Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Miền Tây sẽ bị nhấn chìm, nếu…

Sụt lún cùng với nước biển dâng đang gây ra những thách thức nghiêm trọng đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếu không áp dụng các biện pháp ngăn chặn khẩn cấp, vùng này sẽ bị nhấn chìm trong tương lai không xa.

Miền Tây sẽ bị nhấn chìm, nếu... - Ảnh 1.
Số liệu sụt lún toàn vùng ĐBSCL và một số tỉnh trong khu vực giai đoạn 1991 – 2016 – Ảnh: Chí Quốc – Đồ họa: TẤN ĐẠT
Đó là quan điểm mà ông Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia sinh thái và biến đổi khí hậu – sẽ trình bày tại “Hội nghị Diên Hồng” của Chính phủ về ĐBSCL ngày 26 và 27-9 ở Cần Thơ.
Theo ông Thiện, hiện nay ĐBSCL đang bị lún từ 1,1cm/năm. Riêng các đô thị và khu công nghiệp bị lún nhiều hơn, trung bình tới 2,5cm/năm. Còn nước biển dâng khoảng 3mm/năm. Cao trình mặt đất ở ĐBSCL trung bình chỉ cao hơn mực nước biển 1-1,5m.
Với tốc độ lún và nước biển dâng như hiện nay, không bao lâu nữa ĐBSCL sẽ chìm dưới mực nước biển.
Tốc độ lún càng về sau càng tăng

* Dựa vào căn cứ nào ông nói ĐBSCL đang bị chìm?
– Các nhà khoa học Trường ĐH Utrecht (Hà Lan) đã tiến hành nghiên cứu tác động của 25 năm khai thác nước ngầm đối với tình trạng sụt lún ở ĐBSCL.
Kết quả nghiên cứu này phát hiện giai đoạn năm 1991-2016 toàn vùng ĐBSCL đã bị lún 18cm, có nơi lún tới 53cm.
Trước giờ chúng ta nghe nói nhiều đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hầu như mọi người dân ở ĐBSCL đều biết rằng trong tương lai nước biển dâng sẽ làm ngập đất đai, nhà cửa của họ.
Nhưng thực tế nước biển dâng chỉ khoảng 3mm/năm mà thôi, không đáng sợ bằng sụt lún, bởi vì một số nơi đã lún gấp 10 lần nước biển dâng. Lún kết hợp với nước biển dâng chẳng khác gì ĐBSCL đang bị chìm.
* Các nhà khoa học Hà Lan có xác định nguyên nhân nào làm cho ĐBSCL bị lún không?
– Báo cáo của các nhà khoa học Hà Lan đã chỉ rõ rằng có một số nguyên nhân gây ra sụt lún tại ĐBSCL, nhưng nguyên nhân chính là do khai thác nước ngầm quá mức.
Vùng ĐBSCL có 7 tầng nước ngầm thì hiện nay mực nước ở cả 7 tầng này đều bị sụt giảm đến mức báo động.
Các nhà khoa học Hà Lan công bố số liệu cho thấy trong 25 năm, từ 1991 đến 2016, hai tầng trên cùng Holocene và Upper Pleistocene (độ sâu từ 0-100m) bị sụt giảm từ 2,6-4,9m.
Tầng thứ ba Middle Pleistocene bị sụt giảm 5,8m. Tầng thứ tư Lower Pleistocene bị sụt giảm 6,6m.
Tầng thứ năm Middle Pliocene (độ sâu trên 200m) bị sụt giảm nghiêm trọng nhất với 7,1m.
Còn tầng thứ 6 Lower Pliocene và tầng thứ 7 Upper Miocene (độ sâu từ 300-500m) cũng bị sụt giảm từ 6,4-6,6m.
Để biết tốc độ sụt lún có gia tăng hay không, các nhà khoa học Hà Lan nghiên cứu mỗi giai đoạn 5 năm.
Theo đó, từ 1991-2000 vùng ĐBSCL chỉ lún 0,4cm/năm. Từ năm 2000-2005 tăng lên 0,6cm/năm. Năm 2006-2010 là 0,9cm/năm. Và từ 2011-2016 lún trung bình 1,1cm/năm.
Tốc độ lún càng về sau càng tăng là điều rất đáng lo ngại vì có thể những năm tới lún sẽ nhanh hơn, nhiều hơn.
Các số liệu này trùng với thời kỳ gia tăng canh tác lúa thâm canh và gia tăng sử dụng nước ngầm ở ĐBSCL.
Khoảng 20 năm trước với sự hỗ trợ của UNICEF, các địa phương khoan rất nhiều giếng tầng nông và bơm bằng tay lấy nước ngọt sử dụng.
Nhưng gần đây nước ngầm tầng nông đều bị nhiễm phèn, mặn không sử dụng được. Người ta phải khoan sâu 400-500m để tìm nước ngọt.
Miền Tây sẽ bị nhấn chìm, nếu... - Ảnh 2.
Nông dân huyện Chợ Lách, Bến Tre khoan giếng tìm nước ngọt tưới cây ăn trái trong mùa hạn mặn. Đây là nguyên do gây lún sụt ở khu vực – Ảnh: V.TR.
Khắp nơi khai thác, không sụt lún mới lạ!
* Ông vừa là chuyên gia về sinh thái, biến đổi khí hậu và cũng là người sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước Cửu Long. Ông lý giải thế nào về việc các tỉnh ĐBSCL khai thác nước ngầm tràn lan mà không xài nước sông nữa?
– Câu hỏi này khiến tôi nhớ đến câu nổi tiếng của nhà thơ người Anh Samuel Taylor Coleridge: “Water, water everywhere, not a drop to drink”, có nghĩa là nước, nước khắp nơi, nhưng không một giọt để uống. Không phải nhà thơ này nói về ĐBSCL, nhưng tôi thấy đang đúng với chúng ta.
ĐBSCL được mệnh danh là vùng sông nước, văn minh miệt vườn, cây lành trái ngọt, nhưng bây giờ hầu như sông rạch không còn tắm được, nói gì để dùng trong nấu ăn và uống.
Nguồn nước sông rạch đã bị ô nhiễm rất nghiêm trọng bởi nước thải công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi nên phải dùng nước ngầm.
Vùng ven biển thì sử dụng nước ngầm không chỉ cho sinh hoạt mà còn cho tưới hoa màu, nuôi thủy sản rất lãng phí.
* Và việc thay đổi sử dụng dẫn đến khai thác tràn lan gây ra hậu họa?
– Khắp nơi khai thác nước ngầm để sử dụng trong sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất công nghiệp như thế thì mực nước ở các tầng nước ngầm không cạn kiệt gây sụt lún mới lạ.
Hay như Cần Thơ bây giờ mỗi khi triều cường đều bị ngập. Trước nay do thiếu thông tin về sụt lún, người ta đổ hết trách nhiệm cho nước biển dâng và biến đổi khí hậu.
Bây giờ có lẽ cần phải xem xét lại vì thực tế nước biển dâng chỉ 3mm/năm, trong khi đó 25 năm qua Cần Thơ đã bị sụt lún tới 20cm!
Tôi nhớ câu nổi tiếng của nhà thơ người Anh Samuel Taylor Coleridge: “Water, water everywhere, not a drop to drink”, nghĩa là nước, nước khắp nơi, nhưng không một giọt để uống. Không phải nhà thơ này nói về ĐBSCL, nhưng tôi thấy nó đang đúng với chúng ta.
Phải giảm hoặc dừng ngay khai thác nước ngầm
* Theo ông, có cách nào để giải quyết vấn đề sụt lún của ĐBSCL? Các nhà khoa học Hà Lan đã đề xuất giải pháp gì, có áp dụng được không?
– Đối với sụt lún mà nguyên nhân chính là do khai thác nước ngầm thì không thể giải quyết bằng biện pháp công trình.
Theo các nhà khoa học Hà Lan, cách duy nhất để cứu ĐBSCL khỏi bị chìm nhanh là phải giảm hoặc dừng ngay việc khai thác nước ngầm; đồng thời tận dụng triệt để nguồn nước mặt hiện có. Muốn vậy, phải có chế tài nghiêm khắc để ngăn chặn hành vi xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.
Tôi cho rằng nên chuyển sản xuất nông nghiệp sang công nghệ, kỹ thuật cao như các nước tiên tiến trên thế giới.
Khi đó ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp sẽ được khống chế. Đối với vùng ven biển nên chuyển đổi sang canh tác nước mặn – lợ để giảm phụ thuộc vào nước ngọt.
Để cấp nước ngọt cho sinh hoạt, cần trữ nước mưa và ứng dụng công nghệ lọc nước biển như: Nano, RO chi phí không đắt đỏ. Tôi thấy các giải pháp này rất khả thi.
* Nhiều ý kiến đề xuất trước tình hình nước biển dâng và sụt lún cần phải đầu tư xây dựng đê biển để ngăn mặn và trữ ngọt, đồng thời xây kè bao quanh các đô thị và khu dân cư để chống ngập. Ý kiến của ông thế nào?
– Ở đồng bằng này tôi chưa thấy chỗ nào làm đê ngăn mặn mà nước mặt sông rạch bên trong có thể dùng cho sinh hoạt được. Ở những công trình như thế nước bên trong bị ô nhiễm khủng khiếp vì tù đọng.
Đặc trưng của sông rạch ĐBSCL là ăn thông với biển qua hàng trăm cửa sông lớn nhỏ dọc bờ biển.
Và nhờ có thủy triều Biển Đông và Biển Tây thì nước trong sông ngòi bên trong mới chảy. Hiện tượng nước lớn, nước ròng mỗi ngày; nước rong nước kém hằng tháng tạo nên hệ sinh thái, văn hóa, lối sống và sinh kế của người dân.
Một khi dùng biện pháp xây dựng công trình thì mối liên hệ sông – biển sẽ bị cắt đứt. Chẳng những không giải quyết được chuyện gì mà còn đảo lộn điều kiện tự nhiên, suy thoái môi trường.
Tôi cho rằng cần phải hết sức cẩn thận với biện pháp công trình. Nó rất tốn kém, nhưng nếu phát hiện sai lầm thì phá bỏ cũng không hề dễ dàng.
Miền Tây sẽ bị nhấn chìm, nếu... - Ảnh 4.
Sụt lún ở ĐBSCL ngày càng nặng – Đồ họa: TẤN ĐẠT
Một doanh nghiệp khai thác 1.500m3 nước/ngày đêm!
Theo Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Sóc Trăng, tổng lưu lượng khai thác nước dưới đất trong toàn tỉnh hiện nay là hơn 338.000m3/ngày đêm với tổng số 107.408 giếng.
Riêng Khu công nghiệp An Nghiệp được Bộ Tài nguyên – môi trường cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước ngầm với công suất 9.600m3/ngày đêm.
Còn tại TP Tân An (tỉnh Long An) cũng sử dụng nước ngầm cung cấp cho người dân TP. Tại đây có 263 giếng khoan tầng sâu, công suất từ 10 đến 2.990m3/ngày đêm.
Tại Long An có tới 57 doanh nghiệp được cấp phép khai thác nước ngầm sản xuất nước đóng chai. Có một doanh nghiệp ở huyện Cần Giuộc được cấp phép khai thác tới 1.500m3/ngày đêm.
Miền Tây sẽ bị nhấn chìm, nếu... - Ảnh 6.
Hầu hết công trình cầu’ đường ở ĐBSCL đều phải gắn biển “Đường chờ lún”. Trong ảnh là đường và cầu quốc lộ 50 qua địa bàn tỉnh Tiền Giang sau khi thi công – Ảnh: VÂN TRƯỜNG
Miền Tây sẽ bị nhấn chìm, nếu... - Ảnh 7.
Quốc lộ 1 thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Long bị ngập mỗi khi triều cường lên – Ảnh: VÂN TRƯỜNG
Miền Tây sẽ bị nhấn chìm, nếu... - Ảnh 8.
Nước sông rạch bị ô nhiễm nặng. Người dân phải sử dụng nước máy có nguồn gốc là nước ngầm – Ảnh: VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG- Báo Tuổi Trẻ

1 nhận xét:

ÂN CHÚA NHIỆM MẦU - Nguyễn Kim Trân

  ÂN CHÚA NHIỆM MẦU Đức Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ Chốn trần gian nào hiểu rỏ ngọn ngành Lại chẳng nghe lời Đức Chúa giảng sanh Nên b...