Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017
CẢNH THU - Thơ Hồ Xuân Hương,Ngân Triều diển giãi
Thánh thót tàu tiêu mấy giọt mưa, (1)
Bút trần khôn vẽ cảnh tiêu sơ,
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán, (3)
Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ.
Bầu dốc giang sơn say chấp rượu, (5)
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ
Cho hay cảnh cũng ưa người nhỉ, (7)
Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ
Văn bản chữ Nôm, Ngân Triều soạn:
景 秋
聖 淬 蓸 標 氽 湥 湄
筆 塵 空 尾 景 標 初
萻 古 樹 圓 吹 散
壯 舍 長 江 坂 洛 祠
裦 捔 江 山 醝 執 酒
繓 凌 風 月 曩 爲 詩
渚 咍 景 共 唹 𠊚 洏
体 景 埃 麻 拯 謹 䁩
Chú giải:
Bài nầy, có sách gán cho Bà huyện Thanh Quan.
Ở văn bản Landes 1893, bài thơ này không có đầu đề. Câu thứ hai là 'Đố ai vẽ được cảnh tiếu sơ' và có lời dẫn:
"Ngày xưa Xuân Hương đi chơi gặp mưa, vào chơi thăm làng Văn Giáp, thấy có một chùa xưa, Xuân Hương vào chùa lạy Phật, rồi đi xem ngoài chùa. Thấy bên chùa có cây đa. Ngửng lên xem thì cao ngút không biết tới đâu, cho nên làm bài thơ này (cây đa này đến nay vẫn còn).
Ở bản Đông Châu 1917, có lời dẫn:
"Một ngày kia đang mùa quý thu, giời lún phún dăm ba hạt mưa, hơi ngăm ngăm rét, quan phủ nhân vô sự, mới sai bày cuộc rượu, cho gọi cô hai ra cùng ngồi uống rượu để vịnh thơ. Xuân Hương vâng lời ra ngồi hầu rượu để vịnh thơĐương khi chén quỳnh hầu vơi, chiều thu hiu hắt, quan phủ liền bảo Xuân Hương vịnh bài tức cảnh. Thơ rằng..."*
Thánh thót: 聖 淬: Âm thanh vui tai của tiếng nước nhỏ từng giọt, từng giọt của giọt nước mưa nhịp trên tàu chuối.
Tàu tiêu: 蓸 標: tàu chuối
cảnh tiêu sơ: 景 標 初: cảnh vắng vẻ. đơn sơ,thưa thớt người.
Bầu dốc: 垉 捔:trút cạn bầu rượu hay rót vét hết rượu trong bầu.
Say chấp rượu: 醝 執 酒: say túy lúy, say không giữ kẽ, không ngại ngùng.
Chấp, 執, giữ kẽ, câu nệ, ngại ngùng.
Ngẩn ngơ: 謹䁩: Ở trạng thái như không còn chú ý gì đến xung quanh vì tâm trí đang để ở đâu đâu.
*
(1-2): Cảnh thu tiêu sơ, ngoạn mục, tuyệt vời:
Vui tai, tiếng giọt mưa rơi trên tàu chuối như đếm điệu mưa thu,
Trên đời nầy, đố ai vẽ được cái phong cảnh vắng vẻ, phơn phớt, nỗi buồn như thế.
(3-4): Màu sắc và đường nét bức tranh thiên nhiên:
Một màu xanh tươi tốt, đầy sức sống: cây cổ thụ với tán lá xanh sậm, xanh om; cái tán ngộ nghĩnh thật tròn, tròn xoe.
Xa xa, bóng con sông dài, tràng giang, 長 江lặng lẽ; dòng sông lồng bóng nền trời, mặt sông trắng xóa, ,không gợn sóng, phẳng lặng, 坂 洛.
(5-6): Lòng rộn ràng, say đắm, ngất ngây trước cảnh thu quê:
Câu (5), Cho dẫu người đã chếnh choáng hơi men, đã cạn hết một bầu rượu, bầu dốc, 裦 捔,nhưng trước cảnh đẹp hữu tình, cũng muốn uống cùng với núi, với sông, giang sơn, 江 山,trước mắt; càng muốn uống thêm cho say túy lúy, chẳng câu nệ, ngại ngùng chi cả; say chấp rượu, 醝 執 酒. Cái say ở đây là không chỉ ngất ngây qua men rượu mà còn chếnh choáng say mê cái đẹp độc đáo, tuyệt vời của cảnh thu quê, (không những say men rượu la đà, mà còn say mê cảnh sắc hữu tình)..
Câu 6: Túi lưng phong nguyệt: 繓 凌 風月: Túi đựng chưa đầy, lưng; phong nguyệt gió trăng, là cái túi đựng thơ hoặc ý thơ mới ghi chép được. Như vậy, đứng trước phong cảnh hữu tình nầy, cho dẫu không say, cũng phải say. Lòng ta dậy lên biết bao niềm cảm hứng rồi. Cái túi thơ của ta, giờ như đã nặng thêm những ý thơ hay, nặng vì thơ曩 爲 詩.Cho dẫu thi phẩm chưa đầy túi, lòng cũng tràn đầy cảm xúc, chan chứa, bát ngát hồn thơ.
(7-8) Tự vấn lòng, cảnh ưa người hay người ưa cảnh?
Câu hỏi tu từ, người và cảnh say đắm, ngất ngây. Đó là một cách nói bóng bẩy, trữ tình, lấp lửng, nửa vời của lòng thú vị mê say.
Đứng trước cảnh thu này, tâm hồn của du khách nào mà không cảm thấy đắm say, xao xuyến , ngẩn ngơ!
Phụ lục:
Đông-Tây, đồng thanh, đồng điệu:
Chanson d'Automne
Paul VERLAINE (1844-1896)
Les sanglots longs
Des violons
De l'automne
Blessent mon coeur
D'une langueur
Monotone.
*
Tout suffocant
Et blême, quand
Sonne l'heure,
Je me souviens
Des jours anciens
Et je pleure
*
Et je m'en vais
Au vent mauvais
Qui m'emporte
Deçà, delà,
Pareil à la
Feuille morte.
*
Tạm dịch:
Lênh đênh cô lữ, Lá chết bay vèo!
Thu ca
Thổn thức, không thôi,
Vĩ cầm , réo rắt.
Cứa mãi lòng tôi, (1)
Điệu buồn chán ngắt.
*
Lòng nghẹn, lạnh lùng, (2)
Nghe điểm tiếng chuông.
Lòng vương chạnh tưởng
Nước mắt rơi tuôn.
*
Rồi thân lãng tử,
Gió lốc, cuốn theo.
Lênh đênh cô lữ,
Lá chết bay vèo! (3)
Ngân Triều dịch
*
(1),blessent mon coeur, Thương tổn tim tôi, dịch thoát “cứa”.
(2), suffocant; nghẹn thở;blême: xanh xao; dịch thoát: lạnh lùng.
(3), Pareil à la feuille morte: Tựa như chiếc lá chết.
***
Xin mời tham khảo một bài thơ tiền chiến khác, nổi tiếng về mùa thu:
Tiếng Thu
Lưu Trọng Lư
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
*
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
Con nai vàng ngơ ngác, Đạp trên lá vàng khô…
Nguồn:
1. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, 1939, Librairie Centrale ấn hành, 1939
2. Tuyển tập Lưu Trọng Lư, NXB Văn học, 1987
3. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Văn học, 2007
Phụ lục:
Lời bình bài thơ Tiếng Thu, Lưu Trọng Lư
(Theo Trần Đăng Khoa, Nhà thơ, nhà phê bình văn học, 1997)
Lưu Trọng Lư là nhà thơ tiên phong của phong trào Thơ mới. Nhận định về nghệ thuật thơ ông, nhà phê bình thiên tài Hoài Thanh đã có những nhận xét thật chuẩn xác: "Tôi biết có kẻ trách Lư cẩu thả, lười biếng, không biết chọn chữ, không chịu khó gọt rũa câu thơ. Nhưng Lư có làm thơ đâu, Lư chỉ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy". Nhận định này dường như đã thành nỗi ám ảnh. Và rồi suốt đời, Lưu Trọng Lư cứ loạng choạng, cứ bập bỗm bước trong cái vòng kim cô mà Hoài Thanh đã tiên đoán và vạch ra ngay từ khi ông mới xuất hiện trên thi đàn. Còn về con người Lưu Trọng Lư, thiết tưởng cũng chẳng có ai hiểu ông hơn Hoài Thanh: "Cả đời Lư cũng là một bài thơ. Nếu quả như người ta vẫn nói, thi sĩ là một kẻ ngơ ngơ ngác ngác, chân bước chập chững trên đường đời, thì có lẽ Lư thi sĩ hơn ai hết".
Quả đúng vậy. Và nếu chọn một bài thơ thơ nhất của Việt Nam, nghĩa là ngoài thơ ra, nó không có gì bấu víu, thì đó chính là Tiếng Thu. Đây là bài hay nhất trong đời thơ Lưu Trọng Lư, cũng là bài thơ thơ nhất của thi ca Việt Nam hiện đại:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ
*
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô...
…
Tương truyền khi viết bài thơ này, Lưu Trọng Lư đến thăm nhà một người bạn. Rồi nhân thấy cái bình gốm cổ có hình con nai đứng giữa núi non, Lưu Trọng Lư vịnh ngay bài thơ này. Thực chất, nếu chuyện đó là thật, thì con nai trên bình gốm chỉ là cái cớ rất nhỏ, là tiếng động rất nhỏ đánh thức con nai vàng và khu rừng vàng trong hồn thơ Lưu Trọng Lư thức dậy và toả hương. Nhờ thế, thi ca Việt Nam đã có một kiệt tác, ngỡ như đó là khúc nhạc huyền bí của thần linh, chứ quyết không phải là tiếng ca phàm tục của người đời...
Trong cuốn Chân dung và Đối thoại (Bình luận văn chương).NXB Thanh Niên.1999(tái bản lần thứ tư).Trang 55
(Nguồn bài đăng: Thi Viện, http://www.thivien.net; tác giả Đồ Nghệ đăng lại ngày 16/04/2009 ).
(ảnh của Việt văn mới)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)
Tạp Ghi và Phiếm Luận : Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ Ăn x ổi ở th ì,...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
bài rất hay
Trả lờiXóa