Trong nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc,
truyền hình hiện nay, chúng ta thường nghe đến cụm từ “Hà Nội 36 phố
phường” nhưng xuất xứ và những thông tin liên quan đến nó không phải ai
cũng biết.
Về băn khoan này, giáo sư sử học Lê Văn Lan đã từng đưa ra ý kiến như sau:
Chúng ta đang có 2 văn bản đều có tên:
Hà Nội 36 phố phường, thực ra là 2 bài thơ – đúng hơn là hai bài vè –
đều có tên là Hà Nội 36 phố phường. Một bản kể: Phồn hoa thứ nhất Long
thành/36 phố rành rành chẳng sai… Bản kia cũng là Hà Nội 36 phố phường
nhưng lại kể: Phồn hoa thứ nhất Long Thành/Phố giăng mắc cửi chạy quanh
bàn cờ…
Nếu cộng các tên phố có trong các bài
Hà Nội 36 phố phường thì thấy có tất cả có hơn 50 phố. Văn bản có tên 36
phố phường ấy ra đời vào cuối thế kỷ 19, gây ấn tượng lớn nhưng không
nên hiểu đó là sự đánh dấu của việc ra đời Hà Nội 36 phố phường, bởi Hà
Nội 36 phố phường là điều không có trong lịch sử. Hà Nội chỉ có 36
phường vào thời Lê và có hơn 50 phố bắt đầu bằng chữ “Hàng” ở cuối thế
kỷ 19.
Vì sao mọi người hay nhắc tới câu Hà
Nội 36 phố phường? Có lẽ “công tích” thuộc về nhà văn Thạch Lam. Tác
phẩm Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam quá nổi tiếng, nên dù không là
sự thật lịch sử thì vẫn được mọi người đón nhận.
Và người ta vẫn dùng Hà Nội 36 phố
phường như 5 cửa ô của Văn Cao hay Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội của
Nguyễn Đình Thi. Tác dụng của Văn học nghệ thuật là cực kỳ lớn. Rất tiếc
là khoa học chưa can dự để trả lại tính chính xác của các thông tin này
bên cạnh tính hấp dẫn của nó.
Một trong các số các bài ca về 36 phố
phường được ghi trong sách Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng
Hàm có nôi dung như sau:
“Rủ nhau chơi khắp Long thành/Ba mươi
sáu phố rành rành chẳng sai:/Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,/Hàng Buồm,
hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay,/Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giầy/Hàng Lờ,
hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn,/Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Ngang,/Hàng Mã,
hàng Mắm, hàng Than, hàng Đồng,/Hàng Muối, hàng Nón, cầu Đông,/Hàng Hòm,
hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè,/Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre,/Hàng Vôi,
hàng Giấy, hàng The, hàng Gà,/Quanh đi đến phố hàng Da,/Trải xem hàng
phố, thật là cũng xinh./Phồn hoa thứ nhất Long thành,/Phố giăng mắc cửi,
đường quanh bàn cờ/Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ/Bút hoa xin chép vần thơ
lưu truyền”.
Xét theo ghi chép của sách sử thì 36
phố phường được đặt ra từ thời vua Lê Hiển Tông với mục đích duy nhất là
thuận tiện hơn trong việc giữ gìn an ninh, trật tự. Theo sách Đại Việt
sử ký tục biên, vào tháng 12 năm Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ
9 (1748) triều đình “hạ lệnh chia bên trong kinh thành làm 36 khu, mỗi
khu đặt một quan coi giữ việc tuần phòng, khám xét. Lại định phép ty tộc
đoàn (liên kết các gia tộc ở gần nhau cùng giữ an ninh). Tiếp đó lại
chia làm 9 điện, mỗi điện có 4 khu, mỗi khu đặt một viên chánh khu.
Trong tác phẩm Vũ Trung tùy bút của
danh sĩ sống vào giai đoạn cuối thời Lê đầu thời Nguyễn là Phạm Đình Hổ
cho biết cụ thể hơn về điều này: “Kinh thành Thăng Long chia ra 36
phường, mỗi phường đặt một người phường trưởng. Lại đặt ra phủ Phụng
Thiên có quan Phủ doãn, quan Thiếu doãn kiêm coi cả việc tuần phủ và
việc liêm sát, đốc suất hai huyện Thọ Xương và Quảng Đức, mỗi huyện có
quan Huyện úy cai trị. Toàn thành thì cử một quan trọng thần sung chức
Đề lĩnh tứ thành quân vụ, phân ra chánh phó hai dinh, chuyên coi việc
cấm phòng, xét hỏi.
Song đất kinh thành đông đúc, nhà ở
liễn nhau, thường có hỏa hoạn, lại nhiều những kẻ đầy tớ nhà quan, du
đãng cờ bạc, gây chuyện đánh nhau, cãi nhau, cùng là những kẻ vô lại
trộm cắp, nhiều lắm không thể kể xiết được, chẳng khác gì lục hải khi
xưa là nơi bể cạn, vật sản rất nhiều, mà lại không thiếu một hạng người
nào cả.
Đời Trịnh An Đô Vương (tức Trịnh
Cương- TG), Nguyễn Công Hãng làm Thượng thư cầm quyền chính, mới chia
hai huyện ra làm tám khu, mỗi khu đặt một người trưởng khu và một người
phó khu; lại chia ra năm nhà là một tị, hai tị là một lư, mỗi lư cũng có
một lư trưởng; bốn lư là một đoàn, mỗi đoàn đặt một quản giám, hai quản
điểm, dưới quyền người khu trưởng và trực thuộc quan Đề lĩnh. Đó là
phỏng cái ý cổ nhân bảo trợ phù trì lẫn nhau.
Phàm những việc phòng hỏa, phòng trộm
và nhất thiết những việc giao dịch thuế má đều ủy trách cho khu trưởng,
đoàn trưởng cả. Bởi vậy, những con nhà khá giả coi thường, không thèm ra
làm, chỉ để cho những côn đồ trong các xóm chợ ra làm. Bọn chúng cùng
những kẻ ti thuộc quan Đề lĩnh thông nhau làm càn, rất phiền nhiễu cho
dân phố. Ôi! “Sinh nhất sự bất như trừ nhất hại” (thêm ra một việc không
bằng bớt đi một tai hại) lời nói ấy rất đúng.
Theo lệ cũ, chốn kinh thành không phải
chịu thuế dung, thuế điệu, chỉ tính từng dãy nhà, không cứ nhà quan hay
nhà dân, hàng năm mỗi nhà phải chịu một suất đi sửa sang đắp lại nền
cắm cờ tướng, dọn cỏ chung quanh cung đình, cung ứng các việc kiến trúc.
Họ phải thay phiên nhau sắm đủ dây đòn, câu liêm, thang tre, bó đuốc,
thùng gánh nước để theo quân quan Đề lĩnh đi túc trực các nơi điếm canh,
phòng khi sai khiến; công việc rất là phiền nhiễu. Song tóm lại không
tiền là không xong, chỉ làm nặng túi kẻ gian hoạt.
Tuy bảo rằng “phù bản ức mạt” (bồi đắp
gốc rễ, ngăn chặn ngọn cành), nhưng cũng không phải là biện pháp tốt
của đời thái bình. Đến thời vua Gia Long nhà Nguyễn, trong một số sách
dư địa chí như cuốn “Các tổng, trấn, xã danh bị lãm”, “Hoàng Việt dư địa
chí”… cho biết tên của 36 phường.
Cụ thể, ở huyện Thọ Xương có 18 phường
gồm: Yên Thọ, Hà Khẩu, Báo Thiên, Đông Hà, Đồng Xuân, Đông Tác, Đông
Các, Cổ Vũ, Xã Đàn, Đồng Lạc, Thái Cực, Diên Hưng, Khúc Phố, Phục Cổ,
Phúc Lâm, Kim Hoa, Hồng Mai, An Xá. Mười tám phường còn lại thuộc huyện
Vĩnh Thuận là: Bích Câu, Quảng Bá, Thuỵ Chương, Yên Thái, Hoè Nhai, Tây
Hồ, Nghi Tàm, Nhật Chiêu, Trích Sài, Võng Thị, Bái Ấn, Yên Lãng, Công
Bộ, Thạch Khối, Hồ Khẩu, Thịnh Quang, Yên Hoa và Quan Trạm.
Vào năm Tân Mão (1831) vua Minh Mạng
tiến hành cuộc cải cách lớn, trong đó có việc phân chia và đặt tên mới
theo địa giới hành chính cấp tỉnh; lúc này Thăng Long xưa được sáp nhập
với một số khu vực khác thành tỉnh Hà Nội với diện tích rộng hơn, gồm 4
phủ, 15 huyện so với Thăng Long xưa.
Trong số 15 huyện của Hà Nội vẫn có 2
huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thuộc phủ Hoài Đức, 36 phố phường đều nằm
trong địa phận hai huyện này. Sách “Hoàng Việt dư địa chí” in vào năm
Qúy Tị(1833) cho biết như sau: “Phủ Hoài Đức, xưa là phủ Phụng Thiên có
hai huyện, 13 tổng, 249 thôn phường. Huyện Thọ Xương: 18 phường. Huyện
Vĩnh Thuận (xưa là huyện Quảng Đức): 18 phường”.
Trải qua thời gian và biến thiên của
lịch sử, phố phường Hà Nội xưa đã thay đổi nhiều về tên gọi, số lượng
cũng như diện tích nhưng một số vẫn giữ nguyên tên cũ như gợi nhắc cho
những tâm hồn hoài niệm về một Hà Nội trong quá khứ.*
(Hoa Huỳnh chuyển)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét