Ông Steve Guo và vợ của ông, giống như nhiều cặp vợ chồng trung lưu, sở hữu một căn hộ 4 phòng ngủ mới ở Thẩm Quyến có chi phí 12 triệu nhân dân tệ (2,49 triệu USD), và đang mong đợi đứa con thứ hai của họ vào đầu năm tới.
Tháng trước, họ đã chi 60.000 cho dịch vụ chăm sóc hậu sản, thêm vào một hóa đơn dài nhiều hàng hóa, dịch vụ khác, từ một chiếc ghế thư giãn của Ý cho đến bột sữa nhập từ Đức.
Đó là những phát sinh bất thường, còn chi phí trung bình hàng tháng của họ trong khu mua bán công nghệ cao của tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khoản thanh toán thế chấp, là khoảng 60.000 nhân dân tệ, được tài trợ bởi mức lương và nợ của ông Guo.
Phong cách sống của họ, giống như hàng triệu gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, hoàn toàn trái ngược với người dân làng Hongli, nằm trong vùng núi non cách Quảng Đông chưa đến 200 km về phía Bắc.
Ở ngôi làng của nông dân 67 tuổi Jiang Shuian, món hàng hiện đại và có giá trị nhất là một chiếc ti vi. Các bức tường có màu nham nhở, bàn ghế bằng gỗ xám xịt, cửa gỗ đã bị vỡ, và thiết bị làm mát duy nhất là một cái quạt điện kêu như cối xay gió, giống như cái gì đó thuộc về một viện bảo tàng.
Ông Jiang cho biết ông và các con mơ ước tiết kiệm được 100.000 nhân dân tệ để sửa chữa căn nhà bằng bùn và gạch của họ cho tươm tất hơn, nhưng điều đó dường như quá xa vời so với mức thu nhập hiện tại của họ.
“Thật khó kiếm tiền”, ông Jiang, ngồi trên một cái ghế nhựa, nói với South China Morning Post (SCMP). “Mỗi năm chúng tôi có thể kiếm được 3.600 nhân dân tệ từ nghề nông. Con trai tôi làm việc cho các nhà máy gốm gần đây và mỗi người có thể kiếm được từ 1.700-2.000 nhân dân tệ/tháng”.

Sự tương phản trong cùng 1 tỉnh

Nhà của ông Jiang chỉ là một trong hàng chục ngôi nhà bằng bùn và gạch trong làng. Và làng của ông là 1 trong 2.277 ngôi làng ở Quảng Đông dưới chuẩn nghèo của tỉnh, tức thu nhập bình quân đầu người chỉ 4.000 nhân dân tệ/năm. Tổng dân số trong các ngôi làng này khoảng 1,76 triệu người.
Sự tương phản rõ rệt trong lối sống của 2 gia đình là một minh họa cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng ở Trung Quốc sau gần 4 thập kỷ bùng nổ kinh tế không bị gián đoạn. Hiện nay, làm sao thu hẹp khoảng cách đó là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Tập Cận Bình.
Ở ngôi làng của nông dân 67 tuổi Jiang Shuian, món hàng hiện đại và có giá trị nhất là một chiếc ti vi. (Ảnh: Todayonline)

Không giống như Mao Trạch Đông, người đã lấy đi tài sản của những người giàu có để tạo ra một xã hội nghèo đói và bình đẳng; hay Đặng Tiểu Bình, người đã khuyến khích một nhóm nhỏ làm giàu trước tiên, ông Tập đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa 70 triệu người Trung Quốc nghèo đói thoát khỏi đói nghèo. Để làm được điều đó, ông đang cố gắng làm cho sự phát triển của Trung Quốc trở nên toàn diện hơn, thay vì chỉ làm lợi cho một số ít.
Quảng Đông, tỉnh giàu nhất Trung Quốc, được biết đến như đầu tàu kinh tế của cả nước với các doanh nghiệp sản xuất tiên tiến ở đồng bằng Châu Giang và các thành phố sôi động như Thâm Quyến. Tổng sản phẩm nội vùng của tỉnh này năm ngoái gần bằng quy mô của Nga, nhưng sự phân chia nông thôn-thành thị của nó rất rộng.
GDP bình quân đầu người của Thâm Quyến bây giờ ngang bằng với Bồ Đào Nha, nhưng GDP bình quân đầu người tại Thanh Viễn, thành phố quản lý Hongli, chỉ bằng chưa đầy 1/4 GDP năm ngoái của Thâm Quyến và thấp hơn mức trung bình của cả nước. 11 thành phố khác ở Quảng Đông – Meizhou, Maoming, Jieyang, Yangjiang, Shanwei, Shaoguan, Zhanjiang, Triều Châu, Sán Đầu, Yunfu và Heyuan – cũng thấp hơn mức trung bình toàn quốc năm ngoái. Và ở Meizhou, Heyuan, Shanwei và Yunfu, GDP bình quân đầu người thậm chí còn thấp hơn ở Quý Châu, tỉnh nghèo nhất Trung Quốc.



Bất bình đẳng ngày một cao
Theo ông Zheng Zizhen, nhà xã hội học kiêm kinh tế học thuộc Học viện Khoa học Xã hội Quảng Đông, đồng thời là một nhà tư vấn chính phủ ở Quảng Châu, khoảng cách giàu nghèo ở Quảng Đông đã tăng lên trong vài năm qua.
“Sự giàu có của các gia đình ở các thành phố (lớn) đang tăng vọt, do sự tăng trưởng nhanh chóng của giá bất động sản. Nhưng các khu vực nghèo hơn của Quảng Đông thiếu khả năng thu hút đủ vốn và tài năng để mang lại sự bùng nổ trong công nghiệp”, ông Zheng nói.
Theo dữ liệu chính thức, Đồng bằng Châu Giang bao gồm một số thành phố phát triển nhất của Trung Quốc, như Quảng Châu, Thâm Quyến, Đông Quan và Phật Sơn, chỉ chiếm 23% diện tích của tỉnh, nhưng năm ngoái nó chiếm 79,3% GDP của Quảng Đông, tăng so với 79,1% năm 2015. 12 thành phố nghèo khó của tỉnh báo cáo tăng trưởng GDP bình quân 7,4% trong năm ngoái, theo Ủy ban Cải cách và phát triển của tỉnh, trong khi vùng châu thổ Châu Giang tăng 8,3%.
Số liệu từ Cục Thống kê quốc gia cho thấy khoảng cách giàu nghèo tiếp tục gia tăng trên khắp đất nước năm ngoái. Hệ số Gini của Trung Quốc, một thước đo bất bình đẳng về thu nhập, tăng nhẹ lên 0,465 vào năm ngoái, từ 0,462 năm 2015. Đây là lần đầu tiên khoảng cách giàu nghèo mở rộng trong 5 năm.
Khoảng cách giàu có không phù hợp với kế hoạch phát triển của ông Tập đối với một xã hội “sáng tạo, hòa hợp, xanh, cởi mở và đồng bộ”. Ông Tập nói ông muốn tập trung vào chất lượng tăng trưởng, môi trường, tính bền vững và sự công bằng – một cách tiếp cận khác so với trước kia, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế mới có ý nghĩa nhất.

Tích tụ bất ổn

Thêm vào đó, một phần lớn sự thịnh vượng của Trung Quốc được thúc đẩy bằng nợ nần, một tình huống đã làm tăng các báo động ở Bắc Kinh vì nó có thể dẫn tới một cú sốc tài chính.
Ở Thâm Quyến, các sinh viên vừa ra trường đã vội vã mở công ty của riêng mình, trong khi tầng lớp trung lưu đã suy đoán về tài sản được tài trợ thông qua tín dụng của ngân hàng và các tổ chức “ngân hàng ngầm” (shadow banks).
Nhiều cư dân Thâm Quyến cho rằng giá nhà đất sẽ chỉ tăng lên và điều này đã đẩy giá bất động sản vốn lên mức ngất ngưởng, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với khu vực Hồng Kông lân cận, vốn nổi tiếng vì giá bất động sản cao thuộc hàng top trên thế giới.
Ông Guo đã mua căn hộ 4 phòng ngủ của ông ở Thẩm Quyến thông qua các khoản vay thế chấp vào cuối năm 2015. Ông đã bán 2 căn hộ nhỏ hơn với giá 7 triệu nhân dân tệ và vay thêm 5 triệu nhân dân tệ để mua một căn hộ mới, lớn hơn. Đôi vợ chồng vẫn sống trong một căn nhà thuê và sẽ không di chuyển vào căn hộ mới cho đến cuối năm nay, ngay trước khi đứa trẻ chào đời.
Gia đình họ sống bằng nợ nần. Thu nhập hàng tháng của họ khoảng 30.000 nhân dân tệ, trong khi nợ thế chấp phải trả hàng tháng là 40.000 nhân dân tệ. Nhưng họ không thấy vấn đề gì, bởi tin rằng tài sản của họ, chủ yếu là căn hộ, đang được đánh giá cao.
Ông Guo nói: “Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Thâm Quyến sẽ tiếp tục bùng nổ và trở thành đô thị tốt nhất châu Á. Giá nhà đất trung bình của thành phố sẽ bằng với Hồng Kông … vì tương lai kinh tế của Trung Quốc là ở Thâm Quyến”.

Trung Dung

(daikynguyen.com)

Xem thêm :