TTO - Giải thưởng Nobel Hòa bình vẫn luôn là một
vinh dự cho người thắng giải bởi tính chất vì nhân loại của nó. Giải
thưởng đã được công bố cho nỗ lực ngăn chặn vũ khí hạt nhân.
Cô
Beatrice Fihn (phải), giám đốc điều hành của ICAN cùng một thành viên
của tổ chức vui mừng sau khi biết giành được Nobel Hòa bình 2017 - Ảnh:
REUTERS
Cũng nằm trong dự
đoán, liên minh các tổ chức phi chính phủ toàn cầu chống vũ khí hạt nhân
là Chiến dịch quốc tế giải trừ vũ khí hạt nhân (ICAN) đã được tôn vinh
với giải Nobel Hòa bình 2017.
Chủ tịch Ủy ban
Nobel của Na Uy, bà Berit Reiss-Andersen tuyên bố giải thưởng trao cho
tổ chức ICAN "vì công việc của họ nhằm hướng sự chú ý đến những hệ quả
mang tính thảm kịch cho nhân loại nếu xảy ra việc sử dụng vũ khí hạt
nhân và cho những nỗ lực của họ nhằm đi đến việc ký kết hiệp ước không
phổ biến vũ khí hạt nhân".
Hiệp ước mới về cấm
vũ khí hạt nhân, được 122 thành viên LHQ thông qua hồi tháng 7 vừa qua.
Tuy nhiên Hiệp ước này bị đánh giá là mang tính biểu tượng là chính bởi
9 quốc gia hạt nhân đã không tham gia vào hiệp ước.
Chính
vì thế, trong phần thông báo của Ủy ban Nobel Na Uy có lời kêu gọi các
cường quốc hạt nhân nên có những "cuộc thương lượng nghiêm túc" để đi
đến việc loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Tổng
Thư ký LHQ Antonio Guterres từng khẳng định hiện thế giới vẫn còn
khoảng 15.000 vũ khí hạt nhân và không thể cho phép những thứ vũ khí hủy
diệt này gây nguy hiểm cho thế giới.
Bản hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân sẽ bắt đầu có hiệu lực 90 ngày sau khi 50 nước đã thông qua văn kiện này.
Hiệp
ước cấm vũ khí hạt nhân được LHQ thông qua từ tháng 7-2017, nhưng không
một quốc gia nào trong số 9 nước có vũ khí hạt nhân [Mỹ, Nga, Anh,
Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Triều Tiên, Israel] tham gia vào
quá trình xây dựng nội dung hay bỏ phiếu thông qua.
Bình
Nhưỡng luôn cho rằng mình có quyền theo đuổi chương trình hạt nhân bởi
đó là cách hiệu quả để bảo vệ chủ quyền đất nước - Ảnh: REUTERS
Theo
hãng tin Reuters, người phát ngôn của ICAN nhanh chóng lên tiếng cho
biết giải thưởng Nobel Hòa bình chính là sự nhìn nhận công việc của các
thành viên tham gia cuộc vận động suốt nhiều năm qua, đặc biệt là nhóm
THE HIBAKUSHA, bao gồm những người Nhật sống sót sau vụ ném bom hạt nhân
của Mỹ xuống đất Nhật.
Có thông tin trang web của ICAN đã bị sụp mạng ngay sau khi có thông tin liên minh tổ chức này được vinh danh.
Việt Nam đã ký hiệp ước
Hôm
22-9 vừa qua, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao VN, thay mặt nhà nước
Việt Nam, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã ký Hiệp
ước Cấm vũ khí hạt nhân tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) nhân kỳ
họp đại hội đồng của LHQ.
Như vậy, Việt Nam trở
thành một trong hơn 50 nước ký hiệp ước đầu tiên trên thế giới có tính
ràng buộc pháp lý về việc cấm vũ khí hạt nhân.
Hiệp
ước vừa được hoàn tất tháng 7 vừa qua với các điều khoản cấm các nước
thành viên phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, tàng trữ, sử dụng
hoặc đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân. Các nước thành viên cũng phải cam
kết không cho các quốc gia đồn trú, lắp đặt hoặc triển khai vũ khí hạt
nhân trên lãnh thổ và tại các khu vực trong phạm vi tài phán và kiểm
soát của mình.
Cô
Beatrice Fihn, giám đốc điều hành của ICAN cùng diễn viên Mỹ Michael
Douglas cũng là Đại sứ hòa bình của LHQ trong buổi họp báo về giải trừ
vũ khí hạt nhân tổ chức tại trụ sở của LHQ ở châu Âu vào ngày 12-5-2016 ở
Geneva, Thụy Sĩ - Ảnh: REUTERS
Tổng thư ký LHQ
Antonio Guterres từng nhấn mạnh rằng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân
có trách nhiệm đặc biệt phải đi đầu bằng những biện pháp cụ thể, trong
đó có cả những bước đi đã được nhất trí ở nhiều hội nghị khác nhau nhằm
đánh giá lại Hiệp ước Cấm Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT).
Theo
ông Guterres, những chiến dịch đầy tốn kém để hiện đại hóa vũ khí hạt
nhân cộng với việc thiếu kế hoạch giảm kho vũ khí ngoài Hiệp ước Giảm vũ
khí hạt nhân chiến lược (START) giữa Nga và Mỹ khiến cho tiến trình
giải giáp hạt nhân trên toàn cầu khó đạt được tiến triển.
Tổng
thư ký LHQ cũng cảnh báo không nên viện cớ điều kiện an ninh để biện
minh cho việc không thực hiện các sáng kiến giải giáp hạt nhân.
Một thế giới không có vũ khí hạt nhân là một tầm nhìn toàn cầu đòi hỏi một phản ứng toàn cầu"
Tổng thư ký António Guterres phát biểu trước lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân
Giải
Nobel Hòa bình 2017 là giải thứ 98 được trao cho đến nay. Đến giờ có
318 ứng viên và có rất nhiều đồn đoán thiên về Giáo hoàng Francis và Thủ
tướng Đức Angela Merkel.
Nhưng trên thực tế
không ai biết danh tính của 318 ứng viên và theo luật chơi, các danh
tính ứng viên chỉ được công bố theo luật bảo mật 50 năm.
Một ủy ban 5 thành viên do Quốc hội Na Uy chọn lựa sẽ có trách nhiệm chọn ra người xứng đáng.
Sau phiên họp đầu tiên, các thành viên này đã đưa vào danh sách rút gọn còn khoảng 20 ứng viên sáng giá nhất cho giải thưởng.
Giải
Nobel hòa bình nên được trao cho người đã có đóng góp to lớn trong việc
đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn
chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội
nghị hòa bình
Theo nguyện vọng ghi trong di chúc của Alfred Nobel
Ủy
ban chấm giải phải đạt thống nhất đối với ứng viên được chọn trao giải;
trong trường hợp không thống nhất thì sẽ không công bố giải thưởng.
Kể từ khi giải Nobel Hòa bình được trao vào năm 1901 đã có 19 lần người ta không chọn được người xứng đáng.
Khác với các giải Nobel còn lại, giải Nobel Hòa bình sẽ được trao ở thủ đô Oslo của Na Uy.
Tượng Alfred Nobel - Ảnh: AFP
Năm
nay, trong bối cảnh thế giới lo lắng về một cuộc chay đua vũ trang hạt
nhân mới, các chuyên gia cũng đã phỏng đoán khả năng giành chiến thắng
thuộc về cuộc chiến chống hạt nhân.
"Ủy ban
Nobel Hòa bình hẳn sẽ tạo ra tiếng vang lớn nếu dám trao giải cho các nỗ
lực đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran" - ông Asle Sveen, nhà nghiên cứu
lịch sử giải Nobel, nhận định với hãng tin AFP.
Tuy
nhiên điều khiến không ít người băn khoăn chính là việc chính quyền
Washington đã bắn tiếng xem lại thỏa thuận này và chính quyền Tehran
cũng hồi đáp bằng động thái cứng rắn đòi rút khỏi thỏa thuận.
Một
số ứng viên được kể tên khác chính là các tổ chức tầm cỡ quốc tế có
những đóng góp xuyên suốt nhiều năm qua như liên minh tổ chức phi chính
phủ ICAN (Chiến dịch quốc tế giải trừ vũ khí hạt nhân) hoặc Cao ủy LHQ
về người tị nạn (HCR) - tổ chức từng nhận Nobel Hòa bình các năm 1954 và
1981.
Huy chương vàng của giải thưởng Nobel - Ảnh: AFP
Dẫu
danh sách các ứng viên được giấu kín, nhưng những người được phép giới
thiệu ứng viên cho ủy ban Nobel (như các nghị sĩ, bộ trưởng các nước,
những người từng đoạt giải Nobel, các giáo sư đại học...) cũng luôn tìm
cách tiết lộ tên tuổi ứng viên do mình chọn lựa.
Vì
thế nhóm Mũ nồi trắng chuyên hoạt động vì nhân đạo trong cuộc nội chiến
ở Syria, Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng được
phỏng đoán là ứng viên sáng giá.
Năm ngoái, tổng
thống Colombia Juan Manuel Santos đã được vinh danh bởi những nỗ lực
của ông nhằm đem lại hòa bình cho đất nước sau nhiều năm nội chiến tàn
khốc.
Trước những năm 1970, phần lớn các giải
Nobel Hòa bình chỉ trao cho cá nhân và phần lớn là nam giới thuộc châu
Âu và Mỹ. Sau đó giải thưởng có vẻ đã được "quốc tế hóa". Trong 5 năm
gần đây, giải thưởng về tay 1 người Ấn Độ, một cô gái Pakistan và một
người Colombia (tổng thống Juan Manuel Santos).
Giải
Nobel Hòa bình thường mang tầm vóc chính trị lớn. Năm 1963, mục sư
Martin Luther King từng có bài phát biểu chấn động "Tôi có một giấc mơ"
tại Washington để tố cáo tình trạng phân biệt sắc tộc tệ hại ở nước Mỹ.
Năm sau ông đoạt giải Nobel Hòa bình.
Năm 1990, nhà lãnh đạo Liên xô Mikhaïl Gorbachov được tưởng thưởng nhờ những nỗ lực chấm dứt chiến tranh lạnh trên thế giới.
Năm
1991, tổng thống Nam Phi Frederik de Klerk đã chấm dứt chế độ apartheid
ở đất nước mình. Hai năm sau đó, lãnh tụ của người da đen ở Nam Phi
Nelson Mandela cùng tổng thống de Klerk đã được vinh danh.
Những con số thú vị
29 lần giải được trao cho 2 người
2 lần trao cho 3 người
16 phụ nữ đã nhận giải Nobel Hòa bình
1 lần giải bị người được chọn từ chối (vào năm 1973)
3 lần giải được trao cho những người đang bị giam cầm ở đất nước mình
24 lần giải được trao cho các tổ chức quốc tế
giải này rất thiết thực
Trả lờiXóa