Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

TRƯỜNG XƯA - (Hồi ký của Trương Thị Khanh)


Tùng, tùng, tùng …Tiếng trống báo giờ vào học, tôi cắm đầu chạy thật nhanh trên con đường mòn phủ cát vàng nhạt giửa đám khoai mì gầy guộc; đó là con đường tắt dẩn đến trường. Tôi đặt chồng tập và bình mực vào hộc bàn rồi cùng các bạn đứng khoanh tay trước ngực bắt đầu đọc bài kinh nhập học.
 

"Đại Từ phụ xin thương khai khiếu
Giúp trẻ thơ học hiểu văn từ
Gần điều nên, lánh lẻ hư...

Nương gươm thần huệ đặng trừ nghiệt căn
Dò đường Thánh khó khăn chẳng nại
Tùng khuôn hồng nhỏ dại lớn khôn
Buộc yêu thương, bạn đồng môn
Nghĩa nhân vẹn giữ xác hồn trăm năm
Nguyện Tam-Cang gìn tâm trọn đạo
Nguyện Ngủ-thường hiếu thảo làm gương
Nguyện nên hương quả tông đường
Nguyện thương lê thứ trên đường công danh
Cầu các đấng Chơn linh nhập thể
Đủ thông minh học lễ, học văn
May duyên gặp hội Long vân
Thuyền thơ ngọn gió Cát-đằng xuôi đưa."
 

Vuốt mấy giọt mồ hôi trên trán tôi ngồi xuống cạnh các bạn trên băng ghế dài, nghe thầy giảng bài và chép vào tập. Thuở ấy chúng tôi học ngày hai buổi từ thứ hai đến thứ bảy, ngày thứ năm chỉ học có buổi sáng.
Trường tôi có tên gọi “Đạo Đức Học Đường”, tọa lạc trong khuôn viên nội ô Tòa Thánh Tây Ninh, do Đạo Cao Đài sáng lập năm 1928, hai năm sau năm khai Đạo, cho con em tín hửu có nơi trau dồi văn hóa. Trường có sân trước thật rộng là nơi tổ chức các buổi lể bãi trường và diễn hành thi lồng dèn vào đêm lễ Trung Thu. Trước khi trường Lê Văn Trung được khai giảng vào niên khóa 1952 - 1953, trường Đạo Đức có cả Tiểu học và Trung học nên trường có tất cả năm dãy lớp. Đến năm tôi học lớp Cao đẳng thì trường chỉ còn bậc Tiểu học nên có ba dãy lớp thôi. Từ cổng trường nhìn vào chỉ có dãy bên tay phải là tường gạch và mái ngói, hai dãy còn lại thì mái lợp cỏ tranh và vách bằng đất trộn rơm. Trước mỗi dãy lớp có trồng hàng cây bả đậu cho bóng mát để chúng tôi chơi đùa và cũng làm dịu cái nóng oi bức. Nền lớp học là loại đất pha cát nên các chân bàn và ghế xoi mòn thành những trủng đất mịn, đó là nơi tôi thường vùi đôi bàn chân bé nhỏ vào để tìm cảm giác êm mát thật dễ chịu trong những buổi học chiều nóng nực. Các bạn có làm thế không?
Trưòng mình nghèo nên không có tiền mua chổi, chúng tôi nhổ những cây “cỏ chổi” mọc quanh trường để quét lớp, bụi đất bay tùm lum nhưng đâu có sao đâu! Còn một “điều bí mật” các bạn còn nhớ không? Trường không có nhà vệ sinh nên đám khoai mì sau trường lá xanh mướt và thân thật là bự!
Cách các lớp học một khoảng sân là dãy nhà ngang, đối diện với cổng trường, đựơc dùng làm văn phòng và phòng họp của thầy cô. Không xa với văn phòng có cái quán nhỏ bán bánh cho học sinh. Phần quà bánh tuy không nhiều dinh dưởng nhưng chúng tôi ăn rất ngon. (Có lẻ bởi chúng mình chưa nếm đựơc “mùi danh lợi lưởi tê tân khổ’!) Nào là khoai mì nấu rồi bóp nát ra trộn với dừa nạo hoặc nước cốt dừa, cho thêm tí muối đậu phọng, khoai lang hay khoai từ luộc, sang hơn chút là bánh mì xẻ dọc bỏ vào ít củ cải ngâm dấm và xịt tí nước tương. Vào buổi chiều, thỉnh thoảng bọn con gái chúng tôi có vài thứ đặc biệt từ vườn nhà như ổi, me, khế, bông mít, luôn được kèm theo gói muối ớt. Cay quá, chảy cả nước mắt nhưng ngon ơi là ngon! Không biết mấy anh có món ngon nào không nhỉ? Đâu có chơi chung hay nói chuyện, làm sao biết được, “nam nữ thọ thọ bất tương thân” mà. Về trò chơi thì phía húi cua hay đá banh, bắn bi, đánh đáo; bọn kẹp tóc thích nhảy dây, đánh đủa, búng hột me …
Phần tập vở và bình mực, bọn con gái mới tí tuổi đầu đã dể lộ cái tính thích ’kiểu cọ” rồi. Bao tập thì nhịn ăn quà để mua giấy dầu bóng màu xanh hoặc vàng nhạt; bình mực thường dùng vỏ chai thuốc trụ sinh Penicilline, một đựng mực xanh hoặc tím, một đựng mực đỏ và ràng với nhau bằng dây thun. Khi vào lớp chúng tôi thường mở nắp cao su của bình mực, xé miếng giấy chậm nhỏ quấn vào ngón tay út để chùi phần trên nước mực cho thật trong, đem so với mấy đứa bạn với hy vọng “bình của tui trong hơn” rồi cười rúc rich.
Tôi còn nhớ gần cuối năm lớp Cao đẳng (lớp năm bây giờ) ở Đao Đức Học Đường trong nôi ô Tòa Thánh, chúng tôi chuẩn bị thi lấy bằng Tiểu Học thật bận rộn, nào là ôn tập bài vở, họp bạn học cả cuối tuần để thi thử ở trường. Thời bấy giờ kỳ thi Tiểu Học rất khó gồm các môn: Việt văn và Pháp văn (viết chánh tả và trả lời các câu hỏi về bài chánh tả), Toán, Câu hỏi thường thức gồm có Sử ký, Địa lý, Cách trí (Vạn vật học- Biology), cuối cùng là phần vấn đáp. Tới ngày thi, chúng tôi tụ họp thật sớm tại trường để xe camion của Đạo chở chúng tôi ra thi ở trường Nam và Nữ Tiểu học ở thị xã Tây Ninh cách trường chúng tôi khoảng năm cây số. Trưa chúng tôi đi bộ tới ngôi chùa gần trường thi để ăn cơm rồi trở lại trường thi tiếp buổi chiều.
Khí hậu Tây Ninh dù có mưa nhiều nhưng vẫn thường rất nóng bức vì chỉ có con sông nhỏ Vàm Cỏ Đông chảy qua. Núi Bà Đen hay Núi Điện Bà là nét đẹp hùng vĩ duy nhất, xanh mướt quanh năm, vươn lên đơn độc giữa đồng ruộng mênh mông. Trên núi có chùa thờ Bà là địa điểm mời gọi khách thập phương viếng thăm vùng đất núi biên thùy, ngày trước người dân Tây ninh dùng chữ thâm thay cho chữ đen vì kiêng cử tên Bà. Du khách trên đường về cũng không quên ghé lại chiêm ngưởng một kiến trúc với nét đẹp Đông phưong tráng lệ, Tòa Thánh Tây Ninh, tổ đình của Đạo Cao Đài được khánh thành năm 1955, cách núi Điện Bà khoảng năm sáu cây số. Hầu hết dân cư sống quanh Tòa Thánh là tín hửu Cao Đài tụ tập về đây sau thế chiến thứ hai, phần đông không khá giả nhưng rất quí trọng và giúp đở lẫn nhau khi gia đình đồng đạo có quan hôn tang tế.
Chúng tôi được nuôi dạy và lớn lên trong một môi trường tuy thiếu thốn vật chất nhưng đầy ấp tình người theo châm ngôn “là con một Đạo tức một Cha”. Những điều đó được thể hiện rõ nét trong ngôi trưòng Đạo. Chúng tôi ít khi cải cọ hay đánh nhau mà thường giúp nhau trong việc học hành. Có nhiều bạn ở xa trường tới ba bốn cây số; đám học trò nghèo ngày hai buổi xuôi ngược tới trường bằng đôi chân không guốc dép trên những con đường cát nóng, đầu trần đội ánh nắng chói chang hay mưa dầm nặng hột. Vào đông, khí trời se lạnh, chúng tôi vẫn nô nức vui vẻ tới trường với áo vảỉ mong manh.
Thầy cô chúng tôi hầu hết không tốt nghiệp Đại học nhưng không thiếu kiến thức để truyền dạy về Quốc văn, Pháp văn, Khoa học. Địa lý, Sử ký, Toán và quan trọng nhất là đạo làm người đối với gia đình, xã hội, quê hương xuyên qua những bài Luân lý và Công dân giáo dục. Những lời giáo huấn của thầy cô đã khắc sâu vào tiềm thức chúng tôi, nhất là thầy Bảy Trí, thầy dạy lớp Cao đẳng G: “Các con nên nhớ rằng từ cái ăn, cái mặc của các con đều do nhiều người cực nhọc làm ra; các con phải cố gắng học hành để sau nầy đóng góp công sức vào xã hội như một cách trả ơn.” Đầu năm 1975, tôi dọ hỏi và tìm thăm thầy Bảy Trí; thầy vẫn còn đi dạy và sống một mình ở Tân Vạn – Biên Hòa. Tôi vừa vào nhà, sau một thoáng ngạc nhiên thầy đã nhận ra và gọi tên tôi. Nước mắt lăn dài trên má tôi khi vòng tay “thưa thầy”; thầy cũng cảm động mắt ứa lệ. Thầy trò hàn huyên suốt cả hai giờ với cảm xúc vui buồn theo sự thành đạt hay dở dang, mất mát của một số học trò cũ còn biết được tin tức. Tôi theo nghiệp thầy nên cảm thông đươc niềm hạnh phúc khi biết học trò mình thành người hửu dụng cho xã hội dù ở địa vị hay hoàn cảnh nào. Tôi từ giả thầy và hẹn sẽ trở lại thăm, nhưng … không còn có dịp nữa.
Đã hơn năm mươi năm nhưng hình ảnh ngôi trường đơn sơ cũ với thầy cô, bạn bè, lồng đèn đêm Trung thu, lễ phát thưởng cuối năm có màn văn nghệ “gánh, gánh, gánh lúa về, gánh lúa về, gánh về …” vẫn còn rõ nét trong tôi. 

Những biến động triền miên trên quê hương đã chôn vùi biết bao nhân tài và phân tán các bạn đồng môn còn sống sót trên vạn nẻo đuờng của quả địa cầu. Hy vọng ý nghĩa của bài kinh nhập học và những lời giáo huấn của thầy cô từ ngôi trường Đạo vẫn còn tồn tại trong tâm tư mỗi học trò cũ và sẽ mãi mãi là ngọn hải đăng soi sáng tâm linh và dẩn dắt chúng ta cho đến ngày về bến đợi bình an.
Trương thị Khanh 04.

                                        (Tác giả: Bìa phải-cao nhất)
Bình Luận :
Lê Vui:(Gửi qua con gái)

"Nói Cô Khanh mẹ đọc mà cảm động lắm, vì có nhiều liên hệ. Nhưng thời của mẹ thì học ở Cơ Thánh Vệ (Gần trước nhà chú Ngân, hiện giờ là trường học hay gì quên rồi). Cô của mẹ là Cô Lan, người rất hiền và đạo đức. Học ngày hai buổi, phải dở cơm. Nhưng thời gian học chẳng bao lâu vì sau đó mẹ chuyển vào trường Tiểu học Cộng đồng Long Hoa.
Kỷ niệm cũng tương tự: đi học sớm, đánh đủa, nhảy dây....đặc biệt nhất là cái món muôn đời, muôn nơi: muối ớt + dái mít, me......

Hồi đó, trường Cơ Thánh Vệ cũng mái tranh, vách đất, nhưng sao thấy ấm cúng lắm. Nhà ngoại từ góc Bình Dương + Trung Hòa..lội bộ mỗi ngày, nhưng không hề biết ngán là gì đâu. Lúc đi còn bước nhanh nhanh cho kịp giờ chứ ra về thì tha hồ lê la. Thời này hay chơi trò lấy mực tiêm vô cuống bông ...... cho nó chạy chỉ lên cánh, tạo màu xanh.......thích lắm. Mẹ còn nhớ rõ mấy bông mẫu đơn (gọi sai, chứ thực tên đúng là dành dành), màu trắng ngà, nhưng thơm rất dễ chịu.

Cảnh thi cử có cải cách rồi, bỏ thi tiểu học, nhưng phải tuyển vào đệ thất Công lập. Mẹ nhớ ngày xưa giữ 10 ngày chay rất nghiêm, đi thi tự ngồi xe lôi ra ngoài Trung học Công Lập TN (Trần Hưng Đạo một thời). Buổi trưa đi bộ ra chỗ chợ cũ, ăn cơm với dưa leo, nước tương chứ nhứt định không "ngã mặn". Nhờ vậy mà hên sao "chim ỉa miệng chai", lời ông ngoại trù vì thấy mẹ ham chơi chẳng học hành gì.

Thôi, chuyện xưa kể hoài cũng không hết đâu.

Trương Thị Khanh

Pham Hòa:
 Năm học 1953-54,mình học lớp trung đẳng với cô giáo Nguyễn thị Kiêm tại ĐĐHĐ.Trước VP.trường,phiá trái có 1 cái giếng,cung cấp nước cho  mọi sinh hoạt trong trường ,nước lấy lên bằng gàu cột vào cái cần vọt.Lạ là giếng ko có thành ngăn cách gì ráo.Học trò thỉnh thoãng ngó đầu vào giếng xem bóng mình trong đó,cười vang,may mà ko có trò nào rơi xuống.Nước lấy lên đựng trong lu sành,uống bằng gáo dừa,thời kỳ nầy ở TN,nhiều nhà ven đường có lu nước như vậy cho ai đó lỡ đường...Uống nước lạnh,ko nghe nói có ai bị gì...mãi đến thời vào TH.Tây Ninh mới học :phải uống nước đun sôi.
Thầy ,Cô thuở đó ko lương nhưng rất có trách nhiệm với học trò,luôn công bằng và nhân ái.
Đólà điều khiến bọn mình nhớ mãi


🌸🌸🌸🌸🌸🌸

MỜI XEM :

2 nhận xét:

  1. Tôi học tại Đạo Đức Học Đường năm 1056-1957,thời thơ ấu, ký ức không nhớ nhiều. Tôi được câc anh chị lớn tuổi có nhắc đến hai câu, được khắc trước cổng trường:
    " Đạo đức lưu truyền hậu tấn - Hiếu trung phò xã tắc
    Học đường giáo hóa thơ sanh - Nhơn nghĩa lập giang san"
    Tôi nghe nói, hai câu trên do một vị chức săc cấp cao của Đại Đạo Cao Đài Phổ Độ đặt cho trường. ""Hiếu Trung"" - "Nhơn Nghĩa" là hai đức tín, mà học trò DDHĐ phải giữ suốt đời. Than ôi...Tiếc thay...

    Trả lờiXóa

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...