Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Chuyện ít biết về Hà Nội: Một chuyện ‘đạo thơ’ ly kỳ

Ít ai ngờ một bài thơ miêu tả cảnh sống thanh bình của người nước Nam xuất hiện trong tập thơ Nga và được nhà thơ Hồng Thanh Quang dịch sang tiếng Việt thực ra lại xuất phát từ sách của một nhà nghiên cứu người Pháp có nhiều năm sống ở Hà Nội.
Ông Tây mê xứ An Nam
Gustave Dumoutier sinh ngày 3.6.1850 tại tỉnh Courpalay nước Pháp. Từ nhỏ ông đã đam mê đọc sách lịch sử, khảo cổ và văn hóa. Tốt nghiệp tú tài, G.Dumoutier theo học ngành nhân loại học thời tiền sử. Ngay sau khi ra trường ông đã có những bài viết về khảo cổ đăng trên tạp chí chuyên ngành được giới chuyên môn đánh giá cao và nhờ đó ông trở thành hội viên Hội Khảo cổ vùng Seine et Marne. Năm 1883, các tờ báo trên đất Pháp tràn ngập những bài viết về thuộc địa của Pháp ở châu Phi, châu Á kể về sự lạc hậu và mê muội, rất cần sự có mặt của trí thức Pháp. Ông bị các bài viết ám ảnh, nhất là viết về xứ An Nam, nên quyết định theo học tiếng Việt và tiếng Hoa tại Trường Ngôn ngữ Đông Phương (Ecole des Langues Orientales). Paul Bert, một nhà sinh vật và là nghị sĩ quốc hội, sau khi được Bộ Ngoại giao Pháp bổ nhiệm làm Tổng trú sứ ở Trung kỳ và Bắc kỳ đã mời Dumoutier làm trợ lý văn hóa kiêm phiên dịch tiếng Việt, tiếng Hoa. Sau một tháng lênh đênh trên biển, hai người tới Hà Nội vào ngày 4.4.1886.
Công việc bù đầu nhưng cứ rảnh rỗi G.Dumoutier lại đến đền, chùa ở Hà Nội tìm hiểu. Nhờ giỏi chữ Hán và chữ Quốc ngữ nên ông dễ dàng hiểu được nội dung các câu đối, văn bia. Chỉ trong 2 năm (1887 – 1889), G.Dumoutier viết một loạt bài khảo cứu và sách về Hà Nội gồm: Những ngôi chùa ở Hà Nội, Chùa Quán Sứ; Văn Miếu, đền thờ Khổng Tử ở Hà Nội; Nghiên cứu về khảo cổ học và văn minh học tại chùa Trấn Vũ, Tiểu luận về người Bắc Kỳ, Chùa Hai Bà.
Từ năm 1890 đến 1903, nhiều bài khảo cứu của ông được đăng trên báo xuất bản ở Pháp và Hà Nội, đồng thời ông cũng cho xuất bản nhiều cuốn sách như: Những bài hát và truyền thống dân gian của người An Nam, Các biểu tượng, biểu hiệu và dụng cụ thờ cúng của người An Nam, Thuật phù thủy và bói toán của người An Nam, Thuật phong thủy của người An Nam, Lễ tang của người An Nam. ..
Bài thơ An Nam
Do tính cách cởi mở, gần gũi và không có “máu thực dân” như các quan chức Pháp khác nên trong khi điền dã và khảo cứu, G.Dumoutier quen biết rất nhiều nhà Nho và người dân. Nhờ vậy ông đã sưu tầm được các bài đồng dao, ca dao, dân ca, sau đó dịch ra tiếng Pháp và tập hợp thành cuốn sách Những bài hát và truyền thống dân gian của người An Nam. Ông cho xuất bản ở Pháp với mục đích để người dân Pháp và châu Âu có thêm hiểu biết về văn hóa VN. Trong đó có bài An Nam và những câu ca dao đại loại như:
Ham chi đồng bạc con cò Bỏ cha bỏ mẹ đi phò Lang-sa (Lang-sa: từ Việt xưa chỉ nước Pháp) Hay: Cái cò trắng bạch như vôi, Có về lấy lẽ chú tôi thì về! Chú tôi chẳng đánh, chẳng chê, Thím tôi móc ruột, lôi mề, ăn gan.
Năm 1918, nhà thơ N.Gumilev (1886 – 1921), một đại diện xuất sắc trong nền thi ca Nga đã xuất bản tập thơ Lâu đài bằng sứ trong đó có 3 bài Các cô gái, Đồng dao và An Nam . N.Gumilev chưa từng đến VN và xứ Đông Dương, vậy tại sao ông có thể viết được những câu thơ đẹp đẽ và mơ mộng đến thế? Thấy bài thơ An Nam trong tập thơ này quá hay, nhà thơ Hồng Thanh Quang đã dịch ra tiếng Việt và in trong tập Một góc thơ Nga năm 2001:
Vầng trăng lơ lửng treo Giữa khung trời vô tận Gió quanh quẩn rặng tre Hương thơm tràn mát đậm Cả gia đình bằng an. Những người lớn uống trà, Đọc thơ ngoài vườn biếc. Đàn trẻ đùa trong nhà Hồn nhiên và ríu rít Tiếng khóc nào oa oa… Cảnh đời hoan lạc thế! Nào có nghĩa gì đâu Những bạc tiền, danh giá, Nếu ta biết đời sau Luôn hậu sinh khả úy!
Mãi sau nhiều năm tìm hiểu người ta đã phát hiện ra N.Gumilev đến Pháp năm 1917, và 3 bài thơ trên không phải do ông sáng tác mà dịch từ sách của G.Dumoutier. Rất tiếc Những bài hát và truyền thống dân gian của người An Nam không phải là sách song ngữ nên không thể biết G.Dumoutier dịch An Nam từ bài hát nào. Một số người cố gắng tìm bản gốc nhưng chưa thể khẳng định là dân ca ở đâu trên đất VN. Dù sao đi nữa những vần thơ trong sách của N.Gumilev cũng giúp bạn đọc Nga phần nào hiểu về con người và đất nước VN.
.

Nguyễn Ngọc Tiến (  ThoiBaoToday)

1 nhận xét:

Trang Thơ NKĐ (T.10/24. 2 ) : ĐÓN ĐƯA , ĐƯỜNG XƯA , THÂN PHẬN , MẶC TÌNH

1./ ĐÓN ĐƯA Bây giờ đường sá phẳng phiu Người qua kẻ lại dập dìu hơn xưa Một ngày mấy lượt đón đưa Cháu đi trường học , ta mua chuyện đời Ph...