Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

Kích thước của hạt cholesterol và nguy cơ bệnh tim mạch

BS. Hồ Ngọc Minh



Một trong số những loại thức ăn có thể làm tăng cholesterol (Hình minh họa: Getty Images)
LTS: Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com.

WESTMINSTER, California (NV) – Cho đến thời gian gần đây nhất, dựa trên các dữ kiện nghiên cứu, một luận điểm còn cho rằng cholesterol chính là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch và thuốc giảm cholesterol statins giúp giảm nguy cơ tử vong vì đột quỵ tim. Ngược lại cũng dựa trên chính những dữ kiện ấy, một luận điểm khác lại lý luận, cholesterol chỉ là một dấu hiệu, hay một trong nhiều nguyên nhân khác nhau đưa đến bệnh tim mạch, và, statins chẳng có ích lợi gì cả.
Trong hơn 20 năm qua, cholesterol bị lên án là thủ phạm gây ra bệnh tim mạch, trong khi đó trên thực tế, cơ thể cần cholsterol để xây dựng và bảo trì cấu trúc của các tế bào, cấu tạo nên các loại hormones, cũng như sản xuất ra các tín hiệu thần kinh neurotransmitters. Bạn có biết 70% cấu trúc của não bộ được xây dựng từ cholesterol? Suy nghĩ ngược lại chút xíu nhé, nếu nói rằng trong thịt động vật có chứa nhiều cholesterol, vậy thì, về cơ bản, thịt con người ta chứa nhiều cholesterol nhất! Thật thế, lá gan con người sản xuất ra trên 70% tổng số hàm lượng cholesterol trong máu mỗi ngày.
Hơn nửa thế kỷ qua, người ta nói rằng ăn nhiều các thức ăn béo, có chứa nhiều cholesterol sẽ làm tăng cholesterol trong máu và tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch. Giáo điều nầy đã bị phủ nhận hoàn toàn trong thập niên vừa qua. Một số chất béo, như omega-3 rất cần cho cơ thể để chống oxide hoá, và để… chống béo. Trong khi đó trứng gà chứa nhiều cholesterol nhưng lại bổ và vô hại.
Ngoài ra, những thử nghiệm cholesterol cơ bản thường dùng không đủ để tiên đoán nguy cơ bị bệnh tim mạch. Hiện nay, hầu như ai cũng biết, có hai loại cholesterol, LDL là xấu và HDL là tốt, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Bạn có thể có lượng LDL hoàn toàn bình thường nhưng vẫn bị đột quỵ tim, và ngược lại.
Như đã trình bày trước đây, thật ra chỉ có một loại cholesterol duy nhất mà thôi, LDL hay HDL chỉ là tên của loại protein chuyên chở chất cholesterol: LDL viết tắt cho Low Density Lipoprotein, còn HDL là High Density Lipoprotein. Để so sánh, cholesterol là vật liệu xây cất, còn LDL hay HDL là các loại xe chuyên chở. Trên thực tế, kích thước xe chuyên chở có nhiều loại, vì thế kích thước của những “hạt cholesterol” LDL cũng có nhiều cỡ, to hay nhỏ. Chính những hạt nhỏ mới là những hạt dễ gây ra lở loét trong mạch máu, dễ bị oxide hoá, và dễ dính chùm với nhau tạo thành vảy đóng trên mạch máu, làm nghẽn mạch máu và gây ra tai biến. Vì thế có những người có lượng cholesterol hoàn toàn bình thường, nhưng số lượng hạt cholesterol cỡ nhỏ quá cao, lại dễ bị nguy cơ bệnh tim mạch. Trong khi đó, những người có lượng cholesterol cao nhưng kích thước các hạt cholesterol nầy to, lại ít khi bị truỵ tim.
Gần đây, nhiều bác sĩ đã dùng thử nghiệm gọi là “NMR (Nuclear Magnetic Resonance) Lipoprofile để đo không những hàm lượng cholesterol mà còn cho biết số lượng cũng như kích thước của những hạt cholesterol LDL. Nếu số lượng hạt LDL càng nhiều và kích thước các hạt nầy càng bé thì nguy cơ bị bệnh tim mạch càng cao.
Thử nghiệm NMR Lipoprofile nầy mới đây đã được FDA công nhận và nhiều hảng insurance chịu bồi hoàn tiền chi phí.
Thế thì nguyên nhân nào làm cho số lượng hạt LDL tăng cao, và làm cho kích thước hạt LDL nhỏ đi?
Trong một số bài viết trước, tôi có đề cập đến nguy cơ của “bánh xe đường” trong ba trục bánh xe “ Mỡ, Đường, Máu”, với lượng đường trong máu được kiểm soát bởi hormone insulin. Hội chứng vô cảm với chất hormone insulin, insulin resistance, là một nguyên nhân chính làm tăng số lượng hạt LDL cũng như giảm kích thước của những hạt LDL nầy. Thật thế, bệnh vô cảm với insulin, gây ra tiểu đường loại 2, là lý do đứng thứ nhì, chỉ sau lý do di truyền, làm tăng mỡ cholesterol, cũng như tăng mỡ đặc triglyceride trong máu. Chính “bệnh đường” gây ra “bệnh mỡ”, và “bệnh máu”.
Ngoài yếu tố di truyền, một số nguyên nhân sau đây đã gây ra chứng vô cảm với insulin:
1. Thức ăn có nhiều đường và tinh bột, cũng như nhiều chất “dầu xà lách” chứa nhiều omega-6.
2. Thiếu vận động, ngồi nhiều một chỗ.
3. Thiếu ngủ.
4. Ô nhiễm môi trường.
5. Thiếu vi khuẩn tốt đường ruột.
6. Tăng cân.
Các yếu tố trên đây dẫn đến chứng vô cảm hay lờn insulin, khiến lá gan sản xuất ra nhiều LDL với nhiều hạt LDL kích thước nhỏ. Cũng vì thế, bằng cách khống chế các yếu tố trên đây qua việc năng vận động, siêng thể dục thể thao, ăn uống cẩn thận, ta có thể giảm bớt nguy cơ bị bệnh tim mạch.
Thuốc statins chỉ là giải quyết tạm thời để hãm thắng guồng máy sản xuất LDL trong lá gan. Statins có thể tạm thời giảm số lượng hạt LDL và giảm hàm lượng LDL trong máu, nhưng không làm tăng kích thước của hạt LDL lên. Một loại thuốc giảm cholesterol mới, tốn khoảng $14,000 dollar chữa trị một năm, có thể giảm lượng LDL xuống 60 đến 70% nhưng lại không giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch là bao nhiêu.
Thuốc statins cũng không giải quyết được tình trạng vô cảm với insulin. Trong trường hợp bi bệnh ”tiền tiểu đường” (pre-diabetes), thuốc Metformin, có thể làm giảm sự vô cảm với insulin, do đó giảm số lượng hạt LDL cũng như tăng kích thước của hạt LDL lên.
(Từ Báo Người Việt )

1 nhận xét:

Thơ MP.Trường Giang Thủy : TÓC DÀI TÓC NGẮN , HOA LÒNG

  TÓC DÀI TÓC NGẮN Tóc dài xưa nợ bàn tay, Gỡ từng sợi rối thẹn ngày gió thu... Nắng hồng dính vệt sương mù Soi trên tóc ngắn bạc từ hôm qua...