thiếu tai, dư ngón tay ngón chân..v.. v.. có mục đích tạo cho bệnh nhân một hình dáng khả dĩ hơn để sống và sinh hoạt tạm gọi là bình thường trở lại. Thường thường sự giải phẫu này được bảo hiểm sức khỏe trả cho một phần.

– “Sửa sắc đẹp” (Cosmetic Surgery) nắn sửa lại các bộ phận của cơ thể đang mạnh giỏi, chẳng hư hỏng gì cả. “Sửa sắc đẹp” có mục đích làm cho vóc dáng trở thành đẹp mắt và hấp dẫn hơn. Đây là sự tự ý lựa chọn của riêng từng người và dĩ nhiên bảo hiểm sức khỏe không trả cho đồng nào.

Đại đa số các trường hợp “giải phẫu thẩm mỹ” là “sửa sắc đẹp” vì vậy “giải phẫu thẩm mỹ” và “sửa sắc đẹp” được vẫn thường được hiểu lầm thành một nghĩa. Trong khuôn khổ bài này tôi chỉ xin bàn về phần “sửa sắc đẹp”. Nhưng đôi khi, như đã trình bày, chữ “sửa sắc đẹp” và “giải phẫu thẩm mỹ” được dùng lẫn lộn.

2. Tất cả sắp trở thành họ hàng gần…
Trong các dịp họp mặt như đám cưới, đám hỏi, đám ma, đám giỗ, hội hè, đại hội… mọi người đều không ít thì nhiều nói về chuyện sửa sắc đẹp. Nhìn chung quanh chúng ta, người nào cũng có thân nhân, bạn bè, đồng nghiệp đã sửa sắc đẹp. Trong các dịp họp mặt thế nào cũng phải có sự hiện diện của một số “người đẹp” có nhan sắc mới sửa hoặc sửa lâu rồi.

Gần một phần ba số quảng cáo lớn đầy một trang trong các tờ báo lá cải Việt ngữ dành để quảng cáo sửa sắc đẹp. Nội dung và hình thức của các quảng cáo loại này đều giống, tương tự như nhau: sự hứa hẹn tuyệt vời của các ông Bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ và nét mặt của các cô người mẫu của các trang quảng cáo này. Cứ cái đà (sửa sắc đẹp) này, các ông bác sĩ thẩm mỹ sẽ biến tất cả phụ nữ Việt (Nam, Trung và Bắc) trong cộng đồng Việt tị nạn thành họ hàng gần cả. Người nào cũng có cặp mắt, sống mũi, làn môi, gò má và bộ ngực giống y hệt nhau! Từ sự giống nhau đi đến sự đoàn kết chắc cũng chẳng bao xa! Chúng ta cũng nên có lời tri ân các quí vị bác sĩ thẩm mỹ đã có công đem cộng đồng sát lại với nhau.

Qua lời quảng cáo lôi cuốn và sự đại hạ giá cho việc sửa sắc đẹp của quý vị bác sĩ, mọi người thuộc mọi tầng lớp của cộng đồng, hôm nay, đều có đủ khả năng tài chính và can đảm để đến lấy hẹn tại văn phòng giải phẫu thẩm mỹ của quý vị chứ không chỉ riêng người giàu có hoặc nghệ sĩ như lúc trước đây.

3. Cái đẹp đánh bẹp cái nết
Cô cháu gái 30 tuổi của tôi với đầu óc cởi mở và tân tiến đã trình bày với tôi như sau:
“Bác ạ, nhiều khi cháu muốn tin là ‘cái nết đánh chết cái đẹp’ nhưng trên thực tế và theo kinh nghiệm của cháu, câu nói đó không đúng nữa. Nó phải được sửa lại là ‘cái đẹp đánh bẹp cái nết’ mới hợp tình hợp cảnh. Bác có đồng ý với cháu là người đẹp luôn luôn được hưởng và đón nhận những cái gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống hay không?”

Cô cháu còn sốt sắng bàn vấn đề sắc đẹp rộng hơn trên khía cạnh chính trị và xã hội:
“Tuổi trẻ phải kính trọng người già cả. Cháu cũng nghĩ như vậy. Nhưng chỉ có người trẻ mới thực sự đóng góp cho nhu cầu sản xuất và tiêu thụ của xã hội này, làm dân giầu nước mạnh. Ngay cả những người đã già rồi bây gờ vẫn còn muốn làm cho mình trẻ lại. Như thế có gì sai lầm đâu nếu người trẻ muốn có cái đẹp của họ được đẹp hơn” Trong cái tình trạng kinh tế khó khăn này, nếu hai người xin cùng một việc và có cùng khả năng như nhau thì chủ sẽ chọn người đẹp hay người xấu” Nói chung, sắc đẹp sẽ là cái chìa khóa để mở tất cả các cánh của ‘cơ hội’ đang bị đóng chặt!”

Tôi thuộc loại già cả, lẩm cẩm. Tôi cố gắng muốn tìm cách giải thích cho cô cháu gái về việc đề cao cái đẹp tự nhiên. Phân trần về cái tai họa 5, 10 hoặc 15 năm sau khi sắc đẹp được sửa nhưng cô cháu gái không có kiên nhẫn và thiện chí để nghe những lời “quê mùa lạc hậu” của tôi. Tôi đành chào thua.

4. Phải đốt hết các tấm ảnh cũ mới ngủ yên được…
các bà các cô mới sửa sắc đẹp xong, phải đốt hết các tấm ảnh cũ chụp trước khi giải phẫu thẩm mỹ thì mới ngủ yên được.
Hình cũ đã cháy rồi, đã bị tiêu hủy rồi, nhưng trí nhớ của mọi người thì sao? Không có gì ngỡ ngàng cho bằng tôi nhìn thấy bà chị họ ba bốn chục năm liên tiếp rồi. Đã quen mắt rồi. Bỗng một hôm đẹp trời, gặp bà chị họ ở chợ Việt Nam, cứ tưởng rằng đang gặp nữ tài tử Kiều Chinh! Nếu bà chị không gọi tên tôi, có lẽ tôi cũng chẳng nhận ra.

Đâu cần gì phải có còn mắt tinh đời. Một người với con mắt bình thường, lần đầu tiên nhìn thấy người đẹp sẽ nhận ra ngay là sắc đẹp là do giải phẫu thẩm mỹ hay là đẹp tự nhiên. Giải phẫu thẩm mỹ vẫn chỉ là giải phẫu thảm mỹ. Thật dễ hiểu!

5. Lời của người cầm dao…
Tôi có một ông bạn là bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ rất thành công. Trước đây ông học cùng chung lớp kỹ sư Điện với tôi. Ra trường làm việc cho hãng điện tử một thời gian, ông bạn trở lại học cao học [Master of Sciences] về ngành điện tử áp dụng cho các máy dụng cụ y tế dùng trong nhà thương. Trong khi đi học cao học, ông bạn xin làm tình nguyện cho một “clinic” thẩm mỹ. Sau khi lấy bằng cao học, ông bạn quyết định không đi làm nghề điện nữa, mà tiếp tục học Y khoa để trở thành bác sĩ thẩm mỹ.

Ông bạn bác sĩ sau mấy năm hành nghề giải phẫu thẩm mỹ, khi gặp lại tôi đã giải thích các lý do thúc đẩy anh theo đuổi ngành Y khoa giải phẫu thẩm mỹ như sau:
“Người Việt qua đây ai cũng giầu có (hơn lúc ở Việt Nam). Một số không nhỏ người Việt trong lớp người mới giầu thấy cần phải thay đổi cái nhìn quê mùa nghèo nàn cũ. Cần phải thay vóc dáng mới cho hợp với cái xe mới và cái nhà mới. Thành ra cái thị trường sửa sắc đẹp rất hứa hẹn.

Bệnh nhân sửa sắc đẹp thuộc loại “low risk:” họ chỉ sửa sắc đẹp khi đang mạnh khỏe và có sẵn tiền mặt trong túi. Bác sĩ thẩm mỹ ít khi nào phải gặp các trường hợp cấp cứu (“emergency”) hoặc phải giằng co với các hãng bảo hiểm sức khỏe về khoản nào được trả, khoản nào không, rất mất thời giờ. Ông ta có thể mở cửa văn phòng lúc 9 giờ sáng và đóng cửa lúc 5 giờ chiều, nghỉ cuối tuần như công chức nhà nước. Không phải trực bệnh viện, không phải làm “overtime.” Về vấn đề tài chánh, bệnh nhân phải trả tiền mặt đầy đủ trước khi giải phẫu bởi vì các hãng bảo hiểm sức khỏe không trả. Hơn thế nữa, trả trước bằng tiền mặt đầy đủ để tránh trường hợp bệnh nhân bỏ cuộc, rút lui giữa đường. Khách hàng đã đến một lần rồi, chắc chắn họ sẽ trở lại cho các “mục” khác. Đâu có ai đi sửa xe mà chỉ thay có một cái vỏ xe mới bao giờ! Đã thay đồ đạc mới rồi, còn phải trở lại để bảo trì nữa chứ!

Phải lấy làm ngạc nhiên là nhiều bà đi chích ngừa cảm cúm thôi mà đã sợ rồi. Nay lại đưa đầu, mặt, ngực, bung, đùi mình ra các ông bác sĩ thẩm mỹ cắt, thẻo, lụi như con heo bị thọc huyết mà vẫn thấy cười sung sướng. Không thấy ai than thở kêu đau gì cả!”

6. Same day services…
Cách đây vài năm, cô bạn gái của bà xã tôi, người đã có mẹ và chị sửa sắc đẹp rồi, muốn sửa ngực mặc dù đã chị đã có 3 đứa con trưởng thành rồi. Ông chồng của chị dĩ nhiên là không đồng ý. Thật ra, gia đình tôi đã quen biết anh chị qua nhiều năm rồi. Tôi chưa bao giờ nghe và thấy anh phàn nàn về vợ, nhất là trên vấn đề sắc đẹp của chị! Mười mấy năm trước, khi anh gặp chị lần đầu là anh đã yêu chị rồi. Anh quyết định phải lấy chị cho bằng được mặc dù gia đình anh không đồng ý chấp nhận cuộc hôn nhân có lẽ chỉ vì tính tình của chị.

Như vậy đủ biết là mặc dầu nhan sắc của chị không phải là “chim sa cá lặn,” nhưng chắc chắn chị không phải là người xấu. Ngoài ra, sự không đồng ý của anh về việc chị đi sửa ngực còn vì lý do kinh tế nữa. Anh đang ở trong tình trạng không biết sẽ bị thất nghiệp lúc nào. Kinh tế gia đình anh nói riêng và kinh tế nước Mỹ nói chung đang gặp khó khăn. Bỗng nhiên phải chi tiêu một lúc ba bốn ngàn đồng tiền mặt thì thấy cũng ngặt. “No problems!” Chị đã có sẵn giải pháp cho chương trình sửa “ví” rồi. Chị “recycle plastic”: Lấy tiền từ “credit line” của “plastic card” để trả cho “plastic surgery!”

Sau khi đã lấy hẹn sửa “ví” và thu xếp tiền bạc với văn phòng bác sĩ thẩm mỹ xong, một buổi sáng đẹp trời chị nói với chồng là phải đi ra chợ mua ít đồ cần thiết. Chị nhờ một người bạn gái chở thẳng đến “clinic” giải phẫu thẩm mỹ. Chị dặn dò cô bạn gái là chỉ thông báo cho chồng chỉ biết sau khi chị đã lên bàn mổ hẳn hoi rồi.

Anh chồng tá hỏa khi nghe báo tin vợ anh đang nằm trong bệnh viện. Đến 3 giờ chiều, giải phẫu hoàn tất. Anh được gọi đến “clinic” giải phẫu thẩm mỹ để chở chị về. Anh đành phải chấp nhận cái hoàn cảnh mà anh không thể thay đổi được.
Anh nhìn vợ, nhớ lại lúc gặp chị lần trước vào 9 giờ sáng, ngực chị còn là “size” 35A , mà bây giờ là 3 giờ chiều, ngực vợ đã đổi thành “size” 36D và căng cứng như trái “cantaloupe” cắt làm hai.

Lúc chị tỉnh táo và vết cắt lành lặn lại rồi, chị rất mãn nguyện về bộ ngực mới toanh nầy. Chị phải trích trong ngân quỹ gia đình một số tiền đáng kể để mua sắm một lô áo mới có cổ thấp dành riêng cho bộ ngực mới của chị. Chị nhận ngay ra là “xếp” của chị, đồng nghiệp đàn ông của chị ở sở làm, các ông ở nơi công cộng..v.. v.. đối xử với chị nhã nhặn và ân cần hơn lúc trước. Chị cũng để ý là ngày nào chị mặc áo có cổ càng thấp thì ngày đó công việc làm của chị càng dễ dàng hơn. Cái “size” của bộ ngực chị gia tăng làm nghề nghiệp của chị tiến triển nhanh hơn. Một điều nữa làm chị để ý là, vào khi chị tắm, nước chảy cả 5 phút từ trên đầu rồi mà chân chị chưa ướt!

Một năm sau cái “same day services” đầu tiên, anh chồng đã không cản được vợ sửa “ví”, thì làm sao anh có thể cản vợ đừng sửa mũi, mắt và mà lúm đồng tiền. Lần lượt chị biến các ác mộng của anh thành sự thật hết qua một loạt “same day services” nữa. Đây là một chuyện dài chưa có đoạn kết. Còn các tiết mục khác dành cho các bộ phận nằm phía dưới thắt lưng chị giữ kín, lo liệu lấy một mình, không nhờ bạn bè như những lần trước. Thế rồi cuộc đời chị cứ bình thản trôi qua.

7. Có phải chị bị chồng đánh làm mũi bị méo qua một bên không?
Thông thường vì lý do thương mại, các văn phòng giải phẫu thẩm mỹ hay đăng các bộ ảnh 2 tấm: Trước khi giải phẫu và 2-3 tháng sau khi giải phẫu. Dĩ nhiên là sự khác biệt giữa 2 tấm ảnh sẽ lôi cuốn sự chú ý của rất nhiều người khách hàng mới. Không thấy văn phòng giải phẫu sắc đẹp nào đăng bộ ảnh 3 tấm: Trước khi giải phẫu, 2 tháng sau khi giải phẫu và 5 hay 10 năm sau. Khách hàng nhìn vào bộ ảnh 3 tấm này sẽ chạy làng hết.

Một khoảng thời gian 5 năm sau khi sửa sắc đẹp, một buổi sáng thức dậy, chị bạn gái của bà xã tôi thấy mũi cong quẹo qua một bên. Sau đó không lâu, hai lỗ mũi biến đổi thành một lớn một nhỏ. Tiếp đến, mắt bị kéo làm sao mà một mắt lớn một mắt nhỏ. Còn hai nửa trái cantaloupe thì sao? Nửa trái “cantaloupe” bên phải, bị kéo xa ra khỏi nửa trái “cantaloupe” bên trái, và méo mó đi giống như nửa trái đu đủ xanh. Nếu có người nào cắc cớ hỏi về cái sự quẹo hoặc méo mó trên cơ thể của chị, thì chỉ đổ thừa là bị chồng say rượu đánh trúng mũi, mắt, ngực…

Tội nghiệp anh chồng khi không bị mang tiếng xấu, vũ phu. Anh ở Mỹ đã lâu rồi, đã hiểu rõ luật lệ Mỹ rồi. Đã hiểu cách xã hội Mỹ đối xử với phụ nữ và đối xử với chó thế nào rồi. Anh đâu có dại gì để cảnh sát Mỹ bắt bỏ tù và được tên tuổi anh được đăng trên báo chí. Anh trước đây đã bất lực trong việc ngăn cản vợ đừng sửa sắc đẹp bây giờ lại mang thêm tiếng đánh vợ.

Sự méo mó đó là do các bắp thịt, các mô bị cắt chung quanh chỗ giải phẫu thẩm mỹ phản ứng qua thời gian. Danh từ y khoa gọi là “capsular contracture.” Tôi không phải là chuyên viên y tế, xin tạm dịch là “sự co rút của các vết thẹo.”

Trong thủ tục sửa sắc đẹp, cơ thể bị cắt, xẻ để tạo các chỗ trống (pocket) cho nhiều ngoại vật (foreign objects) như “collagen,” “silicon,” “plastic,” kim khí được đặt vào. Phần cơ thể bị cắt, tiếp xúc với ngoại vật này sẽ phản ứng và tạo thành một vòng đai thẹo, còn được gọi là “lining” hay “capsule,” giống như thẹo phát triển trên da sau khi da bị cắt hoặc bị phỏng.

Nên biết thêm, phản ứng này xảy ra không riêng gì với giải phẫu thẩm mỹ, mà cả các trường hợp giải phẫu để đặt máy trợ tim, đặt các vòng sụn nhân tạo ở giữa các đốt, khớp xương… Sau khi giải phẫu, tùy trường hợp, dần đã các vòng đai thẹo này bành trướng đè nén trên các ngoại vật hoặc co rút lại làm cho các ngoại vật bị lỏng. Kết quả là mũi giả, ngực giả..v.v.. bị méo mó ít hay nhiều sau một thời gian dài hay ngắn tùy từng cơ thể của mỗi người. Nhiều cô đã ngay sau khi sửa sắc đẹp, bị phản ứng quá phức tạp, phải đi giải phẫu lại để lấy “implant” ra liền tức thì. Đâu có quảng cáo về giải phẫu thẩm mỹ nào nêu ra những chi tiết phức tạp nầy, hoặc đâu có quảng cáo nào đăng bộ ảnh 3 tấm như tôi đã trình bày bao giờ!

Sau khi sửa sắc đẹp được 5-10 năm, vào các dịp “Halloween,” nhiều cô, sau khi sửa sắc đẹp bị lủng, đi ngoài phố, bị hiểu lầm là đang đeo mặt nạ để nhác thiên hạ. Quý vị đã thấy ảnh mới nhất của Farah Fawcet chưa? Thật đúng là tiền mất tật mang.

8. Khi sinh ra là con trai da đen. Lớn lên trở thành con gái da trắng…
Mới nghe qua, không hiểu đây là phép lạ hay ác mộng. Bài học mà chúng ta nhìn thấy từ Michael Jackson rất thích đáng. Tôi xin ghi ra đây để mọi người cùng đọc và suy gẫm.

Michael Jackson sinh ra là một cậu bé da đen bình thường, dễ thương và tài hoa có một không hai. Mỗi năm đi qua, Michael Jackson dần dà biến thành một “quái vật” trước mắt mọi người. Năm 1984 sau khi tung ra cái album “Thriller,” một album được công nhận là bán chạy nhất trong lịch sử nhân loại, hình ảnh của Michael Jackson đăng trên báo cho thấy có sự thay đổi trên nét mặt: Mũi của anh ta được sửa “nhè nhẹ coi rất thanh nhã [Michael Jackson được ông bố gọi với cái “nickname” là “big nose” hồi còn bé,] cặp mắt cũng được nắn lại đôi chút nhìn rất “sexy”. Ngoài ra, Michael Jackson trả lời các câu hỏi của báo chí một cách rõ ràng, mạch lạc bằng cái giọng thật của chính mình.

Ngay sau đó mọi sự chuyển hướng một cách rùng rợn: Michael Jackson mướn cả một tiểu đội bác sĩ thẩm mỹ để, cứ 3-4 tháng, làm cho anh ta một cái mũi mới, một cái cằm mới, lông mày mới, gò má mới… mới đầu, Michael Jackson muốn mình nhìn giống như Diana Ross. Nhưng sau khi nhìn vào gương, anh ta đổi ý muốn mình giống như Liz Taylor. Độc đáo nhất là trong vòng một năm rưỡi, từ 1987 đến giữa năm 1988, da của Michael Jackson thay đã từ mầu “cocoa” thành màu trắng như da bụng cá bông lau. Michael Jackson biến khuôn mặt và cơ thể của mình thành một cái khung vải cho các ông bác sĩ (hay họa sĩ) muốn vẽ gì trên đó thì vẽ.

Người ta còn đồn là mũi của Michael Jackson vì bị sửa đổi nhiều quá đã rụng mất rồi. Hiện anh ta đang đeo một cái mũi giả! “Make up” làm chúng ta không thấy chỗ ráp nối. Báo chí cũng viết về chuyện Michael Jackson uống thuốc kích thích tố phụ nữ để có giọng nói thỏ thẻ như cô đào Marilyn Monroe.

Tôi không hiểu các bác sĩ giải phẫu sắc đẹp cho Michael Jackson có ngủ yên vào buổi tối sau khi đã sửa sắc đẹp cho Michael Jackson hay khôn.” Theo ý kiến cá nhân của tôi, tôi đề nghị vĩnh viễn rút tất cả giấy hành nghề của các ông bác sĩ nầy.

9. Lời kết

Trước khi lấy hẹn sửa sắc đẹp, xin quý vị (nên biết là 15% khách hàng sửa sắc đẹp là đàn ông) hãy dùng chút thì giờ phân tách những lời bình phẩm mà thiên hạ nói tại các cuộc họp mặt xem sao. Nhiều lời bình phẩm có ác ý. Nhưng cũng có nhiều lời nói đúng sự thật. Chúng ta sống trên đất tự do, dĩ nhiên muốn làm gì thì làm trong khuôn khổ luật pháp, nhất là chính mình trả phí tổn cho việc sửa sắc đẹp của mình chứ chẳng có ai đóng góp cắc nào. Tuy nhiên, phải trả một món tiền rất lớn cho một cái giải phẫu trên cơ thể mình, cái giải phẫu sẽ ảnh hưởng suốt đời mình thì không nên vội vàng. Tôi xin ghi lại những lời tiêu biểu như sau như là một cái máy thâu băng:
– Dân Việt làm gì có cái đầu mũi nhọn. Mũi có thể đâm thủng tờ báo!
– Cái sống mũi bén quá có thể dùng cắt dưa hấu được!
– Da mặt căng nhiều lần quá chắc phải cạo râu mỗi sáng vì râu ở bộ phận phía dưới rốn bị kéo lên tới cằm!
– Mắt sửa quá ngủ không nhắm được. Chết cũng không nhắm được. Nhìn mặt lúc nào cũng như đang ngạc nhiên (permanent surprise!).
– Cặp “ví” nhìn như trái “cantaloupe” cắt làm đôi.

David Letterman của đài CBS có nói là:
“Dù cho bạn có xấu xí cách mấy đi nữa. Luôn luôn có ít nhất một người yêu bạn và muốn lập gia đình với bạn”.
[No matter how ugly you are, there is always someone falls in love with you; someone wants to marry you.]
Câu nói này rất phải. Đâu chỉ riêng những người đẹp trai hay đẹp gái mới có vợ có chồng. Nếu lời nói đó chấp nhận được, thì sửa sắc đẹp là chuyện không cần thiết!

Riêng tôi, tôi chỉ xin phép được đóng góp một câu về vấn đề sửa sắc đẹp như sau:
“.Trong cuộc sống vật chất này, nếu chỉ có một vật được coi là thiêng liêng thôi, thì đó phải là thân thể cha sinh mẹ đẻ của mình.”

Ghi chú:
(*) “Plastic”, derived from the ancient Greek word “plastiko,” meaning to mold, to form to reconstruct.
(Hoa Huỳnh chuyển)

Xóa tan đau mỏi toàn thân chỉ nhờ bài tập với bóng tennis

Mỗi ngày ngủ có vài tiếng, thời gian làm việc với điện thoại, máy tính, rồi rong ruổi đi lại thì dường như vô tận… Ngày qua ngày, cuộc sống hối hả và xô bồ để lại những cơn đau ê ẩm nơi cổ, lưng, gối, chân…
Thế nhưng để hóa giải những cơn đau nhức dai dẳng này, bạn chỉ cần một vật dụng rẻ tiền: bóng tennis.
1. Đau lưng

Để giảm áp lực lên các cơ vùng lưng do tư thế ngồi hoặc đứng sai, bạn có thể làm như sau: Nằm ngửa trên mặt sàn, đặt 2 quả bóng tennis theo chiều dọc, giữa xương sườn và cột sống thắt lưng (không đặt trực tiếp dưới xương sống). Sau đó di chuyển cả hai bên hông, để quả bóng lăn và massage lưng. Nếu muốn, bạn có thể đặt quả bóng vào chiếc tất để chúng không bị lăn.
Hít thở sâu và lặp lại động tác trên trong 5 phút. Bạn sẽ nhận thấy cơ vùng lưng giãn và cảm thấy dễ chịu hơn.
2. Đau cổ

Sau hàng giờ ngồi  trước màn hình vi tính, đau mỏi cổ gần như là điều khó tránh khỏi. Để thư giãn cơ vùng này, bạn nằm ngửa trên sàn, và đặt hai quả bóng tennis (nên đặt trong túi hoặc trong chiếc tất) ở sau gáy, ngay dưới xương sọ, để đầu tựa lên quả bóng. giữ tư thế này trong 1 phút.
Chầm chậm thực hiện động tác gật đầu trong 1 phút, sau đó nghiêng đầu sang hai bên như thể bạn đang lắc đầu từ chối. Động tác này cũng kéo dài 1 phút.
Cuối cùng, nghiêng đầu sang 1 bên, gật đầu vài lần; rồi làm ngược lại, nghiêng đầu sang bên kia, gật đầu vài lần.
3. Đau hông

Đau ở vùng hông thường xuất hiện khi bạn đi giày không phù hợp, hoặc khi ngồi quá lâu. Để giảm đau, bạn nằm trên mặt sàn, đặt quả bóng ở một bên hông. Khi đã giữ được thăng bằng trên quả bóng, từ từ di chuyển hông theo hình tròn 12 lần theo chiều kim đồng hồ và ngược lại. Sau đó lặp lại tương tự với hông bên kia.
4. Đau vai

Giảm căng cơ, đau ở vai rất đơn giản: nằm ngửa trên mặt sàn, đặt một quả bóng tennis dưới vai. Sau đó di chuyển vai theo mọi hướng có thể. Thực hiện trong 3 phút và bạn sẽ nhận thấy các cơ ở vai được thư giãn gần như ngay lập tức.
5. Đau gối

Nếu gối bạn bị đau, bài tập sau đây có thể sẽ hữu ích: ở tư thế ngồi, gập đầu gối và đặt quả bóng ở khoeo chân. Gập chân sao cho quả bóng bị ép giữa đùi, tựa như đang cố nghiền nát quả bóng, đếm đến 10 rồi thả lỏng. Lặp lại 8-10 lần, sau đó thực hiện tương tự với bên gối còn lại.
6. Đau mỏi chân

Đau mỏi bàn chân là cơn đau thường gặp có ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Để giảm đau và thư giãn, bạn đặt một quả bóng dưới gan bàn chân, ngồi trên ghế để giữ thăng bằng, và để gót chân chạm sàn, đặt trọng lượng cơ thể lên gót chân. Thở sâu trong 30s đến 1 phút, sau đó từ từ di chuyển bàn chân sang hai bên để quả bóng lăn tròn dưới gan bàn chân. Lặp lại động tác này từ 1-2 phút. Tiếp theo dùng gan bàn chân lăn quả bóng từ trước ra sau, từ gót chân đến ngón chân trong 1-2 phút. Sau đó thực hiện tương tự với bên chân còn lại.
7. Đau tay

Sử dụng chuột máy tính nhiều là một trong những nguyên nhân chính gây đau tay. Để giảm đau với bóng tennis, bạn ngồi trên sàn, đặt một tay lên quả bóng. Tay còn lại đặt lên trên và cố gắng dồn toàn bộ trọng lượng lên bàn tay này. Giữ tư thế trong 1 phút đồng thời thở sâu. Sau đó di chuyển quả bóng sang hai bên và trước sau. Cuối cùng đổi tay và thực hiện động tác tương tự.
Mặc dù thoạt đầu những quả bóng tennis có thể gây cảm giác cứng và không thoải mái, nhưng sau khi thực hiện xong những bài tập này, bạn sẽ cảm thấy các khối cơ được thả lỏng, và cơ thể tràn trề năng lượng. Mấy ai có thể nghĩ rằng 2 quả bóng tennis làm được mọi điều này?
Theo Hefty
Đại Hải.

(Từ daikynguyen.com)

Cẩm nang về trò chuyện phòng ngừa lạm dụng tình dục trẻ em được phát hành tại Việt Nam



Scand Asia News, ngày 24/5/2017
(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)

Một số cha mẹ có thể cảm thấy rất tự tin khi giải quyết các vấn đề cụ thể như dạy con mình những giá trị đúng và sai. Nhưng điều gì xảy ra khi họ muốn nói chuyện cởi mở với trẻ nhỏ về thân thể, giới tính và ranh giới của chúng? Làm thế nào để họ dạy cho trẻ em khi còn nhỏ rằng không ai có thể động chạm vào cơ thể của chúng mà không được phép, hoặc giúp chúng phản ứng lại khi chúng cảm thấy bị đe dọa hoặc không thoải mái?
Cuốn cẩm nang “Respect! My Body!” (Hãy tôn trọng! Đây là cơ thể của tôi!) Có thể là một công cụ rất quan trọng để giúp đỡ. Được phát hành bởi Save the Children Thụy Điển là một phần của chiến dịch phòng ngừa lạm dụng tình dục trẻ em, nó cung cấp lời khuyên và gợi ý cho cha mẹ và người lớn khác về cách dạy trẻ em ở mọi lứa tuổi khác nhau trong việc bảo vệ bản thân khỏi bị lạm dụng tình dục và cách nói chuyện công khai về tình dục, các bộ phận cơ thể, chạm tay an toàn và không an toàn, và những gì không cho phép người lớn làm khi tiếp xúc với trẻ em.
Trước đó, cuốn cẩm nang này chỉ có sẵn bằng tiếng Thụy Điển, Anh, Tây Ban Nha và Ả Rập. Hiện nó đã được dịch sang tiếng Việt và được phát hành tại một sự kiện ở Hà Nội.
Pereric Högberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, đã tham dự buổi lễ ra mắt cuốn cẩm nang tại Trường Trung học Cơ sở Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Nhiều hiệu trưởng và người đứng đầu trường tiểu học và trung học, các tổ chức, truyền thông và đặc biệt là các bậc cha mẹ quan tâm cũng đã có mặt trong sự kiện này.
Sự kiện này do Đại sứ quán Thụy Điển, Văn phòng Cứu trợ Trẻ em Việt Nam của Save the Children Foundation và Chương trình Nghiên cứu Xã hội và Internet thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đồng tổ chức.
“Không có công việc tốt hơn và khó khăn hơn việc làm cha mẹ. Thời điểm chúng ta trở thành cha mẹ, cuộc sống của chúng ta thay đổi và mối quan tâm lớn nhất của cha mẹ là làm thế nào để đảm bảo con cái họ lớn lên an toàn, lành mạnh và hạnh phúc. Tuy nhiên, trẻ em thường có nguy cơ và thậm chí bị tổn hại. Gần đây, ở Việt Nam, công chúng đã được thông báo về một số trường hợp lạm dụng trẻ em, bao gồm tấn công tình dục. Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2016 có hơn 1.200 trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em ở Việt Nam. Sự thiệt hại này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ em”, bà Dragana Strinic, Giám đốc Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Việt Nam, nói trong bài phát biểu của mình tại lễ ra mắt.
Chia sẻ quan điểm, Đại sứ Pereric Högberg nhấn mạnh. “Đầu tư cho trẻ em và thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa và bảo vệ chúng khỏi bị bạo lực và lạm dụng là ưu tiên của chúng ta. Việc lạm dụng trẻ em ở bất kỳ quốc gia nào ở Thụy Điển hoặc Việt Nam hoặc trong bất kỳ môi trường và hoàn cảnh nào là không thể chấp nhận và chắc chắn là bị lên án”, ông nói.
“Là cha mẹ và người lớn, chúng ta thường tránh những chủ đề mà có thể thúc đẩy sự sợ hãi hoặc tư duy không thích hợp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, kinh nghiệm ở Thuỵ Điển cho thấy rằng việc có những cuộc nói chuyện cởi mở với trẻ em về quyền tự thân mình và những giới hạn về tiếp xúc thân thể là rất quan trọng,” ông đại sứ nói thêm.

BIÊN CƯƠNG HÀNH-Pham Ngọc Lư và Bài Cảm Nhận Của Huỳnh Xuân Sơn,Mai Xuân Thanh

Để tưởng niệm nhà thơ Phạm Ngọc Lư vừa mới mệnh chung tại Đà Nẵng ngày 27-5-2017, xin mời đọc lại bài Biên Cương Hành để thương tiếc một nhà thơ có tâm có tài. 
Vhp.Hạ Vũ





         Biên Cương Hành
                  Phạm Ngọc Lư
Biên cương biên cương chào biên cương
Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương
Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
Núi chập chùng như dãy mồ chôn
Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng già bạt núi non
Mùa khô tới theo chân thù địch
Ta về theo cho rậm chiến trường
Chiến trường ném binh như vãi đậu
Đoàn quân ma bay khắp bốn phương
Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oan hờn
Đá mang dáng dấp hình chinh phụ
Trơ vơ chóp núi đứng bồng con
Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương
Biên cương biên cương đi biền biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng đường
Trông núi có khi lầm bóng vợ
Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương
Thôi em, sá chi ta mà đợi
Sá chi hạt cát giữa sa trường
Sa trường anh hùng còn vùi dập
Há rằng ta biết hẹn gì hơn?

Đây biên cương, ghê thay biên cương !
Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông
Hãi hùng chưa trời hoang mây rậm
Mùa mưa về báo hiệu tai ương
Quân len lỏi dưới tàn lá dữ
Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn
Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc
Ma thiêng còn ngán bọn cô hồn
Cô hồn một lũ nơi quan tái
Có khi đã hóa thành thú muông
Cô hồn một lũ nơi đất trích
Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng
Chém cây cho đỡ thèm giết chóc
Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương

Đây biên cương, ghê thay biên cương!
Tử khí bốc lên dày như sương
Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu
Rừng núi ơi ta đến chia buồn
Buồn quá giả làm con vượn hú
Nào ngờ ta con thú bị thương
Chiều hôm bắt tay làm loa gọi
Gọi ai nơi viễn xứ tha phương?
Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận?
Ai người thiên cổ tiếc máu xương?
Em đâu, quê nhà chong mắt đợi
Hồn theo mây trắng ra biên cương
Thôi em, yêu chi ta thêm tội
Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
Hoặc ngày ta mắt nhắm tay buông
Thôi em, chớ liều thân cô phụ
Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
Há một mình ta xuôi biên tái
Nhất khứ bất phục phản” là thường!
Thôi em, còn chi ta mà đợi
Ngày về: thân cạn máu khô xương
Ngày về: hôn lễ hay tang lễ
Hề chi! Buổi chinh chiến tang thương
Hề chi! Kiếp cây rừng đá núi
Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương.
PHẠM NGỌC LƯ 
                           Tháng 5. 1972 

Bài của Huỳnh Xuân Sơn

Đến thành phố Tuy Hòa một chiều cuối thu 2014, nhờ tôi rất thích ý thơ “Đa tình cái gió Tuy Hòa mặn… Vô tình con  mắt Tuy Hòa nhọn. Cắm  xuống hồn thơ tiếng thở dài” mà được biết đến tên tác giả Phạm Ngọc Lư… Thời gian ngắn sau, nhờ bút danh Huỳnh Xuân Sơn mà anh nhầm tôi với một “tu mi nam tử” nào đó, để rồi tôi lại có duyên kết bạn với anh, dẫu “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình.”
 Tôi đã tìm đọc những bài thơ của tác giả Phạm Ngọc Lư, phần lớn là những tác phẩm viết trước năm 1975 trên mảnh “đất Phú trờiYên” nơi anh đã từng sống và dạy học.

Hai hôm trước tôi tìm tên tác giả và gặp rất nhiều trang web có đăng Biên Cương Hành. Sẵn có thiện cảm với Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị, Tống Biệt Hành của Thâm Tâm hayHành Phương Nam của Nguyễn Bính… nên tôi bấm vô Biên Cương Hành

Đọc một lần xuôi, thêm một lần ngược, 66 câu thơ trong Biên Cương Hành làm tôi sởn gai ốc và thấy sống lưng mình lạnh toát. Trước đây tôi đã có cảm giác này hai lần với hai bài thơ của hai tác giả, một già, một trẻ  khác, cùng chung đề tài về những người lính đã “mãi mãi tuổi hai mươi”.
Hai ngày đã  trôi qua, nhưng những câu chữ trong Biên Cương Hành cứ luẩn quẩn trong đầu, để rồi giờ đây tôi ngồi đọc thêm một lần nữa:
........................

Ngày bài thơ ra đời ở Phú Yên thì tại một ngôi làng nhỏ trên thượng nguồn Sông Thương thuộc vùng đất Kinh Bắc, tôi mới chỉ là cô bé lẫm chẫm tập đi… Cho tới bây giờ tôi chưa bao giờ phải chứng kiến chiến tranh, chưa bao giờ nghe tiếng bom rơi đạn nổ, sự tàn khốc của chiến tranh tôi chỉ cảm nhận qua sách vở và phim ảnh.
Với Biên Cương Hành, tôi thật ngạc nhiên và bị cuốn theo từng câu chữ, như những nét vẽ, mà tác giả đang họa ra toàn cảnh bức tranh về vùng đất biên cương ngay trước mắt mình vậy…Biết là rất khó nhưng tôi thật khó cưỡng lại ý muốn viết những cảm nhận của riêng mình, về những gì tôi đã nhìn thấy, nghe thấy, thậm chí ngửi thấy, cầm nắm được qua những câu thơ của một nhà giáo trẻ, nay đã không còn trẻ nữa: Phạm Ngọc Lư.
Bên tai như có tiếng gọi nơi biên cương thúc giục và tôi bắt đầu Hành Biên Cương

Biên cương biên cương chào biên cương
Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương
Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
Núi chập chùng như dãy mồ chôn

Tổ quốc nào, vùng lãnh thổ nào, cũng có những dải biên cương. Nhưng liệu có được bao nhiêu dải đất gắn trên mình hai chữ “biên cương” mà nặng như đất mẹ Việt Nam. Cùng tác giả “chào biên cương” thôi mà sao day dứt thế này nhỉ? Biên cương nào, ở đâu trên suốt dặm dài đât nước này? Nếu chỉ “núi cao rừng thẳm” thì dọc dãy Trường sơn hùng vĩ hôm nay đây, xưa kia là một chiến trường mà tác giả đã thấy “máu đã nuôi rừng xanh…”và“Núi chập chùng như dãy mồ chôn” Ôi ! đất mẹ Việt Nam ơi! Có lẽ nhiều địa danh gắn trên thân thể mẹ  nay cây xanh phủ kín, thậm chí vườn tược hay những ngôi nhà đã mọc lên…Năm 1972 ấy… tác giả Hải Minh một người lính già hôm nay khi nhớ lại chiến trường Thành Cổ Quảng Trị anh đã viết “Có một mùa hè không hoa phượng. Đỏ trên cây là máu bạn bè tôi”( Hè). Cũng năm 1972 đó, tác giả Phạm Ngọc Lư đang dạy học ở thị xã Tuy Hòa tỉnh Phú Yên, không ra trận, chưa hề biết mặt chiến trường nhưng lại viết Biên cương hành.  Anh cho biết những cảm xúc đầu tiên đến từ sự thất bại của quân đội Miền Nam trong cuộc hành quân qua Hạ Lào đầu năm 1971. Và, ngay lập tức mùi chết chóc của chiến tranh khốc liệt  bủa vây quanh tôi

Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng già bạt núi non
Mùa khô tới theo chân thù địch
Ta về theo cho rậm chiến trường
Chiến trường ném binh như vãi đậu
Đoàn quân ma bay khắp bốn phương
Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oan hờn

Chiến trường gắn với chữ gió Lào hẳn là Đường 9 Nam Lào và mặt trận Quảng Trị-Thừa Thiên.Có lẽ Biên Cương này không thể thiếu  các cao điểm dọc tuyến đường ác liệt ấy qua Kon Tum, Gia Lai…Rồi những địa danh như Lao Bảo,  Khe Sanh, Pleime, Đắc Tô…Bỗng nhiên tôi muốn hỏi  câu thơ “Chiến trường ném binh như vãi đậu”? Ai ném? Ném cho ai?Ném đi đâu ? Vì sao lại mang quân ra mà“ném như vãi đậu”?.Để rồi đậu lại nảy mầm thành một “Đoàn quân ma bay”… Bay đi đâu hỡi những oan hồn các chàng trai trẻ tuổi hai mươi! Sao lại dồn thành những “Lớp lớp chồm lên” và nỡ nào lại “đè bẹp núi”. Núi còn đang chở nặng những “oan hồn” nảy sinh từ các cao điểm dọc Hạ Lào…Ngay lúc này, hơn bốn mươi năm đã trôi qua kể từ những ngày tàn khốc nhất cuộc chiến tranh ấy, nhưng nhắc đến Đường 9 Nam Lào, nhắc đến Hạ Lào, nhắc đến nhiều địa danh thuộc vùng đất giữa hai nước Việt- Lào ấy, hẳn rất nhiều người, không kể họ có tham gia trận chiến hay không, vẫn còn thấy hiển hiện nỗi đau mất mát, mà có lẽ mãi mãi không có sử gia nào thống kê và ghi chép được đã có bao nhiêu người lính trẻ vĩnh viễn “tuổi hai mươi”.

Ca dao xưa có câu Đống Đa xưa bãi chiến trường. Ngổn ngang giặc chết vùi xương thành gò” xem ra xác quân thù xâm chiếm bờ cõi thời Quang Trung chẳng thấm tháp vào đâu so với “Chiến trường ném binh như vãi đậu” và hậu những cái vung tay mà ném ấy. Mãi mãi là những nỗi đau kéo dài nhiều thế hệ…
Đời người lính thật đơn giản trước cái chết “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” đã qua hàng ngàn năm vẫn còn nguyên tính thời sự..Hay như cái nhìn đưa tiễn của người cha anh lính trẻ Phùng Khắc Bắc “Bố tôi nhìn tôi bằng cái nhìn vuốt mắt” hỏi trên thế giới này có nơi đâu có những ánh mắt chia ly đau đớn hơn không? Và rồi phía sau trận chiến “ném binh như vãi đậu” ấy là những nỗi niềm riêng, nhưng không đơn lẻ. Chinh phụ chờ chồng, không chỉ vài Nàng trên cả đất nước nữa…mà là :

Đá mang dáng dấp hình chinh phụ
Trơ vơ chóp núi đứng bồng con
Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương
Biên cương biên cương đi biền biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng đường

Từ thủa xa xưa, hình ảnh người chinh phụ ngóng chờ người chinh phu, đã lưu truyền bằng những truyền thuyết, Nhưng biết bao nỗi xúc động trào dâng  khi nghe: “Đời xưa đời xửa vua gì? Có người đứng ngóng chồng về đầu non.Thế rồi mong mỏi mong mòn. Thế rồi hóa đá ôm con. đứng chờ (Hòn vọng phu 2-Lê Thương). Mới hay người trai ra trận dù “Lệnh vua hành quân trống kêu dồn” hay là theo lệnh cầm súng lao lên cứ điểm…Họ đều không màng sự sống chết hay hậu cuộc chiến họ được gì? mất gì? Nhưng người chinh phụ chờ chồng đến hóa đá, người phụ nữ thời hiện đại chờ chồng, chờ con, chờ cháu đến mỏi mòn, đến không chờ được nữa…Nào có thể hóa đá mà cứ âm thầm ôm nỗi đớn đau mà chờ đợi, chờ đợi cả khi kết cục là  sự mất mát. Nhưng ngay trong nỗi mất mát lại nghẹn đắng niềm vui vỡ òa “Mẹ vỗ tay reo mừng xác con”. Thời nay hỏi mấy ai hiểu cái vỗ tay rụng rời tâm can trong bài ca “Hát trên những xác người” của Trịnh Công Sơn ấy. Nhưng với Biên Cương Hành thì “Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương” . Vọng Phu  trên dải đất hình chữ S vốn chỉ có ba:  một ở Đồng Đăng , Lạng Sơn, một ở Núi Bà Phù Cát Bình Định và một trên dãy Vọng Phu ở Khánh Dương..Vậy trong Biên Cương Hành sao lại nhiều Vọng Phu thế? Có phải mỗi người lính“chưa hết thanh xuân đã cùng đường” khi họ ngã xuống, sẽ có rất nhiều người phụ nữ hóa đá? Họ có thể là bà, là mẹ. là vợ, là em gái hay là người yêu, thậm chí là bạn thân của người lính đó…Nếu quả đúng vậy thì với những “ném binh như vãi đậu” của hai bên chiến tuyến  trong suốt “trường kỳ kháng chiến” .Xin được hỏi đá nhiều ? hay vọng phu nhiều?

Người phụ nữ  thì đã vậy, nhưng những người lính ngoài những lúc lao lên giữa mưa bom bão đạn chẳng màng sống chết. Họ cũng là những con người bình thường, cũng có những phút giây sống cuộc sống đời thường, họ cũng nhớ nhà, cũng nhớ người thân và đặc biệt là vợ hay người yêu…
Trông núi có khi lầm bóng vợ
Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương
Thôi em, sá chi ta mà đợi
Sá chi hạt cát giữa sa trường
Sa trường anh hùng còn vùi dập
Há rằng ta biết hẹn gì hơn ?

Nỗi cô đơn khủng khiếp là đây! “Trông núi có khi lầm bóng vợ. Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương” một sự nhân cách hóa, một hình tượng ví von thể hiện rất thành công về tâm tư người lính. Tôi xin mượn lời anh lính già Hải Minh để nói về tâm tư người lính những lúc bom ngừng rơi, đạn ngừng nổ:“Nỗi khát yêu của lính - đói rét, bom đạn, kể cả cái chết họ cũng không sợ, cái họ sợ là nỗi cô đơn, cô đơn đến mất ý chí, đến phát rồ phát dại -Trần  truồng chạy trong rừng gào gọi tình yêu. Cũng không biết bao nhiêu người ngã xuống có trở thành thiên sứ không khi mà họ còn trinh trắng?”

Nhưng cô đơn là thế, thèm khát là thế, nhưng người lính họ không nghĩ cho mình mà lại nghĩ cho Em. Bởi với họ không hẹn được ngày về. Thôi thì chỉ biết xin Em đừng chờ đợi. Chờ đợi phỏng có ích gì khi mà “Sa trường anh hùng còn vùi dập”. Mỗi cá nhân người lính họ đã coi mình chỉ là “hạt cát” giữa sa mạc mà thôi! Thật đau lòng, nhưng cũng đầy tính nhân văn cao cả của người lính…
Biên Cương Hành đang còn thúc giục phía trước Sau khi đã chào biên cương, đã biết một phần của biên cương, đây là một mảng màu khác nữa của Biên Cương:

Đây biên cương, ghê thay biên cương !
Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông
Hãi hùng chưa trời hoang mây rậm
Mùa mưa về báo hiệu tai ương
Quân len lỏi dưới tàn lá dữ
Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn
Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc
Ma thiêng còn ngán bọn cô hồn
Cô hồn một lũ nơi quan tái
Có khi đã hóa thành thú muông
Cô hồn một lũ nơi đất trích
Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng
Chém cây cho đỡ thèm giết chóc
Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương

Một thầy giáo trẻ đứng ngoài cuộc, nhưng vẫn chứng kiến và cảm nhận cuộc chiến những năm ác liệt nhất ấy! Rừng thiêng nước độc lại là nơi nương náu chở che những người con của Mẹ, những chàng trai nước Việt..Lớp lớp cây rừng hay lớp lớp máu xương chất chồng để núi mỗi ngày một cao, máu chảy khiến mỗi khe vực một sâu hơn…Tàng lá rừng được nuôi dưỡng bằng máu xương người chết phải chăng vì vậy mà nó thành “tàn lá dữ..” Lá xanh xao hay những khuôn mặt xanh xao vì sốt rét vì khói súng ám nhiều ngày tháng. Hình ảnh “lá xôn xao” và nó phải “xanh mặt hoảng hồn” trước “sát khí đắng đằng” của ai mà rừng phải “dựng tóc”?! Chả lẽ là những gương mặt “tuổi hai mươi” đang tuổi yêu đương và mơ mộng đấy ư? Không lý trước“trời hoang mây rậm” để “mùa mưa về báo hiệu tai ương”. Những người lính trẻ bất chấp cả mạng sống lao lên lại là những “Cô hồn” làm cho lũ “ma thiêng còn ngán”. Thật khó để cho tôi cảm được những gương mặt“cô hồn nơi quan tái” hay “cô hồn nơi đất trích”.Nhưng những hành động của người lính ngoài những  khi xung trận thì họ “Vỗ đá mà ca hát ngông cuồng”, hay “chém. cây cho đỡ thèm giết chóc”… phải chăng là hành động vô thức? hay nhằm thỏa nỗi cô đơn? Hay bản tính thiện của con người đã bị thay đổi?
Từ ngàn xưa các cụ đã đúc kết “Non sông dễ đổi bản tính khó rời”! Vậy phải chăng cơn thèm giết chóc ấy chỉ là những lúc cô đơn nản chí đến cùng cực mà bộc phát ra cái thèm khát “ghê sợ ấy”? Hay là nỗi khát khao  rất thật, rất tình thể hiện bản năng con người trỗi dậy khi mà không thỏa cái”Thèm môi mắt gái” dẫu cho “gái buôn hương” cũng chẳng có, mới sinh ra các cơn thèm khát ghê sợ kia… Câu hỏi này thật khó có thể có câu trả lời nào thỏa mãn được mọi góc khuất trong trái tim những người lính nơi Biên Cương ấy! Thôi thì cứ mang theo câu hỏi ấy mà Hành Biên Cương tiếp, cũng không nặng thêm là bao nhiêu nữa đâu? Tôi tự nhủ mình như vậy và Hành tiếp:

Đây biên cương, ghê thay biên cương !
Tử khí bốc lên dày như sương
Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu
Rừng núi ơi ta đến chia buồn
Buồn quá giả làm con vượn hú
Nào ngờ ta con thú bị thương
Chiều hôm bắc tay làm loa gọi
Gọi ai nơi viễn xứ tha phương ?
Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận ?
Ai người thiên cổ tiếc máu xương ?

Ba câu hỏi liền nhau theo sau hành động “bắc tay làm loa gọi” của những người lính không là chủ thể của nỗi buồn mà lại là người đến để chia buồn  với núi rừng trùng điệp đang “ứa máu” trước mùi “tử khí dày như sương”. Đá vô tri còn biết chảy mồ hôi! Vậy người lính chia nỗi buồn ? hay lại nhận thêm nỗi buồn đây? Khi tự nhận “buồn quá” nên “giả làm con vượn hú”. Hành động này thật thê thảm, đang làm một con người lại đi làm một việc giả làm con vượn, ngược đời đến thế là cùng…Chả biết giả Vượn hú được bao lâu thì nhận ra mình “con thú bị thương”. Khi bị thương con thú theo bản năng sẽ lồng lộn lên mà chống trả. Nhưng những người lính này biết chống trả lại ai đây? Bắc loa gọi “giữa sơn cùng thủy tận” ôi! Cũng một kiếp người! cũng một đời lính chiến…chắc chắn từ cổ chí kim không mấy người tiếc máu xương cả, ngay cả những người lính này cũng thế! Cuồng nộ, phá phách rồi họ cũng trở lại bản tính thiện của con người như bao chàng trai bình thường khác, biết yêu, biết thương, biết giận hờn, biết hy sinh vì người khác và điều quan trọng họ đã nhận ra mình từ đâu tới đây! Và tới để làm gì giữa chốn rừng thiêng nước độc đầy mùi tử khí, toàn cảnh chết chóc…Nhưng họ không thể làm gì khác bởi họ là lính…

Em đâu quê nhà chong mắt đợi
Hồn theo mây trắng ra biên cương
Thôi em, yêu chi ta thêm tội
Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
Hoặc ngày ta mắt nhắm tay buông
Thôi em chớ liều thân cô phụ
Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường 
Biên Cương Hành đã qua với nỗi niềm chịu đựng chờ đợi của những Vọng Phu chỉ còn biết hóa đá mà đè núi xương, dõi sông máu ngóng chồng..Nay đã tới khúc các “cô phụ” Thân hình em còn hiện diện trên “phố đông người qua” hay bên dòng sông quê mẹ mỗi chiều, chờ đợi tin về từ chiến sự, mỗi ngày chứng kiến những người góa phụ “Say đi để thấy mình không là mình” hay “Ôm mồ cứ tưởng ôm hình người yêu” (thơ Lê Thị Ý nhạc Phạm Duy). Nhưng họ vẫn son sắt một khối tình không phai, một lời hẹn nào có thể sai. Ở “quê nhà chong mắt đợi.Hồn theo mây trắng ra biên cương”.Chỉ một mong mỏi ngày đoàn tụ. Trong lòng họ cũng mỏi mòn, cũng đau đớn lắm chứ, chờ đợi trong vô vọng…Biết ngày về của người mình yêu thương mong nhớ sẽ ra sao… Người lính nơi biên ải cảm nhận rõ điều ấy qua nhịp đập trái tim “con người”nhưng cũng chỉ biết khuyên người yêu thương chờ đợi mình rằng“Thôi em! yêu chi ta thêm tội”. Tội gì? Yêu lính là có tội ư? Tôi đã từng nghe những lời ca về tình yêu của lính như :“Ai nói với em lính không sầu nhớ…Không có trái tim đắm say mộng mơ.Ai nói với em tình người lính trẻ. Nồng nàn nhưng nhiều dâu bể, không như cung đàn lời thơ…” (Ai Nói Với Em - Trần Thiện Thanh)
Hay “ Cùng mắc võng trên rừng Trường sơn. Hai đứa ở hai đầu xa thẳm. Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Trường sơn đông nhớ Trường sơn tây. Một dãy núi mà hai màu mây’.(Trường Sơn đông Trường Sơn tây- Hoàng Hiệp) ..
Vậy mà nay trong Biên Cương Hành người lính lại khuyên người con gái “Thôi em chớ liều thân cô phụ” với bức tranh chiến trường toàn màu mây xám ngắt bủa vây tình yêu của người lính? Để lý giải cho điều mình nói những người lính ấy đã biết :

 Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
Há một mình ta xuôi biên tái
“Nhất khứ bất phục phản” là thường !

Tích xưa Kinh Kha đi hành thích Tần Thủy Hoàng chỉ có một sông Dịch. Nay trong Biên Cương Hành có hàng trăm dòng sông Dịch mà là dòng sông Lạnh..Sông Bến Hải, Cửa Tùng, hay Serepok. Hoặc bất kỳ con suối nào trên đại ngàn Trường sơn, dọc Hạ Lào hay  chảy theo tuyến lửa 1C là hàng trăm con kênh rạch nơi miền Tây sông nước…Đâu đâu cũng là sông Dịch và mỗi người lính của hai bên chiến tuyến là một Kinh Kha thời hiện đại ư? Khi tác giả lấy câu thơ trong Hoàng Hạc Lâu “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản” (Thôi Hiệu) phải chăng anh đã nghĩ thân phận người lính chốn sa trường như cánh hạc kia “Bay đi không bao giờ trở lại” là thường! Biết “Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về”, biết “Há một mình ta xuôi biên tái” nhưng đời lính là như thế! Thì cũng chỉ còn biết nói với em, nói thay cho đồng đội, nói thay cho những người “vừa nằm xuống chiều qua” và nhiều ngày qua đã chưa kịp nói,. Nói với Em hay nói với mình, nói với hậu thế:
Thôi em, còn chi ta mà đợi
Ngày về thân cạn máu khô xương
Ngày về hôn lễ hay tang lễ

Với những người lính “hôn lễ hay tang lễ” họ không thể nào biết trước, hay nói đúng hơn không thể chọn lựa cho mình dẫu muốn hay không!
Họ chỉ biết và cảm nhận rất rõ rằng:

Hề chi ! buổi chinh chiến tang thương
Hề chi ! kiếp cây rừng đá núi
Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương

Nếu là hôn lễ thì  niềm vui, hạnh phúc sẽ mỉm cười, nhưng nhiều người lính sẽ về bằng tang lễ…
Còn nếu không may mắn bởi bom đạn vốn không có mắt mà họ phải về  cùng “tang lễ” thì họ vẫn còn may mắn hơn nhiều người đã không bao giờ có một tang lễ đúng nghĩa vì thân thể họ đã hòa vào đất, tan vào nước Biên Cương…
Tôi đã cùng tác giả Hành Biên Cương đến vùng biên cương cuối cùng, nhưng vẫn không có một địa danh cụ thể nào trong suốt hành trình này. Với riêng tôi Biên Cương trong Hành Biên cương phải chăng là những địa danh lưu dấu tích suốt bốn mươi năm tiếng súng ngưng vẫn còn đó. Một dòng Bến Hải “Cả dòng sông là một nghĩa trang trôi” , Một thành cổ Quảng Trị, một Đại lộ kinh hoàng, Một Khe Sanh, một Hướng Hóa, một đường 9 Nam Lào,một lộ máu số 7, một ngôi mộ 3000 người ở An Lộc Bình Long, hay tuyến lửa 1C sắt còn bị nung chảy bởi bom đạn…
Biên Cương Hành viết theo lối thơ cổ phong trường thiên độc vận, có một ít điển tích và đã ra đời hơn bốn mươi năm…Mỗi bạn đọc sẽ có cho mình những cảm nhận riêng . Và đây là cảm nhận của cá nhân tôi, thế hệ cháu con của tác giả về một tác phẩm viết theo cảm xúc của một thầy giáo trẻ chứng kiến chiến tranh..chứ không trực tiếp cầm súng…
Rất mong nhận được sự lượng thứ từ bạn đọc nếu như có điều sai sót.
Sài Gòn 18/12/2014
Huỳnh Xuân Sơn
Ghi chú về Phạm Ngọc Lư
TIỂU SỬ NHÀ THƠ PHẠM NGỌC LƯ 
(Trích trang bìa sau của thi tập ĐAN TÂM - Thư Ấn Quán tái bản)

Sinh năm 1946 (Bính Tuất) ở Vĩnh Xuân, Phú Vang, Thừa Thiên
Ngụ cư Đà Nẵng từ 1994 
Cựu sinh viên Hán Học Viện và Đại học Văn khoa Huế
Bước vào con đường văn chương trong những năm sống và dạy học ở Tuy Hòa trước năm 1975
Cảm tác từ bài Biên Cương Hành

BIÊN CƯƠNG BỜ CÕI VIỆT

Những tấm hình minh họa rõ ràng,
Biên cương đối mặt thật nguy nan.
Rừng xanh đẫm máu anh hùng tận,
Núi thẳm mồ chôn cánh đại bàng.
Giữ đất giang sơn quân chiến trận,
Canh bờ cõi Việt lính hiên ngang.
Người yêu, mộng ước không lưu luyến,
Góa phụ, chinh phu khổ mấy nàng!

Mai Xuân Thanh 
Ngày 29 tháng 01 năm 2015

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NGÀY XUÂN ĐỌC THƠ XƯA của LÊ CẢNH TUÂN (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                 NGÀY XUÂN ĐỌC THƠ XƯA                                                 Cuối năm, lần giở lại góc Vi...