Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

Cánh rừng có nhiều hoa cúc dại

Truyện  của Thái Sinh

“Chị chắp tay bảo tôi: Tôi xin anh đừng kể chuyện này với bất cứ ai…
Giống như chị, gần hai chục năm nay tôi như người bị ma ám, chỉ khi kể được chuyện này ra, lòng tôi mới cảm thấy nhẹ nhàng…”

Hai tuần nay chiều nào San cũng trở về sớm hơn mọi ngày. Căn nhà của họ nằm ở ven rừng bên cạnh con suối nhỏ nước trong vắt, mùa thu vàng rực hoa cúc dại. Kể từ ngày Thuỷ về phép đến nay đã được hơn ba tháng, đúng ra Thuỷ trả phép vào đầu tháng vừa rồi, vậy mà đến nay vẫn chưa thấy tăm hơi Thuỷ đâu cả. Mỗi lần đi làm về nhìn cánh cửa vẫn đóng San lại thở dài ngao ngán. Chị mơ hồ cảm thấy lần này Thuỷ không trở lại lâm trường, trước ngày về phép có lần Thuỷ nói:
-Chị San ơi, thế là mùa thu sắp về rồi đấy. Vậy là chị em mình ở đây đã được sáu năm hai tháng. Sáu năm chưa để một lần cháy rừng mà sao ông Tân chẳng cho chị em mình chuyển vùng nhỉ? Em sợ cái mùa hoa cúc dại lắm rồi. Trời xanh thế kia, mà sao cái màu hoa lại cứ vàng rực lên thế?
San không đáp, chị nhớ cách đây sáu năm khi chị và Thuỷ được phân công về tiểu khu rừng này, nhìn vạt hoa cúc dại nở dọc bờ suối Thuỷ không giấu được niềm vui.
-Ô kia hoa cúc! Chị San ơi, những bông hoa cúc rừng mới to và đẹp làm sao, thế là chị em mình tha hồ có hoa cắm. Nhìn cánh rừng hoa này khối đứa chết thèm nhé…
Chiều ấy Thuỷ hái về một ôm hoa to tướng cài lên khắp vách nhà, cô vừa làm vừa khe khẽ hát. Ngày ngày họ đi sâu vào rừng để ngăn chặn kịp thời những kẻ khai thác trộm gỗ, trồng giặm lại những chỗ vừa khai thác, phát đường băng cản lửa, thống kê một số loài cây gỗ quí hiếm… Suốt năm, suốt tháng quanh đi quẩn lại cũng chỉ có chừng ấy công việc. Mỗi mùa thu đến nhìn màu hoa cúc dại nở sáng cả cánh rừng lòng San không khỏi nôn nao.
Thế là sáu mùa thu đã trôi qua, căn nhà của họ đã đôi lần thay lại mái, nhìn những đồ vật từ cái cuốc, con dao đến chiếc hòm, tấm chăn… tất cả tưởng chừng như đều đã cũ kỹ, già nua. Con dao, cái cuốc lưỡi thì mòn vẹt, còn tấm chăn, cái hòm đen xỉn, đến cả những bức tranh dán trên vách nhà cũng đã bạc phếch. Thuỷ không còn vui nhộn như ngày xưa, cô bé trở nên ít nói, hoa cúc rừng chẳng ai thèm hái cứ vàng rực nom đến nhức mắt. Hoa nở rồi hoa tàn, chẳng ai để ý và háo hức chờ đợi như dạo nào mỗi khi mùa thu đến.
Mùa mưa ở rừng thật khủng khiếp, mưa liên miên, mưa rền rĩ sáu tháng trời, bầu trời rừng cây lúc nào cũng nhầu nhĩ nước, mở cửa ra là gặp mưa, đêm nằm nghe mưa rơi thao thác ngoài rừng buồn đến nẫu ruột. Chăn màn, quần áo của họ lúc nào cũng ẩm ướt, giặt phơi hàng tuần không khô. Họ chẳng còn cách nào, phải hong trên lửa. Mới qua thời chiến tranh, lại ở trong rừng cái gì cũng khan hiếm, quần áo giặt thiếu xà phòng cứng như mo nang, mùi khói hôi xì ám vào tận da thịt.
Mùa mưa là thế còn mùa đông rét cứ ngằn ngặt, căn nhà của họ lúc nào cũng âm ỉ khói. Khói và sương mùa luôn vây bủa quanh họ. Đôi lúc San tự hỏi: Nếu không có ngọn lửa kia chẳng biết họ sẽ sống ra sao nhỉ? Đêm đêm Thuỷ ghì chặt chị vào lòng, bàn tay thô nháp của nó lần rờ lên khắp người chị, có lần chị hất mạnh tay nó ra, nhưng nhiều hôm chị cứ mặc kệ nó vần vò trong nỗi đam mê tuyệt vọng. Có bận nó gục mặt vào ngực chị khóc nức nở:
-Tại sao trời lại sinh ra cái giống đàn bà hả chị? Thật kinh tởm! Họ là những kẻ tham lam chẳng kìm nén những ham muốn của mình…
San chỉ biết thở dài, mọi lời an ủi hay giải thích đối với nó lúc ấy đều vô ích. Con người ta không thể chạy trốn nổi mình trong nỗi cô đơn, hãy cứ để cho nó khóc, nước mắt sẽ giúp nó làm vơi đi nỗi buồn.
Ba tháng một lần San về lâm trường sinh hoạt chi bộ và nhận chỉ thị mới. Hai lần Thuỷ nhờ San cầm đơn xin chuyển vùng tới giám đốc, lần nào cũng vậy San đều nhận được lời giải thích.
-Đề nghị của cô ấy là chính đáng, nhưng cô thấy đấy lâm trường còn người nữa đâu. Nam giới ra mặt trận có mấy người trở lại… Mấy năm nay trên không cho chỉ tiêu tuyển người, bởi thế tôi biết lấy ai thay vào đó. Chẳng lẽ cô không làm nổi công tác tư tưởng cho cô ấy sao?
Kể lại chuyện đó với Thuỷ, con bé bật cười mai mỉa:
-Chúng ta đâu còn là trẻ con nữa, chị đã ba mươi mốt, em thì đã hai bảy, chẳng bao lâu chúng ta trở thành bà lão ở chốn rừng này. Lão Tân viện đủ lý do để bắt chị em mình ở đây thêm vài năm nữa. Bao nhiêu trai tráng của lâm trường đều bị lão đẩy ra ngoài mặt trận, còn lại toàn những gã dở người, không lé thì lùn, cứ y như một lũ hề vừa bước từ trên sân khấu xuống. Chị có biết cái Xuân ở Phân trường ba, chị Hằng ở Phân trường bảy đang nuôi con cho lão Tân đấy ư?
San thở dài cay đắng:
-Chị có nghe mọi người nói thế. Nhưng cái gì cũng phải có bằng cớ, nói điều ấy nhỡ không phải thì tội nghiệp cho họ lắm…
-Còn chị đấy – nó hăm doạ – Chúng ta không tự chửa đẻ được, chúng ta cần phải có một thằng đàn ông, một thằng đàn ông đàng hoàng chị ạ…
San rùng mình, chị có cảm giác Thuỷ đã đọc được sự lo lắng trên gương mặt chị. Mấy tháng nay San không làm chủ được mình, chị chẳng cần gìn giữ và từ chối Bằng. Có lúc chị hỏi: Vì sao mình lại yêu Bằng nhỉ? Tình yêu đến với họ giống như một cơn bão. Hôm ấy chị gặp anh, đúng hơn là nhặt được anh, một cái xác bê bết máu bên cạnh con đường dẫn sang bên kia biên giới. Chị nghe nói bọn buôn lậu chọn chỗ này để vận chuyển thuốc phiện, xương da thú, hàng quốc cấm và cả vũ khí qua đây. Anh và những người đồng đội của đơn vị biên phòng đóng ở mé bên kia cánh rừng này đã nhiều lần tóm cổ chúng, vì thế anh bị chúng trả thù. Chị phát hiện và cứu được anh trước khi đồng đội tìm thấy.
Chuyện ấy hẳn San đã quên rồi nếu một chiều kia Bằng không tìm đến. Hôm đó chị vừa đi làm về, nóng quá chị xuống suối tắm, vừa cởi quần áo vắt lên cành cây bên bờ suối, San hoảng hốt khi nhận ra anh đang ngây người nhìn chị, chị hét lên giận dữ:
-Anh làm gì ở đây, ai cho anh nhìn trộm tôi tắm? Anh đi đi, cái Thuỷ sắp về rồi đấy, tôi sẽ kêu toáng lên bây giờ…
-Không, tôi đến đây để cảm ơn cô…
-Anh đi đi! Tôi không biết anh là ai cả… Đừng có vờ vịt, chúng tôi có súng đấy, không phải đùa đâu…
Bằng miễn cưỡng quay lại, anh đi chéo qua mảnh vườn trước cửa rẽ vào con đường mòn chạy dọc bờ suối khuất lấp dưới những những vạt hoa cúc dại ngược lên phía đỉnh rừng. San vơ vội quần áo che lên ngực, trong giây lát chị chợt nhận ra cái dáng người vừa khuất lấp sau đám hoa cúc dại kia là Bằng, người mà cách đây mấy tháng chị đã cứu anh thoát khỏi bàn tay thần chết. Nhưng gương mặt anh sao lại xanh tái như người bị sốt rét lâu ngày? Bằng đến đây có phải chỉ để cảm ơn mình hay còn việc gì khác? San mặc vội quần áo rồi chạy theo anh.
-Anh Bằng, vừa nãy tôi có lời không phải, xin anh tha lỗi…
-Không, chính tôi mới là người có lỗi. Hẳn cô biết tôi đến đây để làm gì. lẽ ra tôi phải đến đây cảm ơn cô từ lâu, nhưng cô đâu biết rằng trước khi cô đến lâm trường này ông Tân đã tới đồn biên phòng của chúng tôi yêu cầu không để các chiến sĩ tới các đội yêu đương nhăng nhít, làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của lâm trường và tinh thần cảnh giác chiến đấu của bộ đội, bởi tình hình biên giới đang có rất nhiều diễn biến phức tạp. Vì thế cho đến hôm nay tôi mới tới đây. Vâng, tôi vô ý quá, cô cho tôi xin lỗi…
San nhìn Bằng ngơ ngác, lần đầu tiên chị được nghe được điều đó tưởng mình nghe lầm. Chị nhớ lại hôm ấy, khi chị và và những người lính đưa Bằng về đồn, mọi người trong lâm trường lảng tránh chị như sợ một sự hệ luỵ nào đó. Bây giờ thì chị đã hiểu, trong các cuộc họp chi bộ ông Tân đều nêu vấn đề quan hệ như một tiêu chuẩn để đo phẩm chất người đảng viên. Lặng người trong giây lát, San chợt cười phá lên:
-Vậy ư, thế thì tôi cóc sợ ông Tân. Còn anh, anh sợ thủ trưởng của mình hả? Nếu không, chúng ta ngại gì không đến với nhau? Vâng, tôi yêu anh đấy, anh có chấp nhận tình yêu của tôi không?
San không thể ngờ lúc đó chị lại nói như một con điên, chị lao vào ngực anh như thể thách thức và bất chấp sự ngăn cấm của ai đó đã nhân danh này nọ để ngăn cản con đường của họ đến với nhau.
Bây giờ thì San mới thấy lo, nếu Thuỷ không trở lại đây tức là nó chưa biết chị đang mang trong mình hình hài của Bằng. Bởi, cứ mỗi chiều chủ nhật chị lại viện cớ vào rừng hái rau, nhặt nấm để đến với Bằng trên con đường vàng rực hoa cúc dại. San không muốn Bằng biết mình đã có thai, bởi chị không muốn anh vì thế mà lo lắng. Hơn tháng sau chị San nhận được thông báo chính thức Thuỷ đã bỏ lâm trường, điều ấy khiến chị rất buồn. Thuỷ ơi, sao mày lại vội vàng bỏ nơi này mà đi? Phải chăng tao có lỗi với mày? Mày có biết rằng… ai sẽ giúp tao trong những ngày sinh nở?
San khéo léo che cái bụng đang lớn dần của mình, chị ít về lâm trường, ít tới gặp Bằng hơn. Vả lại, những tháng gần đây tình trạng xâm phạm trái phép biên giới càng trở nên phức tạp, bọn buôn lậu từ hai phía biên giới hoạt động ráo riết và trắng trợn hơn. Bằng đang là người mà bọn chúng để ý tới, chúng tuyên bố: Hoặc anh phải để cho chúng làm ăn, hoặc phải chịu thân tàn ma dại cho đến suốt đời. San không biết khuyên anh như thế nào, chị chỉ cầu mong vào sự may rủi. Cũng như chị, anh có công việc của mình, hằng ngày phải đối mặt với hiểm nguy và mọi sự bất trắc trên đời.
Chị mơ hồ cảm thấy mình đang gieo tai hoạ cho anh. Nếu anh biết rằng chị đang có thai, điều đó có thể giúp anh đủ nghị lực dấn bước trên con đường đầy chông gai? Liệu ông Tân có để cho chị yên, hay ông ta sẽ truy bức chị đến cùng, lúc đó người ta sẽ đối xử với anh như thế nào nhỉ?
San bắt đầu thấy lo. Hàng ngày chị đi sâu vào rừng tha thẩn trồng lại những đám cây non vừa chết, hay phát những bụi cỏ mọc tràn ra đường băng cản lửa đến tối mới trở về để tránh mọi cuộc gặp gỡ bất ngờ không cần thiết. Cái thai trong bụng chị đã lớn lắm, chị nghe tiếng chân đạp rất mạnh lên thành bụng, cái ngày ấy đang tới gần. San lựa trong đám quần áo cũ của chị và của Thuỷ khâu thành những tấm áo nhỏ xíu: Con ơi, con hãy mặc tấm áo đượm mùi mồ hôi của mẹ đã thấm ướt mảnh đất này, mai ngày lớn lên rừng sẽ chở che và truyền cho con thêm sức mạnh. Con sẽ trở thành chàng trai dũng cảm, rừng sẽ kể cho con nghe về những năm tháng gian khổ của mẹ và cô Thuỷ. Khi đó con sẽ thấy yêu rừng hơn. Rừng bí ẩn chứa đựng một kho truyện cổ tích của con. Nơi đây có chú nhím lưng gù biết hát, những con sói già đáng ghét và lũ thỏ trắng khôn ngoan…
Sớm ấy như mọi ngày San thấy trong người khang khác, chị đã toan ở nhà. Nhưng chị nhớ có lần nghe mẹ nói người phụ nữ có mang chớ có ngồi lâu, phải luôn vận động mới đẻ dễ. Mẹ chị là người khó đẻ, bà phải vật vã ba ngày mới sinh được chị. Lần đầu tiên chửa đẻ, San không biết khi đó có đau đớn như mẹ mình ngày xưa không? Chị chuẩn bị tinh thần để chịu đựng sự đau đớn và nhẩm lại những việc phải làm: Vót sẵn một con dao cắt rốn bằng cật nứa, mấy gói bông thấm nước, vài chiếc khăn xô xé ra từ chiếc màn cũ của Thuỷ… Tất cả những thứ đó chị xếp vào chiếc túi đặt ở đầu giường.
Một cơn đau dữ dội ập đến khi chị đang trên đường trở về nhà, San thoáng hiểu điều ấy đã đến. Chị cố bước thật mau, nhưng cơn đau khiến chị không thể nào bước tiếp được nữa. San tựa mình vào gốc cây sến già có những chiếc bạnh lớn cao vút đầu người tựa như những bức tường chắn gió. Rừng cuối thu khô ráo, chị vơ quáng quàng một đống cành củi khô rồi vội nhóm lửa. Xong, chị trải tấm ni nông xuống đất, cởi chiếc áo ngoài để bên cạnh, sau đó chị rút những sợi chỉ từ cuộn băng cá nhân mà chị luôn mang theo bên người khi lên rừng, hơ con dao lên ngọn lửa đang hừng hực cháy. Vừa lúc đó chị thấy tưng tức ở cửa mình, chị ngồi xuống tựa lưng vào bạnh cây, thì cảm thấy ruột mình như sắp xổ ra. San rướn người lên mặt đất, một cái gì đó vừa buột ra trơn nhày nhụa trượt lên hai bên đùi, cùng lúc đó là tiếng khóc oe oe bật lên. San nhắm nghiền đôi mắt lại, trong giây lát chị cảm thấy mình nhẹ bỗng như vừa bay lên khỏi mặt đất…
-Mẹ ơi!
San thầm kêu lên, nước mắt chị chảy ràn rụa trên đôi gò má sạm đen. Như sự mách bảo của bản năng, San tìm cuống rốn của đứa trẻ đo vừa bằng đúng đầu gối nó rồi buộc sợi chỉ, cắt bằng con dao đã thui trên ngọn lửa. Tất cả những việc làm ấy chỉ diễn ra chưa đầy một phút, San bọc đứa bé vào tấm áo ấp vào ngực mình, cái miệng bé xíu của nó chóp chép ngậm vào núm vú đón những giọt sữa ấm nóng đang trào ra từ bầu ngực căng đầy của chị. San mơ màng nhìn lên tán cây rừng, chiều đang sẫm lại. Mãi một lúc sau San mới giật mình nhớ ra đứa bé đây không biết là trai hay gái. Chị khẽ lật hai tà áo đang bọc nó ra, lại hấp tấp đậy lại, hai mắt San tối sầm, giọng chị nghe thảng thốt:
-Mẹ ơi, con gái…
Mặt San tái nhợt, chị lần tìm dấu vết trên người con bé, một nốt ruồi son bằng hạt tấm trên bả vai nó. Chính San cũng có một nốt ruồi như thế, mẹ chị bảo rằng: “Làm thân con gái có nốt ruồi son trên vai thì khổ suốt đời…”. Nghiệm lại lời mẹ nói, San thấy đời mình khổ quá. Những giọt nước mắt khổ đau tích tụ hơn sáu năm qua tưởng đã đặc quánh lại nay lại buột trào ra.
-Mẹ ơi, sao thân con lại khổ thế này. Bây giờ lại đến lượt con gái của con. Con có tội gì để trời trừng phạt? Cả đứa trẻ này nữa, nó đã sinh ra chui lủi tại chốn rừng này. Nó là đứa con ngoài giá thú. Mẹ ơi!…
San thấy khát vô cùng, khát như có lửa đốt ở trong họng, chị quấn chặt đứa bé vào chiếc áo đặt xuống cạnh đống lửa đang hừng hực cháy, đi về phía con suối nở đầy hoa cúc dại. Bóng đêm đã tràn xuống mặt đất, chị cứ bước về tiếng suối chảy, càng đi càng thấy thăm thẳm, rừng thì tối đen, cổ họng thì bỏng rát, chị vặt lá ven đường nhai cho đỡ khát. Chị cứ đi hoang mang trong rừng như kẻ mộng du cho đến lúc không còn bước được nữa gục xuống một bên một tảng đá ven đường.
Sớm hôm sau, khi ánh bình minh rực trên đỉnh rừng San mới giật mình nhớ ra mình đi tìm nước, để con lại dưới gốc cây sến già. Chị hấp tấp quay trở lại. Trên mảnh đất ngoài mảnh ni nông và con dao chị chẳng thấy gì hết. San gục xuống kêu thất thanh:
-Trời ơi, con tôi bị lũ sói ăn thịt mất rồi!…
Chiều hôm sau, Bằng tìm thấy San bên cạnh con đường phủ kín hoa cúc dại gần nhà. Cuối thu hoa đã tàn gần hết, màu hoa đã ngả sang vàng nhạt, nhiều bông rũ xuống héo quắt. Nhìn tấm thân tiều tuỵ của San, Bằng không thể nào hiểu nổi điều gì đã đến với San. Anh ở lại gần một tuần để chăm sóc chị. Khi tỉnh lại, câu đầu tiên San nói với anh:
-Em là một kẻ đáng nguyền rủa… Trời trừng phạt em. Không! Em không đáng được hưởng tình yêu và sự chăm sóc của anh.
Bằng không hiểu điều San định nói, nhiều lần anh gặng hỏi nhưng San một mực.
-Em van anh, anh hãy quên em đi, kẻ tội nghiệp này…
Cuối năm ấy San được điều về lâm trường, sau đó được cử đi học. Bốn năm trời mỗi tháng chị đều đặn nhận được thư của Bằng, chị không hề bóc ra dù một lá. Bốn mươi chín bức thư được chị xếp cẩn thận dưới đáy va ni. Cho đến một hôm, sau khi tốt nghiệp đại học San định xin về một tỉnh mà chị đề nghị thì nhận được tin Bằng đã hy sinh trong cuộc đọ súng với những kẻ xâm nhập biên giới trái phép. Thế là chị quyết định trở về lâm trường cũ, nơi chị muốn chôn vùi những kỷ niệm đau buồn vào quên lãng.
“Bằng ơi, xin anh hãy tha lỗi cho San nhé. Quá khứ khổ đau đã đè nặng lên trái tim em đến nỗi có lúc em em đã thề rằng không bao giờ trở lại mảnh đất này nữa. Hoá ra điều ấy có thấm vào đâu so với những gì anh đã cống hiến cho mảnh đất này…”. San vừa khóc vừa nói những lời ấy bên mộ Bằng.
Vài năm sau San được đề bạt làm phó giám đốc, rồi giám đốc. Chị thực hiện một loạt cải cách như: Giao đất, khoán rừng cho công nhân, bên cạnh xây dựng các làng lâm nghiệp để tiện cho việc mở đường giao thông, xây trường học, kết nghĩa với bộ đội biên phòng và địa phương… Điều lạ lùng San từ chối tất cả mọi người đến với chị.
Một hôm, những cán bộ địa chất tóm được một con vượn cái trong hang của đàn sói. Nó chỉ nhỉnh hơn đứa trẻ lên ba, mặt nó nom như mặt người, nhưng gầy choắt, nhằng nhịt vết sẹo. Đó là dấu tích của những lần nó và đàn sói ẩu đả tranh giành nhau miếng mồi. Toàn thân nó phủ một lớp lông ngắn, tóc dài vàng cợp. Tay chân nó giống tay chân người nhưng gầy khẳng khiu, nó không đi thẳng được mà đi bằng bốn chân, khi ăn cũng gầm gừ như lũ sói.
Họ nhốt nó vào chiếc cũi sắt, mỗi khi nghe tiếng chó sói tru lên ở ngoài rừng, nó lại đáp lại bằng một tiếng tru dài thảm thiết.
San bàng hoàng khi nhìn thấy con vượn người lạ lùng đó, chỉ một chút thôi là chị sụp xuống. Từ thăm thẳm của ký ức San nhớ cái đêm tám năm về trước, chị đi hoang mang trong rừng mịt mùng bóng tối, thi thoảng chị nghe được tiếng chó sói tru lên như thế. Một con sói mẹ mất con ngỡ đứa trẻ trong bọc vải kia là con mình nên đã cắp nó về ổ? San rùng mình nếu điều ấy là thật. Chị đề nghị những người địa chất để con vượn lạ đó cho chị, bởi đó là khu rừng cấm, khu rừng bảo tồn thiên nhiên.
Hàng ngày sau giờ làm việc chị quanh quẩn bên con con vật, chị nói với nó bằng những lời yêu thương, con vật không hiểu nổi những điều chị nói, nó sợ hãi đâm đầu vào các nan cũi đến chảy máu trong nỗi hoảng loạn và suốt đêm tru gọi đàn một cách tuyệt vọng. Cho đến một hôm con vật gục xuống vì kiệt sức, bởi nó không ăn bất cứ một thứ gì. San ôm con vật vào lòng, chị vạch lớp lông trên bả vai trái nó, một nốt ruồi son hiện ra, khiến chị hétt lên một tiếng kinh hãi.
-Mẹ ơi!…
***
Thay lời kết
San nhìn sâu vào mắt tôi ngơ ngác hỏi:
-Tôi hy vọng bằng tình mẫu tử sẽ giằng nó khỏi bàn tay của dã thú. Nhưng tôi đã lầm. Phải, mãi mãi tôi không thể giành lại được, khi đã một lần bỏ rơi nó. Anh có tin câu chuyện tôi vừa kể đây là thật không?
-Không! Tôi lắc đầu – Có lẽ chị quá đau khổ vì nhớ thương con mà tưởng tượng ra cái nốt ruồi trên vai con vật đó. Cũng giống như người đi trên sa mạc, vì quá khát nên cứ ngỡ có một dòng sông đang chảy trước mặt.
-Vâng tôi cũng muốn tin như thế…
Chị buồn rầu đáp.
San đồng ý cho tôi chép lại câu chuyện này, nhưng đề nghị tôi không nêu tên cánh rừng và lâm trường của chị. Bởi thế, xin bạn đọc chớ hỏi cánh rừng có nhiều hoa cúc dại ấy ở nơi nào.

Thái Sinh
Nửa đêm về sáng 15/4/1996
Sửa lại 2/8/2006
(Từ Văn Việt)

1 nhận xét:

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...