Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018

3 Chuyện Rát Ngắn Của Thu Phong ( TC,Da Màu )

T a y  t h ầ y
(958 chữ)
Sloat Lani Tanaka
Lani Tanaka, Sloat (Hỗ Trợ)

Lập đông, buổi sáng gió se lạnh, đường phố đầy áo len xanh áo len đỏ. Áo khoác, những cử động nhịp nhàng trên xe khiến cậu học trò thấy người ấm lại, sảng khoái. Bỗng cậu dừng lại cúi xuống vòng bánh xe mình: đúng thế, nó bị xẹp.
Cách đấy không xa, dưới gốc một cây me già, người sửa xe đã dọn đồ nghề ra từ bao giờ. Nón lụp xụp, áo ka-ki vá khoác ngoài sơ mi cũ kỹ, loang vết dầu mỡ, ông ngồi bệt, vòng tay đầu gối nhìn người qua lại.
Cậu học trò lễ phép đề nghị tự mình bơm lấy. Và đỡ chiếc ống bơm từ bàn tay gầy guộc của người sửa xe.
Với sức đang lớn, bắp tay khỏe khoắn, thoáng chốc bánh xe no tròn.
Vặn đầu van, câu học trò liếc thấy một vòng bánh xe nữa xuất hiện bên cạnh. Vuốt mái tóc đen dày, cậu bé ngẩng lên, đôi mắt long lanh nhìn bà khách. Rồi quay sang người thợ: “Để cháu bơm giúp luôn thể?”.
Ông thợ chỉ nhận tiền của người đàn bà. Ánh mắt phôi pha của ông một lần nữa liếc sang cậu bé. Ông nghĩ: “Nó lớn hẳn. Và thật tươm tất”.
Nở nụ cười mỏi mệt, ông thợ đưa tay xoa đầu cậu bé, hỏi với giọng trìu mến, ấm áp: “Em học lớp mấy rồi?”.
Cậu học trò bổng đổi thái độ, nghiêng đầu tránh bàn tay của người sửa xe, liếc nhìn ông trách móc. Không thèm trả lời, cậu đưa tay vuốt lại mái tóc, nhỏm lên yên, đạp xe đi.
Ông thợ ngỡ ngàng nhìn theo. Rồi cúi xuống đôi bàn tay mình. Nó vẫn sạch sẽ. Tuy nhiên, ông lẩm bẩm: “Ta không nên làm thế, không nên…”.
xxx
Khuya. Cậu học trò trở mình, kéo chăn, trùm cả đầu, co người. Một lát, cậu duỗi chân, kéo mền xuống khỏi cằm, thau láu nhìn lên trần. Việc ban sáng ám ảnh cậu. Chiếc đèn lồng kéo quân treo ở cửa buồng lặng lẽ xoay, toả ánh sáng, hình bóng kỳ ảo. Những hình ảnh mơ hồ của quá khứ dần qua. Bất chợt, trong mớ hỗn độn ấy, hiện rõ một bàn tay vuốt trên một mái tóc. Phải! Một cái xoa đầu! Nhưng lại là một cái khác, êm đềm, đẹp đẽ. Trống tan học. Học trò xếp hàng ngay ngắn ra về. Thầy đứng ở đầu hàng, tiếng lao xao im bặt khi từng đứa đi qua thầy, giở mũ, cúi đầu. Thầy khẽ gật đầu chào lại tất cả. Áo ngắn trắng tay bỏ trong quần xanh, cậu lấy lại vẻ trang nghiêm bước đến thầy. Và chao ơi, khác chúng bạn, với cậu, thầy chợt đưa tay lên xoa đầu!. Ra cổng, cậu nhảy cẫng, ào chạy về không kịp thưa, lao vào lòng ngoại: “Ngoại ơi, con được thầy xoa đầu!” Suốt đêm, tim đập rộn ràng, máu lưu thông dào dạt. Khi niềm vui lắng xuống, nỗi xấu hổ dâng lên, cậu thấy mình không xứng đáng: tháng này, lần đầu tiên cậu được trên điểm trung bình. Và nhờ sự khích lệ ấy, cuối năm cậu được lãnh thưởng. Cái xoa đầu êm ái, ấm áp theo mãi những năm tháng vụt lớn, đã là một nguồn động lực giúp cậu luôn giữ được thứ hạng giỏi. Bốn năm rồi! Giờ cậu đã lên lớp tám. Thầy chắc vẫn còn dạy trường cũ? Cậu day dứt tự trách mình mấy năm qua không đi thăm thầy.
Cử chỉ ấy không thể có ở một người thợ… Và hình như ông ấy gọi mình bằng “em”?… Có lẽ nào…
Vương vấn những hình ảnh, cảm xúc đêm qua, sáng nay, cậu học trò lại chọn đường cũ đến trường. Và tự dưng cậu thấy hồi hộp khi tiến gần đến người thợ sửa xe.
Nhưng đến nơi, cậu không nhìn thấy ông. Treo trên gốc cây, chiếc vỏ xe cũ kỹ méo mó, bám đầy bụi đường và những chiếc lá me vàng úa.
Cậu học trò thẫn thờ một lúc mới đạp xe đi.
xxx
Suốt buổi học, hình ảnh người thợ và người thầy cũ được cậu vẽ lại trong trí nhớ mỗi lúc một đậm nét, mỗi lúc một khít khao “Ông ấy sửa xe có một buổi! Đúng rồi… đúng rồi…” Cậu xót xa lẩm bẩm, lòng dâng trào niềm hối hận.
Trên đường về, cậu mừng rỡ và hồi hộp nhìn thấy người thợ sửa xe ở chổ cũ.
Cậu dừng xe, mặt đỏ lên, ấp úng “Dạ thưa… thưa thầy…”.
Người thợ đang cặm cụi vá một cái ruột xe, ngẩng lên, lộ vẻ vui mừng khi trông thấy cậu. Ông đứng dậy, chùi hai bàn tay vào ống quần, nói: “A! Cháu đấy à! Hôm qua bác thật vô ý: tay bác dơ!… Vậy mà bác đã làm nghề này mười mấy năm rồi đấy! Xin lỗi cháu nhé!” Rồi ông nhìn xuống bánh xe nói tiếp , “Lại xẹp rồi hả? Chắc là do lỗ mọt. Cháu dựng đấy bác xem lại cho!”.
“Không thưa bác”, cậu bé ngập ngừng, “Cháu chỉ ghé qua để… xin lỗi bác…”
Rồi cậu bé chào người thợ, nhỏm lên yên, đạp mạnh xe đi. Lòng cậu nhẹ tênh như vừa cất được một gánh nặng.
Dõi mắt trông theo, người thợ mỉm cười, tự nhủ: “Nó thật đàng hoàng, chững chạc!”.
Trên cao, gió lay động làm muôn chiếc lá me vàng bay lả tả.
Người thợ sửa xe cảm thấy lòng mình hiu hiu mát, dịu đi cơn nắng gắt ban trưa.
***
doll house for thu phong story
H ì n h  b ó n g
(205 chữ)
Buổi tối cuối cùng, người cha lặng lẽ quàng tay qua vai con trai. Người mẹ ngậm ngùi vuốt tóc con gái. Cậu bé ứa nước mắt, nhìn em gái lúc này đang ngơ ngác ôm bụng mẹ.
Nắng vẫn lên trên ngọn cây, mái ngói; chim vẫn hót trong lá.
Ba chiếc xe tải: một to, hai nhỏ dừng nối đuôi nhau ngoài ngõ.
Trong lúc người lớn bận rộn khuân đồ đạc ra, vào; hai đứa trẻ- đứa xách ngựa gỗ, đứa ôm búp bê đứng bên nhau, thì thầm, quyến luyến.
Con chó ngửi những người mua nhà, chạy lăng xăng từ người cha sang người mẹ như không biết phải theo ai.
Sau đó, hai chiếc xe tải nhỏ lần lượt lăn bánh, theo hai hướng khác nhau.
Chạy theo xe một đoạn đường, con chó dừng lại trước một ngôi nhà lạ, đầu cổ phập phồng, lưỡi thè dài.
Trên đường, người mẹ chợt nhìn thấy con búp bê trên tay con trai, vô cùng ngạc nhiên: “Tại sao con giữ búp bê của em? Còn ngựa gỗ của con đâu?”.
Hai giòng lệ đang tuôn xuống khuôn mặt cậu bé.
*** Plum Park in Kameido, 1857
Hiroshige, Vườn đào ở Kameido, 1857 
Cổ tích
(28 chữ)
Ngày xưa, mai, đào đều rực rỡ.
Năm ấy, mai rụng, đào cũng xác xơ.
Đến năm nọ, chỉ còn đào. Rồi đào dần dần trổ bông mai.

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...