Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

Về Bài Thơ "MAO ỐC VỊ THU PHONG SỞ PHÁ CA " Của Đỗ Phủ (712-770)

   ĐỖ PHỦ 杜甫  ( 712-770 ) tự là Tử Mỹ 子美, thường tự xưng là Thiếu Lăng Dã Lão 少陵野老( Ông già ở vùng hoang dã của đất Thiếu Lăng ). Thi Tiến Sĩ mãi không đậu. Từng đãm nhận chức Kiểm Hiệu Công Bộ Viên Ngoại Lang, nên người đời thường gọi ông là Đỗ Công Bộ. Ông là nhà thơ hiện thực vĩ đại của đời Đường, hợp cùng với Lý Bạch thành một cặp Lý Đỗ của thời Thịnh Đường. Từ đời Tống về sau mọi người đều xưng tụng ông là Thi Thánh. Thơ của ông vạch trần mâu thuẫn của xã hội đương thời, tỏ nỗi cảm thông sâu sắc với đời sống cơ cực của dân nghèo trong chiến tranh loan lạc ( loạn An Lộc Sơn ). Ông để lại nhiều bài thơ tuyệt tác, nhất là luật thi của ông luôn luôn rất nghiêm cẩn thâm thúy với một kỹ thuật siêu việt tự nhiên và rất đa dạng. Ông để lại " Đỗ Công Bộ Tập ", gồm hơn 1400 bài thơ.
        Sau đây là một bài thơ tiêu biểu của ông khi chạy loạn An Lộc Sơn ...
                Inline image Image result for 茅屋為秋風所破歌。 杜甫

茅屋為秋風所破歌        MAO ỐC VỊ THU PHONG SỞ PHÁ CA 

八月秋高風怒號,          Bát nguyệt thu cao phong nộ hào, 
卷我屋上三重茅。          Quyển ngã ốc thượng tam trùng mao. 
茅飛度江江郊,          Mao phi độ giang sái giang giao. 
高者掛罥長林梢,          Cao giả quải quyến trường lâm sao, 
下者飄轉沈坳。          Hạ giả phiêu chuyển trầm đường ao. 
南村群童欺我老無力,    Nam thôn quần đồng khi ngã lão vô lực, 
忍能對面為盜賊。          Nhẫn năng đối diện vi đạo tặc. 
公然抱茅入竹去,          Công nhiên bão mao nhập trúc khứ,
脣焦口燥呼不得,          Thần tiều khẩu táo hô bất đắc. 
歸來倚杖自歎息。          Qui lai ỷ trượng tự thán tức. 
俄頃風定雲墨色,          Nga khoảnh phong định vân mặc sắc,
秋天漠漠向昏黑。          Thu thiên mạc mạc hướng hôn hắc. 
布衾多年冷鐵,          Bố khâm đa niên lãnh tự thiết. 
嬌兒惡臥踏裏裂。          Kiều nhi ác ngọa đạp lý liệt. 
床頭屋漏無乾處,          Sàng đầu ốc lậu vô can xứ,
雨腳如麻未斷絕。          Vũ cước như ma vị đoạn tuyệt. 
自經喪亂少睡眠,          Tự kinh táng loạn thiểu thụy miên
長夜霑溼何由徹!          Trường dạ chiêm thấp hà do triệt. 
安得廣廈千萬間,          An đắc quảng hạ thiên vạn gian, 
大庇天下寒士俱歡顏,    Ðại tí thiên hạ hàn sĩ câu hoan nhan,
風雨不動安如山!          Phong vũ bất động an như san. 
嗚呼!                        Ô hô !
何時眼前突兀見此屋,    Hà thời nhãn tiền đột ngột kiến thử ốc, 
吾廬獨破受凍死亦足!    Ngô lư độc phá thụ đống tử diệc túc.
                      杜甫                                          Đỗ Phủ

1. CHÚ THÍCH :
    * THU CAO 秋高 : Không phải mùa thu ở trên cao, mà là gần cuối thu. Tháng 7 là SƠ THU 初秋 là Đầu thu. Tháng 8 là TRUNG THU 中秋 là Giữa mùa thu. Tháng 9 là THÂM THU 深秋 là Tàn thu. Ở đây THU CAO chỉ thời gian cuối Tháng 8 là gần Cuối Thu rồi.
    * NỘ HÀO 怒號 : là Gào Thét. Chỉ gió rít như thét gào.
    * TAM TRÙNG MAO 三重茅 : là 3 lớp cỏ tranh. Chữ TAM ở đây là phiếm chỉ, có nghĩa là NHIỀU, chứ không nhất thiết phải là 3.
    * QUẢI QUYẾN 掛罥 : Bị cuốn dính treo tòn ten.
    * LÂM SAO 林梢 : là Ngọn cây. Chữ LÂM ở đây là Cây, chớ không phải chỉ Rừng.
    * ĐƯỜNG AO 坳 : là những ao chuôm nước đọng.
    * NHẬP TRÚC KHỨ 入竹去 : là Chạy vào trong khóm tre, rừng tre.
    * THẦN TIÊU KHẨU TÁO 脣焦口燥 : là Môi khô miệng khản. Ta còn nói là Miệng đắng môi khô.
    * NGA KHOẢNH 俄頃 : là Trong khoảnh khắc.
    * BỐ KHÂM 布衾 : là Cái mền bang vải thô.
    * ÁC NGỌA 惡臥 : là Cái tật ngủ xấu ( hay đạp lung tung ).
    * SÀNG ĐẦU ỐC LẬU 床頭屋漏 : là Đầu giường mưa dột, ở đây chỉ cả nhà bị mưa dột, vì VÔ CAN XỨ 無乾處 : là không nơi nào khô cả. 
    * VŨ CƯỚC NHƯ MA 雨腳如麻 : Những giọt mưa như là những sợi tơ sợi gai, VỊ ĐOẠN TUYỆT 未斷絕 : là chưa chịu dứt hẵn.
    * TÁNG LOẠN 喪亂 : Chỉ Chạy loan An Lộc Sơn.
    * TRIÊM THẤP 霑溼 : là Ướt át, là Thấm ướt.
    * QUẢNG HẠ 廣廈 : là Nhà cao cửa rộng.
    * ĐẠI TÍ THIÊN HẠ 大庇天下 : là Che chở hết khắp thiên hạ ...
    * ĐỘT NGỘT 突兀 : là Bỗng nhiên, là Bất chợt.
    * THỤ ĐỐNG TỬ 受凍死 : Chịu lạnh mà chết.
   
2. NGHĨA BÀI THƠ :
                 BÀI CA GIÓ THU THỔI TỐC MÁI NHÀ TRANH

          Cuối tháng tám gần tàn thu, gió thu thét gào cuốn đi mấy lớp cỏ tranh trên mái nhà của ta. Cỏ tranh bay cả sang Hoán Hoa Khê rơi rớt cả trên bờ phía bên kia, những cọng bay cao thì vắt vẻo trên đầu cành cây, những cọng bay thấp thì rơi rớt trên ao chuôm gần đó.
          Mấy đứa trẻ ớ xóm nam khinh khi ta gìa yếu không làm gì được chúng, nên nở nhẫn tâm làm giặc trước mặt ta, chúng chẳng uý kỵ gì cả ôm lấy cỏ tranh của ta chạy vào trong rừng trúc. Ta lại miệng đắng môi khô không nạt nỗi để ngăn cản chúng lại, đành than thở một mình mà chống gậy trở về nhà.
        Một lát sau gió ngừng mây tạnh, mây trên bầu trời chuyển đen như mực. Trời cuối thu ảm đạm dần dần tối đen xuống theo bóng đêm. Tấm vải thô làm mền đắp lâu năm vừa lạnh vừa cứng như sắt, cũng bị đứa con thơ xấu tánh khi ngủ đạp rách tả tơi. Khi mưa xuống thì từ đầu giường đến cuối giường, cả nhà đều không có chỗ nào là khô ráo cả, từng sợi mưa lất phất vẫn không ngừng rơi xuống. Từ lúc có loạn An Lộc Sơn đến giờ, ta luôn ngủ rất ít, đêm dài dằng dặc, nhà dột cột xiêu làm sao chịu được tới sáng đây.
        Làm sao để có được ngàn vạn căn nhà cao cửa rộng, để kẻ sĩ khắp nơi trong thiên hạ được che chở yên thân, để họ được vui khi ngoài trời mưa gió mà trong nhà vẫn vững như bàn thạch ? Ôi ! Biết đến bao giờ trước mắt bỗng nhiên có được những ngôi nhà như thế. Khi đó thì dù cho căn nhà tranh nầy của ta có bị gió thu thổi cho tơi tả và ta có bị lạnh cóng mà chết thì ta vẫn cam lòng !

3. BỐI CẢNH SÁNG TÁC :
        Bài thơ được sáng tác năm 761 ( Năm thứ 2 Thượng Nguyên đời Đường Túc Tôn ). Mùa thu năm 759, Đỗ Phủ từ quan đến Tần Châu ( Cam Túc ), rồi lần lừa lưu lạc đến Đồng Cốc ( Thành Huyện ), Ba Lăng. Mùa xuân năm 760, nhờ bạn bè thân hữu giúp đỡ mới cất được một mái nhà tranh ở Hoán Hoa Khê ( Thành Đô, Tứ Xuyên ), tạm gọi được là đã có chỗ yên thân. Nào ngờ đến cuối thu tháng tám của năm 761, giông gió nổi lên làm tốc mái nhà, lại phải chịu đựng cơn mưa đêm ập đến, ướt át suốt đêm không ngủ được, đêm dài khoắc khoải, cảm khái muôn vàn mà viết nên bài thơ hiện thực được nhiều người biết đến nầy.

4. BỐ CỤC CỦA BÀI THƠ :
          Đây là bài thơ Trường thiên Thất ngôn Cổ phong, câu dài ngắn tùy tình tiết, nhưng chủ yếu là thơ 7 chữ, gieo vần tự do cả trắc lẫn bằng theo diễn tiến và ý thơ của tác giả.
          Toàn bài thơ đi một mạch từ câu đầu đến câu cuối, nhưng ta cũng thấy được 4 ý chính sau đây :
    A. Từ câu đầu đến câu thứ 5 : Nỗi thống khổ của người nghèo trong cơn mưa bão ban đêm.
    B. Từ câu 6 đến câu 10 : Sự bất lực của tuổi gìa trước lũ trẻ nghịch ngợm vô tri.
    C. Từ câu 11 đến câu 18 : Nỗi vất vả khổ cực của những người nghèo phải chiụ cảnh mưa bão trong đêm.
    D. Từ câu 19 đền câu 24 : Cái ước mơ kỳ vọng cho mình và cho tất cả mọi người cùng khổ.
        Ba đoạn đầu là tự sự, miêu tả thực tế và kể lể nỗi niềm của những người nghèo khổ trong đêm mưa giông bão với nhà dột cột xiêu; đoạn cuối nêu lên cái ước mơ lý tưởng hóa cuộc đời, muốn thăng hoa cuộc sống của kẻ sĩ nghèo khó.

5. NHẬN XÉT :
        Bài thơ kể lại cảnh nghèo khó trong cơn giông bão cuối thu, mấy gian nhà tranh bị gió cuốn tốc cả nóc, lại thêm cơn mưa đêm ập xuống làm ướt át cả nhà không sao ngủ được . Từ đó, Đỗ Phủ  đã nói lên cái cảm khái và bất lực trước cái nghèo, cái gìa của mình rồi liên hệ đến những kẻ sĩ cơ hàn như mình, những dân chúng phải lưu lạc thất tán trong cơn binh biến do An Lộc Sơn gây nên còn đang âm ỉ chưa thôi. Rồi ước mơ sao cho có được một nơi chốn yên thân cho tất cả mọi người nghèo khó. Đây chính là cái ưu thời mẫn thế, còn nghĩ đến dân đến nước của nhà thơ. Không phải đương không mà mọi người tôn xưng ông là Thi Thánh, thơ của ông luôn luôn diễn tả và phản ánh trung thực của cuộc sống thực tế trước mắt, như những câu :
                 Chu môn tửu nhục xú,    朱門酒肉臭,
                 Lộ hữu đồng tử cốt.        路有童子骨。
Có nghĩa :
        Trong cửa son của nhà giàu thì rượu thịt thừa mứa đến thối rữa; còn ở ngoài đường thì xương của những đứa trẻ bị chết đói rẫy đầy.
       Trong khi cảm khái trước cảnh nhà dột cột xiêu lại gặp phải mưa đêm của mình, ông cũng nghĩ đến những người cùng cảnh ngộ, những người cùng khổ. Vì cái cái khổ của mình cũng là cái khổ chung của dân của nước trước cảnh chiến tranh loan lạc do An Lộc Sơn gây nên. Không phải chỉ riêng căn nhà tranh của ông bị tốc nóc mà tất cả những căn nhà tranh của " thiên hạ hàn sĩ " đều tốc nóc cả !
     ... và cảm khái làm sao khi trong bài Xuân Vọng ông đã hạ một câu mở đầu bất hũ là :
                 Quốc phá sơn hà tại,     國破山河在,
Có nghĩa là :
            Nước tuy mất nhưng núi sông vẫn còn đó !

            Inline image  Image result for 茅屋為秋風所破歌
 

6. DIỄN NÔM :
                 GIÓ THU TỐC MÁI NHÀ TRANH

                Tháng tám tàn thu gió thét gào,
                Cuốn phăng mấy lớp mái tranh cao.
                Tranh bay tơi tả trên sông vắng,
                Vắt vẻo trên cành cây trước ao.
                Rải rác bên bờ chuôm nước đọng,

                Bất lực thân già đành trơ mắt,
                Lặng nhìn lũ trẻ ngang nhiên cướp,
                Ôm tranh lủi mất xóm tre xa,
                Môi khô giọng khản thét không ra,
                Chống gậy về nhà ngồi than thở.

                Cơn gió trở, phút giây mây xám,
                Phủ đầy trời hắc ám tối đen,
                Nhà nghèo xót cảnh mưa đêm,
                Con thơ mền rách càng thêm nỗi niềm.
                Giường ướt dột khắp nơi tơi tả,
                Mưa từng cơn vẫn rả rít rơi,
                Từ ngày loan lạc đến nay,
                Đêm đêm khó ngủ ai hoài thở than.

                Mong ước được ngàn gian nhà trống,
                Chở che cho hàn sĩ bốn phương,
                Vững như bàn thạch mưa tuôn,
                Yên lòng nghèo khó những luôn ước thầm.
                Bao giờ bỗng được như lòng,
                Nhà tranh ta đổ cũng không tiếc gì.
                Thân này lạnh chết có chi !

                                                     Đỗ Chiêu Đức
                              
                         

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...