Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2018

FM974 Úc Châu :Tây Hồi: Karachi – Những Cánh Đồng Xác Chết Trẻ Con

Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 07/05/2018
   Một buổi sáng tháng hai năm nay, tại trung tâm phức lợi xã hội Edhi ở thành phố Karachi, một người không cho biết tên, gọi điện thoại đến nói rằng, có xác chết của ai đó bỏ trong khu đổ rác, sau khi đến nơi, nhân viên của thành phố tìm thấy, đó là xác của một bé gái vừa sinh ra chừng bốn ngày, cổ em bị cắt đứt ngang bởi con dao bén, chuyện này không mấy ngạc nhiên nhưng người ta giận dữ về hành động giết người rồi ném xác vào các đống rác chất cao như núi đó.

Hài nhi không tên trên không phải là nạn nhân duy nhất của những hành động dã man này, từ tháng Giêng năm 2017 cho đến tháng Tư năm 2018, trung tâm Edhi và tổ chức cứu tế Chhipa đã tìm thấy 345 xác trẻ con mới sinh ra trong khu chứa rác ở Karachi, 99% xác đó là con gái. Anwar Kazmi, một nhân viên cao cấp tại trung tâm Edhi bùi ngùi cho biết, trung tâm này đã chứng kiến không biết bao nhiêu trường hợp như vậy trong bao nhiêu năm qua, có không ít những trường hợp làm cho lòng ông ta đau nhói, để phải thắc mắc là, chẳng lẽ xã hội của đất nước này đang trên đường ngược dòng trở lại thời kỳ đồ đá hay sao.

Hội Edhi đã tìm được 335 xác chết trẻ thơ tại các khu chứa rác trên khắp cả nước trong năm 2017 và riêng tại đây, thành phố Karachi đứng đầu bảng với con số 180 năm 2017, hội Edhi chôn cất 72 bé gái trong bốn tháng đầu năm nay tại một số nghĩa trang nội ô, tổ chức cứu tế Chhipa, một tổ chức phi chánh phủ, cũng lo liệu cho 93 trường hợp ở Karachi nơi trẻ sơ sinh bị giết, 70 hài nhi năm 2017 và 23 trong năm nay. Theo lời phát ngôn viên của tổ chức Chhipa, Shahid Mehmood, mặc dù dân chúng có thể thản nhiên, không ngó ngàng gì tới những linh hồn vô tội này nhưng với tổ chức cứu tế, họ không thể làm như vậy được, họ đã cho cử hành tang lễ và chôn cất hẳn hoi, sau khi hồ sơ khai tử kết thúc do bệnh viện và cảnh sát xác nhận, tổ chức Chhipa đem chôn xác các hài nhi đó trong nghĩa trang của họ lập nên. Chi phí việc này khoảng 2,000 đồng tiền Rupee Ấn cho mỗi đứa trẻ, làm sao một gia đình nghèo khó Tây Hồi tìm đâu ra số tiền quá lớn như vậy để chôn cất.

Tại một số thành phố ở Tây Hồi, hội Edhi đã lập ra những “Jhoolas” (nơi nhận trẻ con muốn bỏ), để dân chúng có thể bỏ con ở đó thay vì đem giết, con số các chỗ này đã lên tới hàng trăm trên khắp nước nhưng kết quả sơ khởi không mấy khả quan, một trong những lý do tại sao là không có được sự ủng hộ của giới lãnh đạo tôn giáo, một khi họ cho rằng, việc làm của hội Edhi xem như khuyến khích và cổ động cho các vụ bất hợp pháp, theo Kazmi, hội chỉ nhận có 14 em bé bị bỏ rơi còn sống trong năm 2017, trong đó 12 là bé gái và 2 bé trai bị khuyết tật. Theo một sĩ quan cảnh sát của văn phòng Tổng Thanh Tra Bổ túc Karachi, khu Neelum Colony Karachi gần Cilfton là một trong các khu nhà ổ chuột trong nội ô thành phố, đa số người trú ngụ ở đó đều quá nghèo và thất học, việc bỏ con thường xãy ra ở các khu này nơi họ thiếu thốn mọi điều kiện sinh sống căn bản. Mặc dù cảnh sát có phần đúng khi cho rằng, tình trạng nghèo khó và thất học là cội rể của chuyện trẻ con bị bỏ nhưng hội Edhi có cái nhìn hơi khác đôi chút.

Theo ông Kazmi, phần lớn trường hợp trẻ con bị bỏ chết xảy ra vì hủ tục cổ xưa trong việc sinh đẻ, họ giết con gái vì cái quan niệm “con gái không may mắn”, tuy nhiên nếu là con trai thì họ sẽ tìm cách bảo vệ nó. Một trong những hình ảnh ghê rợn mà ông Kazmi nhìn thấy hơn mười năm trước là, một hài nhi trai bị ném đá cho chết trước cửa đền thờ, có một số người tìm thấy em bé bị bỏ ngoài cửa đền thờ ở Karachi, họ mang em giao cho vị giáo sĩ của đền, ông này bảo rằng, đây là một đứa bé bất hợp pháp, vì vậy nó phải bị ném đá, kết quả đã chết, ông Kazmi đã báo cáo hành động của ông giáo sĩ cho cảnh sát nhưng không thấy việc gì xãy ra. Khuynh hướng giết con gái hiện ngày càng tăng nhiều tại một số nước trong vùng Nam Á, với quan niệm trọng nam hơn nữ, theo bản khảo sát của trường đại học Oxford, trong hơn hai thập niên qua, quan niệm trọng nam trở thành mạnh mẽ hơn, nó gắn liền với việc tiếp tục sinh đẻ, cho tới khi nào cặp vợ chồng đạt được số con trai hay con gái mà họ muốn ở Tây Hồi.
Tại Tây Hồi, dân chúng được phép phá thai hợp pháp nhưng giới hạn trong một số hoàn cảnh đặc biệt, theo viện Guttmacher, một cơ quan vô vị lợi chuyên khảo sát về việc sinh đẻ, tìm thấy có 4.2 triệu phụ nữ đã trải qua kinh nghiệm về việc thu thai ngoài ý muốn, 34% thụ thai không có kế hoạch và 54% đã phá thai. Bỏ con rơi và giết hài nhi đều là tội hình sự ở Tây Hồi theo điều 328 của bộ luật hình sự, án có thể lên tới 7 năm tù hay bị phạt nặng hoặc cả hai, theo điều 329, ai lén lút chôn hay giấu xác trẻ con chết, dù chết trước hay sau khi sinh ra cũng bị tù tới hai năm hay phạt vạ nặng.


Thông thường, không có ai chịu báo cáo những trường hợp xác chết trẻ em tại các đống rác cho chính quyền hay cảnh sát, trong một năm qua, cảnh sát Karachi chỉ nhận một lần báo cáo duy nhất về việc này, cảnh sát chỉ có thể mở cuộc điều tra đầy đủ để xét xem, đó là những đứa trẻ sinh bất hợp pháp hay có nhiều lý do nào khác khi chính thức nhận được sự than phiền nào đó của người dân, cho nên vai trò của các tổ chức cứu tế, từ thiện trở thành quan trọng trong hoàn cảnh này. Giám đốc trung tâm cứu tế Imkaan, Tahera Hasan tin rằng, nghèo khó không thể là lý do duy nhất để trẻ em bị giết chết hay bỏ rơi, nếu một gia đình có bảy tám đứa con rồi, thêm một đứa nữa sẽ không phải là gánh nặng hơn, người ta cần xem xét nhiều yếu tố khác nữa, cho đến giờ này chưa có một chính sách nào rõ rệt của chánh quyền Tây Hồi về vấn nạn này, cũng theo cô Tahera, bên cạnh chuyện trẻ con bị bỏ rơi, vì nghèo khó vì ngoài ý muốn, có một lý do nữa để nói tới là việc mua bán trẻ con để lấy tiền.
Về vấn đề trẻ con chết đem bỏ tại các khu chứa rác như hiện nay, cô Tahera nói rằng, chính quyền cần điều tra kỹ lưỡng nguyên nhân cái chết của trẻ con bị bỏ rơi, hồ sơ sức khỏe của các em này mà cảnh sát lưu giữ sẽ cho biết, họ chết vì bị thắt cổ, đâm chém hay vì các lý do nào khác, nếu chết vì nguyên nhân bất thường thì đó là chuyện cần phải lưu ý và báo động.

Thuyên Huy
Monday 07.05.2018

1 nhận xét:

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...