Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Những chiếc bóng của đời sống

Lê Thị Thấm Vân
Văn Việt trân trọng giới thiệu tạp bút của nhà văn Lê Thị Thấm Vân, những nghiền ngẫm rã rời về thân phận người đàn bà… Và không phải là đàn bà nói chung, mà là đàn bà Việt Nam, trong xã hội hiện tại.
Đúng là chỉ đàn bà mới cám cảnh và đồng cảm tới tận cùng những gì mà một người đàn bà Việt Nam công-dân-hạng-hai, đang cố mà sống, mà tồn tại, cùng với những thân phận người Việt Nam khác…
Văn Việt

Một đêm hè ở Hà Nội khó ngủ. Tôi dậy thả bộ loanh quanh vài con đường giữa lòng phố. Những dãy nhà, hàng quán hầu hết đã đóng cửa. Hơn mười một giờ, xe cộ thưa thớt. Khuôn mặt Hà Nội ban đêm im lắng, trầm mặc. Trời vẫn còn hâm hấp nóng. Tôi đi chầm chậm, thú vị với những cơn gió mát bất thần phà tới, lướt trọn trên mặt và hai cánh tay trần. Trên đầu là những nhánh cây giăng ngang. Ngước nhìn, tôi tưởng như trăm ngàn cánh tay nắm, nối liền nhau, rồi chìa ra trong trời đêm.
Đang đi, bỗng dưng điện cúp. Trời đất, nhà cửa, cảnh vật tối om một màu. Những ngọn đèn đường biến mất. Vài chiếc xe băng qua hắt cho chút ánh sáng tạm bợ yếu ớt. Thấp thoáng đó đây là đóm đèn leo lắt, chập chờn trong màn đen. Tôi hình dung ra những cụ bà sống cuộc đời thách thức thời gian, tạo hóa. Ban ngày họ ngồi ở vỉa hè thành phố. Khuôn mặt, thân thể còn lại chỉ là da bọc xương. Ngày tháng sống sót của họ ở trần gian này có thể đoán, đếm được trên đầu ngón tay. Những cụ bà cụ tôi gặp trong ngày, bất cứ chỗ nào và lúc nào cũng làm tôi chạnh lòng, không thể không ngồi xuống hỏi han trò chuyện, để rồi băn khoăn xót xa trong những ngày lê la ở đất Hà Nội ngàn năm văn hiến.
                              ***
Lịch sử văn minh nhân loại diễn ra bất cứ nơi nào, ở đâu cũng có những điểm tương đồng. Nghĩa là phải trải qua từng ấy chặng đường, từng ấy giai đoạn, từng ấy khổ đau mới thấu hiểu được người đàn bà cần gì, muốn gì, nghĩ gì, làm gì. Lịch sử văn minh nhân loại có cái hay cái dở. Một trong những cái dở là loài người chỉ được tạo thành bởi sự suy nghĩ của đàn ông. Nhân loại chỉ mới nghe "male voice" chứ chưa được nghe "fermale voice". Có history phủ nhận herstory. Đàn bà bị đối xử như vật sở hữu, tài nguyên, công cụ đẻ con, sản xuất của cải. Thử nghĩ, nếu đàn bà cùng đàn ông "lãnh đạo" lịch sử loài người thì thế giới ngày nay ra sao? Có cần phải trải qua những cuộc thánh chiến, thế chiến, nội chiến? Một thời bên Âu châu tin rằng người đàn bà được tạo dựng bởi cái xương sườn của người đàn ông. Bên Phi châu và Trung Đông, bé gái phải cắt hoặc khâu một phần bộ phận sinh dục để gìn giữ trinh tiết cho đàn ông, và cũng để đàn ông dễ dàng kiểm soát sự khoái lạc. Ở Ấn Đô, chồng chết vợ phải hỏa táng theo chồng. Ở Trung Hoa, quan niệm: Mười đứa con gái không bằng một đứa con trai. Qua tới Việt Nam trở thành bi hài gấp bội: Một trăm đứa con gái không bằng hòn dái đứa con trai. Người đàn bà Việt Nam vừa thoát khỏi đạo đức Khổng Mạnh ngự trị hàng ngàn năm. "Trọng nam khinh nữ". "Nữ tử vô tài tiên thị đức". Con gái không có tài, nghĩa là có đức. Đàn bà càng ngu dốt càng dễ bị đàn ông sai khiến. Đàn bà dưới thời phong kiến Nho gia, được chỉ dạy lề lối sống“tam tòng tứ đức" không ngoài mục đích phục vụ đàn ông. Thân phận người đàn bà Việt Nam nổi trôi theo vận nước điêu linh. Hy vọng rồi thất vọng. Nỗ lực rồi tuyệt vọng. Bao nhiêu oan nghiệt, trớ trêu, đau đớn cứ đổ đè, chồng chất lên vai các bà. Các bà chỉ biết nén tiếng thở dài, cắn răng nuốt ngược dòng nước mắt. Tuyệt đối không được kêu ca, oán trách, một mình âm thầm chịu đựng, dốc hết sức bình sinh để vượt qua, tồn tại với cuộc đời.

Năm 1917, cách mạng Cộng Sản Nga ra đời, hứa hẹn một nhà nước vô sản, lý tưởng như sống trên thiên đường: Làm theo khả năng và hưởng theo nhu cầu. Phụ nữ có toàn quyền chính trị, quyền công dân, quyền bình đẳng về tất cả mọi phương diện. Nhưng thực tế, “Thiên đường Cộng Sản" là một cách chuyển tiếp vai trò người đàn bà từ trách nhiệm trong gia đình ra ngoài xã hội. Đàn bà được dùng như là sách lược đấu tranh hơn là cứu cánh. Đàn bà vẫn là công dân hạng nhì. Hai đòn gánh trĩu nặng trên vai người đàn bà Bắc Việt. Từ những gánh rau, gánh củi, gánh hàng rong phụ chồng nuôi con. Nay gánh thêm đất đá, bom đạn, lương thực để chiến đấu chống Mỹ, xây dựng Xã hội chủ nghĩa. Bổn phận người đàn bà Việt Nam là làm vẻ vang gia tộc. Trách nhiệm là làm rạng danh tổ quốc, trong khi phải luôn đối đầu với nhiều bất hạnh cùng một lúc.
Kinh tế nghèo nàn, chính trị bất ổn, xã hội phong kiến, văn hóa lạc hậu, gia đình bất công. Đàn bà Việt Nam hứng chịu đủ mọi thiệt thòi trong nhà ngoài cửa. Margaret Walker, nhà văn nữ da đen Mỹ, trong bài tiểu luận "Là Đàn Bà, Da Đen, Và Tự Do Sáng Tạo": "Nhà văn không thể sáng tác được nếu cứ phải đương đầu với sự đói rách, bệnh hoan, mệt mỏi, lo âu, phiền muộn... Nhà văn có thể xoay xở một trong những điều này, nhưng không thể tất cả cùng một lúc".
Người đàn bà để được sống còn trong xã hội Việt Nam phải biết chịu đựng, nhẫn nhục, trung thành, và hy sinh. Đàn bà được chỉ dạy phải luôn sống cho người khác. Người đàn bà không được nói, sống thật với điều mình suy nghĩ, ước muốn. Trong thời chiến tranh, đàn bà miền Bắc khi nghe tin con tử trận, phải giấu dòng nước mắt kẻo người khác thấy, cho là đã nhụt chí, yếu đuối, không yêu nước thương nòi. Đồng thời phải có tinh thần phục vụ, đối tượng là đàn ông. Hy sinh là đức tính tốt nhưng sao chỉ đàn bà mới phải hy sinh. Hy sinh cho đàn ông được quyền tự do làm người. Rồi đưa đạo lý ra ca tụng, đánh bóng vai trò đàn bà, cho đàn bà "cưỡi cọp" không ngoài mục đích làm nô lệ cho đàn ông. Khổ không dám than. Chó bị đánh đau còn biết sủa huống chi là người. Đàn bà bị tước đoạt mọi quyền sống, quyền làm người. Quyền lợi là xa xỉ phẩm. Đàn bà sinh ra để làm con, làm vợ, làm mẹ, làm dâu, làm em, làm chị, làm dì, làm cô, làm thím, làm bà nội, bà ngoại... Khi còn con gái, bổn phận là phải lo toan cho mọi người trong gia đình. Khi lấy chồng, gánh vác luôn giang san nhà chồng. Bao nhiêu đạo lý, luật lệ chằng chịt quấn quanh bà. Lấy chồng, sinh con năm một. Trung bình mỗi bà có đến tám hoặc mười đứa con. Vừa đẻ vừa nuôi, rồi có thai, lại đẻ, lại nuôi... cứ thế kéo suốt tuổi thanh xuân. Về già, xác thân yếu ớt, suy nhược, bất lực, tuyệt vọng, côi cút một mình.
Tôi chạnh lòng nghĩ tới những người đàn bà như những chiếc lá thu cuối mùa. Cả ngày ngồi lặng lẽ trên vỉa hè Hà Nội. Thân thể nhỏ nhắn thảm thương, vừa nép vừa dán sát, thậm chí như dựa cả người vào tường. Mảnh tường là vật duy nhất có thể che chở được bà. Trước mặt bà là cái bàn con cùng mấy cái ghế gỗ thấp, xỉn màu thời gian. Hũ kẹo lạc, bánh sữa, cái đĩa đựng vài chung trà nhỏ như lòng bàn tay hàng chục năm không bao giờ rửa. Ống thuốc lào bằng tre kê dưới đất, sát chân bà ngồi. Cái đèn dầu con, lửa quanh năm leo lét. Khách hàng là phu xích lô, ba gác, dọn dẹp đường phố..., toàn giới lao động tay chân. Họ dừng lại hàng bà, tiếp sức bằng cách rít sâu điếu thuốc lào, uống ực chung trà nóng, bỏ vào miệng viên kẹo lạc, rồi phóng lên xe đạp tiếp. Những động tác kể trên được trả bằng vài trăm bạc. Tiền thối lấy ra từ túi áo, mà thời gian cũng dài như những chung trà không bao giờ rửa. Túi áo luôn luôn được gài kim cẩn thận. Bà nhận tiền bằng hai bàn tay gầy đen như hai que củi, run rẩy, yếu ớt. Hai con mắt hết nhìn rõ số tiền. Cố đoán bằng hình vẽ, màu sắc, và mấy ngón tay sờ mó quen thuộc lâu ngày. Hai con mắt đó giờ đây là cái giếng sâu, cạn khô nước.
Những bức tượng dựng lên, được đặt bằng những cái tên hoa mỹ: Mẹ Liệt Sĩ, Hòn Vọng Phu, Nữ Đồng Chí… để ca tụng tấm lòng quả cảm, hy sinh, nhẫn nhục, chịu đựng, trung thành… trải dọc miền Bắc. Mỗi lần nhìn những bức tượng trắng toát giữa trời như thế, tôi liên tưởng tới hình ảnh những bà già lụ khụ nép mình dưới những hàng hiên dọc thành phố Hà Nội. Tại sao phải đợi họ chết, nhà nước mới phong thánh cho họ, rồi bắt cả nước tôn thờ. Trong khi các bà còn sống ngồi đầy ngoài kia thì lại cố tình quên lãng? Những bà cụ trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.Hai cuộc chiến tàn bạo nhất thế kỷ hai mươi. "Ông nhà đâu rồi hả bà?". "Ông nhà mất mấy chục năm nay". "Sao cụ không ở nhà trông cháu?". "Chúng nó lớn cả rồi". "Con cái cụ đâu? Sao lại để cụ phải ngồi bán như thế này?". "Con cái chết trận hết cả rồi". Hoặc, "Con cái chưa tự nuôi nổi chúng, làm sao nuôi được tôi?".
Phong tục cổ truyền người Việt Nam là kính trọng người lớn tuổi. Con cái phụng dưỡng cha mẹ già không còn áp dụng trong xã hội Việt Nam thời hậu chiến. Cảnh mẹ già, mái tóc bạc phơ, cái miệng móm cười cười không răng ngồi bao quanh đám con cháu, nay chỉ còn tìm thấy trong môn giáo khoa thư ở các lớp học miền quê. Những người đàn bà đêm về ngủ biết sáng mai còn dậy được chăng? Nói chi qua mùa đông mưa gió lạnh thấu xương đất Bắc. "Tháng mười hai bà già chết cóng". Những người đàn bà suốt đời chỉ biết gồng gánh rau cải, muối gạo nuôi nấng bầy con. Cùng chồng, đánh đuổi thực dân Pháp, cùng con, xẻ dọc Trường Sơn chống Mỹ. Biết bao thây người hy sinh chôn vùi, rã mục ở trận Điện Biên Phủ, dọc đường mòn Hồ Chí Minh, hay trên lộ trình Nam tiến.
                                     ***
"Con ơi nắm chặt đôi vành thúng
Mẹ gánh con qua tuyến lửa này
Mai mốt mẹ về nơi cố quận
Xây nhà con ngủ giấc mê say".
Bốn câu thơ trên tôi đọc được trong tờ báo chợ ở thành phố Seattle vào đầu thập niên 80, không ghi rõ xuất xứ tác giả, nhưng mỗi khi nhớ lại, tim trong lồng ngực tôi vẫn còn thắt mạnh. Bốn câu thơ ngắn ngủi, nhưng chuyên chở biết bao tình ý, tấm lòng, sức sống của người mẹ Việt Nam trong thời khói lửa binh đao.
Hy vọng, dỗ dành, can trường, đương đầu, yêu thương, không bỏ cuộc. Nhưng khắc nghiệt là, sau bao nhiêu hy sinh, thống khổ, gian nan, chịu đựng, nhẫn nhục, trung thành bà được lại những gì? Ngoài sự bạc đãi, đớn đau, vô lý, bất công, chỉ vì bị, lỡ, làm đàn bà, mà là đàn bà Việt Nam. Giờ đây, sau hai mươi năm đất nước thanh bình, thống nhất, các bà vẫn còn hiện hữu nơi đây, trước ngọn đèn dầu leo lắt như nắm nhang thắp sẵn trước mộ phần. Tôi mong đây là hình ảnh khổ đau cuối cùng trên quê hương.Hình ảnh người đàn bà như được thượng đế tạo dựng, rồi quên mất. Các bà cũng sẽ theo chồng theo con về bên kia thế giới. Nơi đó, tôi tin chắc rằng, tấm lòng bà thanh thản, bình an hơn khi ở thế gian này. Không kháng chiến chống thực dân Pháp. Không hận thù đế quốc Mỹ.Không phân biệt quốc gia – cộng sản.Cầu mong hồn bà sớm được siêu thoát.
                                   II
"Về Việt Nam, ai cũng mong gặp được điều tốt đẹp nhất. Nhưng phải nhớ rằng, bất cứ thứ tệ hại nào cũng có thể xảy ra!". Cô bạn tôi, theo chồng về Việt Nam ở hai năm, qua lại Mỹ, nhiều lần cảnh báo bạn bè như thế.
Những người đàn bà tôi tình cờ gặp trên phần đất Nam Việt Nam. Biến cố 30/4/1975 đổ ập tới, khi tuổi xuân vừa chớm, không trở kịp tay, một sáng một chiều bỗng biến họ thành những "Thiếu phụ Nam Xương" hiện đại, bất đắc dĩ. Người chồng vừa mới quen hơi, đứa con đầu lòng đang ngọ nguậy trong bụng, căn nhà còn nằm trong giấc mơ, dự tính, phấn son tô môi mới chỉ dùng một góc, nay phải từ bỏ tất cả. Chồng bị lùa vào trại cải tạo. Người thiếu phụ "chưa xong con gái chưa hẳn đàn bà" phải nhảy xổm ra, lăn xả một hai với đời, tập tành kiếm sống bằng đủ mọi cách, mọi ngành nghề. Nhưng toàn nghề chụp giựt, sống qua bữa. Từ đứng chợ trời đến ngồi xổm bán từng nắm xôi, đếm từng ly cà phê mà vẫn không đủ ăn. Phải bán dần mọi thứ đồ đạc trong nhà. Ti vi, quạt máy, bộ bàn ghế, chiếc áo dài, quần đen, thậm chí áo lót mòn đăng ten cũng mang ra rêu rao năn nỉ người mua. Chắt chiu kiếm từng đồng bạc để thăm chồng trong trại cải tạo, nuôi bầy con không cha như chim lạc đàn.
Chị Lộc là một trong những người đàn bà nằm trong sổ đoạn trường này. Số phận chị trái với cái tên tiền định ba má chị đặt cho. Chị có khuôn mặt hao hao giống cô giáo dạy toán tôi năm lớp sáu. Khuôn mặt dài và gãy, lưỡng quyền cao, đôi mắt lá răm, chiếc răng khểnh phía bên trái. Chỉ khác là, cặp chân mày của chị rậm như hai con sâu róm vắt ngang, còn cô giáo toán của tôi thì cạo sạch rồi vẽ đậm lên. Mỗi sáng vào lớp, tôi cứ hồi hộp lo sợ cô vẽ không đều. Nhớ một buổi sáng, cô vẽ bên phải cong vòng, bên kia nửa vòng. Cả lớp ngồi cười thầm trong bụng, nhưng chẳng đứa nào dám lên nói cho cô biết. Suốt giờ học tôi cứ áy náy, có nên nói cho cô biết không? Chuông reo. Trước khi cô ra khỏi lớp, tôi thu hết can đảm đến gần nói cho cô biết. Tôi là đứa dở toán, nhưng từ sau buổi sáng đó, điểm toán tôi được "nâng" cao hẳn.
Lần cuối nhìn thấy cô - trước ngày chạy loạn tháng tư năm bảy lăm mấy hôm - cô lái xe Honda đèo ba đứa con nhỏ, bụng đang mang bầu. Chị tôi bảo, chồng của cô, giáo sư dạy triết lớp chị, lớp mười hai, đang cặp với cô học trò, và cô học trò cũng đang có bầu. Tôi nghe, chợt nhớ mái tóc dài của cô bỗng dưng một ngày cắt ngắn, uốn quăn, bận áo dài màu sắc rực rỡ hơn, khuôn mặt trang điểm kỹ càng hơn, nhưng buồn bã hơn. Tất cả chỉ vì cố giữ chồng, cha của những đứa con cô.
Tôi theo chị Lộc về chỗ ở của chị. Nhà nằm trong con hẻm nhỏ vừa đủ cho một người di chuyển một chiều cùng chiếc xe đạp. Nếu gặp người đi ngược, một trong hai phải dừng, hoặc nếu cần, chắc phải xô nhau mà đi. Đây là một trong muôn ngàn con hẻm hẹp, rối chằng chịt trong thành phố Sài Gòn, nhưng không có tên trên bản đồ. Con hẻm vào nhà chị lầy lội, dơ bẩn, lềnh bềnh rác rưởi sau những cơn mưa ứ đọng. Mùi thối xông lên ngạt mũi.
Tôi xắn cao quần, dò dẫm bước theo chị từng bước một. Căn nhà chị ở, trần lợp mái tôn, chung quanh che bằng gỗ lẫn những tấm carton loại dày, cứng, in hình ti vi hiệu Sony, máy hát, karaoke, tủ lạnh. Chiều dài, rộng chỉ khoảng hơn năm bước sải của tôi. Nơi dung thân của hai vợ chồng, ba đứa con và đứa cháu ngoại. Chỗ ở nóng nảy, chật chội, bừa bộn, hôi thối. Tôi có mặt nơi này chỉ hơn nửa tiếng mà có cảm tưởng là đang bị tra tấn, tù ngục. Chị kể tôi nghe đủ thứ chuyện.
Đứa con trai lớn hư hỏng. Chị than lỗi tại chị sanh nó thiếu tháng, vì sau mấy lần cố tống nó ra, bằng cách ăn thật nhiều rau răm, cuối cùng không được, đành phải bó bụng thật chặt, sợ hàng xóm biết chị có thai hoang. Đứa con mỗi sáng sớm ra quán cà phê ngoài ngõ, ngồi cho đến trưa. Mệt, về nhà ngủ, tối "moi" tiền tiếp đi nhậu.
Đứa con gái kế, sáng bán gánh chè ngoài ngõ, chiều làm thêm nghề đan nón. Lấy chồng được ba năm, có đứa con, chồng bỏ xứ đi làm ăn nơi khác, rồi biền biệt từ đó.
Đứa con gái út bị câm từ ngày lọt lòng. Chị có thêm nó sau khi chồng thả về từ trại cải tạo, tù vượt biên. Chị giao đứa út cho trời đất, hàng xóm nuôi giùm. Nó đi loanh quanh trong xóm, lê la hết nhà này sang nhà khác, từ sáng tới tối. Nói về đứa con út, chị cứ chậc lưỡi mãi, bảo đó là sự lầm lẫn, ngu si của chị, vì đã không kiêng cử phòng ngừa.
Chị mới ngoài bốn mươi, mà trông như bà già sáu mươi. Mặt đen sạm vì phơi nắng. Mắt, miệng, giọng nói, dáng đi của người dù không biết hoặc để ý tướng số như tôi cũng phải nhận ra ngay là số chị chưa, hoặc sẽ không bao giờ có một ngày thanh thản, bình an trong đời. Nhìn cái giường, đúng hơn là cái chõng tre đầy đồ đạc trên đó. Linh tinh thập cẩm. Áo quần, mền gối, nồi niêu, bình trà, gáo múc nước, hộp tăm, quạt, nón, chổi lông gà. Bên trên cái mùng trũng gần sát mặt gường, cũng một đống đồ ngổn ngang chứa đựng gì trong đó. Tôi không thể đoán được màu của cái mùng, vì nó quá bẩn.
Nhìn chị, nhìn cái giường, bỗng dưng tôi nhớ câu ca dao vừa trìu mến vừa gợi tình kín đáo mà tôi rất thích. "Anh về để áo lại đây. Đêm khuya em đắp gió tây lạnh lùng". Người con gái nào lại chẳng trải qua một thời ươm mơ dệt mộng. Những giấc mộng thầm kín, ấp ủ làm nẩy nở thân xác và thăng hoa tâm hồn. Chị Lộc, như những nàng thiếu nữ lớn lên trong xã hội, mà nơi đó, được chỉ dạy rằng, là thiếu nữ muốn được yêu thì phải đáng yêu. Đáng yêu đây, đồng nghĩa với sự mềm yếu, nhẹ nhàng, dịu ngọt, dễ thương, chỉ biết gật đầu, làm đẹp để cho mọi người ngắm và khen ngợi.
Người con gái luôn được đàn ông, con trai dạy bảo, nhắc nhở rằng, sự quyến rũ đáng yêu nằm trong sự yếu đuối, mảnh mai, nương dựa. Nhưng trong thực tế, bước qua lằn ranh thiếu nữ để trở thành đàn bà có con, người đàn bà nhận thấy ngay rằng, để tồn tại, họ phải bản lĩnh và mạnh mẽ, từ thể xác đến tinh thần. Quên đi lời người yêu từng thủ thỉ, "Hãy dựa vào vai anh, tùy thuộc vào anh. Anh hứa sẽ đùm bọc chở che em suốt đời". Càng sống càng nhận ra tất cả chỉ là ảo tưởng, lời hứa hẹn suông.
Đàn ông Việt Nam thời chiến và hậu chiến rất cần sự bảo bọc, che chở từ đàn bà. Nếu người đàn bà nào không bảo bọc, che chở, lo lắng được cho họ, họ sẽ rũ áo ra đi, hoặc nếu ở lại, thì là "ăn bám" hoặc là "của nợ”. Người đàn bà yêu mình càng ít càng tốt, và phải tự hiểu rằng, trong xã hội phi nhân, phi nghĩa, phi lý này, phải biết bám lấy sự dũng mãnh để sống còn, phải biết tự lực cánh sinh, nghĩa là phải làm trái ngược những gì xã hội, văn hóa chỉ dạy, xúi bảo mình hành xử.
Trái với điều tôi hình dung thời con gái đã dạt xa của chị, tôi lo lắng nghe chị kể về người chồng vô dụng ngay sau khi trở về từ trại cải tạo và tù vượt biên. Anh hoàn toàn sống bám vào chị, đã thế, lại còn rượu chè say sưa tối ngày. Sau một ngày chị làm lụng vất vả, nhọc nhằn ngoài đường, những đồng tiền phải vội giấu mỗi mơi một ít. Trong áo lót, trong sạp gạo, dưới gối, dưới hũ nước mắm, dưới chân giường. Lòng cứ thấp thỏm lo sợ thằng con ăn cắp đi đánh bạc hoặc chồng lên cơn nghiện rượu. Mỗi lần con xin chị không đưa, phải bịt hai tai để khỏi nghe tiếng chửi thề đụ má đụ mẹ.
Chồng hỏi, chị không đưa, anh dọa nạt, có khi kéo tóc, xô đẩy, hoặc đánh bầm mặt chị. Có hôm anh rủ rê chị lên giường, "Thấy ảnh tội nghiệp, bị năn nỉ quá, tui chiều. Xong xuôi, tui bận quần vào, bao nhiêu tiền giấu trong lưng quần không cánh mà bay. Cô nghĩ có tàn nhẫn không chớ. Tiền tui để dành định tráng lại cái nền xi măng đặng mấy má con, bà cháu ngủ cho mát...". Rồi cũng chính chị tự an ủi, "Trong xóm tui ai cũng khổ như tui, có người còn khổ hơn, mình cũng thấy đỡ tủi. Như bà hàng xóm ở xéo trước mặt, bị bệnh tiểu đường mấy năm nay, hai con mắt sắp bị mù, lâu nay có người chồng lanh lợi, tháo vát, chạy áp phe mang tiền về nuôi, giờ thằng chả trở chứng chạy theo đứa con gái tuổi mới bằng đứa con út". Tôi ngồi nghe chị nói, kể, than, tâm sự... mà lòng ngán ngẩm.
Không lý cả một đất nước, lấy khổ đau của người khác làm thước đo hạnh phúc của mình. Thay vì nhìn lên thì phải nhìn xuống, để sống. Gần bốn thập niên trở lại đây, phong trào nữ quyền bắt đầu dấy mạnh. "The Second Sex" của Simone de Beauvoir xuất bản lần thứ nhất ở Pháp năm 1949. Cuốn sách đầu tiên nghiên cứu về nữ giới nghiêm túc, có hệ thống. Bà đi từ huyền thoại, lịch sử đến vấn đề hiện đại. Cổ võ người đàn bà nên suy nghĩ độc lập. Phải can đảm, dám phiêu lưu, chấp nhận mọi thử thách, phá bỏ những qui luật, công ước do xã hội vạch sẵn.
Sau đó, Betty Friedan, năm 1963 xuất bản ở Mỹ cuốn "The Feminine Mystique" khuyến khích người đàn phải biết tự do lựa chọn. Niềm hạnh phúc và đóng góp có thể trong gia đình hoặc ngoài xã hội. Vấn đề là thực hiện điều mình mong muốn. Người đàn bà phải được đối xử công bằng và bình đẳng, như thế mới thể hiện được sự độc lập, làm chủ bản thân, và tham gia mọi vấn đề, sinh hoạt chung.
Tiếp theo sau, là một đội ngũ nữ giới khắp bốn phương tiên phong tiếp tay phong trào phụ nữ. Họ xuất hiện trên mọi lãnh vực, mọi ngành nghề. Từ chính trị, tôn giáo, xã hội, luật pháp, giáo dục đến văn chương, phim ảnh, y tế, môi sinh, kế hoạch hóa gia đình. Nhưng họ vẫn còn ở trên những bước đầu. Mấy chục năm nữ giới góp tiếng nói chưa thể sánh với mấy ngàn năm nam giới có tiếng nói. Tuy nhiên, thế giới hiện đại cũng đã hé mở cánh cửa cho người đàn bà bước vào. Người đàn bà có cơ hội sống với sự chân thật và ước muốn. Được góp tay, chung sức đứng cạnh người đàn ông. Đàn ông là cha, chồng, anh, con, bạn trai, đồng nghiệp của họ.
                   III
Chính quyền Việt Nam ngày nay phải có nhiệm vụ bảo vệ người dân, kể cả đàn bà. Phải bài trừ tệ nạn chà đạp nhân quyền và nhân phẩm người đàn bà "thấp cổ bé miệng” như trường hợp chị Lộc. Những bạo động, đánh đập, bóc lột, hà hiếp người đàn bà trong gia đình ngoài xã hội vẫn chưa có luật pháp, hoặc biện pháp nào ngăn chận, bảo vệ người đàn bà một cách hiệu quả, an toàn.
Những người đàn ông ngày nay còn áp chế, hành hung đàn bà, là do sự hèn nhát, thiếu tự tin, đầy mặc cảm và nhất là, male ego còn đeo nặng. Người đàn bà nào, bất cứ ở đâu, làm nghề gì, cũng phải được đối xử bình đẳng. Với đàn ông, đàn bà không có sự thua kém, mà chỉ có sự khác biệt. Người đàn bà ở những nước văn minh tiến bộ tương đối may mắn hơn những người đàn bà ở các nước chậm tiến. Họ được quyền tìm kiếm, lựa chọn, đòi hỏi, dù rằng trong quá khứ, vai trò người đàn bà gần như bị phủ nhận, hoặc bị miệt thị, bạc đãi. Nhưng không phải vì thế mà đàn bà ngày nay phải quay ra thù hằn, chán ghét, oán trách đàn ông, hoặc phải làm tất cả những gì người đàn ông từng làm.
Đàn bà ý thức điều mình muốn làm và làm một cách trọn vẹn, vì lợi ích chung. Không nhất thiết phải dùng đàn ông như là cái thước đo hoặc như là chủ đích để mình đạt tới.
                                      ***
Tôi đứng dậy xin phép chị Lộc về, sau khi đưa chị số tiền tương đương chị đầu tắt mặt tối ngoài đường vài tháng. Còn tôi, đó chỉ là một bữa ăn tối ở một tiệm trung bình cùng vài người bạn. "Tiền cô thương cho, tui đội ơn. Tui để dành mua thuốc suyễn uống. Mấy hôm nay, nó cứ hành từng cơn, cả đêm tui có ngủ được đâu".
                                         IV.
Hàm Tân, cái làng nhỏ nằm trên đường ra miền Trung tôi có dịp ngang qua, và đã dừng lại nơi đó một ngày, một đêm. Làng với vài ngàn nóc nhà, mỗi nóc nhà trung bình cũng phải trên dưới bốn người. Hai vợ chồng và một bầy con sống lúc nhúc như bầy lợn chẳng khác nào "Nhà Mẹ Lê" của Thạch Lam.
Bên cạnh "đặc điểm" của đất Hàm Tân là đông con, còn những đặc điểm khác nữa là không điện, thất học, siêng năng đi nhà thờ. Hầu hết dân trong làng làm nghề đập đá. Bé Lan tôi gặp trong căn chòi nhỏ bên vệ đường dẫn tôi vào xóm. Em chừng mười tuổi. Nhìn em, tôi nghĩ tới cọng cỏ dại mọc tràn quanh căn chòi. Những cọng cỏ liu điu, hiu hắt, buồn buồn. Khuôn mặt em cũng thế, không chút hồn nhiên của tuổi thơ.
Việt Nam hiện nay với dân số là 74 triệu, trong đó 54 phần trăm là phái nữ và em là một. Lan tay xách nách mang hai đứa em nhỏ. Em nói còn hai đứa nữa đang ở nhà. Hai đứa em như hai con khỉ đeo cứng lấy mẹ. Một đứa có áo thì không có quần, đứa kia có quần lại không có áo. Cả hai đứa mũi dãi chảy lòng thòng. Tôi dừng lại, ngồi xuống hỏi thăm trò chuyện cùng em và bà bán quán. Những trái ổi xanh mơn mởn vừa hái, cuống và lá xanh vẫn còn bám chặt, bày trên đĩa nhựa. Tôi nhìn trái ổi rồi nhìn em, nghĩ tới tuổi thơ của mình. Trời nóng như lò lửa, em bận bộ đồ ngắn tay, hoa màu xanh nhạt. Mặt và trên hai cánh tay trần lấm tấm những vết thâm nhỏ, như bị đậu mùa, nhìn kỹ có cái đã thành sẹo, có cái vừa kéo da non, và có cái còn đang mọng nước và mủ. Tôi nhìn không thể không tò mò, "Da em bị sao vậy?". "Bị đá văng vào". "Sao lại bị đá văng vào?". "Tại đập đá". "Sao lại đập đá?", Em lúng túng. Bà bán quán chen vào cắt nghĩa. Mấy năm nay vì nhu cầu xây thêm nhà cửa trên tỉnh, nhờ đó cả làng có công ăn việc làm.
Sáng ra, cả đoàn người đi vào núi, núi cách làng khoảng mười cây số. Người đi xe đạp, người đi xe bò, người đi bộ. Cùng nhau đào từng tảng đá khuân về bán. Nếu may mắn được tảng đá vuông vức, độ hai lóng tay bề ngang bề dọc thì bán được bảy trăm đồng - tương đương bảy xu tiền Mỹ, còn không may thì khuân về chất ngoài sân để vợ con ở nhà đập nát bán ký. Bà kể thêm cảnh đập đá bằng búa. Đá đập nát vụn văng tứ phía. Không thể tránh đá văng vào người, ghim vào da, có người bị đá đâm vào mắt.
Tôi tưởng tượng ra ngay cảnh đá văng tung tóe vào mặt, mũi, tóc, tay, chân. Đá ghim vào da, lấy tay gỡ, chảy máu, lở lói, rồi lành, rồi lở. Những thân thể còm cõi thiếu ăn nhưng thừa sức sống, ý chí sống còn. Nhìn em, rồi nhìn vạt cỏ dại khô ngoài căn chòi sao mà hắt hiu, thê lương quá đỗi. Tuổi em vừa lên mười sao đã lắm trọng trách. Cơm nước, coi em, đập đá. Một ngày em ăn được mấy chén cơm nguội với cá kho khô? Từng này tuổi, em đã phải đóng vai làm mẹ, làm con, làm chị. Nhiều trách nhiệm đeo trên vai làm sao em lớn. Trí óc và thân thể làm sao phát triển, hả em?
Thằng em nhỏ thức dậy sau một giấc ngủ say, vội vã kiếm chị, nhưng mắt lại mải nhìn tôi, vấp phải chân bàn, ngã chúi, những viên bi trong túi rớt ra, lăn dài trên nền đất. Những viên bi tròn, trong xanh như mắt em. Bao thế hệ đi trước em đã hy sinh, chỉ mong cho con, cho cháu như em được sự bình an, no ấm trong một xã hội nhân hòa, bác ái. Đúng ra giờ đây em đã phải được đối xử công bằng và được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi.
Bất hạnh cho em sinh ra và lớn trong một đất nước nghèo nàn, lạc hậu. Chiến tranh tàn phá hàng ngàn năm. Nhà nước quản lý sai lầm. Em được hưởng những gì trong một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, đổi mới? Diễn biến hòa bình - Hòa hợp hòa giải - Dân chủ tự do - Kinh tế thị trường. Tất cả chỉ là mỹ từ, sáo ngữ. Ở tuổi em, thay vì ôm sách tới trường mỗi sáng, chiều về học đàn, học vẽ, chơi thể thao, nghe nhạc và mộng mơ, em lại đèo bòng những đứa em, một bên xương chậu phải bành ra để đỡ lấy chúng. Cánh tay với những vết mưng mủ, thân hình còm cõi thiếu ăn, đầu óc trống rỗng. Nơi mà giáo dục và y tế đứng cuối cùng trên danh sách canh tân đất nước.
Bài toán của em cả nước phải cùng nhau ngồi lại giải, không chỉ riêng em. Tôi nhìn em rồi ngước nhìn trời, chợt nhớ tới anh bạn thi sĩ tôi mới quen ở Hà Nội. Anh lớn hơn tôi đúng hai con giáp. Thời chiến anh là bộ đội. Thời bình anh là nhà thơ. "Thế hệ anh là vật bị thiêu đốt. Là lửa, là cuộc chiến, là món hàng thí nghiệm.Thế hệ em là sự thiêu rụi, là hậu quả, là hậu chiến, là đống tro tàn. Thế hệ con cháu chúng ta là những cọng cỏ non mọc lên từ đống tro tàn, từ đống gạch vụn. Có thể chúng èo uột, mong manh, nhưng chúng chứa đựng mầm mống của sự sống. Là tương lai và hy vọng".
Tôi ngồi im lặng nghe anh nói, mà thầm nghĩ anh quả là người lạc quan. Điều may mắn cần thiết trời ban cho anh để tồn tại trong xã hội đầy dẫy tang thương, máu trộn đất này. Nhưng dù sao, ngay lúc này, tôi ước ao có anh ở cạnh bên tôi quá đỗi.

 

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...