Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

ĐIỀU BỊ XEM NHẸ: Chuyện nhỏ ở thang máy cũng thể hiện sự giáo dưỡng của bạn (daikynguyen.com )_

Giữa những bộn bề của cuộc sống vốn không bao giờ hoàn toàn như ý muốn, đôi khi ta quên mất và xem nhẹ những điều rất đỗi quan trọng. Đặt mình vào vị trí người khác, xem chừng là công việc hơi xa xỉ khi cuộc sống của bản thân ta còn đang có quá nhiều điều phải lo toan.
Nhưng đặt mình vào vị trí người khác lại chính là phẩm chất tối thiểu của một người tự tại. Là cứu cánh cho rất nhiều mối quan hệ, là tấm ba-ri-e hạn chế những phiền toái không đáng có cho người khác và cho cả chính bạn.
Chuyên mục Điều bị xem nhẹ sẽ giúp bạn có các trải nghiệm khác nhau, để thấy rằng, đặt mình vào vị trí người khác không hề khó và nó có thể hóa giải nhiều phiền toái như thế nào. Bởi “Coi người khác là bản thân mình để đối đãi thì đó chính là từ bi”, và từ bi sẽ sinh ra Phúc Thiện.
***
Thang máy quả là một phát minh hữu ích của con người. Có người cho rằng nó là một sản phẩm văn minh. Nhưng tôi tin là chẳng có thứ đồ vô tri nào văn minh, chỉ có cách chúng ta sử dụng nó mới thể hiện sự văn minh mà thôi.
Tôi sống ở một khu chung cư được gọi là cao cấp ở thành phố lớn, mỗi ngày đều đi lên đi xuống trên cái thang máy ít nhất 4 lần vào những giờ cao điểm nhất. Tôi tự tin rằng mình hiểu cách dùng và đi thang máy sao cho đúng.
Vậy mà phải cho đến khi trải nghiệm việc đi thang máy ở Đức trong một chuyến đi dài ngày, tôi mới thật sự hiểu. Thật ra từ việc nhỏ như đi thang máy, sẽ chẳng có ai dạy bạn. Quan sát và bắt chước những người dân văn minh ở một xứ sở văn minh cũng là chưa đủ. Điều quan trọng nhất là bạn phải đặt mình vào vị trí người dùng chung thang máy để tôn trọng và san sẻ lợi ích cùng nhau, thì mới hiểu hết những phép tắc bất thành văn của “người văn minh”.
Văn hóa thang máy ở nước ngoài. (Ảnh: fordham.edu)

Văn minh thế nào mới là đủ?
Ở khu nhà “cao cấp” mà tôi ở, mỗi khi cửa chiếc xe thang mở ra, thì người ở trong ùa ra, người ở ngoài ùa vào. Tôi vẫn luôn tự hào mình “có ý thức” hơn đa số những người đó, nên luôn lớn tiếng giả vờ nhắc nhở con, mà thật ra là “dạy bảo” những người lớn khác: “Nhường đường đã con, người ở trong có ra được thì mình mới vào được chứ!”.
Những tưởng thế là đủ “văn minh” rồi, và cái sự văn minh cũng thể hiện rõ nhất khi có đông người mà thôi. Nên những lúc chỉ có một vài người trước thang máy và bên trong không có ai, thang mở là tôi bước vào ngay bên trong và đứng vào góc để không chắn đường người khác. Tôi cho rằng thế là không có động chạm đến lợi ích của ai cả. Thế là văn minh lắm rồi.
Nhưng khi ở Đức, dù chỉ có 2 người đứng trước thang, nếu cửa mở, họ sẽ dừng lại một chút có ý nhường nhau, người đứng gần cửa nhất sẽ giữ cửa nhường người sau vào rồi mới vào. Hoặc sau cái gật đầu lịch sự họ mới bước nhanh vào tránh mất thời gian. Dù ai vào trước thì cũng sẽ đứng ấn nút giữ cửa cho những người vào sau rồi sau đó mới lui vào góc trong nhường chỗ.
Hóa ra văn minh không chỉ là những quy tắc để mọi thứ được vận hành thông suốt, (như trường hợp chiếc thang không bị ùn tắc nếu ta biết nhường đường cho người ở trong ra trước). Mà nó còn là biết nghĩ tới người khác khi cả hai có cùng chung một nhu cầu và sự khiêm nhường, cung kính trong phong thái và giao tiếp.
Chờ đợi và biết nghĩ cho người khác đó thể hiện sự lịch sự và tôn trọng con người. (Ảnh: Seeker)

Hãy bấm nút cho đúng
Tôi không có ý muốn nói rằng bạn hãy bấm đúng số tầng mà bạn muốn lên. Vì tất nhiên, trừ những ai không biết mặt số hoặc tay hoạt động nhanh hơn đầu nên bấm nhầm, hoặc những em bé và cả những người lớn “nghịch ngợm”. Việc bấm đúng số tầng không nằm trong mục đích viết về những cái nút trong thang máy.
Ý tôi là hai cái nút đóng cửa và mở cửa. Chỉ vậy thôi mà cũng có khá nhiều câu chuyện thú vị về nó.
Tôi đã nghĩ rằng mình vào trước thì bấm nút mở cửa để chờ người sau vào. Đó là biết nghĩ đến người khác, và tất nhiên tôi áp dụng cho cả trường hợp người nhà hoặc bạn bè mình đang còn mải nhặt đồ bị rơi ở đằng sau, chưa kịp khóa cửa hay ra khỏi nhà… Tôi sẽ bấm cho đến khi cái thang phải rú lên báo động là cửa đã mở quá lâu thì mới thôi. Vâng, đó là nghĩ cho người thân mình mà không nghĩ cho những người đang đi cùng mình phải “mắc kẹt” một lúc lâu với mình.
Sau này đọc trên một trang web dành riêng cho những quy tắc đi thang máy, tôi mới biết rằng, không bao giờ được giữ cửa lâu hơn 20 giây khi trong thang đang có nhiều người. Bạn có thể làm vậy nếu bạn đi một mình, bởi người duy nhất thấy bất tiện lúc đó là bạn mà thôi.
Còn chiếc nút đóng cửa thì sao? Tôi đã nhiều lần cảm thấy tội lỗi khi ai đó bấm lia lịa cái nút đóng cửa để thang đi cho nhanh, nhưng đúng lúc đó lại có người hối hả chạy tới bấm mở cửa. Tôi muốn nhao ra bấm nút mở nhưng chẳng kịp, “ai đó” kia, dù đã nhìn thấy cũng sẽ vẫn tỏ ra như “Oops! Không kịp nữa rồi”. Và cửa thang lạnh lùng đóng lại.
Nếu thang vẫn còn chỗ trống, dù bạn có đang vội đến mấy, xin hãy dừng lại đợi người đang hối hả chạy lại. Có thể họ còn vội hơn bạn, có những việc quan trọng hơn bạn. Hay ít nhất thì, đó là cách con người đối xử với nhau bằng sự cảm thông, thiện lương và lễ độ.
Hay khi cửa thang mở ra cho người ở tầng đó đi ra, người ở trong sẽ ngay lập tức ấn nút đóng cửa để cửa đóng cho nhanh. Đáng ra, chúng ta phải ấn nút mở cửa để cho họ đi ra xong mới ấn nút đóng. Cái cửa tất nhiên sẽ không đóng vào ngay đâu, nhưng ta bấm nút mở là thể hiện sự lịch sự và tôn trọng người khác.
Hãy để cho người bên trong có thể đi ra trước khi nhấn nút đóng cửa. (Ảnh: standard.al)

Tôn trọng không gian chung
Thang máy là một cái hộp kín bưng và cũng chẳng rộng rãi gì. Nhất là vào giờ cao điểm thì miễn là thang chưa kêu báo quá tải, mọi người sẽ không ngại gì mà đứng vài phút trong sự chật chội, ngột ngạt.
Nhưng dù chật và đôi khi bạn phải tiếp xúc một vài phần cơ thể với người khác. Nhưng không gian chung vẫn cần một sự tôn trọng nhất định của tất cả những người sử dụng.
Đừng nói chuyện to, quát mắng con trong thang, buôn điện thoại về những câu chuyện riêng tư mà chẳng ai muốn phải nghe của bạn. Không đứng chắn cửa thang nếu bạn không phải là người đầu tiên sẽ ra ngoài. Không đứng ngả ngốn, khuỳnh chân, khuỳnh tay hay hút thuốc, tóp tép nhai kẹo cao su quá ồn ào.
Và trong không gian chung, cũng vẫn tồn tại không gian riêng của mỗi người. Đừng đứng quá gần vào người khác khi thang không quá chật. Cũng đừng nhìn chằm chằm vào họ, tốt nhất hãy tìm vị trí đặt mắt của mình lên những điểm ít có khả năng gây khó chịu cho người khác như trần thang, sàn thang hay bảng điều khiển.
Đứng ở đâu cũng cần phải động não một chút
Với tư duy lúc nào cũng phải nhanh hơn người khác một chút, vào trong sớm một chút để chắc chắn có chỗ đứng, nhiều người trong chúng ta cứ hay đứng ngay trước cái cửa thang, thậm chí dí sát mặt vào cánh cửa thép. Rồi đợi cửa mở là ào vào ngay.
Vẫn là cách chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà không đặt mình vào vị trí người khác để suy nghĩ một chút. Nếu bạn đứng như vậy, người ở trong muốn ra chắc chắn sẽ bị cản trở và họ sẽ ra khó khăn hơn và lâu hơn. Như thế, bạn có vào được trong đầu tiên thì cũng không phải là cách nhanh nhất. Hơn thế còn để lại một đống lộn xộn ở sau lưng khi luồng giao thông ra vào thang bị bạn làm tắc ngay từ đầu.
Xác định tầng cao hay thấp mà vị trí đứng cũng rất quan trọng, hãy nhường cho những bạn muốn lên tầng thấp hơn mình đứng trước. (Ảnh: Youtube)

Và hãy thử tưởng tượng, bạn đã trải qua vài phút nín thở trong chiếc thang máy đông nghẹt giờ đi làm. Chưa kể với những người sợ không gian hẹp, khi cánh cửa mở ra là một cảm giác giải thoát và thở phào nhẹ nhõm. Sau những giây phút thường là như dài nhất trong ngày đó, tự do là của bạn… ngoại trừ việc lối đi đã bị chặn đứng bởi một đám đông đang đùn đẩy nhau len vào.
Hãy đứng ở hai bên cửa thang máy, để lại khoảng trống để cho người ở trong đi ra được. Tốt nhất đừng cố tìm cách dọa người khác khi dí sát mặt vào cánh cửa. Thử nghĩ mà xem, nếu bạn là người ở trong, cửa vừa mở đã thấy một khuôn mặt sát ngay đằng trước? Nó khá là kỳ cục và thậm chí là gây giật mình đấy! Và tất nhiên, giật mình không tốt cho sức khỏe tim mạch của bạn.
Một quy tắc lịch sự khác, khi đã vào trong thang hãy nhanh chóng đứng nép vào các góc để dành chỗ cho người vào sau. Bạn có thể nhờ người bấm số tầng sau đó, chứ không nhất thiết phải bấm ngay lập tức khi vào thang trong khi làn người phía sau còn rất đông.
Vâng, đi vào như thế nào và đứng ở đâu, đó cũng là một lần bạn phải tính toán và suy nghĩ bằng cách đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của mình.
Và ngay cả ở những chiếc thang cuốn trong siêu thị, nơi công cộng, hãy luôn đứng nép sang một bên (ở Việt Nam và hầu hết các quốc gia là bên phải) để dành làn đường cho người di chuyển nhanh không có nhu cầu đứng một chỗ.
Tôi hay vào siêu thị với em gái của mình, chúng tôi sẽ vừa đi vừa khoác tay nhau kể cả lúc đứng trên thang cuốn. Điều này chẳng có gì đáng nói vì ở Việt Nam chúng ta vẫn đều đi đứng như vậy. Sẽ chẳng có kẽ hở nào trên thang cuốn, một khi đã đứng lên đó thì cứ đứng im để chiếc thang làm nhiệm vụ của nó mà thôi.
Hãy đứng sát mép tay vịn, có thể có những người phải đi vội hơn ta một chút. (Ảnh: walking-hanoi.net)

Nhưng nhìn làn người di chuyển hối hả mà vẫn thông suốt trên chiếc thang cuốn trong ga tầu điện ngầm ở Đài Loan. Tôi nhận ra có một sự khác biệt giữa bên phải và bên trái của mọi chiếc thang cuốn. Một làn cho người đứng im, và một làn cho người di chuyển.
Kể cả trên một chiếc thang rộng chưa đầy 1m, quy tắc vẫn sẽ là quy tắc, và những người có nhu cầu khác nhau sẽ vẫn được đáp ứng đầy đủ.
Một chuyến đi thang máy, đã có biết bao điều thể hiện phẩm chất và phong thái của bạn. Bạn có thể để ý một chút, giả vờ một chút khi đi ra những nước văn minh để không cảm thấy mình quá khác biệt và được tôn trọng. Nhưng nếu không là một sự rèn luyện và hình thành thói quen thì cũng chỉ là sự giảo hoạt chứ không phải là phong thái của một người có giáo dưỡng.
Tất cả mọi loại đức hạnh trên đời, đều chỉ bắt đầu từ việc hãy biết đặt mình vào vị trí của người khác. Hãy làm ngay hôm nay, không cần ai ghi nhận, ít nhất bạn sẽ tự cảm thấy hài lòng và tự tin. Chẳng có ai lại không vui khi làm điều tốt cả. Tự tạo niềm vui cho mình và tận hưởng bạn nhé!
Thuần Dương

1 nhận xét:

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...