Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Bị khởi kiện vì đổ 12.000 tấn vỏ cam xuống khu bảo tồn thiên nhiên, 19 năm sau tất cả đều bất ngờ



Một dự án táo bạo đã được thực hiện cách đây gần 2 thập kỉ, theo lời gợi ý của các nhà khoa học, một công ty sản xuất nước ép đã đổ 12.000 tấn vỏ cam nghiền nát xuống một vùng đất rộng 3 ha trong một công viên quốc gia tại Costa Rica. Ngay sau đó, công ty này đã bị đối thủ cạnh tranh khởi kiện vì tội danh “làm ô uế” môi trường. Nhưng gần 2 thập kỉ sau, các nhà nghiên cứu phải rất vất vả mới có thể xác định được vùng đất chứa đầy vỏ cam năm xưa. 

Câu chuyện đổ vỏ cam của công ty Del Oro bắt nguồn từ sự cố vấn của hai nhà sinh thái học Daniel Janzen và Winnie Hallwachs đến từ đại học Pennsylvanie, đồng thời cũng là những nhà cố vấn lâu năm của Khu bảo tồn Guanacaste, tại Costa Rica vào năm 1997. Hai nhà khoa học đã gợi ý công ty này quyên tặng khu bảo tồn một vài mảnh đất rừng của họ. Thay vào đó, họ sẽ được đổ những phần phế liệu (vỏ cam nghiền nát) sau khi sản xuất vào phần đất khô cằn trong khu bảo tồn, mà không phải trả bất cứ một khoản phí nào.

Công ty Del Oro ngay lập tức đồng ý với phương án giải quyết phế liệu rất thuận tiện mà lại tiết kiệm này. Sau một năm, họ đã đổ 1000 xe vỏ cam nghiền nát xuống vùng đất được chỉ định. Theo các nhà khoa học, các vỏ cam này có khả năng tự phân hủy, nên sẽ không mang lại ảnh hưởng gì cho môi trường xung quanh. Thêm vào đó, chúng có thể trở thành “phân bón sinh học” bồi bổ cho khu đất khô cằn của khu bảo tồn.

Khu đất được chất đầy vỏ cam trong khu bảo tồn, Costa Rica (Ảnh: upworthy)

Tuy nhiên, hoạt động này đã phải dừng lại, sau khi công ty đối thủ của Del Oro – TicoFruit khởi kiện họ, với lý do việc đổ vỏ cam này làm ô nhiễm môi trường của khu bảo tồn thiên nhiên. Tico Fruit đã giành chiến thắng trong vụ kiện, vì thế mảnh đất chứa đầy vỏ cam tại Guanacaste cũng bị bỏ hoang từ thời điểm đó.

Một trong hai nhà khoa học chụp ảnh một đồi vỏ cam để làm tư liệu (Ảnh: upworthy)

Tới năm 2013, môt nhóm các nhà sinh thái học trong đó có nhà khoa học Timothy Treuer đã quay trở lại khu bảo tồn Guanacasste để tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn những tác động của khối lượng vỏ cam khổng lồ lên khu đất hoang. Tuy nhiên, trong lần trở lại đầu tiên, Treuer đã thất bại trong cuộc tìm kiếm bãi đất vỏ cam. Anh đã phải nhờ đến sự trợ giúp của Daniel Janzen, “một trong những tác giả” năm xưa của dự án, để xác định được chính xác khu đất.

Cuối cùng, sau khi hoàn thành công việc xác định ví trí, Treuer đã thông báo lại với nhóm nghiên cứu điều kì diệu mà anh đã phát hiện được. Vùng đất cằn cỗi ngày trước đã không còn, trước mắt anh là một khu rừng mới tươi tốt với rất nhiều cây và đặc biệt rất nhiều cây nho. Anh đã không còn tìm được tấm biển đánh dấu rất lớn được dựng lên trước đây. Hơn thế nữa, khu đất này so với khu đất ngay sát bên có sự đa dạng về sinh thái hoàn toàn khác biệt, có thể nhận thấy và phân biệt bằng mắt thường.

Khu đất được đổ vỏ cam (bên trái ảnh) có hệ sinh thái đa dạng hơn hẳn với khu đất ngay sát bên (Ảnh: upworthy)

Tuy nhiên Treuer và đồng nghiệp của anh đến từ đại học Princeton vẫn nhanh chóng bắt tay nghiên cứu kĩ lưỡng vùng đất này, với mục đích hiểu kĩ hơn những tác động của vỏ cam đến chất lượng đất và hệ sinh thái của khu vực. Nghiên cứu của họ sau đó đã được công bố trên tạp chí khoa học Phục hồi Sinh thái (Restoration Ecology).

Theo đó, sinh khối(*) của khu đất vỏ cam tăng lên 176% so với thời điểm trước khi những chuyến xe vỏ cam được đổ xuống. Hệ thực vật trở nên đa dạng, phong phú với vài chục loại thực vật, trong khi khu đất sát bên (không có sự tác động của vỏ cam) chỉ có một vài loài thực vật có thể tồn tại. Chất lượng đất ở khu đất có vỏ cam cũng trở nên tốt hơn, độ màu mỡ tăng lên đáng kể. Cây rừng cũng có tán lá rộng với độ che phủ lớn hơn.

Một nhà khoa học của dự án khám phá vùng đất đã thay đổi sau nhiều năm được đổ vỏ cam xuống. (Ảnh: Tim Treuer)

Sau gần 2 thập kỉ, những phế thải (vỏ cam) đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của một vùng đất, khiến nó từ một khu đắt cằn trở thành một vùng thực vật phong phú và tươi tốt. Nói cách khác, dự án táo bạo này đã mở ra một hướng đi mới cho con người trong việc kiến tạo lại những khu rừng trên các mảnh đất đang bị hoang hóa nhanh chóng, vì những hoạt động công nghiệp của chúng ta. Đặc biệt, theo các nghiên cứu mới đây trên tạp chí Nature (2016), các khu rừng mới hình thành trở lại có tác dụng hấp thụ khí cacbonic cao gấp 11 lần so với các khu rừng già. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với tình trạng ô nhiễm không khí mà con người đang gánh chịu.

Bảng đánh dấu đã bị che khuất. (Ảnh: upworthy)

Vậy nên, nghiên cứu của Treuer và cộng sự của anh không chỉ giúp “minh oan” cho công ty Del Oro về “việc làm ô uế” môi trường. Nó còn mở ra một con đường mới cho việc giải quyết vấn đề chất thải của các nhà máy và việc gây dựng lại những khu rừng, giúp các doanh nghiệp không chỉ còn là những “kẻ phá hoại môi trường”, mà ngược lại, có thể đem tới lợi ích thiết thực cho việc tìm lại màu xanh cho trái đất.

Guanacaste đã thật khác xưa (Ảnh: Flickr)

Nhà sinh thái học David Wilcove của Đại học Princeton, đồng tác giả của dự án nghiên cứu khu đất vỏ cam chia sẻ ý kiến trên trang của Đại học Princenton: “Nếu khối tư nhân và các tổ chức bảo vệ môi trường bắt tay với nhau, thì rất nhiều vấn đề về môi trường có thể được giải quyết hoặc giảm mức độ thiệt hại. Tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm ra và tận dụng nhiều cơ hội hơn nữa để sử dụng những thứ bỏ đi từ sản xuất thức ăn công nghiệp, mang những khu rừng nhiệt đới quay trở lại. Đó là cách tái chế hiệu quả nhất”.

Câu chuyện vỏ cam và rừng cây dường như có liên quan rất nhiều tới xu hướng quay trở về với “tự nhiên” của những người làm nông nghiệp trên khắp thế giới, đặc biệt là tại Mỹ và các nước châu Âu, nơi nông nghiệp đã bị công nghiệp hóa trong một thời gian rất dài.

Kĩ thuật ủ phân sinh học Compost – một trong những phương pháp quan trọng nhất của nông nghiệp bền vững, quay về nương tựa vào thiên nhiên. (Ảnh: compostage.info)

Mối liên hệ nằm ở một trong những nguyên tắc đầu tiên khi thực hành nông nghiệp bền vững là “trân quý sự sống của đất”. Những người thực hành nông nghiệp bền vững luôn tin rằng, đất cũng có sự sống của riêng nó, và là một thế giới riêng với hàng ngàn những cư dân ngầm mà con người chúng ta không mấy khi để ý tới.

Đó là lý do tại sao, người nông dân sẽ không bao giờ sử dụng những thuốc trừ sâu, phân bón hóa học để làm màu mỡ cho đất trồng của mình. Bởi họ đã phát hiện ra những nguyên tắc khác, có thể giúp đất phục hồi và giữ được sự đa dạng của mình: ủ phân compost, trồng những loại cỏ dại có lợi cho đất, để cho đất có được khoảng không để hồi phục, v.v.. Nói cách khác, thời gian và sức mạnh của tự nhiên cùng với sự kiên nhẫn và sự tôn trọng đất đai của con người sẽ đem lại sự màu mỡ cho đất trồng một cách hiệu quả và bền vững.

*Sinh khối: “Sinh khối là tổng trọng lượng của sinh vật sống trong sinh quyển hoặc số lượng sinh vật sống trên một đơn vị diện tích, thể tích vùng”. (Theo Tủ sách khoa học)

Hy Văn .

1 nhận xét:

Trang Thơ NKĐ (T.10/24. 2 ) : ĐÓN ĐƯA , ĐƯỜNG XƯA , THÂN PHẬN , MẶC TÌNH

1./ ĐÓN ĐƯA Bây giờ đường sá phẳng phiu Người qua kẻ lại dập dìu hơn xưa Một ngày mấy lượt đón đưa Cháu đi trường học , ta mua chuyện đời Ph...