Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Người già Trung Quốc tự sát hàng loạt – Căn nguyên vấn đề nằm ở đâu?

Những năm gần đây, người già ở nông thôn Trung Quốc tự sát ngày càng nhiều, và đang trở thành một hiện tượng phổ biến. Vậy vì sao vấn đề này lại xuất hiện?

tử sát, Trung Quốc, nguoi gia,
Người già ở Trung Quốc đang có xu hướng tự tử để sớm “biến mất” khỏi thế giới này? (Ảnh: Picyab)

Gần đây, một bài viết có tựa đề “Vì sao người già ở nông thôn Trung Quốc tự sát trở thành phong trào?” thu hút được sự chú ý của cư dân mạng. Vấn đề này vẫn đang tiếp tục được đưa ra phân tích và bàn tán sôi nổi.
Theo bài viết, bản báo cáo điều tra của Đại học Vũ Hán cho thấy, người già nông thôn tự sát khiến người khác nhìn thấy mà đau lòng, thậm chí còn xảy ra việc con cái bức tử cha mẹ: một người con đi làm ở nơi khác đã xin nghỉ 7 ngày để về nhà thăm cha đang bệnh tình nguy cấp. Hai ngày trôi qua, người cha chưa chết, người con hỏi cha: “Rốt cuộc ông có chết không? Tôi xin nghỉ 7 ngày, là tính cả thời gian làm tang lễ đấy”. Người cha lập tức tự sát.
Có kênh truyền thông từng đưa tin: Ở nông thôn huyện Kinh Sơn, tỉnh Hồ Bắc, có “phòng tự sát”, “động tự sát”, nhiều người già vì mắc bệnh, không muốn liên lụy đến con cái nên lựa chọn căn phòng cũ kỹ, sườn dốc, rừng rậm, sông suối, nơi vắng vẻ để “tự kết liễu”. Vì thế mà người dân địa phương cho đây là chuyện bình thường. Theo số liệu công khai của chính quyền, tỷ lệ người già nông thôn ở Trung Quốc tự sát gấp 4 – 5 lần mức trung bình của thế giới.
Có người dân nói, chỉ cần trên 70 tuổi và ở trong hoàn cảnh như không thể tự lo cho cuộc sống, kinh tế khó khăn, cuộc sống của con cái cũng tương đối khó khăn, hoặc bị bệnh hiểm nghèo hay không còn cách nào chữa chạy, thì tự sát chính là “lựa chọn sáng suốt”.
Theo báo Epoch Times, cha dượng của Lý Quân, nhà ở đồng bằng Giang Hán, tỉnh Hồ Bắc, gần 70 tuổi, đã treo cổ tự sát cách đây không lâu. Cha đẻ của Lý Quân qua đời vì tại nạn giao thông, cha dượng là người vùng khác và kết hôn với mẹ của Lý Quân. Theo hàng xóm kể lại, cha dượng của Lý Quân tự cảm thấy tuổi tác đã cao, dù không ốm đau bệnh tật gì, nhưng ông vẫn lo lắng nhỡ một ngày nào đó bị bệnh thì không có ai chăm sóc, lại còn gây thêm phiền phức cho người trong nhà, thế là ông thắt cổ tự tử.
Khoảng 4 năm trước, ông Lý Đường, nhà chỉ cách nhà Lý Quân có một bức tường, dù đông con nhiều cháu, điều kiện kinh tế của 3 người con cũng khá giả, nhưng do họ đi làm ở nơi khác, không có ngày nghỉ để ở nhà chăm sóc ông. Một thời gian dài, Lý Đường ở nhà một mình trông nhà cho con út. Sau khi vợ ông qua đời hơn 1 năm, Lý Đường cũng uống thuốc sâu tự tử.
Lý Đường qua đời được hai năm thì em trai của ông là Lý Hoa cũng dùng cách tương tự để tự kết liễu.
Nhiều người nông dân nói với phóng viên báo Epoch Times rằng, rất nhiều người đến khi già rồi chỉ còn dựa vào 3 thứ là thuốc, dây thừng và nước. Tức là uống thuốc trừ sâu, hoặc dùng dây thừng treo cổ, hoặc nhảy xuống nước tự sát.
Bài viết còn nói, có người già muốn tự sát, còn sợ con cái không chôn, nên đã tự đào cho mình một cái hố, rồi ở trong hố đó vừa nằm vừa uống thuốc trừ sâu; có người ốm đau bệnh tật phải nằm giường thì được con cái “mách bảo” – uống thuốc tự tử; cũng có người già nằm liệt giường mà vẫn có thể lấy được lọ thuốc để tự sát, v.v.
Nguyên nhân thực sự khiến người già ở nông thôn Trung Quốc tự sát
Ngày 13/3/2016, trang mạng The Globe and Mail (Canada) đưa tin, ngày nay, tại một số vùng nông thôn Trung Quốc, tỷ lệ người già tự sát đã vượt qua Hàn Quốc – một nước phát triển có tỷ lệ tự sát cao nhất.
Theo bản tin, cơ quan nghiên cứu dự tính, đến năm 2030, dân số của Trung Quốc ở độ tuổi từ 60 trở lên chiếm khoảng 25% tổng dân số Trung Quốc. Bởi vì vấn đề già hóa dân số đang trở nên nghiêm trọng, khiến số lượng lớn dân số ở độ tuổi này có tỷ lệ tự sát cao nhất.
Bản tin còn phân tích, người già Trung Quốc tự sát, là bởi vì ngày càng khó chịu đựng được áp lực cuộc sống như cãi nhau với con cái, người phối ngẫu qua đời, bệnh tật, vấn đề kinh tế khó khăn trong thời gian dài.
Bình luận viên thời sự Đường Tĩnh Viễn có chia sẻ rằng, người già nông thôn tự sát trở thành phong trào, và cũng không phải là trường hợp cá biệt ở địa phương, mà nó đã trở thành hiện tượng xã hội, trở nên rất phổ biến. Biểu hiện của hiện tượng này là người già ở nông thôn không có chỗ dựa, tình cảnh những năm cuối đời thê lương, nhưng nguyên nhân thực sự  và sâu sắc nhất đó là bối cảnh xã hội.
Ông Đường Tĩnh Viễn cho rằng, người già trở nên bi quan và chán đời, có nguyên nhân đầu tiên là kinh tế khó khăn, cũng tức là già rồi không có ai nuôi. Trung Quốc dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mặc dù kinh tế đã vươn lên mạnh mẽ, nhưng tài phú chỉ tập trung trong tay số ít những gia tộc quyền quý, phần lớn dân số ở nông thôn đều đang trong tình cảnh vật lộn với vấn đề cơm áo gạo tiền, đây là nguyên nhân trực tiếp nhất khiến người trẻ đi nơi khác làm thuê, khiến người già thấy trống rỗng, không chỗ dựa dẫm.
Tiếp theo là người già không được chữa bệnh. Ông Đường Tĩnh Viễn nói, người già ốm chết là quy luật tự nhiên, người già ở nông thôn vì thiếu thốn về nguồn kinh tế và trị bệnh, càng không có bảo hiểm y tế, một khi bị bệnh chỉ có đành nằm trên giường chờ chết. Hiện thực này đã phản ánh ra một hố đen khi ĐCSTQ thống trị đất nước, chính là không có một hệ thống phúc lợi xã hội cơ bản nào. Một số địa phương cá biệt có một vài biện pháp, nhưng đa số cũng chỉ là công trình để lấy thành tích chính trị, làm qua loa bên ngoài chứ không thực sự giải quyết vấn đề.

tử sát, Trung Quốc, nguoi gia,
Tỉ lệ tự sát của người già ở nông thôn Trung Quốc đang tăng cao. (Ảnh: Circle of Blue)
Kinh tế Trung Quốc phát triển, thực ra là dựa vào bóc lột lượng lớn sức lao động nông thôn và những người lớn tuổi.
Theo ông Đường Tĩnh Viễn, người già ở nông thôn chán đời còn có một nguyên nhân quan trọng là không có người thân. Sự lưu luyến đối với cuộc sống thế gian là tình thân, thường sự khao khát với tình thân sẽ vượt trên đòi hỏi về vật chất. Tuy nhiên, từ khi ĐCSTQ thành lập chính quyền đến nay, trong thời gian mấy chục năm, một trong những hậu quả mà họ dùng đấu tranh giai cấp và kích động thù hận để tẩy não người dân chính là truyền thống đạo đức mấy nghìn năm của Trung Quốc bị phá hoại gần như không còn sót lại chút nào.
Không những hiếu đạo trong xã hội quá khứ đã biến mất, mà những thứ cơ bản như tôn trọng, kính trọng người già cũng bị méo mó. Nơi đây đã trở thành một xã hội ỷ mạnh hiếp yếu. Chúng ta thấy rất nhiều người già bị con cái ruồng rẫy, bỏ rơi, ngược đãi, thậm chí bị bức bách tự sát để giảm bớt gánh nặng.
Ông Đường Tĩnh Viễn nhấn mạnh, một xã hội đối đãi như thế nào với người già và trẻ em, đây là biểu hiện của xã hội có văn minh hay không? Trung Quốc liên tục xuất hiện những sự kiện như bé Duyệt Duyệt bị xe cán, Dương Cải Lan giết hại 4 trẻ em, cho đến việc xuất hiện của “phòng tự sát”, “động tự sát”, tất cả đã nói lên hình thái ý thức của ĐCSTQ đã phá hủy và đầu độc đối với nhân tâm, nhân tính như thế nào. Nếu không giải quyết triệt để, thì đạo đức của dân tộc Trung Hoa chỉ có thể tiếp tục tiêu vong, Trung Quốc sẽ có thể biến thành địa ngục nhân gian.
Cư dân mạng: Đại đa số nông dân bất mãn với  hiện trạng cuộc sống
Lưu Yến Vũ, giảng viên khoa Xã hội học thuộc Đại học Vũ Hán cho rằng, tỷ lệ người già ở nông thôn tự sát tăng cao, chủ yếu bắt nguồn từ 4 khó khăn: sinh tồn, bệnh tật, tinh thần, chăm sóc hàng ngày. Ở rất nhiều khu vực, một khi người già mất đi khả năng làm việc, thì trở thành “vô dụng rồi”, “đáng chết rồi”, con cái bạc nghĩa cũng sẽ dùng mọi cách để bức tử cha mẹ, rồi nói là họ tự sát.
Bà Cổ Thụ Hoa, công tác tại Đại học Y khoa Đại Liên từng có cuộc điều tra và phát hiện, 90% người chết vì tự sát ở nông thôn chưa từng tìm kiếm bất cứ sự trợ giúp nào, số gia đình có người tự sát có được sự giúp đỡ chính thức từ nhà nước, và các kênh hỗ trợ khác của chính quyền, dường như bằng 0.
Theo bản điều tra của Đài phát thanh Trung ương Trung Quốc (CNR) có tựa đề “Điều tra về nhu cầu của nông dân Trung Quốc” trên Caixin, trong số những nông dân được phỏng vấn, gần 80% người phản ánh trong thôn không nơi dành cho người già như viện dưỡng lão, nhà dành cho người già, vấn đề dưỡng lão ở nông thôn trở thành vấn đề nổi cộm.
Có cư dân mạng cho biết: “Có đến 99% nông dân không hài lòng với hiện trạng cuộc sống, người vừa lòng đó chính là trưởng thôn”. “Nói một cách khách quan, nông dân không hài lòng với hiện trạng cuộc sống chiếm ít nhất là từ 60% trở lên!”.

Theo Trithucvn

1 nhận xét:

Lễ Tạ Ơn 2024 Tại Hoa Kỳ vào ngày 28/11

  Mời Xem :  1./  Tản Mạn Về Ngày Lễ Tạ Ơn - Thanks Giving Ceremony 2./  LỊCH SỬ NGÀY LỄ TẠ ƠN BÀI THƠ TẠ ƠN.  -   CAO MỴ NHÂN    Tạ ơn trời...