Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Nóp,Đệm,Chiếu , Mùng - Chuyện Ngắn Bình Nguyên Lộc

4
–     Ông ơi hôm qua nói chuyện với ông khách của ông, ông có nói đến cái nóp…
–     À, thằng này hỗn! Lại rình nghe câu chuyện của người lớn.
–     Con đâu có rình. Tại ông nó lớn con không muốn nghe cũng không được.
–     Ờ… ờ… thôi… tốt. Con không có rình.
–     Nhưng cái nóp là cái gì ông ?
–     Cái nóp hả ? Ừ, cái nóp là… thằng này kỳ cục, sao ưa hỏi lắm thế ? Cái nóp là… Khó quá, con học tiếng Việt mà ông lại phải giải thích với con bằng tiếng Anh. Đó là cái mà ở xứ này người ta gọi là cái Sleeping bag (Schlafsack), tức cái túi mà người ta chui vào đó để nằm ngủ.
–     Thật hay không ông ? Con không tin.
–     Ông đâu có xí gạt con làm gì ? Sao con lại không tin ông ?
–     Cái Sleeping bag, dầu sao cũng khá nhiều tiền, nhưng ông nói rằng anh nào đó, vì nghèo mạt rệp nên phải ngủ nóp. Tiền đâu anh mấy có để mua nó ?
–     Có nhiều loại nóp chớ.
–     Con chỉ thấy có một loại thôi. Loại rẻ tiền nhứt là loại nóp mà nhà con có hai cái. Nhưng nó vẫn khá mắc tiền.
–     Nóp của Việt Nam rẻ mạt.
–     Bao nhiêu ông ?
–     Số tiền dùng để mua một cái nóp đây có thể dùng để mua một trăm cái nóp ở Việt Nam, hay nói cho đúng ra là ở miền Nam của nước Việt, chớ miền Trung và miền Bắc thì không có cái nóp.
–     Chắc ở Việt Nam kỹ nghệ lớn lắm hở ông, nên làm nó mới rẻ như vậy ?
–     Không phải. Chẳng có kỹ nghệ khỉ khô gì hết. Nó rẻ là nhờ được làm bằng vật liệu rẻ.
–     Bằng da hay bằng Nylon ông ?
–     Còn lâu mới có nóp da, nóp Nylon. Nóp làm bằng đệm…
–     Đệm là gì hở ông ?
–     Đệm hả ? À ơ… đệm là một loại chiếu xấu hạng bét.
–     Chiếu là gì ?
–     Thằng nầy! Cứ hỏi dây chuyền mãi. Hễ tao nói một câu thì bị mầy chận lại để hỏi một tiếng, như vậy thì tới tối cũng chưa hết chuyện.
–     Chớ con không hiểu thì làm sao ?
–     Ờ… ờ… quả thật con không hiểu. À danh từ đệm có ba nghĩa đó nghen con. Đệm là cái mà ở dây người ta gọi là Mattress (Matratze). Miền Bắc nước Việt phát âm là Đệm, nhưng miền Nam biến âm ra là Nệm. Nghĩa thứ nhì là danh từ riêng cua miền Nam; miền Trung và miền Bắc không biết. Nghĩa là trỏ loại chiếu hạng bét chỉ dùng phơi thóc chớ không ai lại nằm trên đệm như đã nằm trên chiếu.
–     Còn chiếu ?
–     Khổ ơi, mầy không biết khỉ khô gì hết. Chiếu là chiếu chớ còn là gì nữa.
–     Nhưng con chưa thấy chiếu lần nào.
–     Nhà quê, chiếu mà cũng chẳng biết.
–     Chớ ông lại không nhà quê sao ? Hôm nọ con đòi ăn pizza, ông chẳng biết pizza là cái gì hết.
Ông nhìn cháu rồi bật cười:
–     Ừ, ông cháu ta đều nhà quê hết. Chiếu là… Hôm đó mẹ con có khách mà thiếu giường ngủ. Mẹ con đã trải lên thảm một tấm vải thật rộng, rồi mới để Sleeping bag lên đó, nhớ hay không ?
–     Con nhớ chớ. Con cũng biết làm như vậy nữa.
–     Ừ,  chiếu cũng thư là tấm vải rộng đó, nhưng nó không phải bằng vải mà bằng cói.
–     Cói là gì ông ?
–     Trời ơi là trời. Cái gì mầy cũng chẳng biết hết thì làm sao ?
–     Thì con học để biết.
–     Thôi thì cũng tốt. Vải được dệt bằng sợi vải, còn chiếu được dệt bằng cói là một thứ cỏ rất nhỏ, nhưng lại rất cao. Miền Bắc gọi cỏ đó là cói nhưng miền nam gọi nó là lát.
–     Còn đệm thì dệt bằng gì ?
–     Cũng bằng một loại cỏ cao, xấu hơn, mà chỉ có miền Nam mới có. Đó là cỏ bàng. Con có biết danh từ Rush (Birse) hay không ?
–     À ! Phải rồi ông, ở đằng hồ Folsom có cỏ Rush. Té ra chiếu và đệm dệt bằng cỏ đó.
–     Không phải. Rush chỉ là danh từ hơi tổng quát giúp con có một ý niệm đơn sơ về Cói và Bàng, chớ thật ra thì ở nước ta, nhứt là ở miền Nam, có đến mấy mươi thứ Rush khác nhau.
–     Đâu ông kể nghe thử đi ông.
–     Ông không biết hết đâu, ông chỉ biết một số Rush của miền Nam mà thôi. Chúng nó chia thành hai loại, một loại mọc ở đất khô như là: Sậy, Đố, Tranh. Loại thứ thì, mọc ở đất đọng nước như là Cói tức Lát như là Bàng, như là Đương như là Lau thư là Lách…
Nói tới đây, người ông lẩn thẩn sanh hứng và ngâm:
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách,
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu.
–     Ông ca cái gì đó ?
–     Không phải ca. Ông ngâm thơ đó mà.
–     Thơ ấy nói cái gì ?
–     Cho chưa biết chiếu, đệm là gì, đừng vội học thơ vô ích.
–     Thôi thì học chiếu, đệm vậy. Chiếc đệm, theo ông nói thì chỉ như là tấm vải rộng. Làm thế nào để nó thành cái Sleeping bag được ?
–     Người ta xếp nó lại, rồi may chớ còn làm sao nữa ?
–     Ngủ trong đó có êm hay không ông ?
–     Không, chẳng có êm chút nào hết và nó quá mỏng, không có dồn chất êm trong đó như cái Sleeping bag. Trải nó lên mặt đất cứng thì lưng ta chạm vào đất cứng, thì êm chỗ nào được ?
–     Có ấm hay không ông ?
–     Nó vừa mỏng lại vừa thưa thì không làm sao mà ấm được hết.
–     Như vậy dùng nó để làm gì ?
–     Xứ ta là xứ nóng. Chỉ ở miền Bắc mới có vài tháng lạnh thôi, còn ở miền Nam thì không có bao giờ lạnh đáng kể hết, nên chẳng ai cần lò sưởi, chẳng mấy ai cần nệm, cần mền, cần bất cứ cái gì giúp cho ấm hết. Nhưng người ta cần Nóp để trốn muỗi.
–     Có muỗi như ở đây vậy hở ông ?
–     Một trăm ngàn lần nhiều hơn ở xứ nầy.
–     Ý ẹ, vậy thì ghê quá.
–     Ở vùng Cửu Long của ta, nhứt là ở ba tỉnh Rạch Giá, Bạc Liêu, Cà Mau, thì sáu giờ chiều đã phải chun vô mùng rồi.
–     Mùng là cái gì ông ?
–     Nữa nè, hỏi mãi. Mùng là… thằng Nhóc, mầy làm khổ ông quá. Mùng, miền Bắc gọi là Màn là năm tấm vải lưới, may lại thành như một thứ thùng không đáy. Ta chun vào đó thì muỗi không làm sao mà đốt ta được hết.
–     Nhưng sao không ngủ mùng mà lại ngủ nóp ?
–     Nhà nghèo đào đâu cho ra tiền để mua vải lưới hầu may mùng. Vả lại, dùng mùng thì phải treo nó lên. Các trạo phu thường ngủ trên mui thuyền thì chỗ đâu mà treo mùng như ở trong nhà có lắm cây cột. Có những người không làm trạo phu, mà vì lẽ gì đó, phải ngủ ngoài đồng trống thì cũng chẳng có chỗ treo mùng. Ông nói cho con biết đến trâu nhà giàu cũng phải ngủ mùng nữa.
–     Trâu cũng sợ muỗi nữa sao ông ? Ông hay nói cứng và dầy như da trâu kia mà ?
–     Ấy, ấy thế mà muỗi nó cắn đốt trâu được cho đến trâu cũng phải rống lên.
–     Ghê quá. Muỗi sao mà nhiều lắm thế ?
–     Tại vì vùng Cửu Long là vùng ấm, muỗi sanh sản dễ dàng. Chiều lại, ta cứ quơ tay một cái là nắm được cả một nắm muỗi trong bàn tay.
–     Thật là khủng khiếp.
–     Con nghe câu ca dao sau đây, xuất phát ở làng Cạnh Đền tỉnh Rạch Giá, thì biết hơi hơi về muỗi miền Nam:
Xứ nào vui bằng xứ Cạnh Đền,
Muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lền tợ bánh canh.
–     Như vậy thì sau sáu giờ chiều thì mọi việc đều ngưng, chẳng còn sinh hoạt nào nữa hết ?
–     Đâu có, người ta vẫn tiếp tục làm việc ấy chớ.
–     Làm sao được, muỗi đốt chết ?
–     Được như thường, họ dùng cỏ khô, lá khô rồi rải nước lên đó, đoạn đốt lên. Cỏ ướt cháy không được tốt, nhưng xông khói thì nhiều đuổi muỗi đi hết. Bọn chun vô mùng là bọn có tiền, khỏi phải làm lụng, nên mới được đi nằm. Chẳng những thế, họ vào mùng là để du hí. Họ may những chiếc mùng rộng bằng cả căn phòng tiếp khách nầy, rồi thắp đèn măn-xông trong đó để cờ bạc, rượu chè, đàn ca xướng hát.
–     À, ông nói trâu nhà giàu ngủ mùng. Còn trâu nhà không giàu ?
–     Họ bắt nó xuống ao để nằm hầu tránh muỗi.
–     Nó không lạnh sao ông ?
–     Trâu đâu có bìết lạnh.
–     Còn heo, lợn, chó, gà ?
–     Chó nó không có ngủ đêm nó cứ cựa quậy mãi, muỗi đốt không được. Gà nhờ lông vũ che chở cho, còn lợn thì… ơ… hơ… ông quên để ý tới lợn.
–     Ông ơi, khi nãy ông nói Đệm có ba nghĩa, nhưng ông chỉ mới đưa ra hai nghĩa. Nghĩa thứ ba là gì ?
–     Hai đệm trước là danh từ. Đệm thứ ba là động từ.
–     Động từ là gì ?
–     Là Verb. Nó mang nghĩa là Bận.
–     Bận là gì ?
–     Miền Bắc nói Bận, nhưng miền Nam nói Mắc.
–     Chị Ngọc mắc đi học nhạc, nên học chữ dở ẹt phải không ông ?
–     Nó đâu có dở ẹt. Nhưng quả thật nó mắc học nhạc nhiều quá. À động từ Đệm, chỉ có ở vùng Cửu Long là dùng, vùng Đồng Nai không bao giờ dùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...