Tại tỉnh Chiang Rai của Thái Lan,
mực nước sông Mekong lên nhanh từ ngày 15/3, ngay sau khi Trung Quốc
thông báo nước này xả nước từ đập Cảnh Hồng xuống hạ nguồn sông Mekong.
Việt
Nam đã đề nghị Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước từ đập Cảnh Hồng,
tỉnh Vân Nam, xuống lưu vực sông Mekong để góp phần khắc phục hạn hán
cũng như xâm nhập mặn của một số tỉnh ĐBSCL của Việt Nam.Thông báo về mực nước được Ủy ban sông Mekong đưa ra dựa trên đo đạc tại trạm Chiang Saen.
Mực nước được đo tại Chiang Saen cho thấy mực nước từ 2,3 -2,5m đã tăng lên đến 3-5m. Một số hình ảnh người dân Thái Lan chụp được cho thấy nước tràn qua nhiều khu vực.
Trung Quốc công bố kế hoạch xả nước xuống hạ nguồn sông Mekong từ 15/3-10/4 từ nhà máy thủy điện Cảnh Hồng, với lưu lượng xả 2.190m3/giây vì tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng ở khu vực hạ nguồn sông Mekong.
Chỉ trích từ Thái Lan
Tuy nhiên, động thái xả nước này của Trung Quốc lại gặp phải chỉ trích và đặt nghi vấn.Pai Deetes, Giám đốc Tổ chức Sông ngòi Quốc tế tại Thái Lan (International Rivers) nói với BBC Tiếng Việt việc xả nước gây "nguy hiểm".
"Mực nước cần phải thấp vì vào mùa khô, người dân dọc hai bên bờ sông sẽ trồng rau và làm nông nghiệp. Lượng nước khổng lồ đổ xuống từ các đập thượng nguồn tạo ra mực nước biến đổi bất thường với hạ nguồn và nhấn chìm các vườn ruộng hai bên bờ sông."
Còn theo tờ The Nation của Thái Lan ngày 21/3, việc Trung Quốc xả nước tuy được Việt Nam hoan nghênh, nhưng gây thiệt hại mới cho người dân Thái vì mực nước tăng lên quá nhanh.
Prayoon Saen-ae, một cư dân ở Chiang Khan, tỉnh Loei, được dẫn lời nói đánh cá và du lịch ở tỉnh bị ảnh hưởng vì mực nước thay đổi đột ngột.
Pai Deetes nhận định với BBC: "Thứ đang thiếu hiện nay là một cơ chế chung từ sáu quốc gia để quản lý dòng sông Mekong".
Nghi vấn từ Việt nam
Trong khi nhiều nơi tại Thái Lan bị ngập vì xả nước bất thường, tại Việt Nam, một số nhà khoa học nghi ngờ khả năng rửa mặn và cứu hạn hán từ lượng nước mà Trung Quốc xả xuống hạ nguồn.Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu từ Đại học Cần Thơ, ông Lê Anh Tuấn nói trong một phát biểu với BBC: "Lượng nước xả như vậy khi đến Đồng bằng Sông Cửu Long không còn bao nhiêu nữa."
"Khi nước đến Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ không đủ để đẩy mặn được. Tính toán của chúng tôi cho rằng nếu cần đẩy mặn, thì nước tới Đồng bằng Sông Cửu Long cũng ít nhất phải từ 10.000m3/giây mới có thể đẩy mặn hiệu quả trong hoàn cảnh này"."
Trong bối cảnh nhiều quốc gia tiểu vùng sông Mekong gặp phải hạn hán và xâm nhập mặn, cuộc họp đầu tiên của các lãnh đạo trong cơ chế Hợp tác Khu vực Lancang- Mekong sẽ diễn ra trong tuần này tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chủ trì.
Cơ chế hợp tác Lancang- Mekong được Trung Quốc cùng năm quốc gia Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam lập ra nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, và hợp tác nguồn nước là một trong những nội dung quan trọng.
(từ BBC.VN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét