Phải nhiều tháng sau, tôi mới biết cô nàng bị bệnh
ung thư. Gần như là không ý thức, tôi từng nhìn những dãy chai thuốc đủ
nhãn hiệu, thuốc viên, thuốc nước, thuốc bột trong ngăn tủ phòng nàng và
hoàn toàn không thắc mắc hay có ý niệm gì về sự có mặt của chúng. Cũng
thường thôi, có nhiều người vẫn thích để đủ thứ thuốc men thu thập nhiều
năm ở một góc tủ như thói quen ở Việt Nam mà không bận tâm gì đến ngày
tháng có thể hư hao chi cả, và nếu là trụ sinh thì càng dễ tính, cứ gom
lại thật nhiều rồi sẽ gởi về nước cho thân nhân. Lại nữa, các loại thuốc
mua từ toa bác sĩ thì chẳng ghi chú gì, chỉ có mấy dòng ghi tên thuốc
và ngày uống mấy viên thôi, chẳng ai biết nổi là thuốc hay kẹo.
Nhưng càng lúc nàng càng xanh xao, nét mặt tái
nhợt đi, buổi sáng, buổi chiều, buổi tối. Nói rõ các buổi như vậy vì
thời gian đầu hai đứa gặp nhau, sắc mặt nàng thay đổi theo thời gian
trong ngày. Buổi sáng tươi tỉnh, hồng hào, nàng rực rỡ, rạng ngời. Buổi
chiều nàng ủ dột, buồn ra mặt. Và buổi tối nàng thường than mệt và đòi
về nhà. Ðôi khi tôi chỉ hỏi, tại sao vậy, và rồi thôi. Không bao giờ tôi
nghĩ cần phải vặn hỏi ai điều gì. Ðiều gì người ta không nói, thì mình
không cần phải thắc mắc. Chơi với nhau là phải tin nhau, tin cả lời nói
và phải tin cả sự im lặng, tất cả đều có những ý nghĩa gì đó. Vả lại nếu
xét về vai vế thì tôi lớn hơn nàng nhiều chứ, cả về tuổi nữa, và người
lớn thì phải có phong cách người lớn, nghĩa là biết tôn trọng cả những
điều người thấp vai không nói. Tôi chỉ nói đùa là tôi không cần mua đồng
hồ, vì chỉ cần nhìn mặt nàng đã có thể đoán được mấy giờ rồi. Thí dụ
đôi mắt rực sáng như vậy, gò má hồng như vậy, nàng xông xáo như vậy,
nhất định phải là trong khoảng bảy hay tám giờ sáng. Hay là khi đôi mắt
bắt đầu trở nên xa vắng như đang hướng về một chân trời nào đó thì trời
hẳn đã về chiều. “Tùy theo mức độ xa vắng của mắt em, anh sẽ gọi được
giờ, thí dụ như bây giờ phải ước chừng là sáu giờ chiều”, tôi đã nhiều
lần nói với nàng như vậy khi ngồi ở quán Baron. Và khi nàng đứng lên đòi
về, tôi gấp giấy tờ sách vở lại, thì mặt nàng hẳn đã nhạt ra, có khi
những ngón tay còn run run nữa. Bấy giờ tôi lại đoán được là chín hoặc
chín giờ rưỡi khuya.
Tôi nhớ, lần đầu tiên gặp lại nàng là ở trong
quán Baron. Bấy giờ là chiều lắm rồi, tôi đang ngồi trong quán, lúc đó
thật vắng, đọc những xấp bài vở, báo chí đủ loại thì cô nàng đứng ngay
trước mặt tôi, gọi tên tôi và hỏi tại sao tôi lại xuất hiện ở vùng thủ
đô tị nạn này. Tôi ngẩng nhìn lên, chỉ nhớ mang máng đã gặp nàng đâu đó
trên đảo. Nhưng tôi chẳng mấy khi nhớ được những chuyện gì xảy ra hôm
qua, huống gì là của nhiều năm trước. Cô nàng tự giới thiệu là có quen
tôi khi còn trên đảo, và anh không thể nào nhớ mặt được những kẻ đứng
thật xa và nói thật nhỏ. Tôi đã tự trách mình vô tâm và trả lời rằng, ai
cũng có thể nhớ được một tên nổi tiếng ở dơ, lười tắm và làm đủ thứ
chuyện lung tung cho đồng bào như vậy; tôi hơi ngạc nhiên nghe mình tự
nói xấu cách hồn nhiên, và lại xin lỗi về trí nhớ của mình. Sau này tôi
có hỏi lại anh Trung, người Ðạo Trưởng của tôi, thì anh cũng chẳng thể
nhớ nổi cô bé nào như vậy cả. Có hàng trăm cô bé thế chứ, cậu nói thế
làm sao tôi nhớ nổi, anh trả lời nhát gừng. Tôi đã trả lời, chỉ có một
thôi, một cô bé kỳ dị như vậy đấy, với cả một pharmacy trong phòng. Có
hề gì đâu, cũng như trong phòng cậu là đủ thứ sách thôi, anh Trung đáp.
Chịu thua, tôi không bao giờ cãi được với ai.
***
Buổi chiều, khi chạng vạng tối, tôi thường đến
Baron ngồi đọc, ghi chú và suy nghĩ về những điều phải viết. Cà phê ở
đây thì đậm, uống vào có thể thức tới hai, ba giờ sáng, còn bánh mì thì
có thể thay cơm được. Quán thường vắng vào chiều và tối. Ðiều hay nhất
là không có nhạc vì quán thuộc loại bình dân. Tôi không ưa những quán
nhạc ồn ào, đông đúc, mịt mù khói thuốc. Ngồi ở đây, nhìn qua những
khung kính ra đường Brookhurst, nhìn buổi chiều, nhìn đêm, nhìn chiếc xe
cà tàng của mình bên ngõ hẻm, rồi cúi xuống đọc trên những trang giấy,
rồi có khi chạy tới nhà tên bạn hỏi han đôi chuyện hoặc vào bàn gõ lóc
cóc dăm bài thơ cho nó đỡ mệt. Tôi đã có thói quen sống hạnh phúc được
trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi bị gây rối vì chuyện tiền bạc hoặc cộng
đồng.
Những thời gian về sau, nàng thường ra ngồi với
tôi. Có khi hỏi chuyện chán chê, rồi lại im lặng, rồi lại đọc những xấp
bài tôi để trên bàn, đủ thứ nhảm nhí, và có khi về Thiền, về chính trị,
hoặc thứ gì cũng đôi chút nghiêm trang, vân vân. Rồi lại hỏi những câu
không đâu vào đâu. Chẳng hạn như, “Làm thế nào để khỏi bệnh?”. Lần đó,
tôi đáp, “Tại sao cần khỏi bệnh chứ. Bồ tát bệnh vì chúng sanh bệnh cơ
mà”. Nàng đáp, “Hôm bữa anh khóc um sùm khi mới bị nhức răng sơ sơ, thì
chúng ta đâu cần phải bệnh để hiểu được Kinh Phật”. Tới những chỗ lý
luận cụ thể về cuộc đời thì tôi lại im lặng, bởi vì thực sự tôi chẳng hề
hiểu chi về cuộc đời cả.
Phải nhiều tháng sau, nàng mới nói cho biết có lẽ
nàng sắp chết. Bấy giờ tôi mới ngẩng mặt lên khỏi mớ giấy tờ, ngạc
nhiên nhìn nàng. Chín giờ tối rồi, một tiếng nữa quán sẽ đóng cửa, không
còn ai trong quán trừ chúng tôi. Mắt nàng yếu đi, người nàng trước giờ
vẫn gầy, bây giờ như gầy thêm hơn. Ung thư à, tôi thắc mắc, lạ nhỉ, cái
này cũng giống như xổ số đấy. Mặt nàng xịu xuống, ra dáng bé con hẳn, im
lặng hồi lâu. Tôi vẫn không thể hình dung được cô bé đang ngồi trước
mặt tôi hôm nào có thể biến mất trên đời này. Ngay cả nếu bây giờ cô
nàng ngã xuống, lên cơn sốt trăm độ, ngay giữa quán này, đương nhiên là
tôi sẽ ẵm cô nàng đi cấp cứu, nhưng vẫn sẽ không thấy chuyện này có thật
tí nào. Tôi đã nói với nàng như vậy, thấy nàng vẫn mở to mắt nhìn như
không hiểu, tôi giải thích thêm, từ lâu rồi anh vẫn thấy mọi chuyện trên
đời chỉ là những giấc mơ thôi. Tôi ấp úng, thí dụ chúng ta đang ngồi
đây, giữa quán cà phê vắng thế này, thì cũng không có gì là thật cả, chỉ
là những giấc mơ thôi, thấy được như vậy, đây chỉ là những giấc mơ
chúng ta sờ được và bơi lội trong nó thì em sẽ không bao giờ đau khổ,
thắc mắc hay bận tâm. Em có đùa bao giờ đâu, nàng gắng gượng nói. Ừ thì
không đùa, nhưng em phải tập Thiền và thể dục, anh sẽ dạy cho, dễ lắm,
bệnh nào cũng chữa được. Lời tôi nói như tan vào không khí. Nàng không
trả lời, nét mặt xanh nhợt nhạt.
Nàng ở trong một căn chung cư góc Brookhurst và
Hazard. Buổi chiều nàng đi bộ ra quán ngồi chơi và nói chuyện với tôi,
tới khuya rồi lại về. Làm thế nào cô bé sống được trên thế gian này nhỉ,
tôi thắc mắc, lại ngay giữa cái thành phố đầy những xô xát, ồn áo, nhảm
nhí này. Tôi thích nơi này biết mấy, cũng như mọi nơi trên trần gian
này, chỉ vì tôi không thể ý thức được mình có thể ghét bỏ một nơi nào
trong cuộc đời. Nhưng còn cô bé, cô nàng mỏng manh như một hơi thở, gầy
như một que tăm, ngây thơ như một dòng chữ trong kinh Phật, và có vẻ như
không bao giờ biết tới tuổi thành niên, làm sao có thể ngồi ngay giữa
quán Baron này mà không hề sợ hãi. Cái món tiền tàn phế đâu có bao
nhiêu. Tôi có thể sống được, và cả hạnh phúc nữa với không một xu dính
túi, nhưng còn nàng, cô bé gầy gò dúm dó kia làm sao sống nổi giữa trần
gian điên dại này.
“Em phải biết trần gian mình lắm bệnh, và đừng
thắc mắc gì cả”. Tôi giải thích một hôm như vậy và không biết có nên tò
mò hỏi thêm về căn bệnh của nàng. Nhỡ như đó là một bệnh khó trả lời,
thí dụ như ung thư vú hay tử cung chẳng hạn. “Em phải tập nói chuyện với
hư vô hằng đêm, hằng ngày”. Tôi băn khoăn không biết mình có đang nói
những điều quá xa lạ với nàng chăng. “Cứ gọi tên nó ra mà hỏi chuyện,
như một người bạn. Ðừng giận dữ bao giờ cả. Thì thầm to nhỏ. Khi nào nó
hành đau quá thì thôi, tìm cách ngủ”.
Cô bé mở một tờ báo lá cải và chỉ vào một bài
quan điểm. “Sao người ta cứ gọi nhau ra đánh phá lung tung ha. Em thấy
cuộc đời mình kỳ dị lắm. Anh đọc bài này chưa. Anh làm báo nữa làm chi”.
“Anh chỉ có một điều bận tâm hiện nay thôi. Ðó là
làm sao cho em và những người đi sau không bao giờ biết tới bệnh là
gì”. Tôi thò tay qua bàn, xếp tờ báo kia lại và ném qua bàn bên cạnh.
“Cuộc đời lạ lắm. Chúng ta không bao giờ hiểu được. Ðể anh bổ túc một ý
kiến hôm trước, chúng ta không những chỉ đang sống trong mơ, mà thực sự
tự thân cũng chỉ là những bóng thoáng qua, ẩn hiện trong đó”.
Cô bé nhíu trán. Thói quen này tôi không thích
lắm. Một lần tôi có phê bình, em đừng tập kiểu nhíu trán cau mày ra dáng
đăm chiêu nữa, có vẻ người lớn một cách không tốt. Bởi vì cau mày nhíu
trán cũng không thể làm em trở nên nhà bác học được. Thế là suốt cả tuần
lễ kế tiếp, cô nàng nhíu trán cau mày liên tục. Cũng may những thói
quen như vậy nàng quên cũng rất mau. Lúc đó tôi tự nhủ, phải chi chứng
bệnh nàng cũng thế thì hay biết mấy, muốn nhớ thì có, muốn quên thì đi,
cuộc đời sẽ vui biết mấy.
“Em muốn anh tới đưa đón mỗi chiều ra quán Baron.
Em không còn sống bao nhiêu ngày nữa”. Cô bé một hôm nói nghiêm trang
như một mệnh lệnh. Khuôn mặt nàng nhợt nhạt, xanh xao, hiện lên đôi mắt
sáng nhìn thẳng vào tôi. “Em có thể đi bộ ra ngồi với anh được. Nhưng em
muốn từ bây giờ anh phải đón em ra đây”.
Tôi không thấy có gì để từ chối. Một hôm nào, cô
bé rời khỏi cuộc đời này, rời những hệ lụy trần gian và sẽ vui vì những
ngày hôm nay. “Chi vậy nhỉ”, tôi vẫn cãi bướng, “em cần phải ngủ nhiều
hơn là đi chơi. Nhất là ra đây lại khói thuốc, bụi bặm, có tốt đâu. Nhỡ
thằng nào quăng lựu đạn vào đây thì lại hỏng. Cứ gối đầu vào pharmacy
của em mà ngủ là tốt nhất”.
Người cô bé như nhỏ lại, đôi mắt vẫn nhìn thẳng vào tôi.
“Mỗi ngày em phải hỏi anh khoảng ba câu hỏi về
Thiền. Anh sẽ trả lời, em không cần hiểu, nhưng bắt buộc phải nghe và
nhớ. Có như vậy anh mới đưa đi chơi, và mỗi ngày sẽ đón em ra đây. OK?
Ðược ha”. Tôi ra giọng thầy, “Vậy thì hôm nay câu hỏi nào đây?”.
“Em đâu biết hỏi gì”. Cô nàng giọng nhỏ lại, nhìn
ra ngoài những khung kính. Tôi đoán nàng hơi mệt, bây giờ là trễ rồi,
trời sụp tối ngoài kia. Tôi cũng không biết phải nói gì. Hình như có gì
chặn nơi cổ họng tôi. Cô nàng nói, giọng thật nhẹ, rất nhiều khi em buồn
ngủ, như bây giờ chẳng hạn, nhưng cứ sợ sẽ không bao giờ thức dậy. Cũng
có khi đau, đau cả người chứ, nàng vẫn nhìn ra những ngọn đèn đường.
Ðau đớn lắm, như bây giờ chẳng hạn, nhưng em muốn anh thăm em mỗi ngày…
***
Bây giờ thì tôi biết nàng bị ung thư tử cung.
Cũng lạ, vì chứng bệnh này thường xảy ra cho người lớn tuổi. Một lần
nàng vào nhà thương Anaheim nằm cả tuần lễ. Mỗi chiều tôi đều vào chơi
bên giường bệnh với nàng. Tôi đọc đôi tin vớ vẩn về Việt Nam, giả vờ
lướt qua vài bài thơ cho có lệ, thơ dở lắm, chẳng thấy bài nào hay cả,
tôi cứ gạt qua như vậy. Em tập thở đi, cũng đỡ mệt hay đau đớn chẳng
hạn. Nàng gầy hẳn đi, hai gò má nhô xương ra. Giọng nàng thì thầm, anh
không nên nhìn em trong hoàn cảnh này. Nàng nói nàng chẳng ưa tí nào bộ
đồng phục màu xanh của nhà thương. Tôi ngồi bên cạnh và đọc thầm bài Ðại
Bi Chú. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai, tôi nhìn những ống
thuốc bên giường nàng. Tôi siết chặt tay nàng dưới tấm ra giường. Tay em
toàn là xương, làm thế nào có lại thịt da như ngày xưa nhỉ, tôi bùi
ngùi suy nghĩ. Sau lần mổ này, sức cô bé sẽ yếu hẳn, bác sĩ nói với tôi
như vậy. Người bác sĩ già tóc trắng người Mỹ giải thích với tôi về cách
gìn giữ sức khỏe hàng ngày cho nàng. Ông ta có vẻ hiểu lầm như chúng tôi
là tình nhân, hoặc một kiểu như đang sống với nhau.
“Thuốc ấy à, cô ấy cần cả một pharmacy đấy. Nhưng
rồi cũng sẽ chẳng đâu vào đâu”. Gibson, người bác sĩ già lắc lắc đầu.
Từng mảnh tóc trắng bay trên đầu, ông đứng giữa hành lang sạch bóng và
thơm mùi nhà thương giải thích.
Nhà thương cách thư viện công cộng hai block.
Suốt ngày tôi ngồi đọc và viết trong thư viện, chờ tới bốn giờ thì vào
thăm nàng. Nhưng những ngày này trôi qua thật chậm, tôi không đọc được
nhiều và cũng không viết nhiều. Máu lười cũng nổi lên rồi, tôi tự khiển
trách như vậy. Nhưng cũng không phải, tôi nghiệm ra mình không tập trung
tinh thần được. Tôi nhớ tới những ngày mẹ tôi sắp mất. Những ngày ấy
tôi vẫn không bao giờ nghĩ rằng mình sắp xa mẹ. Chuyện gì với mình cũng
là chuyện bất ngờ, tôi tự nghĩ. Nhưng còn chuyện này, cô bé hẳn là sắp
rời thế giới này rồi, tim tôi thắt lại khi nhớ tới lời bác sĩ. “Y học
không tiên đoán được gì thêm cho những trường hợp này”, cách nói ông dè
dặt.
“Mr. Gibson, ông nghĩ rằng bao giờ nàng đi”, tôi ngập ngừng hỏi.
“Cứ giả thiết là vài năm nữa chẳng hạn, cũng có
thể là vài tháng. Tốt hơn hết là cứ bình tĩnh chờ thôi. Nhưng còn phép
lạ nữa chứ. Chúng ta phải tin vào những điều không hiểu được”. Ông nói
chậm rãi, gật gù, đôi mắt xanh nhìn tôi như chờ đợi một phản ứng.
Tôi đã trả lời rằng tôi tin vào phép lạ, bởi vì cuộc sống tự nó đã là phép lạ. Tôi ngạc nhiên nghe giọng mình rất mực bình tĩnh.
***
Nếu chúng ta không thở nữa
không thấy được bầu trời xanh trên kia
không nắm được tay nhau trong đời này
và câm lặng đời đời dán lên môi
hãy tin vào…
Bài thơ tôi làm được mấy câu, cũng dở dang. Tôi
đọc khi nàng ra viện. Căn phòng em tự nhiên thân thiết hơn, nàng nói khi
tôi đưa nàng về. Về lại cái pharmacy này vui hơn, tôi kiếm chuyện để
nói. Bình thường tôi thuộc loại ít lời. Vài ngày sau, nàng mới nhớ là
tôi có đọc bài thơ nào đấy cho nàng. Bài thơ anh làm đó hả, cô nàng hỏi.
Ừ, thơ dở lắm, đừng nhớ tới nó nữa, tôi lầu bầu. Anh có cả trăm bài như
thế đấy, đừng bắt anh làm thơ, chẳng ai khen cả. Có em khen chứ, em
thích những bài thơ như vậy, nàng biện hộ. Ừ thôi quên đi, anh năn nỉ
mà.
Khi hơi khỏe khoắn một chút, cô bé lại đòi ra
quán Baron chơi mỗi chiều. Chi vậy, tôi tìm lời ngăn cản, ở nhà cho
chóng khỏe. Ngoài kia đầy khói thuốc đấy. Em thích ngồi nhìn buổi chiều,
vả lại em thật sự không bệnh, nhưng chính là cuộc đời bệnh, cuộc đời
làm em bệnh. Tôi đùa, không phải em bệnh, đúng không, mà là ngôi nhà
bệnh chứ gì. Cô bé gật đầu, dáng như hiểu mọi lời tôi nói. Chúng tôi bật
ra cười. Tôi nói thêm, em không biết rằng buổi chiều làm em mệt sao,
mặt mũi cứ nhợt nhạt ra, ai cũng biết là bệnh cả. Vả lại, bây giờ em cần
phải mập ra một tí. Nàng xịu mặt xuống, em lúc nào cũng toàn xương cả,
làm sao mập nổi. Tôi im lặng. Nàng hỏi sang chuyện khác, lúc này báo chí
còn chống phá lung tung nữa không. Có trời biết họ đang làm gì, trần
gian mình lắm chuyện lắm, tôi nói trong cách để nàng khỏi suy nghĩ. Anh
nhà báo, anh biết chứ, cô bé trở giọng bướng bỉnh. Câu hỏi thứ nhất về
Thiền em chưa hỏi mà, tôi vặn lại, thôi ngủ đi nghe chưa. Tôi kéo mền
phủ khắp người nàng.
***
Tôi ngồi trên sàn nhà sắp xếp những bề bộn sách
vở, áo quần của nàng. Ðôi con búp bê nhựa thò đầu giữa đống lung tung
ấy, tóc vàng, mắt xanh, biết nhắm mắt, mở mắt. Tôi nằm lăn ra giữa phòng
ngủ vì mệt, tay còn ôm hai con búp bê vào ngực. Buổi sáng thức dậy,
nàng đang pha cà phê. Tôi xin lỗi vì ngủ quên, đáng ra anh nên về nhà,
những người chung quanh có thể nói những lời không tốt. Nàng bảo không
sao, em cũng sắp theo ông Phật rồi, chẳng ai thắc mắc đâu, mắt nàng vẫn
nhìn tôi thăm dò. Tôi bảo, cuộc đời nhảm lắm, họ bịa chuyện lung tung
cho coi. Nàng bảo, anh cứ giải thích thì họ phải tin thôi. Tin cái gì
nhỉ, tôi băn khoăn, nếu đêm qua em thôi không thở nữa, họ sẽ bảo gì đấy,
chẳng hạn như anh rape em, hay là lảm nhảm gì đấy. Cô bé đem ly cà phê
đặt trước mặt tôi, ẵm lên hai búp bê nhựa, nói như với búp bê, chẳng sao
cả các em nhỉ. Tôi không biết nói thêm gì cho rõ hơn, em nghe này, thí
dụ đấy, họ bảo là chúng mình làm tình thì chẳng tốt cho em tí nào. Nàng
mở to mắt nhìn, nhưng mình có đâu, mà họ nói thì có sao đâu. Tôi nhún
vai và đứng dậy ôm nàng vào lòng. Nàng chỉ là một đứa bé không bao giờ
lớn. Nàng tựa đầu vào ngực tôi, em không còn bao nhiêu ngày sống nữa.
Tôi nói, em chỉ là đứa bé sáu tuổi. Nàng bảo, còn anh là sáu tuổi rưỡi,
mắt nàng vẫn ngẩng nhìn lên, tay bấu chặt vai tôi.
Từ đó, thỉnh thoảng tôi đến ngủ phòng nàng mỗi
khi lười về nhà hoặc có khi để làm nàng vui. Tôi không nằm trên sàn nhà
nữa, nàng dạy tôi mở chiếc ghế sofa ra làm giường. Cũng hơi phiền vì
phải dùng một tí sức và sự khéo léo để mở được các lò xo sắp rỉ sét bên
trong ghế. Nhiều ngày lên được phòng nàng, tôi trải túi ngủ ngay trên
sàn nhà và chui vào ngủ. Cách này tiện hơn dù nàng cứ lầu bầu hoài. Tôi
ngủ ở đây tiện cho việc ăn uống của tôi. Và đôi phần cũng tiện cho sức
khỏe của nàng. Nàng bảo, ngủ một mình em sợ lắm. Sao lại sợ nhỉ, tôi
giải thích rằng tất cả những nỗi sợ đều không có thực. Em sợ đau đớn, và
đôi khi sợ chết nữa. Nàng nói nàng cảm được nỗi đau len vào từng bắp
thịt, thắt các cơ lại và di chuyển qua lại dăm nơi trên cơ thể nàng. Còn
sợ chết nữa, nàng nói thật nhanh, em sợ không thấy anh nữa. Nếu em tập
được không suy nghĩ gì cả, tôi giải thích, thì sẽ không bao giờ thấy
được gì là sợ hãi với lo lắng. Nàng có vẻ không tin bao nhiêu vào những
điều như vậy.
***
Có đôi tên nhà báo bắt đầu thắc mắc về hành động
của tôi. Họ xì xầm đôi điều và tôi nghe lại từ những nguồn khác. Khi tin
này được diễn dịch qua mấy bà vợ của họ thì càng nghiêm trọng nữa. Tôi
bảo với một tên bạn thân của tôi, làm sao đính chính bây giờ, tội nghiệp
cho cô bé chứ. Tên này thuộc loại cũng chẳng bận tâm chuyện gì trên
đời, hắn chỉ gật gù bảo kệ. Tao chỉ ngồi canh bệnh cho cô bé thôi, ai
cũng có thể đoán như vậy, tôi nói. Thế mày cũng nghĩ rằng tao làm tình
với cô nàng à, tôi có vẻ hơi quạu quọ khi phải nói như vậy. Biết làm sao
được, hắn bảo để hắn giải thích cho những nguồn tin kia im đi. Tôi chỉ
hy vọng cô bé không nghe gì cả. Nếu tôi biết có ai nói gì với nàng, tôi
sẽ vặn cổ hắn ngay.
“Phòng cô bé là một pharmacy, còn tao là người canh bệnh. Hiểu chưa?”. Tôi đứng lên và nói gằn với tên bạn như vậy trước khi về.
Thật sự thì như vậy. Tôi đã sống đơn giản như vậy. Tôi chỉ là kẻ săn sóc trần gian này, và trước tiên là cô bé. Thế thôi.
Bệnh nàng càng lúc càng nặng. Mùi thuốc lúc nào
cũng bốc lên ngợp cả phòng. Ban đêm nàng thường trằn trọc, bật đèn dậy
đọc sách, hoặc pha thuốc uống. Nàng nói, nỗi sợ của nàng càng lúc càng
tăng. Tôi nói biết sao bây giờ, cứ thở đều đặn rồi sẽ ngủ quên thôi.
Nàng nói có khi đau quá, cứ nhìn thấy những hình ảnh dữ dội hiện ra
trước mắt. Tôi hỏi hình ảnh gì. Nàng nói hình ảnh trong những cuốn sách
về ma quỷ hay địa ngục gì đấy, đủ những thứ nàng từng đọc hồi nhỏ. Tôi
nói, khi nào em sợ cứ bật đèn lên đọc sách, đừng lo anh mất ngủ, vì anh
có thể ngủ được trong mọi điều kiện.
Suốt tuần như vậy, nàng than thở về sợ hãi, về sự
chết. Tôi cứ nằm vật ra trên sofa, giữa sàn nhà bề bộn đủ thứ, bóp bóp
hai con búp bê cho nó kêu những tiếng oa oa cho nàng vui, rồi lại nói
lảm nhảm về mọi chuyện trên đời cho tới khi hoặc nàng ngủ quên hoặc tôi
gục đầu vào đống sách vở thiếp đi.
Thời gian sau này chúng tôi không ra quán Baron
nữa. Lý do chính là không có tiền. Tiền tem thư và điện thoại của tôi
còn nhiều hơn tiền chợ. Tôi còn phải tiết kiệm sức khỏe của nàng nữa
chứ, đi đứng nhiều chỉ mệt thêm. Phòng làm việc và nơi ăn ngủ của tôi
bây giờ là ghế sofa của nàng.
***
Một chiều, nàng bảo tôi đưa nàng đi chơi. Tôi chở
nàng ra Laguna Beach, vào các shopping mall và trở về khi đêm xuống.
Nàng nói muốn vào Baron uống ly cà phê cuối cùng. Tôi ngạc nhiên hỏi sao
lại cuối cùng. Mặt nàng tái xanh, gầy nhợt nhạt. Tôi cũng chìu nàng và
nói sẽ làm mọi chuyện trên đời này để làm nàng vui. Khi ngồi trong quán
tự nhiên nàng chảy nước mắt. Tôi hỏi sao vậy. Nàng nói buồn ngủ. Em
không còn đau đớn nữa, nhưng buồn ngủ lắm, tự nhiên buồn ngủ dễ sợ. Và
nàng gục đầu lên bàn, nước mắt còn ngấn mi và nói để em ngủ. Tôi trả
tiền và dìu nàng vào xe đưa về. Tôi phải ẵm nàng lên cầu thang. Nàng nhẹ
như bông. Ðầu gục vào ngực tôi, mắt nhắm lại, nét mặt dịu dàng. Tôi
nghe như tiếng thì thầm khi đặt nàng xuống giường, em không sợ nữa,
không sợ gì nữa. Tay nàng vẫn níu chặt ngực áo tôi. Trên khuôn mặt nàng
hiện ra một vẻ bình yên làm tôi vui. Nàng trở người và ôm chặt lấy tôi,
đầu dúi vào ngực tôi. Tôi kéo chăn đắp và ôm nàng ngủ. Sáng hôm sau nàng
không thức dậy nữa. Ðôi mắt nàng không bao giờ mở ra nữa. Giọt nước mắt
trên mí đã khô, nhưng nụ cười vẫn còn tươi.
Sau này, một người bạn bác sĩ cho biết những
người bệnh ung thư chết thường rất là đau đớn, vật vã. Tôi không nói gì
về cái chết bình yên của nàng, tôi không thích nói những điều riêng tư.
Tới bây giờ thường khi mỗi khi trở giấc, tôi vẫn cảm thấy nàng đang dúi
đầu vào ngực tôi, gối đầu vào vai tôi, tóc nàng còn thơm mùi chanel
vương vất trên mặt tôi, vòng tay nhỏ nhắn của nàng vẫn ôm chặt tôi. Mỗi
khi cảm thấy như vậy, tôi lại đọc thầm ba biến Ðại Bi cho nàng. Chúng
tôi chỉ là những đứa trẻ trên trần gian này. Và nàng, cô bé kia đã một
thời sợ hãi cuộc đời và nay đã đi xa, thật xa. Còn gởi lại nụ cười. Thật
tươi. Ngay cả khi đôi mắt đã khép vĩnh viễn.
***
Nhiều tuần sau, một chiều tôi trở lại Baron, ngồi
đúng nơi bàn chúng tôi thường ngồi. Ngoài trời bắt đầu tối. Tôi nhìn
qua những bàn trống và chợt nhớ lời nàng một hôm, chúng ta đang trong
ngôi nhà bệnh. Nơi này có bệnh? Tôi không biết. Chỉ biết tôi đang nhớ
nàng kinh khủng, nắm giẻ rách thơm mùi bệnh viện của tôi.
Khi đưa tay vào túi lục tiền, tôi thấy lại mảnh
giấy hôm trước ghi bài thơ. Tờ giấy nhăn nheo, rách bèo nhèo. Tôi không
dám mở ra đọc lại, chỉ nhét vội vào túi. Và khi đứng dậy ra về, tôi đi
như chạy.
Phan Tấn Hải
hay quá
Trả lờiXóa