Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Hội chứng "nổ trong đầu"



“Tôi bị hội chứng nổ trong đầu!” Hội chứng này thật kỳ lạ, thật khó chịu nhưng lại khá phổ biến.
Helan Thomson chuyện trò với một người mắc hội chứng “nổ trong đầu”, và phát hiện ra là ta có thể lý giải những trải nghiệm rất khó chịu, chẳng ai muốn, thậm chí tệ như bị người ngoài hành tinh bắt cóc này.
"Bất chợt có tiếng ầm ĩ mạnh dần, sau đó là tiếng nổ chói tai rất to, tiếng lạo xạo như kiểu toé tia lửa điện hay đèn loé sáng, hệt như có ai đó rọi thẳng đèn pha vào mặt tôi.”
Niels Nielsen mô tả "hội chứng nổ trong đầu" như vậy - một cảm giác khó chịu và đôi khi rất đáng sợ.
Nhiều người cảm thấy như có bom nổ bên tai lúc bắt đầu ngủ.
Có người chỉ gặp chứng này một lần trong cả đời, nhưng một số người thì lâm vào tình trạng tồi tệ hơn nhiều, có thể bị đi bị lại trong cùng một đêm.
Hội chứng rối loạn chức năng này được bác sỹ Silas Weir Mitchell nhắc đến lần đầu vào năm 1876, khi ông mô tả hai người đàn ông mắc phải hội chứng mà ông gọi là "nổ giác quan" – khi họ bị đánh thức vì những tiếng như tiếng chuông vang rền hay tiếng súng nổ chát chúa trong đầu.

Hội chứng "nổ trong đầu"

Dù hội chứng này có tên gọi rất gợi trí tò mò, nhưng cho tới hiện tại có rất ít nghiên cứu về nó.
Có thuyết cho rằng hội chứng này có thể giải thích được những hiện tượng xã hội khác thoạt nghe chẳng liên quan gì, như chuyện bị người ngoài hành tinh bắt cóc, các thuyết âm mưu của chính phủ hay ma quỷ siêu nhiên.
Vậy con người đã biết gì về những nỗi khó chịu thường xảy ra vào ban đêm này?
Hoá ra đây cũng phải là điều quá hiếm thấy! Trong một nghiên cứu ra hồi tháng Ba 2015, tới 18% trong số 211 sinh viên được hỏi cho biết là có bị hội chứng này.
Tuy nhiên, tỉ lệ này có thể không phản ánh thực tế của tất cả mọi người, do sinh viên là nhóm người thường xuyên đói ngủ, một yếu tố làm gia tăng khả năng mắc phải hội chứng “nổ trong đầu”.
 Image copyright Thinkstock 
  Image caption Hội chứng "nổ tung đầu" hóa ra không phải là rất hiếm gặp

"Nếu bạn có bất kỳ yếu tố gián đoạn giấc ngủ nào như bị mất ngủ hoặc mất ngủ do lệch múi giờ, bạn có nguy cơ mắc phải hội chứng này cao hơn," Brian Sharpless, trợ lý giáo sư tâm lý học tại Đại học bang Washington, người đứng đầu nghiên cứu nói. "Căng thẳng và áp lực tinh thần cũng làm gia tăng tình trạng này.”
Có một số thuyết về nguyên nhân dẫn tới hội chứng “nổ trong đầu” dựa trên những suy đoán, theo Sharpless, chẳng hạn như bệnh về tai hoặc những cơn động kinh cục bộ.
Nhưng thuyết thú vị nhất lại dựa trên các theo dõi hoạt động của não bộ vào ban đêm ở nhóm người mắc phải các triệu chứng này.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng có những bùng phát hoạt động của não bộ trùng hợp với lúc xuất hiện các triệu chứng kể trên.
Thông thường, khi ngủ, cơ thể chúng ta sẽ rơi vào trạng thái nghỉ ngơi và chúng ta chỉ còn “hoạt động” trong các giấc mơ.
Khi chuyển trạng thái từ thức sang ngủ, não sẽ “tắt dần” các phần chức năng của mình, theo Sharpless.
Tuy nhiên, với hội chứng "nổ trong đầu", có một chút “giật cục” với các phần của não trong việc “tắt dần” để nghỉ ngơi, khiến cả hệ thống không tắt đều mà có những chỗ bị tắt chậm hơn.
Sự chậm trễ này liên quan đến ức chế sóng não alpha vốn làm ta buồn ngủ, và có một sự bùng nổ bất chợt ở phần não chịu trách nhiệm xử lý âm thanh.
“Chúng tôi cho rằng tất cả các tế bào thần kinh ở đó cùng lúc “khai hoả,” ông nói, khiến cho xuất hiện một tiếng nổ lớn trong đầu bạn.
“Lý thuyết này có vẻ hợp lý,” Nielson nói. "Nó rất giống với lúc có phản ứng điện. Lúc một người cảm thấy có một vụ nổ là lúc người đó nghe một tiếng nổ rất lớn ở cả hai bên tai, giống như ta cầm hai đầu dây điện và chập chúng lại với nhau."
 Image copyright Thinkstock  
Image caption Một số người tin rằng họ bị người ngoài hành tinh bắt đi trong lúc ngủ

Sharpless cho biết một số người cũng cảm thấy như điện giật truyền từ phần ngực dưới lên trên đầu, ngay trước khi hội chứng này bùng lên. “Cảm giác giống hệt như bị điện giật,” Nielson nói. “Khi đó bạn cảm thấy như bị điện phóng qua người.”
Hiện nay chưa có liệu pháp nào để điều trị, nhưng các thuốc chống trầm cảm, các liệu pháp chống trầm cảm và thư giãn được tin là có thể giúp giảm bớt tác hại.
“Bạn có thể giúp người bị mắc hội chứng “nổ trong đầu” bằng cách trấn an họ không hề bị thần kinh, có u não hoặc bị các chứng rối loạn não khác,” Sharpless nói.

Nỗi kinh hoàng "bóng đè" trong giấc ngủ

Vậy còn những vụ bắt cóc của người ngoài hành tinh hoặc các thế lực siêu nhiên khác thì sao?
Hội chứng nổ trong đầu cũng thường gắn với bóng đè – nếu đã mắc một thì thường bị luôn cả hai.
Bóng đè là một dạng rối loạn mà bạn cảm thấy rõ là mình đang thức nhưng không thể điều khiển cơ thể.
Sharpless nghĩ là cả hai dạng này đều có thể được giải thích như các hiện tượng siêu nhiên.
Cả hai dạng “bóng đè” và hội chứng “nổ trong đầu” có vẻ như đều xuất hiện vào lúc chuyển tiếp giữa thức và ngủ.
Khi bị bóng đè, một số bộ phận của não đang trong giấc ngủ REM (Rapid Eye Movement - giai đoạn ngủ khi tròng mắt vẫn còn chuyển động) – lúc mà chúng ta mơ nhiều nhất - trong khi các phần khác đã thức.
"Vì vậy, bạn sẽ bị tê liệt một số bộ phận cơ thể, trong lúc bạn vẫn mơ trong giấc ngủ REM và bạn vẫn nhận biết được mọi thứ xung quanh," Sharpless nói.
"Giống như bạn đang mơ mà vẫn tỉnh. Sợ nhất là bạn nghe và cảm nhận mọi thứ thực như ban ngày, nhưng những gì đang xảy ra hoàn toàn là ảo giác."
Image copyright Henri Fuseli Wikipedia
Image caption Hồi 1781, Henry Fuseli đã đưa ra ý tưởng theo đó cho rằng có con quỷ ngồi lên ngực người bị bóng đè, qua bức họa Ác Mộng
Chẳng hạn như cô gái trẻ người Nhật Haruko Matsuda (tên của nhân vật đã được thay đổi) là người thường bị bóng đè.
Cô mô tả một đêm điển hình với Sharpless: "Tôi cảm thấy một cái gì đó đè lên ngực nên tôi mở mắt ra. Tôi nghe ai đó la hét cuồng nộ ngay bên tai mình," cô nói.
"Tôi nghĩ rằng có ma hay một cái gì đó rất kinh khủng. Nó gào lên “Tao sẽ giết mày!" Tôi không thể cử động và rất sợ hãi... "
Thời Trung Cổ, các triệu chứng của Matsuda có thể được quy kết cho ma quỷ và yêu nữ, là những đối tượng sẽ đè lên ngực người ta và quyến rũ để cùng “ăn nằm”.
Ngày nay, những người bị tê cứng và loá mắt vào ban đêm lại cho rằng mình bị người ngoài hành tinh bắt cóc.
Xem xét kỹ những chuyện siêu nhiên, chuyện bị người ngoài hành tinh bắt cóc, Sharpless nói, bạn có thể thấy liên quan cả hội chứng bóng đè và nổ trong đầu.
"Mọi người có thể cảm thấy những tiếng nổ lạ lùng trong đầu, và họ nghĩ rằng đã có một cái gì đó được cấy vào não của họ. Hoặc họ cảm thấy có một xung điện và nghĩ rằng mình đã bị bắn bởi một loại vũ khí năng lượng mới. Họ không thể cử động nhưng nghe được và thấy những điều kỳ lạ. Họ nghĩ mình đã bị người ngoài hành tinh bắt cóc."
Nielsen, một bác sĩ tâm thần, nói rằng ông đã từng bị hội chứng nổ trong đầu liên tục trong vài tháng từ hồi mới 10 tuổi, và đã bị bóng đè hai lần.
Nhưng tư duy khoa học đã giúp ông không lo lắng. "Tôi đã luôn luôn có xu hướng suy nghĩ một cách khoa học, vì vậy từ khi còn thiếu niên, tôi đã giải thích là "một cái gì đó giống như điện trong não” chứ không lý giải gì khác hơn", ông nói.
"Những hội chứng này không khó chịu lắm đối với tôi, nhưng nếu ai đó nghĩ và tin vào những điều huyền bí, tôi chắc là họ sẽ thiên về giải thích một cách siêu nhiên."
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh

ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...