Trong cơn mưa chiều nay, thay vì ra phố làm một tách macchiato thơm
lựng, tôi ở nhà hì hụi dọn bếp. Mớ chai lọ bình hũ trên kệ bếp bị hơi
dầu mỡ bám dày, động cái nào cũng nhờn mỡ, tôi phải dùng nước xà phòng
ấm rửa một loạt. Đâu đó trong xó kẹt, tôi thấy một chiếc lon Guigoz rỗng
bị bỏ quên.
Tôi rửa sạch chiếc lon, và óc tôi bỗng nảy ra một ý:
chiếc lon Guigoz là một trong những chi tiết ngẫu nhiên gắn liền với
Saigon, có phải thế không nhỉ? Lúc tôi được sinh ra, mẹ nuôi tôi bằng
sữa Guigoz. Vậy là tôi có được gần mười năm “gắn bó” với hiệu sữa nổi
tiếng nhất miền Nam thuở đó. Lon sữa đầu tiên, khi tôi lọt lòng mẹ. Lon
sữa sau cùng, vào một ngày Saigon rét đậm bất thường cuối năm 1975.
Vẫn Guigoz. Guigoz là sản phẩm của hãng Nestlé, mà hãng này, như ta
biết, có rất nhiều nhánh sản phẩm từ sữa. Không chỉ Guigoz. Thế mà riêng
Guigoz có mặt cùng với Saigon, với bối cảnh đô thị này những ngày trước
và sau giải phóng. Chỉ riêng Guigoz được vinh dự ấy. Vì sao vậy? Nếu
chúng ta cùng chơi trò nhắm mắt đoán hiệu chỉ bằng cách nếm thử bột sữa,
bạn sẽ không phân biệt được Guigoz với SMA, Snow, Med-Johnson đâu. Tuy
Guigoz có khác các hiệu sữa Mỹ và Nhật ở chỗ không vón cục, nhai bột sữa
khô không dính răng và không bết lại trong khoang miệng, nhưng bấy
nhiêu phẩm chất đâu có đủ làm nên một huyền thoại. Phép lạ nằm ở đâu? Ở
cái lon đựng.
Đồ hộp đương thời không cái nào có vỏ hộp giống
Guigoz, và chính Guigoz bây giờ cũng khác. Khái niệm “lon Guigoz”, bạn
nhớ không, là một thứ không giống ai cả. Lon đúc bằng nhôm trắng, có
những đường lượn sóng ở thân để không trơn tay, nắp nhôm đúc liền với
thân và được “khằn” bằng một vòng nhôm mềm. Hồi tôi còn bé, bà ngoại mua
sữa về là tôi giành việc mở lon. Cầm vào một chỗ hơi tòe ra trên vòng
nắp, xé đều tay đủ một vòng là được. Nắp nhôm ăn khít với lon hình trụ,
mà ăn bên trong chứ không chờm ra ngoài như các nắp nhựa mềm hiện giờ.
Guigoz có hai loại, loại trắng cho bé sơ sinh và loại vàng cho trẻ đã
thôi nôi. Đó là loại sữa dễ pha nhất, không vón cục nên không phải
nghiền trong nước lạnh trước rồi mới châm nước sôi như nhiều hiệu sữa
khác. Đó là loại sữa thơm nhất. Đó là loại sữa vừa miệng thằng-bé-tôi
nhất.
Ồ tôi suýt lạc đề: Guigoz dính dáng với Saigon như thế nào?
Chiếc lon nhôm độc nhất vô nhị của Guigoz đã là vật tái dụng được ưa
chuộng nhất trong những năm dân mình còn nghèo khó. Lon không đựng sữa
nữa (dĩ nhiên, đào đâu ra sữa), mà đựng đường chảy (đường mía sơ chế),
đựng bột đậu, đựng muối mè, đựng thức ăn dỡ theo của công nhân viên chức
– mẹ tôi, cô giáo, hè nào đi học chính trị cũng thủ hai lon Guigoz, một
đựng cơm còn cái kia đựng đậu phụ kho hay rau xào. Lon Guigoz biến
thành nồi nấu trà, thành bình cà phê. Lon Guigoz để đi mua nước đá lẻ.
Lon Guigoz để đong gạo. Lon Guigoz để múc nước ăn. Lon Guigoz đục lỗ xỏ
xâu làm vật trang trí cho nhà thơ Bùi Giáng. Cuối thập kỷ 70 của thế kỷ
20, ở Saigon người người lon Guigoz. Guigoz phổ cập hơn cả Honda Dream
mười năm sau.
Lon Guigoz, đọc là “ghi gô”, người Saigon gọi tắt
thành gô. Đưa gô cơm đây. Nhớ cất gô lúc về nhé. Tôi nhớ ra rồi, chiếc
gô tìm thấy chiều nay là của bà ngoại tôi. Lúc đau yếu sắp mất, bà vẫn
để chiếc lon cạnh giường, trong đó bà cất mấy đồng tiền lẻ, vài sợi dây
thun, diêm quẹt, cây đinh mũ, mảnh vải lau. 1996, từ đó đến giờ mười bốn
năm rồi. Bây giờ, không ai còn cần đến gô. Đã có các containers nhựa
trong, nắp bật, bán đầy siêu thị. Gô đã gần như… tuyệt chủng. Vậy nên
trông thấy lại một chiếc gô méo mó ở xó bếp, thấy bồi hồi và cả một chút
giống như ân hận nữa. Hồi xưa, chúng ta đã từng quý nó thế nào. Bà
ngoại tôi từng quý nó thế nào…
(st)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024
Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
bài rất hay
Trả lờiXóa