Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

Đừng để phải nói “giá như” trong nước mắt…

Vanvn- Đầu năm, nhà trường gửi về nhà bản “Cam kết an toàn giao thông”. Cha mẹ đều ký vào bản cam kết ấy. Nhưng thi thoảng, tôi còn bắt gặp những người mẹ ngồi sau tay lái của một nam sinh hay nữ sinh trung học chưa đủ 18 tuổi.

Clip công an đánh hai thiếu niên ở Sóc Trăng lan truyền trên mạng xã hội đã làm sôi dư luận mấy ngày nay. Chuyện những người thừa hành công vụ sai – sai nghiêm trọng – đã quá rõ ràng. Ở đây, tôi xin được phép thể hiện chút trăn trở về phía hai thiếu niên, trong tâm thế của người gần gũi thường xuyên với trẻ.

Lên mạng, không khó để tìm những tấm ảnh học sinh vi phạm luật giao thông như thế này

Thứ nhất, đó là tình trạng các em điều khiển xe máy trên 50 phân khối khi chưa có giấy phép lái xe. Xin thưa, hiện nay tình trạng đó quá phổ biến!

Thậm chí ở một số vùng quê, có dịp đi qua, tôi hết sức ngỡ ngàng khi thấy các cậu bé tầm tuổi đầu cấp II, nghĩa là lớp 6, 7, tầm vóc nhỏ xíu so với chiếc xe, không nón bảo hiểm, các em đèo nhau ba bốn em như làm xiếc trên chiếc xe máy 100 phân khối. Những chiếc xe này luôn chạy vùn vụt quá tốc độ quy định không chỉ trên đường làng mà cả đường quốc lộ!

Ở thành phố, sáng sớm hay giờ tan học, không hề khó tìm những bóng áo trắng trên những chiếc xe thông dụng của người lớn mà các em chưa tới tuổi được điều khiển.

Xe đạp điện hay là xe máy 50 phân khối ư? “Chỉ con gái với con nít đi loại xe ấy thôi cô ơi”! Tôi nhớ đã nghe nhiều lần câu trả lời này khi hỏi các em học sinh!

Mỗi đầu năm học, gần như trường nào cũng có tiết sinh hoạt ngoài giờ lên lớp về an toàn giao thông, có khi mời cả những người trong ngành đến nói chuyện với các em vào sáng thứ hai trong giờ sinh hoạt dưới cờ.

Trường còn gửi về nhà bản “Cam kết an toàn giao thông”. Cha mẹ đều ký vào bản cam kết ấy. Nhưng tất cả, không biết lúc nào, chỉ là hình thức và nằm trên tờ giấy? Phụ huynh đều biết như thế là đang phạm luật. Nhưng vẫn cho con đi xe máy phân khối lớn. Thi thoảng, tôi còn bắt gặp trên đường về, những người mẹ ngồi sau tay lái của một nam sinh hay nữ sinh trung học.

Vậy vấn đề nằm ở đâu? Phải chăng, chính là ở tâm lí “Ai cũng vậy, mình cũng vậy có sao đâu!”, “Hên xui!”? Ở sự thiếu kiên nhẫn thậm chí là bất lực của cha mẹ trong việc giáo dục con hiện nay?

Chúng ta, những người trưởng thành, có ai mà không biết sự nguy hiểm của việc lưu thông trên một chiếc xe máy. Đến bản thân mình, mỗi ngày dẫn chiếc xe ra đường, rồi về an toàn đã thở phào. Huống chi đứa trẻ, khuôn mặt hãy còn non nớt, đôi tay hãy còn vương vất chút bụ bẫm trẻ thơ?

Để các con ra đường, ai mà không lo, nhưng vẫn không làm sao ngăn lại được? Chúng ta phải chăng chưa thật sự quyết liệt, nhất quán, kiên nhẫn, giữ cho con trẻ trong những giới hạn được phép?

Chúng ta đã thương con quá, nuông chiều con quá, để rồi xảy những sự việc đáng tiếc lại đau lòng?

Thiết nghĩ, không chỉ là việc điều khiển một chiếc xe máy. Chúng ta, các bậc làm cha làm mẹ, thầy cô và người lớn xung quanh trẻ, chắc phải đến lúc cần nghiêm túc, kiên nhẫn đưa ra và giữ đến cùng những giới hạn. Việc giáo dục một đứa trẻ, có bao giờ là việc dễ dàng đâu?

Thứ hai, tôi muốn nói về phản ứng khi bị người thi hành công vụ thổi phạt. Thật tình, tôi không muốn nhắc ra đây, nhưng đành phải kể. Chuyện của cô bé học sinh cũ, đã là sinh viên, được phép lái xe rồi, nhưng khi cảnh sát giao thông thổi phạt, con vẫn nhấn ga bỏ chạy, trong lúc hoảng loạn, con tự ngã và hậu quả vô cùng đáng tiếc.

Nhà văn – nhà giáo Triệu Vẽ

Chúng ta phải dạy và thực hành cho con trẻ bài học về sự trung thực, dám làm dám nhận thôi! Không thể nào lấy một cái sai để sửa một cái sai. Bởi như thế sẽ tiếp nối những đau lòng.

Sau những cú đánh của người thi hành công vụ lên hai thiếu niên ở Sóc Trăng, chuyện đúng – sai chắc chắn sẽ còn được cộng đồng tiếp tục tranh luận, và cơ quan chức năng xử lý, tôi xin không bàn sâu ở đây. Với tư cách là những người làm cha làm mẹ, những người có trái tim yêu thương con trẻ, tôi thấy mình đau không sao kể xiết. Tôi lại nhớ, lúc mấy cô trò ôm nhau trong ngày đưa tiễn cô học sinh lần cuối. Không hẹn, nhưng mắt ai cũng ướt, cũng thốt lên: “ Phải chi nó đừng bỏ chạy cô ơi…!”

Có lẽ, chúng ta, tất cả phải làm cái gì đó, chứ không phải nói “phải chi”, “giá như” trong đau lòng hay nước mắt…

TRIỆU VẼ /PNO

 

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...