Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Yemen: Fareed Shawky - Xin Đừng Chôn Tôi - Radio FM 974



Radio FM974
Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 26/10/15

Yemen: Fareed Shawky - Xin Đừng Chôn Tôi

    Trên cái giường sắt, giữa căn phòng nhỏ, dụng cụ thuốc men chất ngổng ngang, chật cứng, bám đầy bụi cát, tại một bệnh viện ở thành phố Taiz, thành phố lớn hàng thứ ba của Yemen, Fareed Shawky, thằng con trai vừa lên 9 tuổi, run rẩy khóc sướt mướt, không ngừng la lớn bốn tiếng “xin đừng chôn tôi” trong khi mấy người bác sĩ đứng quanh, đang chăm chú băng bó hàng chục vết thương vì đạn pháo, loang lở khắp người của nó.
    

    Fareed chỉ là một đứa trẻ, nhưng cuộc chiến kéo dài hơn sáu tháng qua trên đất nước Yemen, đã dạy cho nó biết thế nào là cái đau đớn thật sự của chiến tranh tàn bạo, trước hình ảnh người ta đem chôn người chết xãy ra hàng ngày mà nó nhìn thấy qua đôi mắt non dại của mình. Một lần nữa, thằng bé kêu gào “xin đừng chôn tôi” qua màn lệ, một trong những người phụ giúp băng bó nhìn nó mĩm cười trấn an, xoa nhẹ đôi chân gầy guộc của nó lên xuống nhiều lần để thằng bé cảm thấy an tâm.  Hình ảnh này được anh Ahmed Basha, một người nhiếp ảnh địa phương thu lại và sau đó phổ biến cho báo chí thế giới. Theo lời Basha, anh nghĩ thằng bé chỉ bị thương thôi, anh không chắc là mình đã thu hình khi thằng bé nói lời này.
    Vài ngày sau đó, thằng bé Fareed chết vì vết thương trên đầu quá nặng, người ta đã chôn nó vội vàng tại cái nghĩa địa của gia đình. Khi Basha nghe tin, anh bắt đầu ngồi tỉ mỉ xem lại đoạn phim, đã thu hình được ngày hôm đó, đúng là có lời thằng bé Fareed van nài bác sĩ đừng chôn nó. Basha thấy lòng mình áy náy làm sao khi nghe tiếng Fareed, anh quyết định tung đoạn phim lên các trang mạng điện tử và báo chí khắp nơi, bắt đầu kể lại chuyện của thằng bé cho thế giới nghe, câu chuyện “xin đừng chôn tôi” của Fareed vừa phổ biến thì đã có một con số lớn người đông đảo xem, so với cuộc chiến hiện tại ở Yemen không mấy ai để ý tới. Theo những người hoạt động nhân quyền thì, đó là cuộc chiến bị bỏ quên, nhờ cái chết của Fareed mà người ta chợt nhớ, thì ra ở đây đang có khổ đau, tang tóc.
    Hai phía chống nhau trong việc giành giựt quyền bính tại Yemen, phong trào loạn quân người hồi giáo Shiite Houthi và quân chính quyền Abdu Rabu Hadi tiếp tục đánh nhau quyết liệt, trên từng con đường, thành phố nhưng trong thực tế, cuộc chiến này, còn có sự có mặt của nhiều nhóm võ trang khác như nhóm ly khai phía Nam, theo lý tưởng Al Qaeda, hiện diện dọc theo bờ biển và nhóm thân ISIS vừa nổi lên, do dó bộ mặt cuộc chiến ở Yemen xem ra, giờ càng phức tạp hơn người ta nghĩ. Từ đó, để kiểm soát phần mình, một liên minh Á Rập, dẫn đầu bởi Saudi Arabia, nhảy vào can dự, nhân danh ủng hộ chính phủ Hadi, một chính phủ được thế giới nhìn nhận từ trước. Saudi Arabia và các nước đồng minh, theo hệ phái hồi giáo Sunni, cho rằng, nhóm Houthi, gốc từ phía Bắc Yemen, là công cụ của chính quyền hệ phái Shiite Ba Tư, nên lo ngại là sẽ có một kiểu chính quyền Ba Tư nữa bên cạnh họ trong vùng, nếu nhóm Houthi thắng cuộc. Nhóm Houthi bác bỏ cáo buộc là họ không hề nhận viện trợ súng đạn tiền bạc trực tiếp từ Ba Tư.
    Kết quả là, bom đạn, trận chiến, chết chóc đổ phủ lên đầu người dân vô tội Yemen từ nông thôn đến thành thị, LHQ đã nhiều lần cố gắng tìm mọi cách ngăn chận “trận thảm sát tàn khốc”với con số hơn 27 ngàn người chết, tinh đến giữa mùa hè năm nay và đã làm cho 80% dân số cần được trợ giúp nhân đạo, từ thực phẩm đến thuốc men quần áo. Bốn trong mỗi năm người Yemen hiện thiếu thốn những thứ cần dùng căn bản, kể cả nước sạch, thức ăn, chỗ trú ngụ và chăm sóc y tế.
    Câu chuyện “xin đừng chôn tôi” của Fareed hiện đã gây nên một tiếng vang lớn làm người ta phải chú ý tới cuộc chiến Yemen, một số nhiều những người hoạt động cho hòa bình, dân chủ, nhân quyền khắp nơi đã dùng nó, kêu gọi chấm dứt sự đổ máu này, thằng bé giờ được gọi là “Aylan Kurdi của Yemen”, như tên gọi của em bé người Syrian, xác trôi tấp vạt vào bờ biển Thỗ Nhĩ Kỳ, trên đường theo cha mẹ vượt biển trong tháng 9 vừa qua. Đoạn phim thoạt đầu, phổ biến trên các trang mạng điện tử bằng tiếng Á Rập nhưng sau khi được lan truyền rộng rãi, quá nhiều người xem nên nó được chuyển dịch sang tiếng Anh, cuối đoạn phim, Fareed đã nói với cha mình là mình bị thương nặng nhưng xin đừng chôn nó xuống đất lạnh, buồn thảm thay, người cha đã không thực hiện được giấc mơ cuối cùng của con mình.
    Khi chính phủ Saudi Arabia loan báo sẽ dẫn đầu một liên minh quân sự nhằm cưỡng bức loại bỏ phong trào Houthi ra khỏi vùng đất láng giềng Yemen phía nam, họ cho tung ra hàng loạt các cuộc không tập, phá nát hoang tàn một trong những quốc gia nghèn nàn và chậm phát triển nhất trong vùng Trung đông. Lực lượng võ trang Houthi được thành lập năm 1994 với mục đích đòi quyền tự trị nhiều hơn và bảo vệ đạo giáo truyền thống thuộc nhánh Zaidi của hệ phái hồi giá Shiite. Họ đã cầm súng chống lại chính quyền Yemen từ hơn một thập niên qua nhưng việc họ thành công tiến chiếm thủ đô Sanaa trong tháng 9 năm nay đã làm cho mọi việc thay đổi nhanh hơn họ nghĩ. Tổng thống Yemen, ông Hadi và thủ tướng Khaled Bahah buộc phải từ chức trong tháng giêng vì áp lực quá mạnh của phe Houthi, vài tháng sau  lực lượng võ trang Houthi tiến vào Sanaa, chính thức đòi phải có sự can dự vào chính trường Yemen nhiều hơn. Chính phủ vương quốc Saudi Arabia nói rằng, tổng thống Yemen lưu vong Hadi đã yêu cầu họ can thiệp bằng quân sự trong một lá thư gởi cho ngoại trưởng nước này vào tháng ba.
        Hơn sáu tháng kể từ ngày mở các trận tấn công bằng phi pháo, cái gọi là liên minh Saudi Arabia vẫn chưa đạt được mục tiêu chính trị mà họ đề ra, ngược lại chỉ thấy toàn là tang tóc, thê lương cho gần phân nửa dân số người Yemen khốn khổ, theo tường trình của cơ quan Ân xá quốc tế vào mùa hè năm nay, trẻ em và học đường là một trong những nạn nhân đầu tiên của cả các bên đánh nhau, một khi họ cho người ta thấy, mạng sống dân lành không có chút gì giá trị so với mục tiêu mà họ nhắm tới. Tại Yemen hiện tại, không còn một nơi nào, một chỗ nào có thể gọi là an toàn mà sống, ngay cả cho trẻ con. Phần lớn con số người Yemen bị chết hay thương tật bởi súng đạn đủ loại lớn nhỏ tại thành phố cũng như nông thôn, 95 % là những thường dân vô tội, 500 trong số người chết là trẻ con.
                  (ảnh bao Tuổi tr:Yemen bị tan nát vì pháo kích)
   

 Những gì cơ quan UNICEF tỉm thấy qua việc điều tra riêng cho thấy, Yemen là một quốc gia tệ nhất trên thế giới trong năm nay do hậu quả của súng đạn mìn bẩy, tan hoang còn hơn cả hiện trạng chiến cuộc ở Syria và Iraq. Hơn phân nửa dân số Yemen hiện phải đối diện, chịu đựng sống còn tại một đất nước, giờ chỉ là gạch đá cát bụi, nhà cửa tiêu tan, gia đình ly tán, sinh ly tử biệt, chắc phải cần một thời gian, không biết là bao nhiêu năm, mới có thể phục hồi lại cái gì đã có, sau những tháng dài chiến tranh khốc liệt và đẫm máu vừa qua.
    Trở lại chuyện của thằng bé tên Fareed, gia đình nó gọi đích danh lực lượng Houthi, chính là thủ phạm đã gây ra cái chết, họ ngậm ngùi nhớ cái hình ảnh nó đang chạy nhảy chơi đùa ngoài sân nhà, trước khi bị hỏa tiễn cầm tay của nhóm lính Houthi bắn tới, Fareed bị trúng đạn cùng với bốn đứa bạn khác. Cha của em, bật khóc sướt mướt khi lập lại lời nói thơ dại của Fareed “xin đừng chôn tôi”, lời nói mà gia đình ông sẽ mang theo suốt phần đời còn lại.
    Theo lời của người nhiếp ảnh Basha, “gia đình của thằng bé Fareed cám ơn mọi người khi câu chuyện của Fareed được thế giới biết tới, họ hy vọng rằng, việc này sẽ làm nên một sự thay đổi may mắn, cho cuộc đời của người dân Yemen, vốn đang chịu nhiều khổ đau và bất hạnh”. 

Thuyên Huy
FM974 - Melbourne.
(ảnh:CNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SOI GƯƠNG - Lê Trung Ngân

  Soi Gương Hình như dù là ai đi nữa thì một ngày cũng soi gương ít nhất là một lần. Tôi cũng vậy, nhưng tôi có suy nghĩ riêng mình là: Soi ...