Chắc
có lúc bạn tò mò, muốn biết các bác sĩ chữa trị theo những nguyên tắc,
tiêu chuẩn nào, vì thấy nhiều khi bác sĩ đăm chiêu suy nghĩ, tính toán
trước khi cho thuốc.
Nguyên
tắc chữa trị đúng đắn trong y khoa kể ra không khó hiểu, chương trình y
khoa nào cũng dạy, sách y khoa nào cũng đề cập. Vì đây là những nguyên
tắc don giản, hợp lý.
Tùy vào định bệnh
Đầu
tiên, việc chữa trị bao giờ cũng tùy vào định bệnh. Sau khi nghe bạn kể
bệnh tỉ mỉ, thăm khám cho bạn kỹ lưỡng, bác sĩ đi đến một định bệnh,
rồi tùy định bệnh này là gì, chúng ta sẽ hoạch định cách chữa thế nào.
Thí dụ, với định bệnh “Đau bụng” (Abdominal pain), bác sĩ chữa khác, với
định bệnh “Đau lưng dưới” (Low back pain), cách chữa sẽ khác, và với
định bệnh “Cao áp huyết” (Hypertension), cách chữa tất nhiên càng khác.
Tất
cả các định bệnh đều phải có trong sách vở y khoa đàng hoàng, và phải
có cả trong sách biến mỗi định bệnh thành một mã số (code) để bác sĩ gửi
mã số này đến Medi-Cal, Medicare, bảo hiểm nhờ họ trả chi phí thăm khám
cho người bệnh. Thí dụ, mã số của “Abdominal pain” là R10.9, mã số của
“Low back pain” là M54.5, máy computer của Medi-Cal, Medicare, bảo hiểm
khi nhận được các mã số này từ bác sĩ gửi đến, nó mới chấp nhận, và
khuyên Medi-Cal, Medicare, hãng bảo hiểm trả tiền cho bác sĩ. Nó không
cần biết đến định bệnh “Abdominal pain” hay “Low back pain”,
“Hypertension”, đúng mã số thì nó nhận, không thì thôi nó đẩy ra. Đời
đâu đâu cũng là những con số.
Trong
các sách y khoa, cũng như trong sách hoán chuyển định bệnh thành mã số,
không bao giờ có định bệnh “Khỏe, không bệnh gì, chỉ đến xin thuốc đem
về Việt Nam làm quà tặng người thân quen bên đó”, hoặc “Khỏe, không bệnh
gì, đến xin trụ sinh về cho người nhà không có bảo hiểm”.
Khi đã có một định bệnh rõ rệt, việc chữa trị cần tuân thủ 4 nguyên tắc: hữu hiệu, tránh phản ứng phụ, tiện lợi, tiết kiệm.
Hữu hiệu
Một
khi đã quyết định phải chữa (nhiều vấn đề không cần chữa, chẳng hạn như
một nốt ruồi lành, nhỏ trên da bạn), sự chữa trị cần hữu hiệu.
Bác
sĩ sẽ dựa theo sách vở, chọn lựa sự chữa trị nào hữu hiệu nhất cho bạn.
Sự chữa trị nhắm mục đích vừa làm giảm triệu chứng giúp bạn dễ chịu,
vừa giúp bệnh mau lành và ít tái phát trong tương lai. Thí dụ, bạn bị
đau lưng dưới cấp tính (acute low back pain) do hệ thống nâng đỡ cột
xương sống căng, dãn, sự chữa trị không phải chỉ là dùng thuốc giảm đau,
song bác sĩ cũng có bổn phận giải thích cơ chế gây ra đau lưng, và
khuyên bạn những phương cách giúp đau lưng mau hết, và ít trở lại trong
tương lai.
Một
vấn đề bác sĩ rất hay gặp: bạn hỏi ý kiến bác sĩ về vô số những cách
chữa quảng cáo rầm rộ trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình, “Họ
quảng cáo dữ quá, bảo đảm sẽ khỏi, không khỏi không lấy tiền”. Bác sĩ sẽ
dựa vào sách vở để trả lời bạn, cách chữa nào đã được chứng minh là
tốt, cách nào không. Nói chung, quảng cáo càng rầm rộ, càng đao to búa
lớn kiểu “bảo đảm sẽ khỏi” (trong Y khoa Mỹ, không bác sĩ nào dám nói
tiếng bảo đảm), sản phẩm họ bán càng đắt tiền, chúng ta càng cần đề
phòng chuyện tiền mất tật mang, hoặc thuốc, sản phẩm của họ mắc gấp mười
so với thuốc, sản phẩm tốt ngang mua ở chỗ khác.
Tránh phản ứng phụ
Không
thuốc nào không gây phản ứng phụ (side effects). (Nhưng phản ứng phụ
chỉ xảy ra cho một số người dùng thuốc, không phải cho tất cả mọi người
dùng thuốc.) Nếu phản ứng phụ khiến bạn khó chịu quá, sau một thời gian
dùng thuốc, bạn có thể sẽ lắc đầu chào thua bỏ thuốc. (Bạn đừng tin vào
lời quảng cáo: “Thuốc hoàn toàn không gây phản ứng phụ”.) Thỉnh thoảng,
phản ứng phụ có thể nặng đến chết người.
Thế
nên, bác sĩ sẽ tính toán trong trường hợp của bạn, chúng ta nên dùng
thuốc nào thì hơn, ít sợ phản ứng phụ nguy hiểm. Điều này tùy thuộc
nhiều điều kiện lắm: sắc dân, tuổi tác, phái tính, các bệnh bạn đang
mang, các thuốc bạn đang dùng (có thuốc dùng riêng không sao, dùng chung
với một thuốc nào đó dễ gây phản ứng phụ). Khi đi khám bệnh, bạn nhớ
đem tất cả các thuốc đang dùng ở nhà cho bác sĩ xem, kể cả các thuốc mua
không cần toa bác sĩ.
Để
tránh phản ứng phụ có thể xảy ra cho người bệnh, nhất là các vị cao
niên, bác sĩ nên luôn tự nhắc nhở mình: càng ít thuốc càng tốt. Càng cao
tuổi, sức chịu đựng thuốc càng kém đi, nhất là khi uống nhiều thuốc quá
(thuốc cần thiết lẫn những thuốc chẳng có chỉ định y khoa tí nào nhưng
người bệnh muốn thì cứ cho), các thuốc tác động với nhau trong cơ thể
(drug interaction) dễ gây hại. Bác sĩ nên thường xuyên kiểm thuốc (đây
cũng là điều Medi-Cal, Medicare muốn bác sĩ phải làm), xem người bệnh có
đi lấy thuốc ở nhà thuốc không, dùng thuốc có đều không, có sự nhầm lẫn
nào không, và bỏ bớt đi những thuốc xét thấy người bệnh không còn cần
nữa. (Nhiều vị tiếp tục uống thuốc bao tử năm này sang năm khác, dù
triệu chứng không còn; các thuốc bao tử dùng lâu, có thể gây rỗng xương,
gãy xương.)
Tiện lợi
Dùng
thuốc về lâu về dài, thuốc uống, chích ngày 1 lần thì tốt, ngày 2 lần
tạm được, nhưng ngày phải uống, chích đến 3 lần, thì chắc ngay cả bác sĩ
cũng khó dùng thuốc đều mà không quên.
Nhiều
thuốc, như các thuốc chữa bệnh rỗng xương Alendronate, họ chế loại mỗi
tuần chỉ uống 1 viên, không phải uống hàng ngày như trước.
Nếu
có thể, bác sĩ nên tính toán chọn thuốc nào dùng ngày 1 lần thôi, giúp
người bệnh đỡ quên uống, chích thuốc lần thứ 2, thứ 3 trong ngày.
Tiết kiệm
Nguyên tắc tiết kiệm (cost effectiveness) không kém phần quan trọng so với 3 nguyên tắc hữu hiệu, tránh phản ứng phụ, tiện lợi.
Đồng
tiền là núm ruột, tiền của ai cũng vậy thôi. Chữa trị tốn kém không cần
thiết, về lâu về dài người bệnh trả tiền túi sẽ không kham nổi, hệ
thống Medi-Cal, Medicare, bảo hiểm cũng sạt nghiệp.
Các
thuốc dùng nếu tác dụng tốt, hữu hiệu ngang nhau, bác sĩ nên chọn thuốc
nhẹ tiền hơn. Cụ thể là các thuốc brand name và generic, chúng có tác
dụng hữu hiệu ngang nhau, chúng ta nên dùng thuốc generic giá hạ hơn.
Không phải lúc nào của rẻ cũng của ôi, của đắt tiền mới là của tốt,
nhiều khi còn ngược lại (nhiều thuốc mới ra rất đắt tiền, nhưng sau vài
năm phải thu hồi lại, vì gây những phản ứng phụ quá nguy hiểm; những
thuốc lưu hành đã lâu, nay vẫn còn được các bác sĩ dùng nhiều, thường an
toàn hơn). Bắt buộc phải dùng thuốc đắt tiền (như các thuốc bao tử
Prevacid, Nexium, đến 3-4 đồng một viên), sau một thời gian, căn bệnh
hoặc triệu chứng ổn định, bác sĩ nên đổi sang những thuốc nhẹ tiền hơn.
Không
riêng gì những thuốc đắt tiền, với những thuốc khác cũng vậy, mỗi khi
xem người bệnh, bác sĩ đều nên thẩm định lại tất cả các vấn đề, xem vấn
đề nào của người bệnh đã giải quyết xong không còn cần đến thuốc chữa
nữa, bỏ bớt thuốc đi. Việc này sẽ giúp người bệnh tránh bớt các phản ứng
phụ do dùng nhiều thuốc quá, thuốc nọ đánh thuốc kia trong cơ thể, và
cũng giảm thiểu tốn kém trong sự trị liệu. Mọi người chúng ta ai cũng
nên ý thức việc này, tiêu đúng thì tốt, tiêu tốn quá nên tránh, nên xem
của công như tiền túi mình. (Tôi rất cảm động và thán phục khi nghe
nhiều vị nói: “Thôi, tôi hết đau rồi, thuốc này tôi không cần nữa, bác
sĩ khỏi cho thêm, tốn tiền chính phủ.”)
Bây
giờ, bạn đã hiểu các nguyên tắc chữa trị bác sĩ nào cũng được dạy trong
trường. Chúng ta cùng thấu đáo những nguyên tắc hợp lý trên, tình bệnh
nhân bác sĩ chúng ta sẽ thắm thiết hơn. Chúng ta cùng vun xới cho đất
nước Mỹ thân yêu này, không làm hại nó.
Hoang Pham chuyển
bài rất bổ ích
Trả lờiXóa