Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

Rạng rỡ Việt Nam Chuyện Ngắn của Đỗ Kh. (Từ Văn Việt )

Năm 1969, khi lên cấp ba, tôi có thời gian đi theo đội bóng đá của trường. Lý do này thuộc ngoại vi của thể thao, tôi không có khiếu hai chân và cũng không ham mê gì môn này cả. Chẳng qua bạn thân của tôi vào năm đó là siêu sao của đội trường Michelet ở Vanves (ngoại ô Nam Paris) nên tôi từng ứng thí để có đôi với bạn, nhưng tôi không được tuyển. Đội đi đấu trường này trường nọ thì tôi đi theo, cầm bóng ném ra sân hay đưa cho cầu thủ nhà miếng nước, tức thuộc vòng ngoài ăn theo.
Felix là người bố Pakistan và mẹ Congo (thuộc Bỉ trước, có lúc gọi là Zaire). Bạn mất cha lẫn mẹ trong chinh chiến và trở thành con nuôi của một cựu thiếu tá hiến binh người Bỉ làm đốc học nội trú của trường. Ông này ít nói và hiền lành, nhưng mang quá khứ gầm gừ của biến loạn độc lập Congo, lính đánh thuê “affreux” (đáng kinh) da trắng trong cuộc chiến Katanga. Tổng thống Tshombe ly khai và thủ tướng Lumumba bị giết, chuyện Phi châu này cuối thập niên 1960 còn mới nguyên và mỗi lần đến nhà bạn tôi nghe mùi huyền thoại phảng phất.
Nhưng Felix thì chỉ mê có quả bóng và mong muốn độc nhất là trở thành huyền thoại của sân cỏ, với “thiên thần sân vận động” là câu kinh nhật tụng. Năm đó, với anh xuất sắc trong đội nhà, trường vào bán kết bóng đá của các trường trung học của thủ đô. Tôi ở trường này có đúng một năm và không gặp lại Felix nữa, ngoài thời gian đó chẳng bao giờ trở lại xem mà hò hét một trận đấu nào. Mươi năm sau trên báo, tôi thấy anh đạt được mộng ước và trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, có một chân lem nhem trong đội tuyển lúc đó vang bóng nhất ở Pháp là A.S. St Etienne.
Duyên và quan tâm của tôi với bộ môn này chỉ có vậy, ngắn ngủi. Tôi theo dõi là bốn năm một lần, những kỳ World Cup. 1974, tôi xem bằng góc mắt chiếu lại trận chung kết tại Trung tâm 3 Tuyển mộ Nhập ngũ ở Sài Gòn, 1982, tôi nằm dưới pháo tại Beirut trong cùng một phố với ông Arafat và tai gắn vào đài. 1998, tôi ở nhà tại Paris nhưng không ra phố ăn mừng đội Pháp. 2002, tôi ở đảo Cook, cả khu nghỉ mát chỉ có một cái truyền hình, vì cách kênh giờ nên phải nhắn họ bật sẵn vào giữa đêm, nhưng lại ngủ quên vì nằm trên bãi nghe sóng biển du dương. 2010, tôi tìm ra vé tận Cape Town (Nam Phi) nhưng đường đi không tới, cha con tôi trong Mall of the Emirates tại Dubai reo hò cho đội tuyển Ghana bị loại ở tứ kết. World Cup  là những cột mốc sơ sài của ký ức, như những cây số tróc màu  sơn lướt nhanh qua trên quốc lộ của cuộc đời. Nhưng những kỳ World Cup, cho tới giờ, chưa bao giờ có đội tuyển Việt Nam.
Bãi biển vẫn còn đang được tân trang và tái thiết, nhưng phần lớn công trình này đã khai trương kịp cho mùa du khách của những ngày lễ cuối năm. Vỉa hè mới tráng phía biển trên Beach Road thênh thang vào lúc đêm vẫn còn non, lác đác các nữ du khách Trung quốc dang tay tạo dáng lên hình, lẫm chẫm mấy gia đình Ấn độ. Bên kia đường phía phố chen chúc bóng đèn hải sản, các cụ phục viên da trắng quần đùi uống bia chờ đêm chậm chạp trôi qua. Khách Tây phương tại Pattaya chỉ còn các cụ này tạm trú cả mùa đông, mùa nghỉ Tết Tây giờ đã hết với thành phần có công có việc phải trở về nước mà lao động. Tôi ăn cơm tối ở Mr 99 trễ nãi, là một chỗ khá yên lành, nghe ban nhạc hạng C dạo những bài tình ca đồng hoang  đảo vắng, yester-me, yester-you, yester-day. Khi đang thả bộ về phía trung tâm mua sắm Central Festival thì tôi mới chợt nhớ ra là hôm nay có bóng đá. Đêm 16 tháng 1, trong giải AFC, Việt Nam gặp Yemen ở Abu Dhabi và cần ghi thắng ba bàn trở lên để cầm chắc vé vào vòng 16.
Ao có cái cầm nhọn và đôi mắt to khả ái.
Một vị đại tá nhảy dù lúc tôi còn bé hay thường đến nhà chơi. Tôi thủơ ấy ngưỡng mộ ông ở cái ảnh phanh áo ngực, giắt cây Colt M1911 đứng cạnh ông Diệm ở trong dinh Gia Long, tức là vào lúc tôi còn trong nôi và ông dẫn tiểu đoàn về Sài Gòn dẹp loạn Bình Xuyên. Ngưỡng mộ là phải rồi, gặp ông Diệm trong những năm về sau chỉ có đi giật lùi mà làm đổ bình bông. Có ảnh khi ông đi kinh lý bão lụt miền Trung, tổng thống được kê một cái ngai chễm chệ trên ghe nhỏ, đứng dưới bên ghe là tướng tá sắc phục chỉnh tề ủi thẳng nếp và nước ngập đến ngực! Chỉ có cỡ tướng Nguyễn Khánh là khanh bình thân và miễn lễ, vì cao như ông này thì nước ngập đến râu cằm. Hỏi phanh ba nút áo trận không oai sao được! Nhưng vị đại tá này không thấy kể những chuyện này, Đồng Xoài Bình Giã, hay lúc ông làm tư lịnh Lực lượng Đặc biệt với lại Hồn ma biên giới. Tôi chỉ được nghe thích thú, một bận ông cầm quân trên thượng du Bắc Việt, băng rừng qua một bản Thái thì gặp một cô sơn nữ đang tắm suối. Thích thú đây là ông. Chuyện này ông nói mà miệng thì cười và cặp mắt long lanh ký ức. Rồi sao nữa?
Chẳng sao gì hết, quân đi qua và cô người Thái đó tắm tiếp, vậy là hết chuyện một thời chinh chiến áo hoa rừng.
Giờ thì Ao cũng là người Thái, cô không đang tắm và tôi chẳng mời cô cũng lại đặt mông xuống ngay bên cạnh. Trên dưới người cô chỉ bận có một bộ đồ lót màu đen. Ao như vậy là người Thái đen, còn đằng kia cái cô đồ lót trắng thì là Thái trắng.
Liza Bar có lẽ vừa mới mở được vài tháng và ở ngay trên Beach Road, ngay ngoại vi của Soi 8 nhộn nhịp, nép người bên một cái hẻm không tên. Phía hẻm có một mặt kính dài, cho thấy từ bên ngoài các tiếp viên uốn éo trên bốn cái bục nhảy dưới ánh đèn chớp nháy đỏ xanh. Liza là một bar gogo “mở”, không thập thò loáng thoáng như các bar có cửa vào che bởi màn vén. Năm bảy bạn trong đồng phục lao động, tức là sú cheng-quần lót đang tụ tập ở phía khuất của con ngõ mà ăn một đĩa nhộng trần truồng (trần truồng là con nhộng, còn các cô trên như đã nói, thì đều là công chúa nội y). Mặt tiền quán thì như thân thương Hà Nội, chừng hai mét rưỡi và phố nhỏ ngõ nhỏ nhà tôi ở đó, tôi lách mình vào. Tôi chen qua hai chục tiếp viên và năm, bảy ông Tây lụ khụ, tìm được một chỗ ngồi ở cuối quán. Ở đây, các cụ này, thay vì lụ khụ ho khan ở hàng chè thì uống bia Leo 100 baht mà bàn chuyện Venezuela trong khi loa phường ra rả Prince, I only want to see you bathing in the purple rain. Khách Trung Quốc, Hàn Quốc hay Ấn Độ trung niên không có ở nơi này. Tự hào quá, Việt Nam ơi, ở nơi đây, tôi xem ra lại là người khách trẻ nhất.
Lúc tôi bật di động nhìn thì đã vào trận, còn đang tìm một đài phát hình trên máy thì Quang Hải đã ghi bàn thắng đầu tiên.
Anh là người ở đâu, Ao hỏi.
Chín bận trên mười, nếu là phụ nữ bán bar thì không ai biết Việt Nam ở xó đâu, họ nào quan tâm đến bóng đá. Ở Thái, phải dùng từ “Đông Lào”, nói nghiêm túc, hay là từ “Đông Cam Bốt”, thì họ mới hình dung ra đất nước ta một dải mù mờ.
Tôi bảo, đang có trận bóng đá.
Ao bảo, từ chiều đến giờ, em chưa có ly nước nào.
Tôi bảo, xin mời cô, và loay hoay với cái máy. Sóng 4G dật dờ như thoảng, đi qua đi lại nhấp nháy một mùi hương.
Ao hỏi, anh có hút shisha không, và đưa ra bảng giá.
Tôi gật đầu bảo cô hút thì gọi. Bar Gogo, thì có nhiều thiếu nữ ăn mặc như tiếp viên Vietjet và không phải là trên phi cơ gặp thời tiết xấu mà cô nào cũng dáng đi đứng chao đảo chỉ chực đổ vào người mình. Nhưng ngoài việc trên ra, khác các bar thường là bên trong hút thuốc thoải mái. Shisha, chẳng hiểu vì l‎ý do gì, bị quân đội cấm cùng với tác phẩm “1984” của Orwell sau khi họ đảo chánh năm 2014, giờ mới thấy kín đáo mà xuất hiện trở lại. Trong khi Ao phì phà lấy lệ thì đội ta đá “rắn và rát- nhỏ và nhuyễn- tính toán và bài bản- xử lý đẹp tình huống- phút giây bối rối thật sự và cực kỳ nhạy cảm thì có phương án- sẵn sàng dâng cao thể dạng tuyệt vời”, đây là tôi lặp lại lời của bình luận viên VTV.
Tôi ngước nhìn lên bục nhảy trước mặt, một cô đồ lót ren đỏ tuyền, thì cô này Thái đỏ, đang dâng cao thể dạng lại còn ôm cột mà ưỡn ưỡn cái cực kỳ nhạy cảm, chỉ thiếu có sao vàng là trở thành cổ động viên đi bão Viêt Nam, chí ít là bão cỡ cấp ba.
Ao thấy thế vẫy cô ta xuống.
Anh này người Việt Nam, đội nhà anh đang dẫn đầu Yemen 1-0, Ao giới thiệu.
Tôi nâng chén thì phải mời cô nước, cô vỗ tay “Hoan hô Việt Nam”! Vài ba cô khác đang rảnh rỗi thấy thế sà vào phụ họa. Giờ đội ta có năm cổ động viên áo ngực lật bật, hò reo Viêt Nam Việt Nam! Tự hào quá, Việt Nam ơi, vậy là nước mời đi một vòng rộng rãi, bà phục vụ nước thấy thế bèn xen vào “Còn mama đây thì sao?”
Bà này ngoại tứ tuần, xưng “mama” với các cô thì được, xưng “mama” với tôi là người hơn bà hai mươi tuổi thì là nhiệm mầu của thuốc nhuộm tóc. Thì tôi mời nước mama!
Mươi lăm năm trước, vào thủơ huy hoàng của thị xã, các bar Pattaya hay có một cái chuông đồng. Ai vui tính đến rung chuông là trả một chầu nước cho cả quán, cả cho khách ngồi lẫn cho các bạn đang nhún nhún giúp vui. Đến thời kỳ khủng hoảng thì các chuông này rỉ sét, nhưng lần này tôi mới thấy tái hiện mấy cái gần các bục nhảy của một bar là dấu hiệu reng reng của kinh tế phục hồi. Loại chuông mới này chỉ báo trả tiền nước một chầu cho các cô đang nhảy trên bục đó thôi chứ không phải cho cả quán. Từ từ mà tiến, khi nào “Thailand Great Again” thì mới đặt lại chuông inh ỏi ở lối ra vào.
Không cần chuông thì tin tốt cũng rung xa, thêm vài cô từ đâu tụm lại đòi nâng ly, giờ phe ta trong quán có đến bảy, tám mà Yemen chẳng có mạng ủng hộ nào. Tôi thấy nguy, bèn giảm cường độ bằng cách giải thích là, 1-0 chẳng đi đến đâu cả, chưa thể vào vòng 16.
Các cô nhao nhao “2-0! 2-0!”.
Lúc đó Quế Hải ghi luôn bàn thắng thứ nhì và “2-0”, cả nửa bar cảm xúc vỡ òa. Nước lại đi một, hai vòng nữa, vòng trong và vòng ngoài. Các cô đến lượt lên bục nhảy bỏ đi thì các cô mới xuống vào thay thế, cô nào cũng cười tươi trong niềm vui chiến thắng của đội Golden Dragons, Rồng vàng cả nước chứ không phải của chỉ mình Bảo Hiên Hải Dương.
Giờ thì Ao ôm tôi luôn vào lòng. Tôi không phải thủ môn nên tay tôi để yên một chỗ, Ao cầm lấy một tay mà đặt lên lườn của nàng trước tíu tít của các bạn đồng nghiệp chướng. Cô bày cách truyền khói shisha cho tôi bằng cửa… miệng. Ao tốt bụng, tuy có gọi chị em đến cùng uống nhưng giờ tôi có những mươi bạn vây quanh thì Ao cũng phải biểu hiện riêng tư khác người, chứ ưỡn đùi thì ai mà chẳng ưỡn bên cạnh. Tôi không có tâm trí nào để thụ hưởng sái thuốc mà tính nhẩm trong bụng, hết thằng Quang lại thằng Quế, hai thằng Hải này hại ta! Giờ mà 3-0 nữa là tôi không đủ tiền trả, phải để lại di động làm tin mà ra máy ATM. Mãnh hổ (là tôi đây) nan địch quần hồ (ly tinh), nhưng tôi đã có Ao bảo vệ sát… nách trước cầm thú trùng trùng. Ao như Triệu Vân phò ấu chúa Đương Dương Trường Bản, cô ghé ngực phập phồng và thì thầm vào tai “Em chưa thăm Việt Nam, khi nào anh về nước anh dắt em đi theo cho biết”.
Tôi bảo, sang Việt Nam là 5.000 bath.
Ao hỏi, 5.000 bath là anh cho em?
Tôi nói, không, 5.000 bath là giá vé máy bay khứ hồi. Ý tôi là quảng bá và khuyến khích các cô du lịch và sang thăm đất nước ta, khiến Ao phà khói vào mặt tôi phụng phịu. Em hổng chịu, có anh hướng dẫn thì em mới tìm hiểu vẻ đẹp tiềm ẩn.
Năm nào đó, cũng ở thành phố ven biển này, tôi đã thấy mấy cô ngồi bar đập bàn hô theo nhịp “Dae Han Min Guk” (vỗ tay 3 cái) và cụng ly với mấy anh Cao Ly. Ta giờ đâu có kém, và tôi hình dung là nếu Việt Nam vô địch châu Á, tôi sẽ dắt cả đội cổ động này về mặc đồ lót đi bão vòng Nhà thờ Đức Bà.

Việt Nam vô địch, niềm kiêu hãnh dân tộc nào cũng có một cái giá.

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...