Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

TẠI SAO CÁC LINH MỤC CÔNG GIÁO SỐNG ĐỘC THÂN ?



Nguồn:Why Catholic priests practise celibacy”, The Economist, 23/3/2017

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp


Các quy tắc bắt đầu từ thời Trung Cổ.

Trong cuộc phỏng vấn với một tạp chí Đức vào đầu tháng 3/2017, Đức Giáo hoàng Francis đã gợi ý rằng ngài sẵn sàng chấp nhận ý tưởng cho phép những người đã kết hôn trở thành linh mục. Một sự thay đổi như vậy, dù rất trọng yếu, sẽ là một sự quay trở lại, chứ không phải là một sự tách rời, truyền thống Cơ Đốc trước đó: kinh Tân Ước rõ ràng không có đoạn nào yêu cầu các linh mục phải độc thân. Trong hàng ngàn năm đầu của Công giáo, không phải là chuyện bất thường khi các linh mục có gia đình. Vị Giáo hoàng đầu tiên, Thánh Peter, là một người đàn ông đã lập gia đình; nhiều vị Giáo hoàng thời đầu cũng có con. Vậy làm thế nào mà độc thân lại trở thành một phần của truyền thống Công giáo?

Độc thân là một trong những hành động lớn nhất của sự tự hy sinh mà một linh mục Công giáo được yêu cầu thực hiện, bằng cách từ bỏ vợ, con cái và tình dục vì mối quan hệ của mình với các giáo dân và Thiên Chúa. Theo Bộ Giáo luật của Giáo hội Công giáo, độc thân là một “món quà đặc biệt của Thiên Chúa” cho phép các linh mục theo sát hơn nữa tấm gương của Chúa Kitô, người đã giữ mình trong sạch.

Một lý do khác là khi một linh mục bước vào con đường phục vụ Thiên Chúa, nhà thờ trở thành lời kêu gọi cao cả nhất. Nếu anh ta có một gia đình, sẽ có khả năng xảy ra mâu thuẫn giữa các nghĩa vụ tâm linh và nghĩa vụ gia đình của anh ta. Vatican cho rằng những người đàn ông không có ràng buộc sẽ dễ dàng cam kết với nhà thờ hơn, vì họ có nhiều thời gian hơn để cống hiến và có ít phiền nhiễu hơn.

Văn bản đầu tiên về luật độc thân có nguồn gốc từ năm 305 SCN tại Hội đồng Elvira Tây Ban Nha, một hội đồng các tu sĩ địa phương gặp gỡ nhau để thảo luận các vấn đề liên quan đến nhà thờ. Giáo luật 33 cấm các giáo sĩ trong các nhà thờ – các giám mục, linh mục và phó tế – có quan hệ tình dục với vợ và có con, mặc dù không cấm họ kết hôn.

Mãi cho tới các cuộc họp toàn thể Giáo hội Công giáo tại các Công đồng Laterano thứ nhất và thứ hai vào năm 1123 và năm 1139 thì các linh mục mới bị cấm tuyệt đối kết hôn. Loại bỏ viễn cảnh hôn nhân có thêm lợi ích là giúp đảm bảo rằng con cái hay vợ của các linh mục sẽ không thể yêu sách về tài sản có được trong cuộc đời linh mục, do đó các tài sản này có thể được giữ lại bởi nhà thờ. Phải mất hàng thế kỷ để luật độc thân trở nên phổ biến, nhưng cuối cùng nó đã trở thành tiêu chuẩn trong nhà thờ Công giáo phương Tây.

Mặc dù các sắc lệnh ra đời từ thời trung cổ, luật độc thân vẫn chỉ là một “kỷ luật” (discipline) của nhà thờ, tức một điều có thể thay đổi, chứ không phải là một “tín điều” (dogma), tức một sự thật được mạc khải bởi Thiên Chúa và không thể thay đổi. Khi thế giới thay đổi, Giáo hội đã có một khoảng thời gian khó khăn để tìm kiếm các linh mục. Số lượng linh mục đã giảm: từ năm 1970 tới năm 2014, số lượng giáo dân trên thế giới tăng từ 654 triệu lên 1,23 tỷ người, trong khi số linh mục giảm từ 420.000 xuống còn 414.000. Một số linh mục tiềm năng không muốn lựa chọn giữa việc có một cuộc sống với Thiên Chúa và có một gia đình. Không phải là điều không tưởng khi một ngày nào đó các linh mục có thể có cả hai.

- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/05/14/linh-muc-cong-giao-song-doc-than/#respond


1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...