Lầm lũi hiến máu suốt 60 năm,
Harrison đã trở thành tượng đài của hội Chữ thập đỏ Úc. Máu của ông chứa
một thứ đặc biệt, đã cứu mạng cả triệu trẻ em.
Từ một lời thề sau ca thập tử nhất sinh
Năm 1951, cậu trai James Harrison người
Úc mới 14 tuổi, tỉnh lại trên giường bệnh. Cậu đã trải ca một ca đại
phẫu dài hàng giờ, mất đi cả một buồng phổi, và phải lưu lại bệnh viện
trong 3 tháng kế tiếp.
Nhưng cậu vẫn sống, và điều kỳ diệu ấy xảy ra – theo lời cha cậu kể – là nhờ một lượng lớn máu hiến tặng.
“Bố bảo tôi cần đến 13 đơn vị máu, và cái mạng này được cứu bởi những người thậm chí tôi chẳng biết mặt.” – Harrison trả lời với CNN.
Cậu trai Harrison 14 tuổi sau đó đã thề
rằng mình sẽ hiến máu ngay khi đủ tuổi (độ tuổi quy định hiến máu của Úc
là 18). 4 năm sau cậu đã giữ đúng lời hứa, dù bản thân mắc phải chứng
sợ kim tiêm.
Cùng lúc ấy, cả nước Úc phải đối mặt với
một hiện tượng kỳ lạ, khi hàng ngàn ca mang thai bị sảy, hoặc chết non,
hoặc dị tật bẩm sinh.
“Năm 1967, có thể nói cả ngàn trẻ em Úc chết mỗi năm, trong khi bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân” – Jemma Falkenmire từ hội Chữ thập đỏ Úc cho biết.
“Sảy thai, thai nhi bị dị tật não… rất nhiều.”
Và cứu tinh bất ngờ xuất hiện
Nhưng rồi nguyên nhân cũng được hé lộ.
Những đứa trẻ ấy đã mắc phải bệnh tán huyết bẩm sinh (hemolytic disease
of the newborn – HDN). Bệnh xuất hiện là do người mẹ có nhóm máu Rh âm,
nhưng đứa con sinh ra nhóm máu lại là Rh dương. Sự sai khác ấy khiến cơ
thể người mẹ không chấp nhận hồng cầu của thai nhi, để rồi cái thai
không thể phát triển bình thường được nữa.
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng nhanh chóng
nhận ra rằng căn bệnh này hoàn toàn có thể được ngăn chặn, nếu như thai
phụ nhận được huyết tương có chứa một dạng kháng thể hiếm.
Một chiến dịch được lập ra, các bác sĩ
gần như lục tung cả ngân hàng máu. Cuối cùng, họ tìm thấy một mẫu máu
đến từ nước Mỹ xa xôi. Đó chính là James Harrison.
Ở thời điểm đó, Harrison đã hiến máu rất
đều đặn trong vòng 10 năm. Và ông cũng chẳng ngần ngại khi các bác sĩ
tại Úc đề nghị tham gia vào chương trình nghiên cứu chống lại HDN.
“Họ muốn tôi trở thành chuột thí nghiệm, và tôi đã hiến máu nhiều hơn kể từ lúc ấy” – Harrison chia sẻ.
Nhờ huyết tương của Harrison, khoa học
đã tạo ra một loại thuốc mới chống lại HDN mang tên Anti-D. Mũi tiêm đầu
tiên được ứng dụng vào năm 1967, ngay tại bệnh viện lưu trữ máu của
ông.
Kể từ đó, Harrison đã liên tục hiến máu
trong vòng 60 năm kế tiếp. Huyết tương của ông được dùng để tạo ra hàng
triệu mũi Anti-D. Và với tỉ lệ 17% phụ nữ có thai tại Úc phải dùng Anti
D, thì nó đồng nghĩa với việc Harrison đã gián tiếp cứu ít nhất 2,4
triệu trẻ em tại quốc gia này.
“Mọi mũi Anti-D tại Úc đều có huyết thanh của James trong đó” – Robyn Barlow, người đã tìm ra mẫu máu của Harrison cho biết.
“Ông ấy đã cứu hàng triệu trẻ em. Tôi đã phải bật khóc khi nghĩ đến điều đó.”
Khoa học hiện tại vẫn chưa thể chắc chắn
được liệu Harrison bẩm sinh đã sở hữu kháng thể hiếm ấy, hay nó đến từ
lượng máu lớn ông nhận được thời thiên thiếu. Nhưng dù thế nào đi nữa,
những gì Harrison làm được vẫn rất đáng trân trọng, vì từ đó đến nay ông
vẫn hiến máu không ngừng nghỉ.
“Có vẻ như tài năng duy nhất của tôi là hiến máu.” – Harrison hài hước chia sẻ ở lần hiến máu thứ 1.101.
“Chuyện thường thôi”
Qua hàng chục năm, các bác sĩ và y tá
tại bệnh viện đã nhẵn mặt ông. Vẫn dáng hình ấy, vẫn thái độ nhắm chặt
mắt, quay đi khi kim cắm vào, vẫn tiếng xuýt xoa khi y tá lau máu cho.
Ai cũng rất coi trọng Harrison. Họ nghĩ
ông thật đặc biệt, thậm chí đặt cho ông nickname là “Cánh tay vàng”, kèm
theo rất nhiều giải thưởng vì cộng đồng. Năm 2003, ông cũng được
Guinness xác nhận kỷ lục thế giới về hiến máu.
Nhưng ông chẳng thấy đó là điều đặc biệt.
“Đó là một đặc điểm kỳ lạ của James,” – một y tá cho biết. “Ông nghĩ mình hiến máu như bao người khác thôi, chẳng có gì đặc biệt cả.”
Trong các cuộc phỏng vấn, Harrison chỉ
chia sẻ nhẹ nhàng rằng thành tựu lớn nhất cuộc đời ông là cứu được tính
mạng bọn trẻ, trong đó có cả cháu của ông nữa.
“Tôi tự hào vì ông ấy, nhưng nếu chỉ nói có thế thì quả là không đủ”
– Tracey Mellowship, con gái Harrison cho biết. Tracey cũng đã phải cần
đến một mũi Anti-D vào năm 1992, sau khi sinh đứa con trai đầu tiên.
“Nhờ bố, mà tôi đã có một đứa bé khỏe mạnh vào năm 1995. Cảm ơn bố đã cứu 2 cháu của bố.”
Nhưng rồi cuộc vui nào cũng đến lúc tàn.
Ở tuổi 81, Harrison đã thực hiện chuyến huyến máu cuối cùng – lần hiến
thứ 1.173. Hội Chữ thập đỏ đã quyết định ngừng nhận máu của Harrison, do
lo ngại cho sức khỏe của ông.
“Chúng ta không còn có thể nhận lòng tốt của Harrison thêm nữa,” – Barlow chia sẻ.
“Việc mạch máu của ông đủ khỏe để liên tục hiến máu trong thời gian dài như vậy thực sự là rất hiếm, hiếm như máu của ông vậy.”
Không còn Harrison, không có nghĩa là
chương trình Anti-D sẽ dừng lại. Theo Hội Chữ thập đỏ Úc, họ đã tìm được
nhiều James Harrison hơn rồi. Hiện tại có khoảng 200 mẫu máu hiến tặng
đủ tiêu chuẩn cho chương trình Anti-D.
“Tôi chỉ mong kỷ lục ngàn lần hiến máu sẽ sớm có người phá vỡ.” – Harrison cười
Tham khảo: The Washington Post
Nguồn: Kênh 14
Ông Harrison quả là có tấm lòng vàng
Trả lờiXóa