Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Xóm Cầu Tiêu - Chuyện Ngắn của Hồng Hoang



Con hẻm số 185, đường Đỗ Thành Nhân có một cái phông tên nước ở đầu hẻm và một cái cầu tiêu công cộng ở cuối hẻm. Phía ngoài mới quẹo vô, có những căn nhà nền xi măng, vách tường gạch tô vôi trắng.

Dần dần đến khoảng giữa là những căn nhà vách ván, chỉ mặt tiền là vách gạch. Cuối cùng chỉ toàn nhà vách ván, sàn ván vì cất lấn ra sông. Sông Saigon có một nhánh chảy ngang cầu Chông, khi vào tới chỗ con hẻm, nước đã thành đen đục ngầu. Có lẽ do cặn bã, rác rưởi từ phía Chợ Cầu Muối, Chợ Cầu Ông Lãnh chảy ra. Người ta đặt tên cho phần ngoài con hẻm là Xóm Phông Tên Nước; phần cuối con hẻm là Xóm Cầu Tiêu.

Ông bà Tư vừa mua một căn nhà nằm ở gần cuối con hẻm này. Mỗi ngày, khi con nước đầy, gió hiu hiu thổi, làn không khí cũng không đến nỗi khó thở. Sợ nhất là lúc con nước ròng, mùi thum thủm, hôi thúi từ cái cầu tiêu công cộng dội lên, nồng nặc, đầy choán cả không gian.

Cầu tiêu được cất ngay giữa sông. Nối vào bờ là một đoạn cầu ván gập ghềnh, vài chỗ đã gãy mất vài mảnh nhỏ. Cả ngày, tiếng chân người đi cót két qua lại trên cầu hình như không bao giờ ngưng lâu hơn mươi phút. Từ những con hẻm lân cận, đến những con hẻm phía bên kia đường, biết bao nhiêu người lớn, trẻ nít cần trút bỏ những chất cặn bã trong thân mình? Kể cả những người có xây cầu tiêu hầm trong nhà cũng tận dụng cái cầu tiêu công cộng này. Lý do đơn giản là sợ cái hầm trong nhà bị nghẹt. Bên dưới cầu tiêu, hàng đống đống phân người cứ chồng chất lên nhau. Vàng, nâu, xam xám lẫn lộn. Rồi giấy báo, băng vệ sinh, rác rưởi… Lâu lâu cũng có xác một con chó, hoặc một con mèo chết trôi tấp vào dưới chân cầu. Thường nhất là xác chuột. Hàng nhóm, hàng đàn ruồi nhặng bay đậu chỗ này, lượn qua chỗ khác. Tiếng kêu vo ve, vỏ vẻ tưởng chừng như không bao giờ ngớt. Chỉ khi màn đêm buông xuống, không khí mát dịu dần, người ta mới không còn nghe tiếng ruồi nhặng kêu.

Cả tuần lễ đầu, ông bà Tư và cô con gái mười hai tuổi cứ bị lợm giọng muốn ói, không ăn uống gì được. Đóng cửa thì gió từ dưới sàn thổi hắt lên. Nhà cất nửa trên bờ, nửa trên nước.

Bà Tư rầu rầu: – Trời ơi! nếu biết nó hôi thúi cỡ này thì mình đâu thèm mua căn nhà này. Tại lúc đi coi nhà, trả giá mua là lúc nước đang lớn, mình không để ý.

Cô Huê vùng vằng: – Con chịu không nổi đâu. Ba má kiếm nhà khác dọn đi cho rồi đi.

Ông Tư trầm tỉnh: – Mua nhà khác cũng từ từ, để lo bán nhà này coi có được không. Lỡ rồi, mình ráng cố gắng chịu đựng một thời gian coi sao. Hai ba tuần nữa, thế nào cũng quen thôi. Những người khác đã và đang ở đây thì sao? Họ cũng quen lỗ mũi rồi. Nhà bên ngoài mắc hơn, mình phải để dành thêm tiền mới mua nổi.

Bà Tư nghe chồng nói có lý nên nín thinh. Huê cũng hiểu được, không dám nói gì thêm nhưng ấm ức lắm. Cô thù ghét cái mùi u mê, ám khí. Cô không có cảm tình với những đứa trẻ trong xóm. Ngày đầu tiên, khi đi học về ngang trước cửa căn nhà màu xám, một đứa con gái có lẽ bằng tuổi cô, cứ cầm cây chổi lông gà đưa ra trước mặt cô chắn đường. Cô đứng lại nhìn nó. Nó nhìn lại cô bằng ánh mắt thản nhiên như thể không biết gì hết. Cô đứng yên chờ giây lát. Nó cũng không thay đổi thái độ. Khi có một người đàn bà đi ngang qua, nó mới chịu buông cây chổi xuống, cô theo đó đi qua. Phía đằng kia, Huê thoáng thấy có một thằng con trai bị xụi hai chân. Huê cứ nhìn đôi chân tong teo xương bị kéo lê lết dưới đất mà cảm thấy sờ sợ.

Ông tư, vừa ngoài năm mươi, làm thợ tiện cho Hãng Đúc Hòa Bình. Lương đủ nuôi gia đình. Bà Tư ở nhà lo việc nội trợ. Huê là con gái út nên vẫn còn ở chung với ông bà. Con trai thứ hai đi lính Sư Đoàn 5, đóng ở Bình Long, mấy tháng mới về phép đôi ba ngày. Chị Hai phải lo buôn bán nuôi bốn đứa con vì lương lính lãnh ra chẳng còn gì sau khi trừ tiền cơm tháng và thuốc lá. Đứa con gái kế, có chồng đi Hải quân đóng ở Duyên Đoàn… gì đó, tận Ba Tri, Bến Tre… Chưa có con nên chồng đổi đi đâu, cô kè kè theo đó. Đứa con gái thứ Tư, mới mười bảy tuổi đã mê kép hát cải lương, bỏ nhà trốn theo đoàn hát lưu diễn.

Nhà cất san sát, hai nhà chỉ cách nhau một tấm vách ván. Nếu ca sĩ Chế Linh được ở trong xóm này chắc sẽ không còn dám nhừa nhựa đi, nhừa nhựa lại câu hát.. “ước gì mình đừng ngăn cách; ước gì nhà mình chung vách, hai đứa mình thức trắng đêm nay” . Ông bà Tư đã trải qua cảnh thức trắng đêm vì cặp vợ chồng nhà bên trái chửi lộn rồi đánh nhau ầm ầm từ nửa đêm về sáng. Con cái đông gần tiểu đội, sợ nên cũng la khóc vang rân. Nhà bên phải hiền hơn, chỉ một bà già người Hoa và cặp vợ chồng trẻ mới có một đứa con trai hai tuổi. Đối diện là nhà bà Bảy bán cháo đậu, không chồng con. Bà cho hai anh sinh viên dưới tỉnh lên trọ học. Anh Phát đang học năm thứ hai Nông Lâm Súc. Hơi thấp người, đẹp trai, ít nói. Mỗi khi ra đường anh Phát hay cúi đầu nhìn xuống đất bước đi. Anh Tiếp mới vào năm đầu Dược Khoa. Dáng cao ráo, khỏe mạnh. Hay cười. Nhiều lần Huê thấy anh Tiếp ngừng lại nói chuyện một cách thân mật với thằng Ba Xụi, thằng Khoa mát, thằng Phi và con Lan Anh hay cầm cây chổi lông gà. Cả nhà bốn chị em, chỉ đứa em út là ôm sách tới trường mỗi ngày. Lan Anh là kế út. Ngày nào Huê cũng bị nó chận đường bằng cây chổi lông gà. Huê kể cho bà Tư nghe. Bà kề tai Huê nói nhỏ. Hôm sau, cũng như thường lệ, khi Lan Anh hí hửng đưa cây chổi lông gà ra hất lên, hất xuống trước mặt, Huê đứng lại, tay trái chụp lấy cây chổi giật mạnh, cùng lúc, tay phải dang ra tát một cái thật mạnh vào má con bé! Mặt mày Lan Anh đỏ rần lên, nhìn trân trối, nhưng không dám khóc. Huê thẳng tay quăng cây chổi vô góc nhà rồi bỏ đi. Vậy mà từ đó, Lan Anh không còn dám ngang tàng, múa may cây chổi với Huê thêm lần nào nữa. Nếu Lan Anh hiểu rằng, cô bé mới dọn vào Xóm Cầu Tiêu này đã từng được ông Tư dạy cho những thế võ Bình Định, nó chẳng đời nào dám chọc giận.

Huê tò mò nhất là nhà thằng Thành Ghẻ ở cách đó hai căn. Thằng Thành mới tám tuổi thôi, trên đầu nó đã có những sợi tóc bạc chen lẫn trong tóc đen. Ngoài tên Thành Ghẻ, nó còn cái tên Thành Bạc. Hai cánh tay, từ cùi chỏ trở ra ngoài, cứ thay phiên nhau, cái mày ghẻ này vừa kéo da non, cái mày ghẻ khác bị tróc tươm mủ. Hai ống chân, từ đầu gối trở xuống, những mụn ghẻ chen chúc nhau giành chỗ bám trên da. Ba nó chạy xích lô máy ở bến Đò Thủ Thiêm. Má kế nó bán chuối, dừa khô ở chợ Xóm Chiếu. Nó ở nhà phải giữ hai đứa em cùng cha, khác mẹ. Em gái bốn tuổi. Em trai hai tuổi. Mỗi sáng, má nó nấu một nồi cơm, kho một nồi khi cá, khi thịt để đó. Thằng Thành phải lo cho hai đứa em ăn uống. Có khi vừa ăn, nó vừa gãi sồn sột trên những mụn ghẻ ngứa. Máu mủ dính vào móng tay cáu bẫn. Ăn xong, lưng cõng em trai, tay dắt em gái đi lại xóm nhà thằng Khoa Mát chơi la cà. Vậy mà, má kế nó chẳng bao giờ hài lòng về việc giữ em của nó. Thỉnh thoảng, nó vẫn bị đòn bằng cây roi mây dài cả thước. Những ngọn roi quất bất kể nơi nào trên thân thể nó. Những mụn ghẻ bể toang, tóe máu, văng mủ. Nó cố gắng xoay bên này, xoay bên kia để đổi chỗ chịu đòn. Huê đứng xa xa nhìn nó vừa lăn lộn, vừa khóc lóc van xin mà muốn chảy nước mắt theo. Hàng xóm nhiều lần nhảy vào can gián, bà má kế xừng xộ vào mặt họ. Mãi rồi, chuyện bị đòn thê thảm như tra tấn của nó cũng trở nên quen mắt mọi người, không ai muốn can dự vào nữa.

Thằng Ba Xụi mang tật từ trong bụng mẹ mang ra. Người ta nói ba nó là dân chơi bời quá  độ nên má nó sinh ra đứa con tật nguyền, quái thai. Nó gần mười bốn tuổi rồi. Cái đầu nó lớn hơn đứa bình thường khác. Cái lưng ngắn ngủn. Hai cánh tay dài lòng thòng. Hai cái chân xụi teo nhách, chỉ thấy lõi xương bọc da. Mỗi lần di chuyển, nó dùng hai tay chống xuống đất, lấy hết sức kéo lê cả thân hình lết sền sệt về phía trước. Hình ảnh đó tạo cho Huê cảm giác ghê sợ hơn là thương hại.

Anh Tiếp bắt đầu làm quen với ông bà Tư và Huê. Anh nói chuyện rất lễ phép, sinh viên mà! Anh cười có má lúm đồng tiền. Anh biết đánh cờ tướng nên ông Tư ưng ý lắm. Chiều nào anh cũng qua nhà để đánh cờ tướng với ông Tư. Trông họ tương đắc lắm. Trong Xóm Cầu Tiêu này, anh Tiếp là nguồn an ủi lớn đối với Huê. Anh học giỏi hết sức. Những bài toán đố, Huê ngồi hàng giờ cũng chưa tìm ra đáp số, đưa cho anh, chỉ trong vòng mười phút là xong. Thỉnh thoảng anh Tiếp kể cho Huê nghe những mẫu chuyện vui lúc anh còn nhỏ. Lúc đó, mắt anh mơ màng, đưa hồn về quá khứ …

… Ba má anh ở chợ Cần Thơ, chỉ đi bộ chừng mười lăm phút là tới Bến Ninh Kiều. Nhà có lò làm Bún, Bánh Canh, Bánh Hỏi. Ngoài ra, ba anh còn có trại nuôi vịt trong ruộng. Mỗi ngày, sau khi học về, anh lấy xuồng chèo vô ruộng để giúp anh Hai lùa vịt về chuồng. Thả vịt ra dễ hơn lùa về. Chúng chạy loạn cào cào cả lên. Phải hai người chận hai đầu mới sai khiến được bọn vịt… vật! Có khi mãi mê đuổi chúng, anh bị hụt chân té nhào xuống vũng nước, mất hồn vía, loi ngoi một lát sau mới trèo được lên bờ. Vài bữa một lần, anh Hai rủ đám bạn xúm lại bắt vài con vịt cắt cổ, nhổ lông. Sau khi móc hết ruột gan, anh Hai dồn vào bụng vịt những cái nấm rơm vừa cắt từ cây rơm sau chòi. Mấy người khác lo kiếm củi đốt lửa. Khi lửa ngọn cháy hết, chỉ còn than, họ mới đưa vịt vào nướng. Da vịt vàng, thơm lừng. Nấm rơm ngọt lịm. Trứng vịt đẻ rơi rớt nhiều vô số kể. Trắng cả bờ ruộng. Bọn con trai nghịch ngợm, vừa lượm trứng vừa lấy trứng chọi nhau chơi như chọi banh…

Huê hỏi: – Anh Tiếp có chăn trâu không?

– Có chứ! Thường anh phải đi học ngoài chợ. Chỉ anh Hai là người không thích học nên có nhiều thì giờ để chăn trâu, chăn vịt. Anh thích học hơn, chỉ chăn trâu cuối tuần.           

– Thảo nào anh Tiếp giỏi quá chừng. Em thì dốt đặc, kỳ thi tới này, má em nói nếu                                   thi rớt má cho nghỉ học ở nhà chăn trâu.

–  Má nói vậy để khuyến khích em, chứ Saigon làm gì có trâu mà chăn?

Dần dần anh Tiếp rủ Lan Anh tới nhà làm quen với Huê. Con nhỏ có cái mặt kênh kênh khó ưa vậy mà tánh tình dễ chịu. Anh Tiếp nói gì nó cũng nghe. Nó thích chơi bán hàng với Huê lắm. Một hôm, Lan Anh tới chơi, nó cầm theo một gói giấy màu đỏ đưa cho anh Tiếp. Bên trong là cái khăn tay màu xanh có thêu chữ “Ngọc Búp” màu hồng ở bốn góc. Anh Tiếp không nhận, bảo Lan Anh mang trở về trả lại.

Huê hỏi: – Ngọc Búp là ai vậy? Cái khăn thêu đẹp quá, sao anh Tiếp không lấy?

– Ngọc Búp là chị hai của Lan Anh, thợ thêu áo dài ở tiệm may ngoài chợ Xóm Chiếu. Cái khăn đẹp, nhưng anh không thể nhận. Anh không muốn Ngọc Búp mơ mộng, khi cô ta không phải là người trong mộng của anh.

– Ồ! Chị thợ thêu đó em biết rồi. Chị hiền lành, dễ thương. Em thích kiểu tóc thắt bín thành hai lọn rồi choàng lên đầu của chỉ lắm.

– Huê thích kiểu tóc thắt bín hở? Đâu đẹp bằng kiểu tóc cắt ngắn, úp vào cổ và hai bên má.

– Anh Tiếp muốn nói kiểu tóc như em, phải không?

Anh Tiếp gật đầu, mím cười, nhìn Huê với ánh mắt khác hơn bình thường. Ánh mắt như muốn diễn tả gì đó thay cho lời nói. Trìu mến. Đắm đuối. Sâu sắc. Lần đầu tiên, Huê cảm thấy bối rối trước tia nhìn của anh Tiếp.

Một tối, nằm trong mùng, Huê nghe ba má nói chuyện: – Bà nghĩ sao? Thằng Tiếp nói với tui là nó thương con Huê. Nếu tui với bà bằng lòng, nó sẽ nhờ ba má nó lên coi mắt, giạm hỏi.

– Tui thấy thằng Tiếp tốt lắm. Hiền lành, vui vẻ lại học giỏi. Hình như nó lớn hơn con Huê cả mười tuổi lận đó. Con Huê mới mười hai.

– Ăn nhằm gì chuyện đó. Chồng lớn hơn vợ một con giáp là chuyện thường. Bây giờ mình cho tụi nó làm đám hỏi để đó. Mấy năm sau làm đám cưới. Tui thấy thằng Tiếp xứng đáng làm con rễ mình. Nó học cao, sau này có địa vị trong xã hội, con Huê sẽ hãnh diện. Kiếm được thằng rễ như nó, chắc không dễ đâu bà. Con Huê có phước lắm mới được nó để ý.

– Tui không biết, ông nghĩ sao tui theo vậy. Mình phải hỏi con Huê nữa chứ ông?

– Áo mặc sao qua khỏi đầu chứ, bà không nhớ câu đó sao? Con chị nó trốn nhà theo kép hát, tui từ luôn. Nó có chết bờ, chết bụi tui cũng không thèm nhìn mặt nữa à…

Huê bàng hoàng, lo sợ. Cô nhớ lại ánh mắt anh Tiếp hôm nọ. Phải rồi, ánh mắt đó tương tự như ánh mắt anh Ba nhìn chị Ba mấy năm trước. Thế rồi hai người lấy nhau thành vợ chồng. Kỳ cục quá! Tự nhiên anh Tiếp muốn làm đám cưới với mình. Anh Tiếp có điên không chứ? Mình còn nhỏ, đi học chưa xong, sao anh ấy muốn dẫn ba má lên coi mắt, coi mủi… làm gì? Chị Ngọc Búp muốn tặng anh khăn thêu làm kỷ niệm, anh không nhận. Lại còn nói thích kiểu tóc của mình. Để hôm nào gặp chị, mình nói chị để tóc giống như mình cho anh Tiếp thích. Chị Ngọc Búp chắc lớn bằng anh, anh phải thương chị mới đúng chứ sao lại thương mình. Mình chỉ nhỏ bằng Lan Anh. Thương mình là thương dại, thương dột.

Từ buổi tối đó, Huê không thích gặp anh Tiếp nữa. Cảm giác hồi hộp và lo sợ khiến Huê đâm ra nhút nhát. Mỗi lần anh Tiếp qua nhà đánh cờ tướng với ông Tư, Huê trốn mãi phía sau, giả vờ học bài. Huê giận anh Tiếp nữa. Một người Huê rất thân thiết, gần gủi, giờ bỗng như xa lạ. Huê lại sợ câu nói: “áo mặc sao qua khỏi đầu” . Huê thắc mắc, tại sao người ta muốn thành vợ chồng? Thương nhau? Huê biết mình thương ba, thương má, nhưng thương anh Tiếp làm sao thương cho được? .

Kết quả thi tuyển vào Đệ Thất trường Gia Long không có tên Huê. Huê buồn hết mấy ngày liền, nằm vật vã, không muốn ăn uống gì hết. Anh Tiếp cũng buồn lây, hết đi qua lại đi về, chỉ mong gặp Huê để an ủi, nhưng Huê cứ tránh mặt.

Mấy tháng sau, Huê đang học lớp đệ thất, ba má anh Tiếp từ dưới Cần Thơ xin phép để lên coi mắt Huê. Ông bà Tư đồng ý. Rồi thì mọi chuyện trôi chảy một cách êm đẹp, chỉ chờ chọn được ngày lành tháng tốt để làm đám hỏi. Huê khóc ướt ngực áo dài gấm đồng tiền.

Huê bắt đầu ghét anh Tiếp. Huê không thể nào vô tư bán hàng với Lan Anh nữa. Ông Tư càng đối đãi với anh Tiếp thân mật hơn, như thể anh Tiếp đã là con rễ trong nhà vậy. Bà Tư ái ngại khi thấy thái độ của Huê, nhưng không biết làm sao hơn. Chuyện gì tới sẽ tới. Con gái phải lấy chồng là chuyện thường.

* * *

Nửa đêm mùng 6 Tết, bà Tư bổng giật mình tỉnh giấc. Xoay qua bên cạnh, ông Tư vẫn ngáy nho nhỏ, đều đều. Những tiếng hét vang rân ngoài đường…

-Cháy nhà! Cháy nhà!

-Nhà cháy! Nhà cháy! Bà con ơi!

Bà Tư xô mạnh vai chồng: – Ông ơi! Thức dậy! Thức dậy mau đi ông ơi!

Bà nhảy bổ xuống giường chạy qua kêu con gái. Huê đã thức từ lúc nào. Anh Tiếp về quê ăn Tết chưa lên.

Ngọn lửa phát xuất từ nhà ông Hai Đốm, lan nhanh chóng qua nhà thằng Ba Xụi bên trái và nhà thằng Khoa bên phải. Gió đổi hướng về phía trước, ngôi nhà chị Long Phụng đối diện cũng bắt đầu xém lửa. Hai mươi phút sau mới nghe tiếng còi xe cứu hỏa chạy tới. Con hẻm đã bị thần lửa chặt đứt ra làm hai đoạn. Người của Xóm Phông Tên Nước ở phía ngoài nên có thể chạy ra đường Đỗ Thành Nhân. Người trong Xóm Cầu Tiêu phải chạy ngược vào cuối hẻm.

Cả khung trời đang được soi sáng bởi ngọn lửa hung hãn, bừng bừng. Những khuôn mặt đàn bà thất thần, sợ hãi la hét. Những đứa trẻ khóc thét, kêu gào, cố bấu víu cánh tay người lớn. Đàn ông lăng xăng, chạy tới lui cố gắng cứu chữa… Tiếng cây ván vặn mình kêu răng rắc, nổ đôm đốp. Âm thanh hổn độn. Người người xô đẩy, đạp lên nhau. Trước mặt thì lửa, sau lưng thì nước. Ngọn lửa bất trị. Con nước đang lớn đầy. Khoảng cách thu ngắn dần. Người ta bắt đầu nhảy xuống nước, lội qua sông. Những người không biết lội cũng phải nhảy hoặc bị làn sóng người xô đẩy lọt tòm xuống nước. Cái cầu ván dẫn ra cầu tiêu đã gập ghềnh đã bị gãy xụp xuống. Trong bóng đêm, trong dòng sông, âm thầm có những cánh tay chới với cùng những cái đầu cố ngoi lên khỏi mặt nước. Lặn ngụp. Lềnh bềnh. Có kẻ qua tới bờ bên kia. Có kẻ không..

Trận hỏa hoạn đêm Mùng 6 Tết năm đó đã xóa mất hẳn Xóm Cầu Tiêu. Xóm Phông Tên Nước chỉ còn trơ lại cái phông tên bằng sắt và vài ba cái sườn nhà bằng gạch. Mối tình của anh sinh viên Tiếp và cô Huê, không ai biết hồi kết.

Hồng Hoang

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...