Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017

Các cơn bão được đặt tên như thế nào?

20151107_blp508
Nguồn: “How hurricanes get their names”, The Economist, 12/11/2015.
Biên dịch: Phan Nguyên | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày 29 tháng 10 năm 2012, cơn bão Sandy (ảnh) đổ bộ vào New York. Khoảng 200 người đã thiệt mạng và thiệt hại lên tới 71 tỉ đô la, chỉ thấp hơn thiệt hại do siêu bão Katrina gây nên tại New Orleans vào năm 2005. Tuy nhiên, cả bảo Sandy lẫn Katrina sẽ không bao giờ xảy ra nữa do các nhà khí tượng đã nhanh chóng loại bỏ hai tên gọi này. Tổ chức Khí tượng Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc chọn tên bão từ các danh sách được sử dụng lại sau mỗi sáu năm, nhưng loại bỏ những tên gọi gắn liền với những cơn bão có mức độ hủy diệt khủng khiếp. Những tên gọi gây tranh cãi như Adolf và ISIS cũng bị loại ra. Vậy các cơn bão được đặt tên như thế nào và truyền thống này đã hình thành ra sao?
Trong hàng trăm năm, người dân sống ở các đảo thuộc vùng Caribbe, vốn dường như thường xuyên đối mặt với cơn thịnh nộ của Chúa, đã đặt tên các cơn bão theo tên các vị thánh. Nhưng nói chung, việc đặt tên bão khá lộn xộn. Trong những năm 1850, một cơn bão ở Đại Tây Dương đã làm đắm một con tàu có tên là Antje, và cơn bão đó đã được gọi là “bão Antje”, trong khi một cơn bão khác đổ bộ vào Florida vào Ngày Lao động(1/5) nên nó được đặt tên là “bão Ngày lao động”.
Vào cuối thế kỷ 19, Clement Wragge, một nhà dự báo khí tượng người Úc, đã cố gắng thiết lập nên một hệ thống bằng cách đặt tên các cơn bão theo bảng chữ cái Hy Lạp. Khi chính phủ Úc từ chối công nhận hệ thống này, ông bắt đầu đặt tên các cơn bão theo tên các chính trị gia. Không có gì ngạc nhiên, một hệ thống mà dường như mô tả một chính trị gia là “gây thảm họa lớn” hoặc “lang thang không mục đích về phía Thái Bình Dương” đã gặp phải sự phản đối. Một phương pháp khác để đặt tên các cơn bão là dùng tọa độ địa lý vốn giúp các nhà khí tượng học theo dõi chúng. Nhưng điều này cũng chẳng có ích gì cho những người sống trên bờ và dựa vào các thông báo thời tiết ngắn gọn và hữu ích trên sóng đài phát thanh.
Truyền thống chính thức đặt tên các cơn bão bắt đầu hình thành vào năm 1950 khi chúng được gọi tên theo cách đọc bảng chữ cái mà các binh lính Mỹ thời đó sử dụng (Able, Baker, Charlie, vv…). Những cái tên rất này ngắn gọn và dễ phát âm hay ghi lại. Việc trao đổi các thông tin giữa hàng ngàn đài phát thanh nằm rải rác, các tàu thuyền trên biển và các căn cứ ven biển trở nên dễ dàng hơn. Kỹ thuật mới này đã chứng minh đặc biệt hữu ích khi hai cơn bão có cường độ khác nhau xảy ra cùng một lúc.
Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, vào năm 1952, một hệ thống phát âm bảng chữ cái quốc tế mới đã được thông qua (Alpha, Bravo, Charlie, vv…) nên đã gây ra một số nhầm lẫn. Vì vậy, học theo cách các nhà khí tượng hải quân đặt tên các cơn bão theo tên vợ mình, Trung tâm Dự báo Bão Quốc gia Mỹ đã bắt đầu sử dụng các tên phụ nữ (để đặt tên cho các cơn bão). Cách làm này tỏ ra phổ biến, và gây nhiều tranh cãi. Các phương tiện truyền thông rất thích thú khi mô tả các cơn bão mang tên nữ giới đầy “cuồng nộ”, “trêu ghẹo” và “tán tỉnh” các bờ biển. Các nhà hoạt động nữ quyền đã vận động chống lại cách làm này và từ năm 1978 tên bão đã sử dụng đan xen tên gọi của cả hai giới.
Tên bão quan trọng hơn những gì người ta nghĩ. Năm ngoái, một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Arizona và Đại học Illinois cho thấy các cơn bão được đặt theo tên phụ nữ giết chết nhiều người hơn so với những cơn bão đặt theo tên nam giới. Điều này không liên quan gì mấy tới cường độ của cơn bão, vì chúng xảy ra ngẫu nhiên, mà là do phản ứng của người dân đối với chúng. Có vẻ như người ta chủ quan với các cơn bão nhiệt đới mang tên phụ nữ hơn so với những cơn bão có tên nam tính. Như thể để bác bỏ nhận thức sai lầm này, vào tháng trước, một cơn bão có tên là Patricia (tên phụ nữ) có lúc có sức gió lên tới 322 km/h, khiến nó trở thành cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận ở Tây bán cầu.
Theo Nghiên Cứu Quốc Tế

1 nhận xét:

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...