Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017
…theo bàn chân đứa bé Inca - Nguyễn Minh (Tạp Chí Da Màu)
Du lịch đưa ta đi vào không gian xa lạ, cùng lúc giúp tâm hồn đi tìm cái mẫu số chung rộng lớn của nhân loại. Nhất là tại các vùng thiếu phát triển, con người nương tựa vào nhau. Đi đâu cũng thấy gia đình đùm bọc chia sẻ, bố mẹ bón cho con ăn, anh chị em đèo cõng nhau. Những giây phút thần tiên của tôi là ngồi trên xe buýt lúc người hướng dẫn tắt micro, nghe tiếng bánh xe lăn nhẹ nhàng, ngoài trời thời tiết đẹp, đầu óc mình thanh thản. Nhìn núi non, trời nước thiên nhiên, cảnh sinh hoạt trợ búa… Đầu óc suy nghĩ miên man tư lự – trông người lại nghĩ đến ta. Tôi nghĩ mình rất may mắn, nhất là khi nghĩ lại cả đời đã thấy nhiều chuyện đau lòng trong các bối cảnh xã hội khác nhau. Lớn lên khi tìm kiếm tình cảm bạn bè nam lẫn nữ, tôi cũng tình cờ đi kiếm hiện tượng mà mãi về sau mới hiểu: bạn thân của tôi ai cũng có cái buồn man mác. Hiểu cái buồn làm con người dễ cảm thông và liên tưởng – cùng ao ước làm sao đó tương lai sẽ bớt buồn hơn?
Tôi trở lại Lima sau 23 năm. Ngày xưa nghĩ sao có sức thế. Hôm trước còn mang con cắm trại ở Novia Scotia, lái xe qua các tỉnh miền Đông Nam Canada về đến Mỹ để sửa soạn hôm sau đi công tác Peru. Vội vã đi đến độ quên cả máy ảnh. Ngày đó đấy là vùng kinh tế đình trệ. Chiến tranh lạnh còn ảnh hưởng mạnh trên cách Nam Bắc Mỹ nhìn nhau. Phong trào Sendero Iluminoso – một phong trào chiến tranh du kích rất cẩn mật – nằm ẩn sau mọi thành phần xã hôi. Không biết tay chân của họ ở đâu và có thể tấn công lúc nào. Phong trào hấp dẫn một số thành phần trí thức, nhưng dân chúng lúc nào cũng hoang mang với những vụ khủng bố tàn bạo – thần tượng của họ là Mao Trạch Đông và cách mạng liên tục. Con buôn mua bán ngoại tệ đứng dầy đường dơ máy tính cầm tay làm hiệu. Không khí mang một nét bất ổn. Đâu cũng thấy lăn lộn bận rộn nhưng đời sống vẫn thiếu thốn. Người nhân viên địa phương lái chúng tôi đi thăm quanh thành phố trong một chiếc “con bọ VW”. Khi đậu xe, anh ta ngượng ngùng gỡ hai cái gạt nước mang theo vì sợ bị mất cắp. Anh ta nói tiếng Anh hay hơn cả mấy bạn Mỹ đi cùng với tôi vì đã tốt nghiệp ở Cambridge.
Tôi chỉ nhớ được khu Miraflores sang trọng, ăn uống vẫn ngon. Tôi thích món ceviche làm với bạch tuộc. Có cô tiếp viên hotel duyên dáng nói được tiếng Pháp vì trước học trường sơ bên Bỉ. Ngoài đường có các cô gái phấn xon lác mắt làm nghề xưa nhất trên đời; những đứa bé ăn xin; lác đác thổ dân Inca đi đứng chậm chạp nhưng dai dẳng, với thái độ chẳng cần vội vàng. Y phục của họ sặc sỡ, trái hẳn với khuôn mặt đậm nỗi buồn thân phận. Tôi ít thấy họ cười. Các cụ già thân hình ngắn ngủn có đôi bàn chân trai đá đi đất không mang giầy – rất to so với khổ người. Nhạc cụ độc đáo của họ là cái khèn zampoña (một tụm sáo trúc buộc chặt với nhau – nốt nhạc thay đổi tùy theo chiều dài của mỗi ống). Âm thanh khàn khàn nghe có gì thô sơ, thu hút và thân thuộc – nhắc đến thưở ấu thơ được nghe tiếng khèn Tà Ôi ở miền Trung.
Bố con tôi đến phi trường Lima vào buổi tối. Cảnh náo nhiệt không khác phi trường TSN. Mùa xuân bắt đầu ở Nam Bán Cầu, khí hậu mát dễ chịu. Sau hai ngày ở Lima cũng đúng khu Miraflores ngày xưa, chúng tôi bay lên Cuzco ở cao độ 4000m. Từ phi trường đã thấy các phụ nữ địa phương ra bán quà bánh – y phục kín đáo sặc sỡ, làm nhớ đến không khí cao nguyên hay thượng du ở Việt nam. Đặc biệt có món kẹo làm bằng lá cocoa để ngừa bệnh chóng mặt ở cao độ. Lá này là nguyên liệu làm cocaine. Tuy nhiên ở dạng nước uống hay kẹo, nó kích thích nhưng không có ma túy và được bán tự do. Khách sạn dọn như nước trà cả ngày. Tuy vậy nếu uống nhiều nước hay ăn kẹo cocoa về khuya thì tối sẽ khỏi ngủ!
Thổ dân vùng này cũng lấy vỏ bánh xe ô tô cũ cắt ra làm đế dép – rất giống dép Bình Trị Thiên của thời Việt Minh. Bố tôi – mang ảnh hưởng của thời kháng chiến và lúc nào cũng thực tế tiết kiệm – đã mua dép đó cho tôi đi, không khác gì những đứa bé da đỏ tôi thấy. Ngày tôi học ở trường tiểu học Tây Lộc ở Huế, nhiều đứa phải đi học chân đất bất kể mưa nắng. Tôi cũng nhiều khi bắt chước. Cảm giác đất bùn dưới bàn chân cũng có cái dễ chịu của nó, nhất là khi đôi bốt nội hóa không bao giờ giữ được đôi bàn chân cho khô ráo. Bao năm tôi vẫn nhớ được cái mùi ẩm ước của bàn chân rút ra từ đôi bốt/ủng ướt. Tối nào cũng phải mang bốt vào để vào cạnh bếp phơi cho khô, hôm sau lại phải làm lại. Dép Bình Trị Thiên không giữ chân khô nhưng cho phép không khí thông lưu. Đối với trẻ con, như vậy nhiều khi dễ chịu hơn.
Xe du lịch ghé qua một trường tiểu học để cho quà làm phúc. Đứng ngoài nhìn vào trông giống những trường tiểu học tôi thấy ngày bé ở quê nhà. Châu Mỹ La Tinh cũng quét vôi vàng trên tường xi-măng. Giữa sân cũng có cái cột cờ. Trẻ con trông nghèo, không khác gì ngày tôi đi học ở ngoại thành Huế. Hơi khác là trường có nhà bếp; có một nồi khoai tây to nấu bằng củi bạch đàn (khuynh diệp). Người ta giới thiệu các đứa trẻ với các đặc điểm khác nhau. Đứa trai bé nhất, rồi lớn nhất. Rồi đến phiên con gái cũng vậy. Nhưng có một học sinh làm tôi để ý nhất: đứa phải đi bộ xa nhất đến trường. Quần áo nó lấm bùn, mặt mũi lem luốc. Có những khuôn mặt âm thầm thoáng qua cuộc đời nhưng để lại bao ấn tượng. Cảnh núi non trùng điệp của Cuzco, khu trường ốc thô sơ và đứa bé mem luốc này làm tôi liên tưởng ngày tôi lớp tư (lớp 2 theo ngôn ngữ bây giờ) và thằng bạn cùng lớp tên Tạo.
Đó là ngay sau năm Hiệp Định Genève 1954, Huế được một giai đoạn yên bình ngắn ngủi. Những người cộng sản yên lặng trong công tác dân vận nằm vùng để đấu tranh lâu dài. Cho chính quyền mới mẻ ở miền Nam, viện trợ Mỹ đã đổ vào để giúp tạo ra một nước cộng hòa để thay thế chế độ quân chủ của một vị vua thích sự tiện nghi của miền Nam nước Pháp. Thủ tướng Ngô Đình Diệm, sau chiến dịch “Bài Phong Đả Thực” và trưng cầu dân ý đã thành tổng thống. Đối với thời điểm này, người ta cho phép hòa bình một cơ hội ngắn ngủi bởi vì tất cả mọi người đã kiệt sức. Đối với trí óc non nớt của tôi thì sẽ có hòa bình vì trong lòng mong ước như vậy. Mới 6,7 tuổi đầu tôi đã theo bố mẹ tản cư cả đời. Gia đình tôi vừa đoàn tụ lại được ở Huế năm 1953 – bố tôi từ Sài Gòn ra; bốn mẹ con tôi từ Hà Nội vào. Gia đình tôi ra khỏi đất Bắc một năm trước khi cuộc di cư ào ạt 1954. Trước khi ký Hiệp Định Genève, từ khu Cầu Kho, tôi đã thấy hỏa châu đầy trời trong những chanh chấp cuối cùng trước khi ngưng súng.
Ở đó, tôi đã đi đến trường giữa đám người xa lạ về giọng nói. Tôi suýt bị ở lại lớp năm (lớp một theo ngôn ngữ hiện nay) ở Trần Quốc Toản trong thành nội vì cả năm không hiểu cô giáo nói gì! Năm lớp tư (lớp hai), vì đổi nhà, tôi đi học ở Tây Lộc trong một ngôi trường mới xây trên đúng nơi ngày xưa vua Dục Đức đã bị Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết bắt giam và một là bị ép thuốc độc hay là bỏ đói cho đến chết. Họ phá nhà tù để xây trường, động viên cả học sinh trong các công tác khuân vác các viên đá cuối cùng. Đâu đó quanh trường hãy còn dấu vết tường đá cũ với những cây mâm xôi (raspberry) dại ra quả bé, ngọt và thơm. Lớn lên du học tôi mới được ăn lại quả này.
Giáo dục trở lại sau nhiều năm gián đoạn. Học trò lớn bé lẫn lộn trong cùng một lớp – không kể một số nhóc từ vùng xa lang bạt đến đây. Tôi còn nhớ có thằng người Nam duy nhất, bảnh trai và tự tin, có đôi bốt/ủng tây đẹp nhất trường. Tôi thuộc thành phần "con nít", bị một số bạn bè ganh tị vì có bố làm công chức, và nhất là được đi học đúng tuổi. Những đứa lớn hơn đã có nhiều kinh nghiệm đời – đã nhìn thấy chiến tranh và cái chết. Có một đứa mất một bàn tay; lúc cưa tay không có thuốc mê (nó không nói với tôi chuyện khủng khiếp này; đến lúc trưởng thành tôi mới tình cờ khám phá ra vì nó kèm học cho vợ tôi sau này!). Bọn lớn chỉ chơi với nhau, coi thường và không chơi với bọn “con nít”. Tạo là một trong những đứa lớn này, nhưng nó vẫn lủi thủi một mình. Có tin đồn là nó bị mồ côi và sống với bà con cũng nghèo. Đó là cảnh giật gấu vá vai rất thông thường ngày đó. Có hai đứa anh em họ học chung lớp. Đứa mồ côi ở đợ nhà chú phải nghỉ trước (nó học giỏi nhất lớp!). Năm sau thằng em cũng phải thôi luôn vì nhà nghèo. Cảnh đứa bé đứng lên sụt sùi chào cả lớp vì sắp thôi học nghĩ đến còn ứa nước mắt.
Tạo không làm phiền ai, và không ai muốn quấy rầy nó – luôn luôn đi bộ dài đến trường chân đất, mặc quần áo rách rưới kích thước lớn hơn người; tướng đi lom khom để bảo vệ quần áo rách nát và cái cặp cũ. Một mái tóc ngắn làm nổi bật cái hàm ngậm chặt và đôi mắt quan sát – toát ra một khí thế phấn đấu. Tạo luôn luôn phải ôm cặp sách cũ rách của mình trước ngực để bảo vệ nội dung ít ỏi có thể rơi ra. Nó có một thái độ xa cách kín đáo, bảo vệ sự riêng tư của cái nghèo hơn những đứa khác. Tạo đã bỏ hết sự dấu diếm giả vờ và giữ một diện mạo khắc kỷ vượt xa tuổi tác của nó. Trong buổi sáng mưa phùn sương mù của mùa đông, nó đến trường như từ hư không vô xác định. Tôi chỉ có thể tưởng tượng được rằng bất cứ nơi nào nó rời mỗi buổi sáng để đi học, chỗ đó phải nghèo và lạnh.
Trong cái cặp rách nát đó, Tạo dấu một cái ná cao su làm bằng gỗ mun đánh bóng bởi mồ hôi thành màu nâu đồng rất đẹp. Nó thiện nghệ với đồ chơi này. Tôi thấy nó trong một cuộc thi bắn ná dùng một con ve sầu làm đích cách xa 10 mét. Tất cả các đứa khác bắn trước và hụt hết. Đến phiên nó, Tạo bắn con ve dẹp nát vào tường! Có lẽ cái ná đó cũng để kiếm ăn vì thỉnh thoảng thấy nó với một cái túi rất đáng nghi ngờ.
Thông thường mình nghĩ có thể tiên đoán đươc phản ứng của một người mình biết trong hoàn cảnh nào đó. Nhưng khó tiên đoán về Tạo. Ai cũng nghĩ một đứa bé khắc khổ như nó chắc sẽ yên lặng trong lớp. Ngược lại, nó không ngại phát biểu ý kiến. Tạo dựa trên suy nghĩ tự nhiên và quan sát thông thường thay vì sách vở giáo điều để trả lời các câu hỏi. Trong giờ giáo dục về vệ sinh, học trò được dạy là nhà phải giữ cửa sổ mở để cho không khí trong lành lưu thông qua lại ngay cả trong mùa đông, trong khi nhà tranh tiêu biểu của Việt Nam có bao nhiêu lỗ hổng tự nhiên cho không khí đi qua dù cửa mở hay không. (Theo tiêu chuẩn của sách vở ngày đó, ngôi nhà điển hình của Mỹ sẽ làm cư dân ngạt thở). Khi thày giáo hỏi "Chúng ta có nên giữ cửa sổ mở hoặc đóng cửa trong mùa đông?” Tạo giơ tay lên và dứt khoát thốt lên “Không khí quá lạnh nên chúng ta nên đóng cửa sổ”. Cả lớp, trong đó có tôi, cười rồ vì câu trả lời thích hợp sách vở là "Không, chúng ta nên để cửa sổ mở một tí cho không khí lưu thông”. Là con nhà nghèo, Tạo không cần phải học nhiều về những gì nên làm và không nên làm để giữ cho mình bớt đói lạnh. Cũng như đa số các sách giáo khoa trên thế giới, cách phác họa đời sống trong sách vở thường không qua nhãn quan người nghèo.
Cùng với việc học hành, chúng tôi cũng được học nông nghiệp thực tế vì nhiều học sinh sẽ không học hết 5 năm tiểu học. Mỗi lớp học có một cái vườn riêng. Như tôi nhớ, chúng tôi trồng cải bắp, cà chua và hẹ tây (poireau) vì hợp thổ nhưỡng địa phương. Học trò hay dùng hoa hẹ để đá lên xuống như con kiệng/cầu. Mùi hẹ dính vào mu bàn chân xông lên trong lớp học. Những học trò lớn hơn thực sự dạy chương trình "nông nghiệp" cho chúng tôi. Chúng nó là con nhà nông; trong khi các giáo viên là dân tỉnh thành, dễ giết hơn nuôi cây. Chúng tôi phải gánh nước từ ao trong thùng thiếc để tưới rau. Cá cũng đã được thả trong hai ao giáp với con đường đi chính vào trường. Từ kinh nghiệm ở Phi Luật Tân, các nhà nông học Mỹ đưa vào Việt Nam cá rô phi – hiệu xuất cao nhất trong chuyển đổi thức ăn thảo mộc thành prô-tê-in. Nhiều năm sau đó, tôi xem một chương trình truyền hình về sinh vật và thấy một đàn cá rô phi bơi sau đằng sau đuôi hà mã trong sông ở châu Phi, tái chế chất thải. Con trâu ở địa phương đóng vai hà mã. Cũng vì thế, dù thích ăn cá, tôi không chuộng cá rô phi. (Ngày đó họ còn gọi cá rô phi là cá phi – chưa được tiêu thụ nhiều vì lượng cá tự nhiên còn quá đủ cho dân số).
Mối đe dọa chính đối với nghề nuôi cá là cá tràu (theo tiếng miền Trung; miền Nam là “cá lóc”; miền Bắc “cá quả”). Nó thích ăn cá con . Trong mùa mưa, với nước tràn lụt, cá tràu có thể dễ dàng di tản. Nếu trong ao có rất nhiều cá con là món sở thích của nó, khó có thể dùng mồi câu để bắt vì nó đã no cá con rồi! Cá tràu lọt vào ao nuôi cá là đại họa. Là loài ăn thịt, cá tràu có thịt chắc và ngọt; xương của nó to nên dễ tránh, khó bị hóc. Đặc biệt là ở miền Nam, cá lóc/tràu được luộc, hấp, nướng, nấu canh – cách nào cũng ngon. Cá rô phi không bao giờ chiếm được địa vị ẩm thực đó. (Gần đây một số vùng bên Mỹ xuất hiện vài con cá tràu/lóc – tiếng Anh là snakehead – dân chúng hốt hoảng. Tôi khuyên bạn bè Mỹ “There’s a simple solution: Eat it!” Ở Maryland, đã thấy có nơi bán “fish and chips” dùng snakehead.).
Chúng tôi khám phá một con cá tràu to trong một trong hai ao nuôi cá. Toàn bộ trường ốc được báo động. Phải cứu cá con khỏi con cá “mẹ mìn” này. Sau khi mồi câu cá không kết quả, và số cá con còn lại trong ao dường như là thuộc chương trình quản lý của con cá tràu chứ không phải là của bọn tôi. Con cá tràu này rất to, thường bơi lội nhơn nhơn thong thả trông phát điên tiết – thỉnh thoải lại trồi lên mặt nước táp bóng nữa chứ! Những tay học sinh lớn liền nghĩ đến Tạo với ná cao su!
Đối với một trường tiểu học nhỏ ở nông thôn, nỗ lực bắt con cá tràu đoàn kết mọi người như hoạt động thể thao bây giờ. Những đứa trẻ như bọn tôi có cái hài lòng tinh nghịch biết rằng lần đầu tiên, các thầy cô sẽ giả vờ không nhìn thấy ná cao su “quốc cấm” của Tạo. Sau giờ học, cả trường tụ tập quanh quanh ao. Ai cũng thấy bóng con cá tràu khổng lồ bơi ngược xuôi, nhưng còn quá sâu. Tạo nhìn xuống nước với ná căng lên như xạ thủ sẵn sàng tấn công. Con cá cuối cùng nổi lên táp bong bóng, và viên sỏi củaTạo hạ ngay trên cái đầu bò sát nghe "bốp". Đám đông vỗ tay ầm ĩ. Con cá lặn ngay. Nhưng đứa bé nông thôn biết rằng một con cá bị thương cần lên mặt nước để dễ thở và kiên nhẫn chờ. Khi nó trồi lên lại Tạo lại hạ cho đầu cá thêm viên sỏi nữa. Đám đông reo hò dữ dội. Sau đó con cá tràu không dám trồi lên. Chiều đã muộn và mọi người bắt đầu đi về nhà. Không ai để ý Tạo đã lẳng lặng rời trường lúc nào.
Ngày hôm sau, con cá tràu bơi lờ đờ gần mặt nước với cái đầu đen bị thương của nó bị trắng ra tại các điểm đã nhận sỏi. Sau giờ học, một đám đông nhỏ tụ tập và cổ vũ Tạo giáng thêm vài viên sỏi – lần nào cũng trúng ngay đỉnh đầu. Cuối cùng, con cá trôi dạt vào bờ ao. Tạo trèo xuống, vớt sinh vật thoi thóp và đặt nó trong cái túi bí ẩn. Tạo lặng lẽ đi bộ về nhà dường như không biết gì đến xung quanh. Phẩm giá trong cái nghèo phải được bảo vệ với thái độ ôn hòa kín đáo vì nếu không quần áo sẽ lộ một số nút mất tích. Con cá tràu đó đủ cho vài bữa ăn. Trong lòng tôi mừng thấy Tạo được coi là anh hùng ít nhất trong một hai ngày.
Đây là lần đầu tiên và lần cuối cùng tôi thấy ná cao su được dùng để bắn cá. Lớn lên tôi mới thấy có nơi dùng cung tên để săn cá (Bắc và Nam Mỹ).
Sau bao nhiêu năm, tôi đã quên nhiều tên các bạn cùng lớp thời thơ ấu, nhưng Tạo đã để lại một kỷ niệm không thể phai nhòa. Mặc dù tôi bí mật ngưỡng mộ Tạo về tính độc lập và khả năng tồn tại rất mong manh của nó, giữa hai đứa chưa bao giờ có một câu chuyện. Tô e ngại cái lầm lì của nó. Có lẽ đó cũng là điều may – một hàng rào dấu đi những kiến thức về bất công và đau khổ mà tôi dần dà học được sau này. Như người phương Tây nói, như bóc củ hành, càng bóc càng cay mắt. Không biết sẽ bớt buồn. Đến giữa năm lớp ba gia đình tôi dọn vào Sài Gòn – phải học thêm hai trường nữa mới xong 5 năm tiểu học (Gia Định và Bàn Cờ – kể cả hai trường ở Huế, tôi học 4 trường và 2 vùng trong 5 năm tiểu học). Ở Sài Gòn tôi mới bắt đầu đi học chung với trẻ con “Bắc” trong trường di chuyển với giờ giấc oái oăm. Tôi không trở lại thăm trường Tây Lộc cho đến tận 50 năm sau. Đi xe ôm ghé qua thăm trường vào lúc học trò nghỉ hè; cái ao đó vẫn còn nhưng không còn được chăm sóc như ngày xưa dù trường ốc trông khang trang hơn nhiều. Trẻ con không phải lo trồng rau nuôi cá nữa.
Tôi lững thững trở vè với thực tại khi thấy trước mặt môt con lama nhìn tôi soi mói, tai phe phẩy. Đoàn du khách đang sửa soạn lên đường đi thăm ruộng muối Maras trên cao nguyên. Quanh đường có nhiều cây lá dứa agave (tương tự như loại được dùng làm rượu tequila ở Mễ Tây Cơ). Theo phong tục địa phương người ta hay khắc tên nhau và kỷ niệm trên lá. Tôi bâng quơ lấy một viên đá sắc cạnh khắc “TẠO” trên một lá còn non – cầu mong nó còn sống.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)
Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2) Như ta đã biết, trong bài trước《T...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
bài rất hay
Trả lờiXóa