Truyện Nguyễn Ngọc Hoa
Quán hớt tóc bác Mão không có bảng hiệu nhưng đàn ông con trai trong xóm ai cũng đến đó cúp đầu (hớt tóc). Trong cái chòi sơ sài ở góc đường vào Cửa Nhà Đồ và đường cái, phần Quốc Lộ 1 có tên cũ là Paul Bert, những kẻ rỗi việc thường tụ họp tán chuyện với bác. Đồ đạc trong quán vỏn vẹn có thùng đồ nghề, chiếc ghế tròn giữa phòng, băng ghế dài sát tường, cùng tấm gương soi và sợi dây da liếc dao cạo trên tường. Khi tìm không gặp thằng Biên và thằng Sơn con dì Xuân mà nhà chỉ cách vài căn, tôi chạy ra quán nghểnh mỏ hóng chuyện người lớn.
Ba anh em tôi là khách hàng thường xuyên nhất của bác Mão, vì lần nào cha từ Đông Hà về nhà chúng tôi cũng phải đi cúp cho “tóc tai sạch sẽ”, bất kể tóc dài hay ngắn. Hôm ấy cha về bất ngờ và sau bữa cơm trưa bảo mẹ,
“Chiều ni cho tụi nớ đi An Cựu, qua nhà cha mẹ con Hân”. “Con Hân” là thím (vợ chú) Lam.
“Có việc chi không ông?”.
“Tui qua thăm ôông mụ nớ và biểu con Hân sang đây ở. Hắn lấy chồng mấy tháng ni rồi mà chưa chịu dọn về nhà chồng”.
Đây là lần đầu tiên các con được “đi chơi” với cha, mẹ mừng quýnh vội vàng hối đi hớt tóc. Đã có vài người đến trước, anh em tôi bồn chồn ngồi đợi. Vừa đến lượt anh Quang, chị ở hớt ha hớt hải chạy tới,
“Bác ơi, cúp mau mau cho mấy đứa về đi với chú Thông. Chú mặc áo quần xong rồi”.
“Thằng ni mới ngồi vô chưa cúp. Hay là về đi rồi chiều ra cúp?”.
“Không được mô! Đi mà tóc tai lôi thôi thì có nước chết với chú”, chị ở nhăn nhó.
“Hối như giặc rứa thì làm răng tau cúp cho được?”, bác càu nhàu, bắt đầu bóp tông-đơ đẩy dọc lên đầu anh Quang.
“Thím nói răng con thưa với bác rứa, con biết chi mô mà bác la”.
“Tau không la nhưng mi phải về nói lại rứa”.
Nhường anh Quang hớt trước vì anh là anh lớn, tôi lại phải nhường cho thằng Sáng, vì nó là em nhỏ. Bác Mão sửa soạn cúp cho nó thì chị ở lại xuất hiện, thở hổn hển,
“Bác cúp gấp lên giùm; chú Thông đi ra đi vô nóng lòng quá chừng quá đỗi”.
“Tau có phải Na Tra ba đầu sáu tay mô mà cúp cái ào là xong liền?”.
Trong truyện Phong thần diễn nghĩa và Tây du ký, Na Tra là vị thiên tướng thường biến hình thành ba đầu sáu tay, tay cầm sáu thứ binh khí. Chị ở chột dạ trần tình,
“Chú chưởi thím răng không biểu mấy đứa đi cúp trước mà bắt chú chờ”.
“Có phải ông Trời mô mà muốn chi được nấy?”.
Anh Quang về nhà thay áo quần bị bắt ra quán trở lại hai lần để tiếp tục hối thúc. Khi đầu tôi hớt được khoảng một nửa, mẹ đích thân ra với đôi mắt đỏ hoe,
“Bác chịu khó tém gọn cho thằng Bé về đi với ông nhà tui”.
“Cái trôốc (đầu) tèm lem như ri coi răng được?”, bác phản đối.
“Không được cũng phải được thôi; tui trả tìền cho bác đây. Đi về con”, tôi nghe mẹ nói như khóc.
Trong buổi thăm viếng, câu chuyện xoay quanh đầu tóc hớt dở dang của thằng Bé. Bác gái mẹ thím Lam nhìn tôi,
“Thợ mô mà cúp tóc lạ rứa?”.
“Ông nhà tui kêu đi gấp để kịp giờ ra ngoài đồn nên cháu cúp nửa chừng mà phải ngưng”, mẹ bào chữa.
“Tội rứa! Răng không đợi cháu cúp xong?”.
Cha xen vào, đắc ý khoe,
“Cha mẹ là trời, biểu nhảy vô lửa cũng phải nhảy huống hồ chi chuyện nhỏ nhặt nớ”.
“Nhưng cháu dị (mắc cỡ) với bạn chớ”, bác chép miệng.
“Thằng ni mà dị dạng chi?”.
Hôm sau mẹ bảo tôi ra quán bác Mão hớt tóc nốt. Trên đường đi, tôi lặp đi lặp lại để nói rõ ràng và không vấp váp,
“Con không muốn cúp nữa. Cha mẹ con đã muốn thì con cứ để như ri”.
“Răng rứa? Không sợ bạn cười à?”, bác ngạc nhiên.
“Dạ không…”, tôi ấp úng rồi chạy đi.
“Không cúp thì tau trả lại tiền. Bảy đồng đây, đem về cho mạ mi”, bác kêu giật lại.
Tôi mang tiền về trả; mẹ giận nhưng không hài tội không vâng lời,
“Cho mi đó, làm chi thì làm. Từng nớ tuổi đầu mà đã biết làm nư với cha mẹ”.
“Con không thèm cúp nữa”.
“Kệ chó mi (mặc kệ mày)! Để cái trôốc loang lổ cho họ cười thúi óc”.
“Con không ăn cắp ăn trộm hay làm điều chi xấu xa thì răng họ cười?”, tôi nhắc lại y chang lời mẹ nói khi sai làm việc gì mà tôi “hổ ngươi” không chịu làm.
“Tổ cha mi, chỉ giỏi tài lý sự cùn”.
Đột nhiên tôi phải đương đầu với một vấn đề khó khăn: làm gì với số tiền trong tay? Từ trước đến nay, tôi chỉ biết ra quán tạp hóa bên cạnh quán bác Mão mua các món đồ mẹ dặn, đưa tiền và nói mỗi một câu,
“Bác bán cho mẹ con một… (tên món đồ)…”.
Sau một tuần suy nghĩ, tôi hỏi đường lên nhà sách Thượng Tứ trên cửa Thượng Tứ kiếm các pho truyện Tàu do Tín Đức thi xã xuất bản. Lựa lọc cả buổi, tôi chọn bộ Tiết Đinh San chinh tây có chuyện nữ tướng Phàn Lê Huê tài ba mà cao ngạo, đày đọa chồng là Tiết Đinh San khổ sở cầu lụy đến dở sống dở chết mới nhận ấn nguyên soái cầm quân đi đánh giặc. Bộ truyện do Tô Chẩn dịch gồm ba cuốn, mỗi cuốn ghi giá bảy đồng. Tôi dự định hàng ngày lên nhà sách đọc xong hai cuốn đầu rồi mua cuốn cuối, vừa tiêu hết tiền vừa đọc trọn bộ.
Đọc khín nhưng sợ lòi đuôi nên tôi cầm tiền trên tay, thỉnh thoảng làm bộ đếm như thể đang phân vân lựa chọn. Hành động “khả nghi” của tôi không che nổi cặp mắt ông chủ nhà sách; ông lại gần thân mật gợi chuyện,
“Em thích truyện Tàu lắm hả?”.
“Dạ…”, bị bắt “quả tang,” tôi lúng búng trong miệng.
“Tiền của em để đi cúp, phải không?”.
“Dạ… Nhưng con không muốn cúp nữa”.
Ông đặt tay lên vai tôi xoa nhẹ,
“Bậy nà! Con trai phải cúp tóc cho đẹp chớ”.
“Nhưng mà…”, tôi không biết làm sao giải thích.
“Chừ chú tặng em bộ Tiết Đinh San; lấy tiền nớ đi cúp nghen”.
***
Tôi và thằng Biên lấy phấn vẽ bàn cờ trên sàn xi măng trước hiên nhà dì Xuân chơi cờ gánh, dùng nắp keng (nắp chai bia) làm quân cờ bên sấp bên ngửa. Mỗi bên cờ gánh có tám quân, khi một quân bên này đi lọt vào giữa hai quân bên kia thì “gánh” (tức là ăn) hai quân ấy. Bỗng mụ Cấy gánh hàng bún bò đi qua; dì Xuân gọi vào. Tôi đứng dậy ra về thì dì giữ lại,
“Nghe nói mi là “thợ ăn” hảo hề món bún bò, phải không?”.
“Dạ…”, bị đánh trúng tim đen, tôi thẹn thùng gật đầu.
“Một lần mi ních được mấy đọi to (tô lớn)?”.
“Bốn năm đọi chi đó”, tôi ngập ngừng.
“Thiệt không? Bún bò cay như rứa mà không ngán à?”.
“Cay ngon thì không răng hết!”.
Dì cười cười, không biết đùa hay thực,
“Chừ dì bao (đãi) mi năm đọi bún bò, mi xực hết không?”.
“Dạ hết”, tôi không ngần ngừ.
“Nếu không hết, dì biểu làm chi cũng phải nghe, chịu không?”.
“Dạ…”, máu tham ăn nổi lên, tôi đồng ý ngay.
“O múc cho hắn năm đọi to; bỏ nhiều bún, nhiều thịt, và thiệt nh…iều…iều ớt vô”, dì nói với mụ Cấy.
Bún bò mụ Cấy cay… mà ngon; ngốn xong hai đọi đầu tiên tôi nhận ra lớp váng ớt màu đỏ choét trên mặt đã thấm vào các miếng thịt thái mỏng và các sợi bún dẻo, và đã hòa lẫn với nước dùng khiến đọi bún bò cay xé họng. Đọi thứ ba, không biết mụ Cấy có cho thêm ớt hay không mà tôi cố gắng lắm mới húp hết nước dùng. Đọi thứ tư tôi vừa ăn vừa ho sặc sụa vì mùi ớt không những bốc lên mũi mà xông vào tận phổi. Tôi vào nhà lấy nước uống, nhưng vô hiệu.
Trước cặp mắt thán phục của thằng Biên và thằng Sơn, tôi xoay xở xực trọn đọi thứ tư. Đọi cuối cùng mới bưng lên gần miệng mà mùi ớt đã xông lên nồng nặc khiến tôi hắt hơi liền liền không dứt, nếu không nhanh tay đặt xuống thì đọi bún đã văng tung toé ra đất. Sau vài lần cố gắng, tôi chịu thua,
“Con không ăn nổi nữa. Dì biểu con làm chi?”.
“Dì có bắt mi lên rừng xuống biển chi mà lo – ra ngồi cho bác Mão cúp cho trôốc hết vằn vện khó coi. Ra đây, dì trả tiền cho”, dì nắm tay tôi kéo đi.
Hôm sau, thằng Biên tìm tôi khoe,
“Chú Thứ mới cho
tau cuốn truyện
Tiết Nhơn Quí chinh đông.
Mi coi
Tiết Đinh San xong đổi với
tau nghen”. Trong tích xưa, Tiết Nhơn Quí là cha của Tiết Đinh San, và chuyện
Tiết Nhơn Quí xảy ra trước chuyện
Tiết Đinh San.
“Răng mi biết tau có bộ truyện nớ?”, tôi ngạc nhiên.
“Chú tau nói; chú là chủ nhà sách Thượng Tứ”.
Tôi hiểu ra: chú Thứ tặng sách và dì Xuân thách ăn bún bò không phải ngẫu nhiên mà tới; thế nào cũng có bàn tay mẹ nhúng vào.
***
Mấy tờ bạc còn nguyên vẹn; tôi vuốt thật phẳng và giấu ở bìa sau cuốn từ điển tiếng Pháp Larousse của chú Lam để trên kệ sách. Một hôm mẹ vắng nhà, nghe thím Ngớt gánh chè rao bán ngoài đường,
Ai ăn chè đậu xanh đậu ván bánh tráng chè kê… Ai ăn…
Anh Quang gọi thím vào và hỏi tôi,
“Mi ăn chè đậu xanh hỉ?”. Chè đậu xanh là hảo vị của tôi.
“Thím ơi, một chén chè mấy đồng?”, tôi hỏi.
“Chè hai đồng; cái ni thì ba”, thím chỉ vào một phần tư chiếc bánh tráng nướng phết lên một lớp chè kê dày và phơi cho chè vừa khô.
Tôi cẩn thận hỏi anh Quang,
“Tiền mô mà anh có?”.
“Túi qua, tình cờ mở cuốn Larousse tau thấy chú Lam để quên tiền trong nớ, chừ bao mi với thằng Sáng ăn chè một bữa”.
Tôi làm con tính trong đầu: anh Quang và thằng Sáng mỗi người một chén chè hết bốn đồng, còn lại ba đồng đủ cho tôi kêu miếng bánh tráng chè kê –món măct nhất, cho… đỡ tức.
Từ đó bọn trẻ con trong xóm gọi tôi bằng cái tên mới – thằng “đầu chó vá”.
Như cha nói, tôi không thấy xấu hổ; bù lại tôi có nguyên bộ truyện Tiết Đinh San, ăn bữa bún bò ngập họng, và thưởng thức miếng bánh tráng chè kê không mấy thuở được ăn – kể như… huề.
Nhưng trong thâm tâm, tôi biết mình mất một thứ gì đó rất lớn mà nghĩ mãi không ra.