Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

Vụ án thuốc giả chấn động Trung Quốc: Mồ chôn Trịnh Tiêu Du còn xanh cỏ!

Mồ chôn Trịnh Tiêu Du còn xanh cỏ!

Cựu Cục trưởng Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm TQ Trịnh Tiêu Du
đã bị thi hành án tử hình.

Bản án cho cựu Cục trưởng Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Trung Quốc Trịnh Tiêu Du dù đã 10 năm vẫn khiến dư luận nước này phải suy nghĩ mỗi khi có tiêu cực về dược phẩm.

Cách đây 10 năm, dư luận Trung Quốc đã từng chấn động trước phiên tòa xét xử vụ án Cục trưởng Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Quốc gia (Trung Quốc) Trịnh Tiêu Du với tội danh nhận hối lộ và không làm tròn chức vụ.
Ngày 10/7/2007, Trịnh Tiêu Du chính thức bị thi hành án tử hình ở tuổi 63. Trước đó, đường dây sản xuất và tiêu thụ thuốc giả gây ra nhiều bê bối, làm chết nhiều người, dưới trướng “quan giám sát” họ Trịnh đã bị phanh phui như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin cho độc giả được rõ.
Từ chiến sĩ thi đua tiêu biểu cấp quốc gia…
Trịnh Tiêu Du sinh năm 1944 tại thành phố Phúc Châu, thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Năm 1968, Trịnh Tiêu Du tốt nghiệp chuyên ngành sinh vật học thuộc trường Đại học trọng điểm Phục Đán. Nhiều năm đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Xưởng điều chế dược dân sinh Hàng Châu, tiếp đó là chức Chủ tịch Công đoàn tỉnh Chiết Giang.
Vào năm 1998, khi Trung Quốc cải cách cơ cấu chính phủ, Trịnh Tiêu Du được đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Quốc gia nước này.
Tháng 6/2005, Trịnh Tiêu Du bị cách chức Cục trưởng, nhưng vẫn giữ vị trí Quản lý Hội Dược học Trung Quốc.
Trước đó, “quan giám sát” họ Trịnh này đã từng nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua tiêu biểu cấp quốc gia”.


Hình ảnh Trịnh Tiêu Du khi còn đang đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng.
(Ảnh: Nguồn Internet).


Đến Cục trưởng lạm quyền và lắm chiêu trò trong ngành dược

Kể từ khi nhậm chức Cục trưởng, với kinh nghiệm nhiều năm “lăn lộn” trong ngành dược, Trịnh Tiêu Du triển khai thực hiện chương trình chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP (Thực hành sản xuất tốt).
Trên thực tế, đây chỉ là một “công trình hình tượng” để họ Trịnh vớ bở bằng cách ép xí nghiệp bỏ tiền ra mới có được giấy phép.
Trong khoảng thời gian 2 năm từ năm 2001 đến 2003, Trịnh Tiêu Du đã liều lĩnh bí mật hạ thấp tiêu chuẩn kiểm duyệt dược phẩm, báo cáo sai số liệu thống kê.
Cũng theo cáo trạng, điều tra 45 công ty có nhãn mác “chất lượng” do Cục trưởng Trịnh Tiêu Du phê duyệt, người ta đã phát hiện 137 loại thuốc có sử dụng tài liệu giả để xin cấp phép sản xuất, trong đó có 6 loại dược phẩm giả.
Tháng 4/2016, sau sự kiện thuốc Armillarisin bị làm giả tràn lan, đường dây làm thuốc giả của công ty TNHH dược phẩm số II Tề Tề Cáp Nhĩ Tân do Trịnh Tiêu Du đứng sau đã bị phát giác.
Chỉ 4 tháng sau đó, vào tháng 8/2006, vụ bê bối làm giả thuốc do công ty TNHH dược sinh vật An Huy Hoa Nguyên cũng do Trịnh Tiêu Du đứng sau tiếp tục bị vạch trần.
Mặc dù hai đường dây làm thuốc giả này đã được đưa ra ánh sáng, những người phạm luật đã bị trừng phạt nhưng hậu quả nặng nề nhất lại đề lên vai những bệnh nhân.
Theo những số liệu công khai từ báo chí Trung Quốc, đã có 10 người chết và nhiều bệnh nhân bị suy kiệt thận vì dùng phải thuốc giả.


Không chỉ bắt xí nghiệp rút hầu bao để cấp giấy phép, nhận hối lộ, kê khai sai tài liệu để cấp phép,
Trịnh Tiêu Du còn là người “chống lưng” cho nhiều đường dây sản xuất và buôn bán thuốc giá lớn.
(Ảnh: Nguồn Internet).


Lật lại hồ sơ vụ án Trịnh Tiêu Du
Ngày 26/12/2006, Trịnh Tiêu Du bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương  TQ.tiến hành giám sát và thẩm vấn dưới hình thức “song quy” (quy định bắt buộc về thời gian và địa điểm cách ly để điều tra dành cho cán bộ).
Trước đó, “đàn em” của Cục trưởng Trịnh là Tào Văn Trang (nguyên Vụ trưởng Vụ Đăng ký thuộc Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm) cũng đã bị “sờ gáy”.
Tới ngày 24/1/2007, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã chủ trì Hội nghị Thường vụ Nội các Chính phủ và yêu cầu điều tra rõ ràng vụ việc Trịnh Tiêu Du vi phạm kỷ luật, xử lý nghiêm theo những quy định của pháp luật hiện hành.
Cũng trong năm 2007, vào ngày 1/3, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã quyết định khai trừ Trịnh Tiêu Du ra khỏi danh sách Đảng viên và hệ thống hành chính, đồng thời đưa vụ bê bối của nguyên Cục trưởng này cho cơ quan tư pháp xử lý.

Hình ảnh của Trịnh Tiêu Du tại phiên tòa xét xử.
(Ảnh: Nguồn Internet).


* Phiên xét xử thứ nhất: Trước án tử hình, Trịnh Tiêu Du đệ đơn kháng án

Ngày 15/5/2007, Tòa án Nhân dân Trung cấp thứ I thành phố Bắc Kinh đã tiến hành mở phiên tòa thẩm tra xử lý vụ án của Trịnh Tiêu Du. Theo những chứng cứ điều tra và lời khai ghi nhận, tòa án đã khởi tố những tội danh cụ thể của tham quan họ Trịnh bao gồm:
– Từ năm 1997- 2006, trong thời kỳ đảm nhiệm các chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Quốc gia, Trịnh Tiêu Du đã lợi dụng chức vụ, cấp phép cho 8 cơ sở sản xuất dụng cụ y tế và dược phẩm, cùng với đó trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua vợ và con trai để nhận số tiền hối lộ lên tới hơn 649 triệu NDT.
– Trưa ngày 29/5/2007, Tòa án Nhân dân thứ I thành phố Bắc Kinh đã đưa ra bản án xét xử đối với bị cáo Trịnh Tiêu Du gồm tội danh nhận hối lộ và không làm tròn chức vụ.
Với tội danh nhận hối lộ, Trịnh Tiêu Du nhận bản án tử hình, tước đoạt quyền lợi chính trị suốt đời, tịch biên toàn bộ tài sản.
Đối với tội danh không làm tròn chức vụ, bị cáo bị tuyên án 7 năm tù giam. Sau khi xem xét cả hai tội danh trên, tòa án đã quyết định xử Trịnh Tiêu Du án tử hình, tước đoạt quyền lợi chính trị suốt đời và tịch biên tài sản.
Đối với quyết định xét xử trong phiên tòa thứ nhất, Trịnh Tiêu Du có đệ trình đơn kháng án.
* Phiên xét xử thứ hai: Trinh Tiêu Du chính thức phải chịu án tử hình.
Ngày 18/6/2007, phiên xét xử thứ hai của vụ án được diễn ra.
Tới ngày 22/6/2007, Tòa án chính thức đưa ra quyết định xét xử thứ hai, bãi bỏ đơn kháng án của bị cáo, duy trì kết quả của phiên xét xử thứ nhất và xin thẩm định từ Tòa án Nhân dân Tối cao.
Theo kết quả thẩm định của Tòa án Nhân dân Tối cao, Trịnh Tiểu Du đã từng đảm nhiệm vị trí Cục trưởng, thân là người làm việc phục vụ nhân dân, nhưng lại lạm dụng chức quyền để tư lợi cá nhân, nhận tài sản phi pháp từ phía người khác. Đây chính là hình thức nhận hối lộ.
Đồng thời trong quá trình đảm nhận chức vụ Cục trưởng, Trịnh Tiêu Du đã không nghiêm túc thực hiện chức trách, có nhiều hành động vượt quá cương vị, gây tổn hại nghiêm trọng tới lợi ích nhân dân và lợi ích quốc gia.
Tuy có thành khẩn trong quá trình khai báo, nhưng hành động phi pháp của Trịnh Tiêu Du đã gây hậu quả trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của người dân, hành vi phạm tội ở mức đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hạn lớn với xã hội.
Từ đó, tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng, tuyên phạt bị cáo Trịnh Tiêu Du với mức án tử hình, tước đoạt quyền lợi chính trị suốt đời và tịch biên toàn bộ gia sản.

Trước những hành động vị phạm pháp luật nghiêm trọng do chính mình gây ra,
Trịnh Tiêu Du đã phải nhận mức phạt đích đáng.
(Ảnh: Nguồn Internet).

Sau khi vụ án Trịnh Tiêu Du bị phanh phui, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều hoạch định để quản lý nghiêm ngặt an toàn dược phẩm và thực phẩm.

Trả lời phỏng vấn báo chí, người đại diện Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cho rằng, quá trình kê khai, kiểm tra các sản phẩm này nên được sự giám sát từ xã hội, dư luận xã hội và truyền thông.
Bên cạnh đó Trung Quốc cũng đang từng bước thực thi phương án “Y – Dược phân ly”, tách riêng hai ngành y và dược để thuận tiện cũng như minh bạch hơn trong từng công đoạn từ sản xuất, kiểm kê cho tới tiêu thụ.

Tham khảo nhiều nguồn:
Sohu.com/Chia.com.cn/CCTV
30/08/2017/Trí Thức Trẻ

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (Đỗ Chiêu Đức)

Tạp Ghi và Phiếm Luận :                         NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN                                                               ...