Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

Higuchi Ichiyo (1872-1896): Nữ nhà văn tài hoa bạc mệnh - Nguyễn Quốc Vương


Higuchi Ichiyo sinh năm 1872 và mất năm 1896. Higuchi Ichiyo chỉ sống có 24 năm ngắn ngủi  và tham gia hoạt động sáng tác văn học trong 5 năm cuối đời nhưng bà đã trở thành nhà văn nữ đầu tiên và là một trong số những nhà văn nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học Nhật Bản cận đại.

Higuchi Ichiyo sinh ra trong gia đình thuộc loại trung nông. Cha bà được học hành và rất yêu văn học. Năm 1867, ông trở thành Mạc thần trước khi chế độ Mạc phủ sụp đổ 3 tháng. Sau khi cải cách Minh Trị thành công ông vẫn được chính quyền mới trọng dụng nhờ tài viết của mình.

Năm 14 tuổi Higuchi Ichiyo vào trường tư có tên Haginosha học về thơ. Trường Haginosha lúc bấy giờ là nơi học tập của phụ nữ thuộc hoàng gia hay con gái các gia đình thượng lưu, quý tộc vì thế đối với Higuchi Ichiyo nơi đây là thế giới khác hẳn. Tuy nhiên chỉ nửa năm sau ngày nhập học trong buổi công bố sáng tác Higuchi Ichiyo đã dành được điểm cao nhất vượt qua cả các bậc đàn chị đi trước. Những gì học được và trải nghiệm ở đây có lẽ đã có ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc đời sáng tác của Higuchi Ichio sau này.

Năm Higuchi Ichiyo 17 tuổi, người cha qua đời. Kể từ đây gánh nặng gia đình bắt đầu đặt lên vai Higuchi Ichiyo. Vừa đi học Higuchi Ichiyo vừa phải may vá, làm đèn lồng kiếm thêm tiền cùng mẹ nuôi các em. Nhờ có tài viết chữ đẹp bà được các du nữ (gái lầu xanh) thuê viết thư gửi cho khách. Tuy nhiên công việc này không đem lại cho Higuchi Ichiyo nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống. Cũng chính vào thời điểm đó bạn bè ở cùng ngôi trường tư viết tiểu thuyết và nhận được những món tiền nhuận bút lớn. Higuchi Ichiyo quyết định viết tiểu thuyết để kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình.

Năm 1892 lần đầu tiên trong đời  Higuchi Ichiyo nhận được món tiền nhuận bút khi có tác phẩm “Umore Ki” (Gỗ lũa) được đăng trên tạp chí văn nghệ “Miyako no Hana” (Hoa kinh thành). Tuy nhiên nó quá nhỏ nhoi đối với gia cảnh của  Higuchi Ichiyo. Ngày 6 tháng 8 năm 1893 gia đình bà  chuyển đến nơi ở mới và mở cửa hàng bán kẹo và các  đồ dùng trong nhà. Thu nhập ít ỏi nên cuộc sống rất khó khăn. Những trải nghiệm cay đắng ở khu phố này về sau đã góp phần làm nên tác phẩm nổi tiếng  “Takekurabe” .

Sau khi công bố tác phẩm đầu tiên không lâu vào tháng 3 năm 1893, Higuchi Ichiyo lại công bố tác phẩm “Yuki no hi” (Ngày tuyết rơi) trên tờ “Thế giới văn học” và nhanh chóng thu hút được sự chú ý của dư luận. Sau đó bà liên tục đăng tải các tác phẩm như “Koto no oto” (Tiếng đàn Koto), “Yami yoru” (Đêm đen)…Năm 1895 bà công bố tiểu thuyết “Takekurabe” trên “Thế giới Văn học”.

Takekurabe” là tiểu thuyết lấy đề tài từ  tác phẩm cổ điển  “Ise monogatari” (Câu chuyện Ise) nhưng trong tiểu thuyết của Higuchi Ichiyo thì Midori, em gái của du nữ Yoshiwara trở thành nhân vật chính. Tác phẩm miêu tả rất cụ thể, sống động sự chuyển động từ thế giới trẻ thơ sang thế giới người lớn trong trái tim thiếu nữ. Trong “Takekurabe”, những kỉ niệm thời thơ ấu với những trò chơi, lễ hội và những trải nghiệm đắng cay lúc trưởng thành của Higuchi Ichiyo đã được đưa vào rất sinh động.

Không chỉ viết tiểu thuyết, Higuchi Ichiyo còn để lại một cuốn nhật kí có tên “Nhật kí Ichiyo”. Mục đích ban đầu của Higuchi Ichiyo không phải là viết ra rồi công bố cho người khác đọc mà bà định viết nó theo lối viết nhật kí cổ để luyện văn và chữ. Higuchi Ichiyo dặn em gái đốt cuốn nhật kí khi bà qua đời tuy nhiên người em gái đã giữ lại. Cuốn nhật kí ngoài giá trị nghệ thuật còn cho độc giả đời sau hiểu rõ về cuộc đời cũng như con người Higuchi Ichiyo. Cuốn nhật kí có ghi lại mối tình của bà với nhà văn Nakara Itosui của báo Asahi, người đã hướng dẫn bà cách viết tiểu thuyết.

Ngoài nhật kí, tiểu thuyết Higuchi Ichiyo còn viết khoảng 4000 bài thơ  Tanka. Bà cũng để lại nhiều thư từ, các bài tiểu luận. Tác phẩm của Higuchi Ichiyo là sự pha trộn giữa cái đẹp của những câu văn cổ điển với lối viết thông tục thời cận đại. Higuchi Ichiyo cũng đưa vào trong tác phẩm những từ ngữ mới được tạo ra trong thời Minh Trị làm cho câu văn có phong cách độc đáo.

Trong số các tác phẩm của Higuchi Ichiyo những tác phẩm như “Takekurabe”, “Nigorie” “Ba mươi đêm” cho đến ngày nay vẫn được nhiều người yêu mến. Đọc những tác phẩm này người ta như cảm nhận được hơi thở của thời đại  lúc bấy giờ.

Ngày 23 tháng 11 năm 1896, Higuchi  Ichiyo qua đời ở tuổi 24. Cuộc đời bà được nhiều người biết tới qua các bộ phim trên truyền hình. Người Nhật cũng đưa chân dung Higuchi Ichiyo lên tờ giấy bạc mệnh giá 5000 yên như một cách tưởng niệm nữ nhà văn tài hoa bạc mệnh.

 Nguyễn Quốc Vương


 

1 nhận xét:

Trang Thơ Hà Đặng (T.12/2024 1) : MỘT NGÀY NÀO ĐÓ,CHẲNG HỀ XA, EM ĐẾM, ĐUƠC GẦN NHAU MÃI

Ảnh Quan Trần NGÀY NÀO ĐÓ Ngày nào đó ta không còn gặp lại Nước mắt hoài tuôn chảy chẳng ngừng trôi Người đi rồi tôi cảm thấy đơn côi Trong ...