Rượu là con dao hai lưỡi, có thể
thành đại sự, kết tình tri kỷ tri âm mà cũng có thể hỏng việc, hại mệnh
không chừng. Tính chất hai mặt ấy có thể nhìn thấy rõ ràng qua trường
hợp của Trương Phi, một anh hùng hảo hán đồng thời cũng là… “bợm rượu”
nổi tiếng thời Tam Quốc.
Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, rượu chính
là con dao hai lưỡi, có thể thành sự mà cũng có thể hỏng sự. Đó có thể
là chén rượu trung nghĩa trong tiệc kết nghĩa vườn đào của ba anh em Lưu
Quan Trương, là chén rượu khí phách trong cuộc thưởng mơ, uống rượu
luận anh hùng của Tào Tháo, là chén rượu hào hùng trong buổi rượu ấm
trảm Hoa Hùng của Quan Vũ, cũng là chén rượu trí tuệ khi Trương Phi giả
say đánh Trương Cáp…
Tiếc thay, một dũng tướng như Trương Phi
mà số phận lại hoàn toàn gửi vào một chén rượu. Thuở hàn vi làm kẻ nấu
rượu, mổ heo, đến khi thành danh, cầm quân thì làm tướng say rượu, lúc
chết lại trở thành ma men không đầu. Thật là bi thương nào kể hết!
Trương Phi yêu ghét phân minh, tính tình ngay thẳng. “Nam vô tửu như kỳ vô phong”
(đàn ông không rượu như cờ không có gió), tráng sĩ của chúng ta cũng
thế, lúc quá chén thường không kiềm chế vững bản thân mình. Ông yêu
rượu, nghiện rượu, đã uống tất say, không say không nghỉ. Kỳ thực, việc
Trương Phi say rượu làm hỏng việc đã không phải lần một lần hai, chỉ cần
có rượu ông liền quên sạch mọi chuyện trên đời.
Năm 195, Lã Bố đánh nhau với Tào Tháo ở
Duyện Châu, thua chạy sang nương nhờ Lưu Bị ở Từ Châu. Sau đó, Lưu Bị
vâng mệnh triều đình cầm quân thảo phạt Viên Thuật, đem theo Quan Vũ rời
Từ Châu đến Nam Dương. Trương Phi tình nguyện ở lại xin giữ Từ Châu.
Lưu Bị dặn dò mấy lượt, Trương Phi vâng dạ thề không uống rượu và đánh
lính tráng. Lưu Bị ra đi mà lòng vẫn canh cánh.
Quả nhiên ở nhà có sự chẳng lành. Trương
Phi chứng nào tật ấy, rời rượu nửa bước không đành. Một hôm, ông cho
triệu tập tất cả văn võ bá quan Từ Châu đến nói: “Khi anh tôi đi, có
dặn nên bớt uống rượu, sợ rằng say sưa rồi hỏng việc, vậy tôi xin mời
các quan hôm nay uống một bữa thực say, rồi từ mai trở đi, cấm hẳn,
không ai được uống nữa, phải giúp tôi để giữ thành trì. Hôm nay phải
uống cho thực say mới được!“. Ơ kìa, uống thực say thì còn giữ thành sao nổi? Tai vạ nhằm đúng cái “bữa thực say” ấy mà trút xuống.
Trương Phi đến trước Tào Báo ép uống.
Tào Báo nói mình theo thiên giới, xin khước từ. Nhưng Trương Phi cố ép,
Tào Báo sợ quá đành vâng mệnh. Lúc sau, Trương Phi “cầm chén mời tất
cả các quan, rồi rót một cốc thực to cho mình, hớp một hớp hết nhẵn,
lại rót cốc nữa, làm một chập đủ mười cốc rượu đầy” (Tam Quốc diễn
nghĩa, hồi 14). Đoạn, lại đến mời Tào Báo. Tào Báo van nài xin miễn
nhưng Trương Phi bất ngờ nổi trận lôi đình, sai quân sĩ nọc Tào Báo đánh
50 roi.
Mà Tào Báo là ai? Chính là nhạc phụ của
danh tướng Lã Bố. Lã Bố nghe chuyện tức giận sôi người, sai Tào Báo làm
nội ứng, đang đêm trong ứng ngoài hợp, đánh cướp Từ Châu. Tráng sĩ
Trương Phi của chúng ta khi ấy vẫn còn đương say giấc nồng, mình đầy mùi
rượu. Nghe thấy Lã Bố vào cướp Từ Châu liền cầm vũ khí lên ngựa định ra
cự đánh nhưng bước chân lảo đảo, tinh thần hoang mang, hãy còn say rượu
mất hết sức lực, bèn phải chạy trốn nơi đồng hoang. Đó là bài học nhớ
đời đầu tiên, lẽ ra Trương Phi phải ghi tâm khắc cốt.
Nhưng như ngựa quen đường cũ, Trương Phi
vẫn yêu rượu hơn yêu sĩ tốt, quý hơi men hơn quý chiến mã, cuối cùng
rước họa vào thân. Năm 219, Quan Vũ vì khinh suất, bị Lã Mông đánh úp
Kinh Châu (Lưu Bị có hai hiền đệ một người thì để mất Từ Châu, một người
lại đánh mất Kinh Châu!). Cuối cùng, thế cùng lực kiệt, Quan Công chạy
ra Mạch Thành rồi bị quân Ngô bắt sống, chém đầu cả hai cha con.
Trương Phi vì chuyện ấy mà đau buồn,
uống rượu thay cơm, mượn chén giải sầu. Năm 221, Lưu Bị phong Trương Phi
làm Xa kỵ tướng quân kiêm Tư lệ hiệu úy, sai dẫn quân bản bộ đến từ
Lãng Trung đến Giang Châu hội binh cùng đánh Giang Đông. Trương Phi lệnh
cho các tướng phải may đủ cờ trắng, áo giáp trắng để ba quân mặc đồ
tang sang đánh Đông Ngô.
Hai tướng Phạm Cương, Trương Đạt vào tâu: “Cờ trắng, giáp trắng, một lúc may sao cho kịp. Xin gia hạn cho mới được“. Phi đang say rượu, bèn nổi giận: “Ta muốn báo thù, đang tức mình không đến ngay được cõi giặc, chúng bay sao dám trái tướng lệnh của ta?“.
Đoạn, liền quát võ sĩ sai trói hai người vào gốc cây, đánh mỗi người
năm chục roi. Đánh xong, lại giao hẹn cho họ phải may gấp cờ và áo nếu
không sẽ chém đầu trước ba quân.
Phạm Cương, Trương Đạt bị dồn vào đường
cùng, giữa đêm cùng nhau vào trướng lấy đầu Trương Phi. Anh hùng cái thế
một đời lại chết thảm làm vậy chỉ vì chút hồ đồ trong cơn say để thiên
hạ ngàn đời còn cười chê.
Trần Thọ, tác giả cuốn “Tam Quốc chí” nhận xét về Trương Phi như sau: “Trương
Phi… sức địch vạn người, hổ thần một thời. Phi vì nghĩa thả Nghiêm
Nhan… có phong độ quốc sĩ. Nhưng… Phi bạo mà vô ơn, lấy sở đoản chuốc
lấy thất bại, là lẽ thường vậy”.
Trương Phi không phải là trường hợp gặp
họa vì rượu duy nhất. Trong sử sách còn truyền lại rất nhiều tấm gương
tương tự như thế. Những năm cuối thời Ai Đế (Tây Hán), có Trần Tuấn là
người có tài, rất được trọng dụng. Nhưng Trần Tuấn lắm tài nhiều tật,
coi rượu như mạng sống, hệt như Trương Phi.
Mỗi lần tổ chức tiệc rượu, Tuấn đều uống
say lướt khướt. Ông còn thể hiện lòng hiếu khách của mình bằng cách
đóng chặt cửa lớn, tháo bánh xe của khách vứt xuống giếng, giữ khách ở
lại uống cả mấy ngày đêm. Trần Tuấn vì ham rượu quá đà mà bị bãi miễn
chức vụ. Đến khi làm thái thú Hà Nam, Tuấn vẫn không hối cải, muốn gì
làm nấy, sau cùng bị giết trong lúc say.
***
Rượu vừa là chất độc khiến sức vóc suy
kiệt, vừa là thứ khiến người ta mất đi nhân cách, không giữ được bình
tĩnh. Nóng giận khiến người ta không còn tỉnh táo, hấp tấp, dễ mắc sai
lầm. Khi cơn giận ùn ùn kéo đến, phúc khí của người ta cũng vì thế tiêu
tan. Nếu kiềm chế được cơn nóng nảy của mình, rèn được tâm Đại Nhẫn mới
có hy vọng thành nghiệp lớn.
Trương Phi thuộc mẫu người không chịu
được khuất nhục, gặp việc không vừa ý là nóng nảy, mất hết tĩnh khí. Bởi
thế, họa sát thân chỉ là chuyện sớm muộn. So với một nhân vật nổi tiếng
khác trong sử sách là Hàn Tín, quả thực Trương Phi tỏ ra dại dột hơn
nhiều. Thuở còn hàn vi, Hàn Tín luyện võ, thường khoác bảo kiếm ra
đường. Một hôm, có một tên lưu manh chặn đường Hàn Tín thách thức: “Người có dám giết ta không?“.
Hàn Tín không thèm động thủ. Nhưng kẻ vô lại kia vẫn chặn giữa đường không cho ông đi qua và tuyên bố: “Không dám giết ta thì hãy chui qua háng ta mà đi“.
Hàn Tín thực sự đã chui qua háng kẻ kia, thể hiện tâm Đại Nhẫn phi
thường của mình. Sau này, Hàn Tín quả thực lập nên công trạng lớn, làm
Đại tướng quân cầm hàng chục vạn quân giao tranh, đánh bại Hạng Vũ, mang
về thiên hạ cho Lưu Bang, mở ra cơ nghiệp 400 năm của nhà Hán sau này.
Chính là:
Rượu nồng uống cạn giữa tiệc vui
Chẳng biết họa tai tự trên trời
Tri kỷ không còn người nâng chén
Oán hận kết rồi khó giải khai
Chẳng biết họa tai tự trên trời
Tri kỷ không còn người nâng chén
Oán hận kết rồi khó giải khai
Văn Nhược – Nam Nguyễn
(daikynguyen.com)
rượu tai hại quá
Trả lờiXóa