Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

MINH THI : Thơ đời Minh. - Đỗ Chiêu Đức

                                   MINH THI : Thơ đời Minh.  
    
             Hễ nhắc đến THƠ TỪ trong Văn học Cổ, là người ta nghĩ ngay đến ĐƯỜNG THI, TỐNG TỪ. Hổm rày chúng ta cũng cứ xoay quanh thơ đời Đường, Đời Tống ( đặc biệt chỉ nhắc đến Thi và Từ của Tô Đông Pha đời Tống mà thôi ). Đâu biết rằng sau Đường Tống, Nguyên Minh và Thanh thơ cũng rất hay, không thua gì thơ đời Đường.
            Hôm nay xin giới thiệu cùng Quý Thầy Cô, Các Bạn hữu, Các Em học sinh một Tác giả tiêu biểu cho làn thơ hay của đời Nhà Minh, đó là thi nhân :
高啟
高啟
  高啟(1336—1374),字季迪,號青丘子,長洲縣(今蘇州市)人,元末明初詩人。高啟出身富家,童年時父母雙亡,生性警敏,讀書過目成誦,久而不忘,尤精曆史,嗜好詩歌,與張羽、徐賁、宋克、王行等十人經常在一起切磋詩文,人稱“北郭十才子”。同時,他還與楊基、張羽、徐賁被譽為“吳中四傑”,也稱作“明初四傑”。雖然同為“十才子”,雖然並列“四傑”,但高啟的文學成就要遠遠超過其他人。
       CAO KHẢI (1336-1374 ), tự là Quý Địch, hiệu là Thanh Khâu Tử, người huyện Trường Châu ( Nay là TP Tô Châu ), là thi nhân cuối đời nhà Nguyên đầu nhà Minh . Cao Khải xuất thân trong gia đình phú quý, từ nhỏ đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, nên tánh tình nhạy bén cảnh giác. Thông minh nên hễ đọc qua là nhớ rất dai, giỏi về Lịch sử, thích Thi ca, cùng với Trương Vũ, Từ Bôn, Tống Khắc, Vương Hành... 10 người cùng nghiên cứu thơ văn, người đời xưng tụng là " Bắc Quách Thập Tài Tử ". Đồng thời, ông cùng với Dương Cơ, Trương Vũ, Từ Bôn được xưng tụng là " Ngô Trung Tứ Kiệt ", và cũng là " Minh Sơ Tứ Kiệt ". Mặc dù cùng được xưng tụng là Thập Tài Tử, Tứ Kiệt, nhưng tài hoa và thành tựu văn học của Cao Khải vượt xa hơn những người kia.
                   Sau vì ông không hợp tác, không nể mặt, và nhiều lần dùng văn chương để chỉ trích , châm biếm Minh Thái Tổ là Chu Nguyên Chương, ông vua nổi tiếng là " Đồ Tể " chuyên giết hại công thần, nên bị xử yêu trảm ( chém ngang hông ) làm 8 khúc, chết thê thảm ở tuổi 39.
* Bổ sung lý do bị YÊU TRẢM :
                 Cao Khải (1330-1374), người Tô Châu, được xem là một nhà thơ lớn nhất đời Minh. Cuối đời Nguyên, ông ở ẩn bên dòng sông Ngô Tùng. Đầu đời Minh, năm Hồng Vũ thứ hai, được tiến cử biên soạn bộ Minh sử, ông đành miễn cưỡng vào kinh. Năm sau Chu Nguyên Chương ban cho ông chức quan cao là Hữu thị lang bộ Hộ, song ông nhất quyết từ chối, chỉ một mực xin được về quê, nên nhà vua giận lắm.

                   Sau, Tri phủ Tô Châu là Ngụy Quan xây dựng phủ đường trên nền cung điện của Trương Sĩ Thành, bị Nguyên Chương xử chém ngang lưng vì cho thế là phạm tội đại nghịch. Khi tra xét án, biết được lúc dựng phủ đường này, Cao Khải có làm một bài văn trong đó có bốn chữ “hổ cứ long bàn” (hổ ngồi rồng nằm), Chu Nguyên Chương tức giận vì cho thế là Cao Khải đã xui Ngụy Quan chống lại mình. Cái giận cũ chưa nguôi nay lại thêm cái giận mới, cho nên Nguyên Chương ra lệnh chém Cao Khải ngang lưng giữa thành phố Nam Kinh, rồi còn sai xẻ thây làm 8 mảnh. Ngoài Cao Khải, các văn nhân rất nổi tiếng khác như Đới Lương, Trương Mạnh Kiêm cũng vì thơ văn phạm húy mà bị giết.........

                 Cao Khải được người đời biết đến nhiều qua 9 bài vịnh Mai Hoa của ông ( Mai hoa cửu thủ 梅花九首 ), nổi tiếng nhất là những câu như :

                       雪满山中高士卧, Tuyết mãn sơn trung cao sĩ ngọa,
                       月明林下美人来。 Nguyệt minh lâm hạ mỹ nhân lai.
Tạm dịch :                                   
                                  Tuyết phủ núi xanh cao sĩ ngắm,
                                  Trăng soi rừng vắng mỹ nhân về.
...................
                      翠袖佳人依竹下, Thúy tụ giai nhân y trúc hạ,
                     白衣宰相在山中。 Bạch y Tể tướng tại sơn trung.
Tạm dịch :                                  
                                Giai nhân áo biếc nương cành trúc,
                                Tể Tướng bạch y ẩn núi xanh.
....................
                      春愁寂寞天应老, Xuân sầu tịch mịch thiên ưng lão,
                     夜色朦胧月亦香。 Dạ sắc mông lung nguyệt diệc hương.
Tạm dịch :
                                  Tịch mịch xuân sầu trời cũng lão,
                                  Mơ màng đêm vắng nguyệt càng hương.
..........................

                       Hôm nay, chỉ xin trình làng một bài Thất ngôn tứ tuyệt rất cao nhã, siêu thoát, mang chút " hơi hám " Thiền của ông để chúng ta cùng nghiên cứu, thưởng lãm. Đó là bài....


    山中别友                                           SƠN TRUNG BIỆT HỮ
  (山中别寜公歸西塢 )                   ( Sơn trung biệt Ninh Công qui Tây Ô )

 一 上 香 台 看 落 暉,          Nhất thướng hương đài khán lạc huy,
沙 村 孤 树 晚 依 依.           Sa thôn cô thọ vãn y y .
老 僧 不 出 青 山 寺,           Lão tăng bất xuất thanh sơn tự,
祗 有 锺 聲 送 客 歸.           Chỉ hữu chung thinh tống khách quy.

                       Lên đến tận hương đài ( cái đài xây dùng để thắp hương ) để nhìn ánh nắng chiều đang rơi rụng, xa xa trên xóm cát in hình bóng ngã dài của một tàn cây cô độc trong cảnh hoàng hôn như còn lưu luyến với ánh nắng chiều. Nhà sư già ( chắc đang nhập định trầm tư ) không ra khỏi cửa chùa trên núi xanh nửa bước, chỉ có tiếng chuông chùa văng vẳng ngân nga trong khoảng không vắng lặng để đưa tiễn khách đi về mà thôi !

Chú thích :
       1. Chữ NHẤT 一 là Một, chỉ số đếm và số thứ tự. Ở trong bài nó là Phó từ ở đầu câu, dùng để nhấn mạnh Động từ đi theo sau nó, có nghĩa là HỄ, CỨ, là MỘT CÁI .... Vd :
Nhất khứ bất phục phản 一去不复返 : HỄ đi rồi là không trở lại nữa. Đi MỘT CÁI là không về nữa.
Nhất kiến chung tình 一见钟情 : HỄ gặp là thương liền. Gặp MỘT CÁI là thương liền. Câu nầy có nghĩa như là " Tiếng sét ái tình " của ta vậy.
       2. Chữ HUY 暉 là Ánh nắng, có bộ NHẬT là Mặt trời một bên. Vd : Tà Huy là nắng xế chiều. 輝 là Sáng sủa, có bộ Quang là sáng ở một bên. Vd; Huy hoàng là Sáng rực rỡ. 揮 là Quơ tay, khoát tay, có bộ Thủ là Tay một bên, Vd : Chỉ huy là giơ tay ra lệnh.
       3 Chữ Y 依 là Dựa dẵm vào ai đó, có bộ Nhơn là Người ở một bên, Vd : Y kháo 依靠 là Nương tựa. Ở trong bài thơ Y Y 依依 là Hình dung từ chỉ Quyến luyến không nở rời xa, trong bài thơ là : Vãn Y Y : Có nghĩa bóng chiều còn lưu luyến chưa tắt hẵn.
Chữ Y 衣 không có bộ Nhơn, Y là Y phục ; là Quần áo. Vd; Y cẩm hồi hương là Áo gấm về làng.
       4. Chữ THINH 聲 là Tiếng, ta thường đọc trại thành THANH. Vd; Thay vì ÂM THINH ta lại đọc thành ÂM THANH. Trong bài Chung thinh là Tiếng chuông.

Diễn nôm :
                            Lên tận hương đài ngắm tịch dương,
                           Cây trơ xóm vắng nắng vương vương.
                           Sư ông nhập định không rời núi,
                          Vẳng tiếng chuông đưa khách dặm trường !
Lục bát :
                           Nắng chiều lên tận hương đài,
                           Xóm xa bóng ngã cho dài hoàng hôn.
                           Sư ông nhập định thả hồn,
                          Ngân nga chuông tiễn khách dồn bước chân.
                                                                                  Đỗ Chiêu Đức diễn nôm.

            Kính mời Quý vị Thầy Cô, Thân hữu và các em học sinh, ai có nhã hứng thì cùng diễn nôm cho vui nhà, vui cửa, vui ... trường, như những ngày tháng năm xưa khi còn đi học....

                                                                                      Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...