Các nhà khoa học cảnh báo với
nguyên nhân chính từ phía con người, Trái Đất đang bước vào thời kỳ
tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 khi nhiều loài biến mất và số lượng cá
thể sụt giảm vô cùng nghiêm trọng.
Theo Iflscience, lời cảnh báo trên được
viện dẫn từ một nghiên cứu mới đây được đăng trên tạp chí Proceedings of
the National Academy of Sciences của Mỹ. Nó chỉ ra rằng 75% chủng loài
trên Trái Đất sẽ đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn.
Trong khi 5 cuộc đại tuyệt chủng trong
500 triệu năm qua xảy ra do biến đổi khí hậu, núi lửa phun trào hoặc
thảm họa sao băng, cuộc tuyệt chủng lần này có nguyên nhân chính từ yếu
tố con người với các hoạt động chủ yếu bao gồm: phá rừng, tăng dân số,
săn bắn trái phép, gây ô nhiễm môi trường và xả khí thải làm nhiệt độ
toàn cầu gia tăng…
Dẫn đầu công trình nghiên cứu, giáo sư
sinh thái học Gerardo Ceballos (Đại học Universidad Nacional Autónoma de
México) và các cộng sự đưa ra những con số gây sốc cho thấy nhiều chủng
loài con người tưởng là rất phổ biến nhưng thật ra lại đang chết dần
chết mòn theo những cách không thể tưởng được.
Ví dụ như loài én Hirundo rustica, giống
chim én phổ biến nhất thế giới, và báo đốm châu Mỹ. Theo giáo sư
Ceballos, cả hai loài này còn phổ biến do số lượng tương đối nhưng mức
độ suy giảm của chúng ở một số nơi đang ở mức báo động và cái kết “biến
mất vĩnh viễn” hoàn toàn có thể xảy ra.
Khoảng 50% cá thể thuộc tổng cộng 27.600
loài động vật có vú, chim, bò sát và lưỡng cư đã biến mất chỉ trong vài
thập kỷ qua. Gần 1/3 trong tổng số loài động vật đang bị suy giảm số
lượng và phạm vi sinh sống một cách nghiêm trọng. “Đây là sự mất mát lớn
với đa dạng sinh vật học trong lịch sử Trái Đất“, các tác giả nghiên
cứu kết luận.
“Sự sụt giảm lớn số lượng cá thể loài và các loài cho thấy con người thiếu đồng cảm với các loài hoang dã đồng hành cùng chúng ta từ thưở sơ khai“, giáo sư Ceballos nói.
Theo Robin Naidoo, nhà khoa học của Quỹ
Động vật hoang dã Thế giới, ngay sự sụt giảm số lượng cá thể của những
loài chưa đối mặt nguy cơ tuyệt chủng, cũng có thể gây ra tác động lớn
với thực vật và môi trường sống trong các mạng lưới sinh thái học vốn
dựa vào sự cân bằng giữa động vật, thực vật và vi sinh vật.
“Tất cả các dấu hiệu cho thấy đa dạng
sinh học sẽ tiếp tục bị hủy hoại mạnh trong hai thập kỷ tới“, các nhà
nghiên cứu cảnh báo. “Nhân loại cuối cùng sẽ phải trả giá rất đắt vì đã
hủy hoại tập hợp sự sống duy nhất chúng ta biết đến trong vũ trụ“.
Một cách tổng quát, các nhà khoa học ước
tính tốc độ tuyệt chủng của các loài đang nhanh gấp 100 lần, và thậm
chí là hơn, so với tiêu chuẩn được xem là bình thường.
Cơ hội sửa lỗi của con người là có nhưng
rất mong manh. Không quan trọng ở vấn đề khung pháp lý mà cốt yếu là
vấn đề nhân tâm. Ngày nay, do sự trượt dốc của đạo đức xã hội, con người
chủ yếu hành động dựa trên nền tảng lợi ích tài chính thay vì có tầm
nhìn xa hơn và sâu sắc hơn.
Chính bởi vậy, cho dù luật pháp có mạnh
đến thế nào đi nữa, nếu không có đạo đức câu thúc, con người sẽ vẫn truy
cầu lợi ích bất chấp việc phạm pháp và tiến dần đến diệt vong một khi
bà mẹ thiên nhiên thấy rằng con người không còn xứng đáng nữa. Chúng ta
thực sự đang tự hủy diệt chính mình.
Hoài Anh (daikynguyen.com)
rất hấp dẫn
Trả lờiXóa