Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

NHỮNG KỶ NIỆM VỀ NĂM HỌC ĐẦU TIÊN CỦA NÔNG LÂM SÚC LONG HOA TÂY NINH


Phan Minh Đẩu
Nhanh thật. Mới đó mà đã 50 năm, nửa thế kỷ. Trong cuộc đời 48 năm dạy học của mình (1965-2013), trãi qua rất nhiều trường, với nhiều thế hệ học sinh, nhưng tôi không bao giờ quên được tình cảm ấm áp của những ngày thầy trò bên nhau ở mảnh đất Long Hoa thân thương. Lục lại trí nhớ già nua của mình tôi ghi lại một số kỷ niệm về năm học đầu tiên của Nông Lâm Súc Long Hoa Tây Ninh, để nhìn lại ai còn, ai mất…Có việc còn nhớ, có việc đã quên và có việc nhớ cũng không rõ lắm…
Bài này là nén hương thương nhớ thầy Trần Văn Gòn, bạn thân của tôi.

Đó là năm học 1965-1966. Đây là năm học đầu tiên tôi bước vào nghề dạy học. Cũng là năm đầu tiên ba tiếng Nông Lâm Súc trìu mến được hiện diện tại vùng đất thánh Long Hoa.


Long Hoa lúc bấy giờ là một thị trấn nhỏ. Đường đi hầu hết là đường đất gồ ghề chưa quy hoạch hình bát quái như bây giờ. Hai con đường chính dẫn vào thị trấn vẫn là đường ra ngã ba Giang Tân và đường đi ra thị xã Tây Ninh qua cua Lý Bơ (ở đây có lớp dạy Anh Văn của thầy Lý Văn Bơ). Hồi đó đương đi từ Long Hoa qua Ao Hồ chỉ là một con đường nhỏ, lầy lội.
Chợ Long Hoa là nơi tập trung đông đúc dân cư nhưng cũng không sầm uất lắm. Ngoài Long Hoa thị, còn có một số cửa hiệu tạp hóa, tiệm bán ra-đi-ô, thuốc Bắc, uốn tóc, cơm, phở… Đăc biệt có hai nhà vẽ quảng cáo là Hoa Mai và Hoàng Oanh. Hồi đó, buổi sáng tôi thường ra quán Bình Dân ăn phở. Quán do một người Bắc làm chủ nhưng ngon và rất đông khách. Buổi trưa, buổi tối ăn cơm ở quán Phú Hiền, gần tiệm uốn tóc Tân Tiến do ba của em Trần Hai, học sinh Nông Lâm Súc làm chủ. Buổi trưa thường mua nước đá ở nhà Ngô Hoài Sáng, gần tiệm thuốc Bắc Hạnh Lâm.
Phương tiện di chuyển trong thị trấn chủ yếu bằng xe đạp và xe lôi đạp. Hồi đó chưa có điện, nước. Người dân xài bằng nước giếng và đèn dầu.

Trường Cộng đồng Long Hoa tọa lạc trên một khu đất khang trang nằm giữa Quận Phú Khương và Xã Long Thành. Sân trường rộng rãi, thoáng mát, trồng nhiều cây bã đậu. Trường có 2 cổng: cổng chính quay mặt về phía núi Bà Đen, đối diện là cổng phụ. Cổng phụ sau này được xây lại thành cổng chính. Toàn trường có ba dãy phòng học cho học sinh Tiểu học, một dãy cho Trường Trung học Phú Khương và một dãy danh cho các Nông Lâm Súc (năm 1967 xây thêm một dãy dành cho Trường Trung học Nông Lâm Súc Tây Ninh).

Năm học 1965-1966 là năm đầu tiên Nha Học vụ Nông Lâm Súc mở thí điểm các lớp 6 Nông Lâm Súc tại Bình Dương và Tây Ninh nên tất cả đều mới mẻ. Trước đó toàn miền Nam chỉ có 3 Trường Trung học Nông Lâm Súc (Huế, Cần Thơ, Bảo Lộc) và chỉ tuyển sinh vào lớp 8 và lớp 10, Chương trình lớp 6 Nông Lâm Súc gồm hai khối kiến thức: văn hóa phổ thông và chuyên môn. Các môn văn hóa học đầy đủ như học sinh phổ thông. Thầy Trần Văn Gòn dạy Việt văn, thầy Trần Minh Thấu dạy Toán, thầy Nguyễn Văn Đôi dạy Lý Hóa, Cô Phạm thị  Hòa dạy Anh văn. Các môn chuyên môn bao gồm: canh nông, thủy lâm, mục súc, công thôn và thực hành nông trại. Môn lý thuyết canh nông, thủy lâm, mục súc mời các vị trưởng ty (Giám đốc Sở) ở Tây Ninh về giảng. Tôi được phân công dạy môn Công thôn và thực hành nông trại nông lâm. Thầy Nguyễn Tấn Tài dạy thực hành nông trại mục súc.
Học sinh đa số là ở vùng Long Hoa và phụ cận. Cũng có một số em ở Gò Dầu, Cẩm Giang, Trà Võ lên. Tuổi tác rất chênh lệch nhau. Lớn tuổi nhất bên nam là Danh (Rê, còn có tên là U-rê đỏ), Mạnh, Hạnh, Lo,… Lớn tuổi nhất bên nữ có Cúc, Gấm, Khanh (Khanh lớn), Huệ (Đặng Bạch Huệ), Dung, Huyên, Khuyến, Trần Hai, Ánh…. Các em nhỏ tuổi hơn như Điệp A (lớp có 3 Điệp, Điệp A, Điệp B và Điệp C), Nam, Thắt, Hai, Lộc, Quản, Mỹ Ngọc, Diệp, Trãi, Vân, Hương, Bành thị Kim Khanh, Hứa, Diệu, Mẫn, Xuân Điệp …Ở gần nhà tôi thì có Thái, Sáng, Thủy, Tuyết…

Đây là xứ đạo nên học sinh rất hiền lành, lễ phép và chăm học. Hồi đó, hoc sinh chưa mặc áo nâu. Học lý thuyết nam sinh áo trắng quần xanh, nữ sinh mặc áo dài trắng. Riêng giờ thực hành nông trại thì mặc áo màu xanh nước biển như học sinh các trường kỹ thuật (ý này do tôi đưa ra).

Trong những học sinh các lớp NLS có 2 em học rất giỏi đó là Võ Văn Thắt và Mỹ Ngọc. Em Thắt thì đã qua đời nhưng tôi cũng đã gặp đươc em một lần trong kỳ họp mặt tại Tây Ninh. Mỹ Ngọc thì tôi có đến nhà ở gần Tòa Thánh. Có một học sinh rất thông minh nhưng bỏ học nửa chừng là Đặng Ngọc Huệ cùng với Lâm Kim Dung là dân Gò Dầu lên học. Về báo chí thì có Nguyễn Văn Điệp A, Nguyễn Quốc Nam. Thầy Trần Văn Gòn và tôi có ra một tờ bích báo với tên là TRẺ. Thầy Gòn tham gia viết bài với bút danh Phong Lan, tôi phụ trách trang trí và viết một số bài. Nguyễn Văn Điệp và Nguyễn Quốc Nam đã có khiếu thơ văn từ thời đó . Còn tôi, thì sau năm 1972 đã không còn giảng dạy các môn Nông học nữa mà chuyển sang dạy văn học.
Cũng như các trường Nông Lâm Súc khác, ngoài phần học trên lớp, môn thực hành nông trại rất được chú trọng. Trường đã tận dụng các khu đất sau các dãy phòng học làm khu thực hành nông trại canh nông. Trong năm học đầu tiên này, tôi đã hướng dẫn các em trông bắp. Chiều chiều từng nhóm học sinh vun gốc, bắt sâu, tưới cây. Ấn tượng nhất để lại trong tôi là ngay sau các giờ lý thuyết nhiều em nữ sinh mặc áo dài trắng cũng xách thùng tưới cây, cười nói vui vẻ. Kết quả là năm đó bắp rất tốt, trái nhiều và tôi đã viêt một bài được đăng trên trang đầu của tạp chí Cải tiến nông thôn của trung tâm Quảng bá Nông nghiệp và sau đó tờ báo Hương quê cũng đăng lại bài này. Giờ thực hành thủy lâm chủ yếu là trồng cây bạc hà do Ty Thủy lâm cấp. Nhờ đó, trong một thời gian, xung quanh trường đã được bao phủ những hàng bạc hà thật đẹp.
Ngoài các giờ thực hành tại trường, thầy trò cũng đi xe đạp thực tập ở Khu tầm tang Bến Kéo hoặc các nông trại gia đình.

Trong cuộc đời dạy học của mình, những ngày sống ở Tây Ninh là những in đậm trong tôi nhiều kỷ niệm nhất. Hồi đó, tôi còn độc thân, sống một mình trong căn nhà trọ ở Long Hoa. Thời chiến tranh, đí lại khó khăn nên nhiều năm tôi không về quê ăn Tết được. Ngày Tết mà ở một mình thì buồn thật. Biết vậy, nhiều bạn bè và học sinh đã mời tôi về nhà ăn Tết. Những ngày tôi đau ốm, nhiều em đã đến chăm sóc tôi cho đến lúc bình phục. Tôi không bao giờ quên được những tình cảm cao đẹp đó.
Viết những dòng này để nhớ lại những chuyện 50 năm trước và xin gởi gắm những tình cảm yêu thương và biết ơn của tôi đến những bạn bè và học sinh đã sống cùng tôi trong những năm đầu của Nông Lâm Súc Long Hoa Tây Ninh.
Phan Minh Đẩu.
( ảnh : Thầy PM.Đẩu cầm micro)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

EM MÙA THU, CHIỀU MƯA THÁNG MƯỜI - Thơ Ngọc Ánh

Tranh Hứa Xuân Trường EM MÙA THU Em ďi dưới nắng Xuân hồng đó Mái tóc mây trời trong trắng bay Má đào đã ửng hây hây đỏ Em thướt tha ngời tr...