Các lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp kéo dài bốn ngày bắt đầu từ 29 tháng 10 nhằm hoạch định một tiến trình cải cách mạnh mẽ đối với nền kinh tế đang gặp khó khăn của Trung Quốc, đồng thời tìm ra hướng phát triển trong vòng 5 năm tới.
Song, thành quả lớn nhất của phiên họp toàn thể lần thứ năm của ĐCSTQ vừa qua, lại là sự thay đổi trong chính sách một con, một chính sách trải qua 20 năm nhưng không đem lại bất kỳ lợi ích kinh tế đáng kể nào. Và giờ đây, chính sách một con trở thành chính sách hai con.
“Trung Quốc đã hủy bỏ chính sách một con kéo dài nhiều thập kỷ”, Tân Hoa Xã đăng trên Twitter (một trang mạng xã hội bị cấm ở Trung Quốc). “Tất cả các cặp vợ chồng Trung Quốc sẽ được phép có hai con”.
Phương tiện truyền thông nhà nước cho biết, việc nới lỏng các chính sách kiểm soát sinh đẻ này sẽ giúp thay đổi trạng mất cân bằng dân số của Trung Quốc và cải thiện nền kinh tế dễ bị tác động trong ngắn hạn và dài hạn. Hãng truyền thông nhà nước này cũng bảo vệ cho chính sách kiểm soát dân số của Đảng.
“Khi con tàu sắp chìm, thuyền trưởng sẽ nói với mọi người: hãy yêu nhau đi và chúng ta có thêm nhiều con cái? Đó là cách để cứu lấy con tàu chăng?”, Trình Hiểu Nông, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Hiện đại, nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính sách hai con sẽ chỉ mang lại những thay đổi không đáng kể về nhân khẩu học, và không thể cứu nguy cho đà tăng trưởng đang chững lại nhanh chóng của Trung Quốc.
Các nhóm nhân quyền thì nói rằng, ĐCSTQ trên thực tế không hề nới lỏng chính sách kiểm soát dân số hà khắc của mình, và sự vi phạm nhân quyền liên quan đến vấn đề sinh đẻ sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Những ưu tiên lộn xộn
“Nguồn nhân lực là một sự đầu tư lâu dài, vì nó thu được thành quả cao hơn và kéo dài trong một thời gian dài hơn”, một bài xã luận về chính sách hai con mới đây của tờ The Paper, một trang web tin tức trực tuyến nhà nước viết. “Trong ngắn hạn, nó sẽ thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng. Và về căn bản, nhóm dân số trẻ được sinh ra nhờ sự nới lỏng chính sách sinh đẻ này sẽ cung cấp một dòng năng lượng bất tận cho sự hồi sinh của người dân Trung Quốc”.
Trình Hiểu Nông, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Hiện đại có trụ sở tại Princeton, New Jersey, và là cựu trợ lý cho cựu tổng bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương, cho rằng Đảng đang làm lẫn lộn những ưu tiên của mình.
“Hiện nay, Trung Quốc đang trải qua suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1978”, ông Trình nhận định trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Khi con tàu sắp chìm, thuyền trưởng sẽ nói với mọi người: hãy yêu nhau đi và chúng ta có thêm nhiều con cái? Đó là cách để cứu lấy con tàu chăng?”.
Đặc biệt là trong bối cảnh của phiên họp toàn thể lần thứ năm vừa diễn ra không lâu, khi Đảng đã phải trình bày một kế hoạch nhằm chỉnh đốn lại nền kinh tế đang tụt hậu của Trung Quốc, thì tuyên bố này có thể mang đến nhiều lo ngại, ông Trịnh nói. “Nếu vấn đề trẻ em chỉ là một ưu tiên khi chính phủ không có sự lựa chọn thích hợp và khả thi nào để cải thiện nền kinh tế, thì đó sẽ là mối nguy hiểm thực sự”.
Những con số chính thức cho thấy tốc độ tăng trưởng quý 3 của Trung Quốc là 6,9%, thấp hơn kế hoạch năm là 7%. Nhưng điều này không phải chỉ mới xảy ra, các nhà kinh tế nhận định nền kinh tế đã và đang xấu đi đáng kể trong nhiều năm, và con số gần đây của Credit Suisse cho thấy tốc độ tăng trưởng thực tế chỉ hơn 3%.
“Rất nhỏ và khiêm tốn”
Chính sách hai con sẽ cải thiện nhân khẩu học của Trung Quốc, giải quyết tình trạng dân số già đi nhanh chóng và sự mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc khi nam giới chiếm đa số, đồng thời cũng cung cấp thêm người chăm sóc cho người già, hãng truyền thông nhà nước cho biết.
Theo số liệu mới nhất từ Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc hiện có tỷ lệ sinh là 1,55 con trên một cặp vợ chồng. Trong khi đó, tỷ lệ trung bình trên toàn cầu là 2,51, và Mỹ là 1,89. Như vậy, đến năm 2050, trên 36% dân số của Trung Quốc hiện nay, tương đương với gần 1,4 tỷ người, sẽ ở độ tuổi trên 60.
Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nam giới so với nữ giới ở Trung Quốc là 119 nam trên 100 nữ.
Tuy nhiên, chính sách hai con được dự kiến là sẽ chỉ có một tác động “rất nhỏ và khiêm tốn” lên nhân khẩu học và nền kinh tế, ôngNicholas Eberstadt, một nhà kinh tế chính trị và nhân khẩu học cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Viện Doanh nghiệp Mỹ.
Eberstadt, một tác giả với nhiều bài viết về Đông Á và các nước thuộc Liên Xô cũ, nói thêm rằng, các nước láng giềng của Trung Quốc như Đài Loan, Hồng Kông, và Hàn Quốc đã không thực hành kiểm soát sinh đẻ nhưng họ có tỷ lệ sinh rất thấp, và như thế là “sự đã rồi”.
“Có thể sẽ không xuất hiện thêm yêu cầu nào về vấn đề trẻ em ở Trung Quốc nữa”, cho dù chính phủ đã nới lỏng kiểm soát sinh đẻ, và tỷ lệ sinh rất thấp ở các thành phố và thấp hơn so với dự kiến ở khu vực nông thôn, Eberstadt nói. “Trớ trêu thay, trong khi bản thân chính phủ là một trong những nguyên nhân gây ra các rắc rối về vấn đề dân số, lại không muốn từ bỏ quyền kiểm soát dân số”.
William Wilson, từng là nhà kinh tế trưởng của Ernst & Young, đã đưa ra một kết luận tương tự. Chính sách kiểm soát sinh đẻ của Đảng “sẽ không tạo ra nhiều khác biệt”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Có thể có một “sự gia tăng nhẹ trong tỷ lệ sinh, nhưng không nhiều”.
Trong thời gian sống tại Bắc Kinh từ năm 2009 đến 2012, Wilson đã nhận xét: “Những người trẻ muốn vui chơi, và không muốn lập gia đình”. Hiện nay, thu nhập vẫn còn hạn chế, và nhiều người có kế hoạch sinh con vẫn chỉ muốn sinh một đứa mà thôi.
Cư dân mạng Trung Quốc cũng tỏ ra đồng tình.
“Khó khăn lắm mới được học ở nhà trẻ, mới được ghi danh vào trường, và rất khó để được chăm sóc y tế…, thế thì làm sao chúng ta dám nghĩ đến chuyện sinh con chứ?”, một người dùng trên mạng Sina Weibo ở thành phố Tây An viết. Sina Weibo là một trang tiểu blog nổi tiếng của Trung Quốc.
Đại ca muốn kiểm soát cơ thể bạn
Các nhóm nhân quyền, những người đang thu thập hồ sơ và tài liệu về những trường hợp bị trừng phạt bởi chính sách một con kể từ khi nó ra đời vào đầu những năm 1980, đã đứng ra lên án mạnh mẽ “cải tiến” của chế độ đối với các biện pháp kiểm soát dân số.
Trong nhiều năm qua, Ủy ban Y tế và gia đình quốc gia đã thực hiện phá thai và triệt sản cưỡng bức đối với các cặp vợ chồng đã có nhiều hơn một đứa con duy nhất. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã dẫn đến tình trạng giết chết trẻ sơ sinh gái trở nên phổ biến, và chính điều này đã dẫn đến sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng như hiện nay ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính phủ cho rằng việc kiểm soát sinh sản nói trên là hoàn toàn vô hại. “Mục tiêu cuối cùng của kiểm soát dân số là giúp mọi người sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, cũng như bảo vệ một cách hiệu quả các quyền công dân”, tờ Nhân dân Nhật báo viết trong một bài xã luận sau khi chính sách hai con được công bố.
“Nhà nước không có trách nhiệm trong việc quy định mọi người phải có bao nhiêu con”, William Nee, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Tổ chức Ân xá Quốc tế, phát biểu trong một thông cáo báo chí. “Nếu Trung Quốc thực sự tôn trọng nhân quyền, thì chính phủ phải ngay lập tức chấm dứt sự kiểm soát và trừng phạt tràn lan đối với các quyết định của người dân trong các kế hoạch về gia đình và con cái của họ”.
Bên cạnh đó, chính sách hai con cũng không thể ngăn cản cán bộ kế hoạch hóa gia đình ép buộc các bà mẹ mang thai phải phá thai nếu họ không có giấy tờ hợp pháp cho việc sinh đẻ.
“Các cặp vợ chồng vẫn sẽ phải có giấy phép sinh đẻ cho đứa con đầu tiên và đứa con thứ hai, nếu không họ có thể bị buộc phải phá thai”, Reggie Littlejohn, người sáng lập và là chủ tịch của tổ chức phi chính phủ Quyền phụ nữ không biên giới, viết trong một email.
Nếu một cặp vợ chồng có đứa con thứ ba và không có giấy phép sinh đẻ hợp lệ khi chính sách mới có hiệu lực, họ sẽ vẫn bị buộc phải phát thai, Littlejohn nói thêm.
Steven Mosher, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số có trụ sở tại Virginia, lên án chiến thuật kiểm soát dân số của Trung Quốc, và cho rằng Đảng thậm chí có thể buộc các cặp vợ chồng phải có con.
“Bây giờ các cặp vợ chồng được phép có đứa con thứ hai”, Mosher viết trong một thông cáo báo chí. “Nhưng tôi không mong đợi nó sẽ dừng lại ở đó. Một chính phủ đã nhất quyết kiểm soát vấn đề sinh đẻ của người dân thì nó có thể làm bất cứ điều gì cần thiết để sản sinh ra số lượng trẻ em mà nó cho là cần thiết”.
Frank Fang thực hiện báo cáo này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét