Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Trải Nghiệm Cận Chết: Những Câu Chuyện Dị Thường Có Thật

Trải nghiệm cận chết: Những câu chuyện dị thường có thật
 Trải nghiệm cận chết được xem là một trong những bí ẩn hàng đầu của khoa học. Bản thân bạn đã từng gặp hiện tượng này sau khi đọc những câu chuyện dị thường có thật dưới đây?
Cận tử: Ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết
Trải nghiệm cận chết là một hiện tượng có thật và khá phổ biến ở hầu hết các nền văn hóa. Nó đã được ghi nhận trong cổ thư Hy Lạp, Ai Cập, Phật giáo, Thiền học, sử gia Herodotus, Plato và Plutarch.
Điều mới mẻ và đáng chú ý là trong đời sống hiện đại, hiện tượng này không hề hiếm.
Khoa học định nghĩa kinh nghiệm (trải nghiệm) cận tử hay kinh nghiệm cận chết (Near-death experience - NDE) là một trải nghiệm được kể lại bởi một người suýt chết hoặc đã bị chết lâm sàng và được cứu sống.
 Thoát xác được xem là trải nghiệm của hiện tượng cận tử. Hình minh họa.
 
"Thoát xác" được xem là trải nghiệm của hiện tượng cận tử. Hình minh họa.
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, cứ trong 100 người chúng ta thì có đến 15 - 20 người đã từng trải qua trạng thái cận chết.
Đa phần chỉ một vài lần trong đời, nhưng một số khác khá thường xuyên và một số ít thì luyện được cách thoát xác bất cứ khi nào họ muốn.
Hội Tâm học Mỹ ghi nhận qua nhiều cuộc khảo cứu, qua kinh nghiệm của nhiều người trên thế giới, thấy rằng: Trải nghiệm cận chết là hiện tượng tự nhiên nhiều người đã trải qua nhưng ít ai để ý đến nó.
Theo số liệu từ các cuộc nghiên cứu, 53% người bị giật mình trong giấc ngủ, đó là khi linh hồn họ nối lại với cơ thể sau giai đoạn thoát xác (out-of-body experience).
52% người khi ngủ cảm thấy thân xác tê liệt không cựa quậy được vì đó là lúc linh hồn đang tạm thời lìa khỏi thân xác, khi đó ý thức không điều khiển được thân xác.
Tuy nhiên, chỉ có 5% ý thức được rằng họ đã trải qua hiện tượng linh hồn tạm rời khỏi xác ít nhất một lần trong đời.
Những câu chuyện trải nghiệm cận chết dị thường có thật trên thế giới
Câu chuyện thứ 1
Tiêu biểu cho các trường hợp cận chết là trường hợp của ca sĩ Pam Reynolds. Cô trải qua tình trạng cận chết trong một lần phẫu thuật não vào năm 1991. Các bác sĩ phải hút hết máu trong vùng não phẫu thuật để tiến hành xử lý vùng mạch máu bị phình ra.
Trong lúc các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho Reynolds, cô đã rơi vào tình trạng cận chết và cảm nhận thấy những hình ảnh bản thân đang bước gần đến ranh giới giữa sự sống và cái chết.
Khi tỉnh lại, Reynolds kể lại rằng, cô đã thấy mình thoát ra khỏi thể xác đang nằm trên bàn mổ và lơ lửng trong không trung.
Nhìn xuống dưới, Reynolds thấy thể xác cô đang được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật, 20 người đang đứng quanh bàn mổ và Reynolds có thể kể lại từng chi tiết các vật dụng y tế mà từng bác sĩ đã cầm trên tay để tiến hành ca mổ cho cô.
Cũng như việc các bác sĩ đã tiến hành hạ nhiệt độ cơ thể và hút máu ra khỏi não của cô như thế nào...
Trong suốt thời gian diễn ra hiện tượng cận chết, theo lời kể của Reynolds thì cô đã gặp và nói chuyện được với người mẹ và người cậu đã mất của mình. Họ đã yêu cầu cô quay trở lại phòng mổ và bất ngờ sau đó, khi ca mổ kết thúc, Reynolds đã tỉnh lại.
Ngay sau khi ra viện, Reynolds đã bị ám ảnh bởi những điều kỳ lạ mà cô đã trải qua trong ca mổ, cô đã kể lại những chuyện này với các bác sĩ chuyên khoa thần kinh và được lý giải là cô đã rơi vào trạng thái cận chết.
Kiểm tra lại cuốn băng quay lại các cảnh trong phòng mổ, các nhà khoa học đã ngạc nhiên nhận thấy mọi việc đã diễn ra đúng như mô tả của Reynolds.
Mặc dù trong lúc đó, mọi người đều khẳng định hai mắt nhắm nghiền và cô đã ở trong tình trạng gây mê để tiến hành phẫu thuật.
Câu chuyện thứ 2
Câu chuyện ký giả Bob Woodruff, bị thương ở đầu và não ngày 24/1/2006 trong khi làm phóng sự cho đài truyền hình ABC ở Iraq là một câu chuyện màu nhiệm của y học hiện đại.
Quả bom đặt bên đường nổ phá rách phần bên trái xương sọ cùng những mảnh vụn phá hủy một phần não bên trái. Một mảnh bom đi xuyên ngang cổ từ trái sang phải, dừng lại trước động mạch cổ của ông chỉ vài ly.
Với thương tích trầm trọng như vậy mà Bob Woodruff không chết. Ông hôn mê 36 ngày và một năm sau đã hồi phục hơn 90% sức khỏe.
Một năm sau, ông Bob Woodruff vẫn còn nhớ rất rõ khi nằm trên giường cấp cứu ông đã rơi vào trạng thái hồn lìa khỏi xác rồi sau đó lại nhập vào xác như thế nào:
“Tôi nhìn thấy thân thể mình bay lơ lửng bên dưới và cảm thấy một khoảng không gian trắng xóa...”.
Câu chuyện thứ 3
Heather Sloan - một y tá làm việc tại Southampton (Anh) cho biết: Cô từng bị rơi vào trạng thái cận tử bí ẩn khi bị một cơn sốc do chảy máu nội tạng. Điều cuối cùng mà cô nhớ được là việc cô được đưa vào bệnh viện.
Sau đó, cô nhận thấy mình đang đứng cạnh giường của một bệnh nhân. Theo thói quen nghề nghiệp, Sloan bắt đầu tiến hành các thao tác kiểm tra nhiệt độ và huyết áp cho bệnh nhân.
Song cô bất ngờ nhận ra rằng bệnh nhân đang nằm trên giường bệnh đó lại chính là cơ thể của mình.
Cô Heather cũng kể lại rằng: Khi ấy cô có cảm giác như mình đang từ từ bay lên không trung. Phía trên đầu là hàng trăm người đang đứng đợi cô, họ nói cho cô biết rằng cô đã bị mất đứa con nằm trong bụng mình.
Y tá Heather bất chợt nhận ra rằng mình đang bị chết. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau đó, Heather đột ngột thoát khỏi tình trạng cận tử. Cô dường như quay trở lại với thể xác của chính mình và tỉnh lại.
Khi tỉnh lại, các y tá kể lại cho Heather biết là cô vừa bị mất đứa con chưa kịp chào đời, điều mà trên thực tế, cô đã biết trước trong lúc rơi vào trạng thái cận tử.
Câu chuyện thứ 4
Trường hợp của Gary Williams - một bệnh nhân người Anh là một ví dụ khác về hiện tượng cận tử xảy ra trong bệnh viện. Gary kể lại rằng anh phải trải qua một ca phẫu thuật nguy hiểm vì mắc bệnh tim.
 Hình minh họa. Hình minh họa.
Các bác sĩ đã bơm vào cơ thể anh một loại thuốc kháng sinh mà Gary vốn bị dị ứng với nó. Mặc dù trong suốt quá trình tiến hành phẫu thuật, bản thân Gary đã được gây mê và không biết gì.
Song ngay sau khi hiện tượng dị ứng với kháng sinh xảy ra, anh bỗng nhận thấy dường như anh đang lơ lửng và đang từ từ bay lên không trung, thoát khỏi cơ thể đang nằm bất động của mình.
Bệnh nhân cũng cho biết, khi đó anh nhìn thấy chị gái mình đang ở bên cạnh giường bệnh và cầu xin các bác sĩ điều gì đó.
Sau đó Gary nhìn thấy các bác sĩ tiến hành tiêm cho mình. Anh bỗng nhiên có cảm giác như mình bắt đầu hạ thấp xuống và quay trở lại với cơ thể đang nằm yên bất động trên giường bệnh.
Ngay sau khi tỉnh lại, Gary đã kể lại toàn bộ câu chuyện của mình cho các bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho anh, và các bác sĩ khẳng định rằng hiện tượng mà anh gặp phải chính là một dạng cận tử.
Câu chuyện thứ 5
Trong trường hợp của một bệnh nhân khác sống tại Paris (Pháp), một phụ nữ có tên là Mulholland kể lại rằng bà đã từng chết và cảm nhận thấy cái chết của mình khi tim ngừng đập. Bà thấy mình đang rời khỏi thân thể và từ từ bay lên trần nhà.
Trong lúc ấy, mặc dù các bác sĩ khẳng định là cơ thể bệnh nhân đã được gây mê và không hề nhận biết được gì.
Song khi bà Mulholland kể lại cho họ nghe những gì bà đã nhìn thấy trong phòng phẫu thuật của mình và những gì các bác sĩ đã thao tác trong quá trình tiến hành phẫu thuật cho bà, thì họ vô cùng ngạc nhiên.
Bà Mulholland cũng cho biết: Khi đang dần bay lên không trung, bà đã ra sức để với xuống, chỉ vì không muốn xa rời chồng và con gái, nên bà đã cố không để mình rời khỏi cơ thể đang nằm bên dưới.
Sau ca phẫu thuật, bà Mulholland đã tỉnh dậy và biết rằng mình đã rơi vào trạng thái cận tử. Tuy nhiên, 3 ngày sau đó, bà không thể vượt qua căn bệnh hiểm nghèo và đã chết thực sự.
Là người làm trong lĩnh vực khoa học và trực tiếp trải qua hiện tượng cận tử, y tá Shirley Learthart kể lại rằng:
Trong suốt 10 năm phục vụ trong các bệnh viện của Anh, bà đã từng tiếp xúc, nói chuyện và nghe rất nhiều câu chuyện từ những bệnh nhân khác nhau bị rơi vào cận tử.
Họ không quen biết nhau, song tất cả những câu chuyện mà họ kể về tình trạng họ từng trải qua thì đều có một nội dung khá tương tự nhau.
 Trong thời gian trải qua cận tử, họ hầu như đều bị rơi vào một đường hầm tối đen với duy nhất một nguồn ánh sáng chói chang ở phía cuối đường hầm. Hình minh họa.
Trong thời gian trải qua cận tử, họ hầu như đều bị rơi vào một đường hầm tối đen với duy nhất một nguồn ánh sáng chói chang ở phía cuối đường hầm. Hình minh họa.
Trong thời gian trải qua cận tử, họ hầu như đều bị rơi vào một đường hầm tối đen với duy nhất một nguồn ánh sáng chói chang ở phía cuối đường hầm. Họ đang tiến về phía ánh sáng ấy, thì bỗng nhiên, như bị kéo trở lại và sau đó thấy mình tỉnh lại.
Khả năng dị thường trong trạng thái cận tử
Theo GS. Susan Blackmore - người đã nghiên cứu hiện tượng thoát xác và kinh nghiệm cận kề cái chết hơn 30 năm thì đây là “kinh nghiệm mà dường như một người cảm nhận được thế giới từ một vị trí nằm ngoài cơ thể vật chất”.
Còn theo nhà nghiên cứu Irwin, thoát xác là trường hợp mà “trung tâm ý thức có vẻ nằm ở vị trí cách chia với cơ thể”.
Đa số những người đã trải qua hiện tượng cận tử cũng thừa nhận rằng có một cái gì đó đã thoát khỏi thân xác mình.
Chính vì trạng thái ý thức, linh hồn tách rời khỏi cơ thể đó mà khi người ta rơi vào trạng thái này thường có khả năng thu nhận thông tin từ môi trường một cách dị thường mà bình thường họ không thể thu nhận được.
Có người thì nhìn thấy thân thể mình đang bị mổ xẻ hay đang được cấp cứu hồi sinh. Có người lại khẳng định rằng họ có thể nhìn và nghe thấy bất cứ việc gì ở bất cứ đâu trong trạng thái thoát xác.
Họ có thể gặp lại người thân trong gia đình hay bạn bè dù đang ở cách xa hàng ngàn km hay có thể nghe thấy tiếng nói vẳng đến từ rất xa...
Nhà nghiên cứu những hiện tượng huyền bí Joe West (Mỹ) từ lời kể của những nhân chứng, năm 1991 đã viết thành cuốn sách nói về những điều bí mật lạ kỳ đáng lưu ý ở nước Mỹ (Great American Mysteries) ông ghi nhận rằng:
Có đến hơn 3.000.000 người Mỹ đã trải qua những kinh nghiệm về sự rời lìa của chính họ ra khỏi thân xác họ trong những trường hợp khác nhau như tai nạn, bệnh tật, mổ xẻ...
Có người thấy rõ được mình đã rời khỏi thể xác và đi khá xa đến những nơi mà khi mô tả lại đều trùng hợp với những gì kiểm chứng sau đó từ thời gian, địa điểm, địa danh, sự việc xảy ra...
Hiện tượng “nói chuyện với người chết” khá phổ biến trên thế giới cũng là một ứng dụng khả năng dị thường trong trạng thái hồn tạm thời lìa khỏi thân xác của con người.
Khi đó, tâm trí rời ý thức để tới vô thức và tiềm thức, cho phép vận hành hệ xử lý tiềm thức với độ nhạy cảm cao.
Nhờ đó, người ta có thể đọc được ý nghĩ của những người xung quanh, thậm chí có thể thu được bức xạ tàn dư từ người đã chết và thu được một số thông tin về người đã chết.
Ngoài ra, trong trạng thái hồn tạm lìa khỏi xác, có người còn làm được thơ, chữa được bệnh... những khả năng mà lúc bình thường họ không làm được.
Ngoài những khả năng dị thường này, hiện tượng hồn tạm lìa khỏi xác còn mang lại khá nhiều lợi ích.
73% những người đã trải qua trạng thái này trong cuộc nghiên cứu cho thấy họ yêu đời hơn, 88% thay đổi quan điểm sống, 60% cảm thấy có liên hệ xã hội tốt đẹp hơn.
Vì tất cả những đặc điểm đó mà hiện nay, hiện tượng này đang được giới khoa học quan tâm nghiên cứu nhằm tìm cách hiểu rõ hơn những khả năng bí ẩn của con người.
Khoa học vào cuộc...
Cho đến nay, trên thế giới có hai cách giải thích cơ chế của “trải nghiệm cận chết”: Theo tôn giáo và khoa học.
Các lý thuyết tôn giáo cho rằng, con người có linh hồn. Khi người ta sắp qua đời, linh hồn tách ra khỏi cơ thể, đi tới thế giới bên kia - một chiều không gian khác thông qua nhưng đường hầm ánh sáng.
Trước đó, linh hồn có khả năng đặc biệt là trải nghiệm lại tất cả những gì đã từng xảy ra khi còn sống.
Lý thuyết khoa học không cho rằng như vậy. Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu, “trải nghiệm cận chết” là một hiện tượng sinh lý tự nhiên phức tạp chứ không hoàn toàn là tâm linh.
Khi cái chết thông thường diễn ra, ở người bệnh sẽ xuất hiện các dấu hiệu ngừng thở, một vài phút sau, nhịp tim đập chậm lại và ngừng hẳn.
Tuy nhiên, nếu quá trình này diễn ra theo trình tự nhịp tim ngừng đập trước do mạch ngừng hoạt động, hơi thở ngừng trong một vài giây, thì thời điểm diễn ra tình trạng chết lâm sàng bắt đầu xuất hiện.
 Não bộ không hề bị tổn thương trong suốt thời gian diễn ra tình trạng này. Hình minh họa.  
Não bộ không hề bị tổn thương trong suốt thời gian diễn ra tình trạng này. Hình minh họa.
Trong tình trạng này, nhận thức thông thường của người bệnh có thể bị mất trong vài giây diễn ra cái chết lâm sàng, song não bộ không hề bị tổn thương trong suốt thời gian diễn ra tình trạng này.
Cơ chế gây ra “trải nghiệm cận chết” nằm ở hoạt động của não bộ. Con người thực ra nhìn, cảm nhận đều bằng não, các giác quan chỉ tiếp nhận tín hiệu từ bên ngoài mà thôi.
Bằng chứng rõ nhất là trong y tế, bệnh nhân sử dụng thuốc có ketamine hay PCP đều có thể trải qua tình trạng tương tự. Nhiều bệnh nhân còn tưởng mình đã chết thật khi đang điều trị bằng các hóa chất trên.
Do đó, khi sắp qua đời, những bộ phận, giác quan cơ thể trở nên yếu đi, khiến con người dễ dàng rơi vào trạng thái nửa tỉnh, nửa mê.
Trạng thái đó cùng với việc não thiếu oxy là nguyên nhân khiến vì sao con người trải qua những hình ảnh tưởng tượng, mơ hồ không rõ thực hư.
Thêm vào đó, đối với những người bị chấn thương, lượng hormone endorphin tiết ra càng nhiều, chính là nguyên nhân trực tiếp của những ảo giác ta thấy.
Endorphin được coi là hormone giảm đau của cơ thể, giống như một loại thuốc phiện do chúng ta tự sản sinh. Chúng gây ức chế thần kinh, tạo ra nhiều hình ảnh siêu thực trong não bộ.
Do đó, việc những người sắp chết thường nhìn thấy những hình ảnh lạ trong tiềm thức cũng như được gặp thiên thần, chúa trời cũng là điều dễ hiểu.
“Trải nghiệm cận chết” là một đề tài hấp dẫn và có sức hút lớn với nhiều nhà nghiên cứu. Hiện nay, khoa học mới chỉ tiếp cận và giải thích được một phần nổi của những cảm giác ấy.

Theo Trí thức trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...