Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Khi công chúa không có eo thon và cặp chân dài


Moana là bộ phim mới nhất trong loạt phim được coi là 'tân kỷ nguyên vàng' của Walt Disney
Moana là bộ phim mới nhất trong loạt phim được coi là ‘tân kỷ nguyên vàng’ của Walt Disney

Moana là một phim hoạt hình đột phá của hãng Disney, bởi đây là lần đầu tiên hãng lấy nhân vật nữ chính là một công chúa người Polynesia, là sắc dân sống tại các vùng đảo ở trung và nam Thái Bình Dương.
Nhưng không chỉ có thế, mà nhân vật chính đồng thời cũng là tựa phim là nàng công chúa đầu tiên có ngoại hình ‘trung bình’, tức là không có eo thon và chân dài như các công chúa trong phim hoạt hình khác.
Phim sau khi trình chiếu đã nhận được một số lời phê bình sớm tích cực. Tạp chí Slant khen ngợi nhân vật công chúa mới nhất của Disney là ‘không nổi loạn một cách ích kỷ và cũng không ngây thơ một cách nhạt nhẽo’.

‘Chuyển biến tích cực’

Bà Rebecca Hains, tác giả của cuốn “Rắc rối với công chúa: Hướng dẫn con gái trong thời toàn công chúa”, cho rằng ngoại hình của Moana là một sự tiến bộ.
“Tôi nghĩ đó là một điều rất quan trọng,” bà nói. “Tôi nhận thấy rõ là Disney đã lắng nghe các nhà phê bình. Có thêm những nhân vật nữ chính trong phim với ngoại hình trung bình là điều thật sự quan trọng và việc Disney hết sức lưu tâm quan ngại của các bậc phụ huynh là một dấu hiệu tích cực.”
Tuy nhiên Debbie Schlussel, một văn sĩ bảo thủ là một người dẫn chương trình trò chuyện trên truyền hình, cho rằng hình ảnh một Moana đầy đặn là một ví dụ của sự điều chỉnh quá đà. “Tôi nghĩ rằng nó nhắn nhủ với các bé gái rằng chúng không cần có vóc dáng đẹp,” bà nói. “Tôi cho rằng nó sẽ khuyến khích các em gái có lối sống không lành mạnh cũng như có đời sống tình cảm đáng thất vọng trong tương lai.”
Maui, nhân vật nam huyền thoại trong phim, là một nhân vật nửa thần nửa người trong thần thoại Nam Thái Bình Dương. Maui cũng bị chỉ trích vì tạo hình quá mập mạp và đẫy đà và do đó khiến khán giả có cái nhìn méo mó về người Polynesia.
Tuy nhiên, các nhân vật công chúa của Disney luôn được mọi người săm soi đặc biệt bởi vì chúng gần như chiếm trọn tâm trí của các bé gái.

Suy nghĩ của thời đại

“Chúng ta đều thấy các bé gái mới 2, 3 tuổi đã muốn trở thành công chúa,” Hains nói. “Các em thật sự bị ám ảnh bởi hình ảnh công chúa và muốn mình được như công chúa trong phim. Vận may không đứng về phía các em khi muốn có được ngoại hình lý tưởng như trong phim.”
Các nhân vật công chúa của Disney thường tượng trưng cho sự lo lắng hay thái độ văn hóa vào thời điểm chúng ra đời.
Vào những năm 1930 Disney cho ra mắt Bạch Tuyết, nhân vật công chúa đầu tiên của hãng. Bạch Tuyết tượng trưng cho hình ảnh lý tưởng của người phụ nữ vốn rất phổ biến vào thời kỳ đó – e lệ và thụ động.
Thật ra những nhân vật nữ chính kinh điển trong thời kỳ đầu, bao gồm Cô bé Lọ lem và Người đẹp ngủ trong rừng, được xem là những nhân vật ít thể hiện tinh thần nam nữ bình quyền nhất của Disney, bởi các cô nàng này đều cần phải dựa dẫm vào một bạch mã hoàng tử nào đó.
Sau Người đẹp ngủ trong rừng vào năm 1959, trong vòng 30 năm kế tiếp không thấy có thêm một công chúa nào của Disney nữa.
Rồi phong trào đòi nữ quyền đã phát triển mạnh mẽ. Những nàng công chúa mới của Disney đã được lồng ghép thêm tư tưởng nữ quyền cũng như những đặc điểm truyền thống.
Chẳng hạn như nàng Ariel trong ‘Nàng tiên cá’ đã cho thấy một mức độ độc lập nhất định, mặc dù nàng đã chấp nhận từ bỏ giọng hát để lấy được chàng hoàng tử trong mộng.
Tương tự, nàng Bell trong ‘Người đẹp và quái vật’ cũng thể hiện một ý chí mạnh mẽ – nàng không sống theo cách những người xung quanh nàng mong đợi. Nhưng sau đó nàng đã đánh mất bản sắc của mình khi nàng bắt đầu nhìn nhận thế giới từ góc nhìn của Quái vật.

Không còn tìm hoàng tử

Không chỉ có phong trào nữ quyền mới để lại dấu ấn trên các nhân vật công chúa của Disney.
Quyền của thổ dân Mỹ đã được củng cố mạnh mẽ trong hai thập niên bắt đầu từ giữa những năm 1970 với các đạo luật bảo vệ quyền và lợi ích của thổ dân.
Pocahontas xuất hiện trên màn ảnh sau hai thập niên có những biến chuyển trong xã hội về quyền dành cho người thổ dân châu Mỹ
Pocahontas xuất hiện trên màn ảnh sau hai thập niên có những biến chuyển trong xã hội về quyền dành cho người thổ dân châu Mỹ
Vào năm 1995, nhân vật Pocahontas lần đầu xuất hiện. Cô là nhân vật nữ chính đầu tiên là thổ dân của hãng Disney và được xem là một trong những nhân vật nữ độc lập nhất mà Disney từng tạo ra.
“Pocahontas là một tuýp nhân vật hoàn toàn khác. Khác ở chỗ cô không được định hình bằng một mối quan hệ lãng mạn và cô năng động hơn nhiều. Ngoài ra, cô còn là một trong những nhân vật nữ chính đầu tiên thật sự có vai trò tích cực trong điều hành công việc,” Megan Condis, phó giáo sư Tiếng Anh tại Đại học Stephen F Austin, người quan tâm đặc biệt đến lịch sử các nhân vật công chúa của Disne, nhận định.
Tuy nhiên, Poncahontas không phải là không có tranh cãi. Phim hoạt hình về nhân vật này bị chỉ trích là tình dục hóa phụ nữ và xuyên tạc lịch sử.
Đến năm 1998, đến lượt một nhân vật nữ chính mạnh mẽ khác xuất hiện – nàng Mộc Lan – mạnh mẽ và không chút e lệ. Nàng trở thành nhân vật nữ anh hùng trong câu chuyện của chính nàng chứ không phải của nhân vật nam chính nào cả. Thậm chí Mộc Lan còn xuất hiện ngoài chiến trường trong bộ giáp chiến đấu.

Công chúa da màu

Thế giới cũng đã chờ đợi rất lâu vì mãi cho đến năm 2009 hãng Disney mới cho ra mắt công chúa Mỹ gốc Phi đầu tiên – nàng Tiana trong Công chúa và Hoàng tử Ếch. Những hoài bão của nàng rất khác biệt với các nhân vật công chúa khác xuất hiện trước đây.
“Giấc mơ của nàng không phải là lấy được một hoàng tử và cùng nhau cai trị vương quốc. Ước mơ của Tiana là mở một nhà hàng,” Condis nói.
Nhưng không phải ai cũng đồng tình với nhân vật Tiana. “Tôi đã nghe rất nhiều người trong cộng đồng Mỹ gốc Phi rằng họ quan ngại sâu sắc trước việc họ có công chúa Mỹ gốc Phi đầu tiên nhưng phần lớn thời gian trên màn ảnh Tiana lại nhảy như ếch,” Rebecca Hains nói thêm.
Đáng chú ý là mặc dù những nàng công chúa mạnh mẽ hơn của Disney đã xuất hiện nhưng những nhân vật này không có tầm bao phủ rộng như những nàng công chúa trước đây, nhất là trong những sản phẩm kinh doanh của Disney.
“Nếu bạn nhìn vào danh mục các mặt hàng của Disney như hộp cơm hay áo phông, bạn thấy chỉ có Belle, Cô bé Lọ lem và Người đẹp ngủ trong rừng là thường xuyên đứng cùng nhau,” Condis cho biết.
Trong phim Công chúa và Hoàng tử Ếch, mơ ước của Tiana khác hẳn của các nhân vật nữ chính khác trong phim Walt Disney – cô muốn mở một nhà hàng
Trong phim Công chúa và Hoàng tử Ếch, mơ ước của Tiana khác hẳn của các nhân vật nữ chính khác trong phim Walt Disney – cô muốn mở một nhà hàng

Mạnh mẽ, độc lập

Có lẽ nàng công chúa hiện đại nhất là nàng Merida trong phim “Brave”, ra mắt hồi năm 2012.
Nàng Merida khác biệt với những người khác bởi vì phim hoạt hình này là lần đầu tiên được một phụ nữ đồng đạo diễn và đồng viết kịch bản. Merida được xem là nằm trong một mô-típ công chúa riêng biệt của hãng Disney.
“Merida trong ‘Brave’, Anna và Elsa trong ‘Frozen’ và thậm chí cả Rapunzel trong ‘Tangled’ đều là những công chúa gan dạ và họ có những hoài bão không nhất thiết liên quan đến chuyện tình cảm lãng mạn,” Rebecca Hains chỉ ra.
“Froze”, phim hoạt hình đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại, đặc biệt đáng lưu ý trong cách tiếp cận chuyện tình cảm lãng mạn.
Tình yêu trong suy nghĩ của Elsa là một điều rất xa vời vì nàng phải tìm cách kiểm soát năng lực siêu nhiên của mình, nhưng Anna đã trải qua sự thay đổi rất lớn xuyên suốt bộ phim.
Lúc đầu điều nàng mong muốn trước hết là tìm được tình yêu của đời mình nhưng chính mối liên hệ giữa nàng và người chị mới chính là mạch đẩy nội dung bộ phim và cuối cùng đó là điều mà Anna quan tâm trên hết.
Trong “Frozen”, tình cảm quan trọng nhất là tình cảm chị em và việc gặp được chàng hoàng tử của lòng chỉ đơn giản là sự bổ sung mà thôi.

Thông điệp sâu xa?

Một số người xem việc Elsa khốn đốn với bản sắc và năng lực của nàng là sự thể hiện của điều gì đó hoàn toàn khác.
Nhiều người thấy sự tương đồng với những thanh thiếu niên và người lớn phải chật vật tìm cách chấp nhận khuynh hướng tình dục của mình.
Liệu Elsa có phải là nhân vật nữ đồng tính đầu tiên của Disney hay không? Đó là chủ đề của một chiến dịch do Idina Menzel, người lồng tiếng cho nhân vật Elsa, hậu thuẫn.
Liệu Disney có định khiến những đồn đoán này trở thành sự thật hay không trong “Frozen” phần hai vốn đang rất được trông đợi? Điều này chúng ta vẫn còn phải chờ xem, nhưng nếu thật sự họ có ý định đó thì nó chắc chắn sẽ gây tranh cãi.
Mặc dù người hâm mộ Disney nhìn chung đã nhận thấy sự tiến bộ trong các nhân vật nữ chính của hãng, họ cũng phải chấp nhận rằng những đặc điểm của các nhân vật nữ gần đây đều bị ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài.
Công chúa không thể tự mình trở thành nhân tố tạo thay đổi.
Chẳng hạn như sẽ vô cùng khó khăn nếu như không muốn nói là không thể để hãng Disney cho ra đời nhân vật công chúa chuyển đổi giới tính vào lúc này.
Thế nhưng điều đó không có nghĩa là Disney không đối diện với sức ép phải tạo ra tất cả mọi kiểu công chúa. Hồi năm 2014, đã từng có một chiến dịch kêu gọi Disney tạo ra một công chúa mắc chứng bệnh Down.
Moana và tất cả các nhân vật nữ chính Disney trước đó thể hiện sự thay đổi trong cách nhìn của người Mỹ về chủng tộc, giới tính và cách đối xử với các nhóm thiểu số.
Có lẽ Disney muốn Moana trở thành một biểu tượng của thời đại chúng ta: một người phụ nữ hăng hái là sản phẩm của một nước Mỹ đa văn hóa.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Culture.

1 nhận xét:

GIẬN HỜN - Thơ Sông Thu Và 18 Bài Họa Của Các Thi Hửu

GIẬN HỜN Em giận chi mà chả nói năng Suốt ngày thần sắc lạnh như băng Quay lưng né mặt không thèm ngó Buông đũa rời mâm chẳng muốn ăn Lặng l...