Đến hết tháng 3, hàng ngàn hecta
mía nhiễm mặn, chết khô khiến nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm, cả
nước có 4 nhà máy đường phải đóng cửa.
Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ cho
hay, 4 nhà máy đã ngừng sản xuất gồm Kiên Giang, Cà Mau, Hiệp Hòa và
Long Mỹ do hết mía nguyên liệu. Trong vụ mía 2015-2016, có 2 nhà máy tạm
ngừng sản xuất là Hòa Bình (đang trong quá trình xây dựng, thực hiện kế
hoạch di chuyển) và MK Sugar đang được rao bán.
Theo báo cáo của Cục Chế biến Nông – Lâm
– Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 15/3, các nhà
máy đã ép được trên 10 triệu tấn mía, sản xuất được 802.580 tấn đường.
So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép giảm 1,25 triệu tấn, lượng đường
sản xuất ra giảm 163.780 tấn.
Để hạn chế bớt thiệt hại cho nông dân,
nhiều Sở NN&PTNT các tỉnh miền Tây đã khuyến cáo người trồng mía đẩy
nhanh tiến độ thu hoạch và tạm thời không xuống giống vụ mới mà đợi đến
khoảng tháng 6 để vào mùa mưa.
Theo phản ánh của báo Vnexpress, hàng
nghìn hộ dân trồng mía tại Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang đang rất lo
lắng khi hàng hecta trồng mía của gia đình đang cháy khô dần.
Ông Võ Văn Quân (58 tuổi, ngụ ấp Đoàn Văn Tố, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) ngậm ngùi chia sẻ: “Gia
đình tôi có hơn 0,5 ha đất trồng mía. Tính đến thời điểm này, tiền đầu
tư đã gần 40 triệu đồng, nhưng chắc vài ngày nữa thôi là ruộng mía chết
sạch”.
Được biết, ông Quân đã phải xuống mía
giống đến 3 lần, nhưng từ sau Tết Nguyên đán, cây mía đang trong giai
đoạn phát triển tốt, chữ đường cao thì gặp hạn hán, nước mặn bao vây
khắp vùng Cù Lao Dung. Cùng ấp với ông Quân, hàng nghìn hộ dân khác cũng
đang đứng trước nguy cơ nợ nần do mía cháy khô.
Tại Cà Mau, Kiên Giang, người trồng mía
cũng đang rất lo lắng. Ông Nguyễn Văn Thêm (ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh
Kiên Giang) cho PV báo Vnexpress biết: “Các năm trước, giá mía
nguyên liệu bấp bênh, đầu vụ giá mía mới nhích lên một chút ít, nông dân
chưa kịp mừng thì gặp đại hạn. Một số hộ kêu thương lái đến bán mía
non, nhưng không ai mua vì cây mía khi ăn có vị mặn chát. Tiền bạc của
gia đình có bao nhiêu đã đầu tư vào rẫy mía, nhưng nay thì trắng tay”.
Tại Đông Nam Bộ, hàng ngàn hecta mía cũng đang dần khô cháy.
Ông Trần Văn Hổ (ngụ ấp 2, xã Phước
Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cho biết trên báo Dân Việt, gia
đình ông có hơn 4 ha trồng mía và cả ruộng mía đang “chết đứng” vì khô
hạn. Ông Hổ lo ngại do thiếu nước, mía khô lá đến tận ngọn, nếu sơ ý,
một tia lửa nhỏ xuất hiện cũng có thể khiến cả ruộng mía chìm trong lửa.
Ông Hổ cũng đã gọi thương lái tới bán
ruộng mía với giá 920.000 đồng/tấn, chưa trừ tạp chất. Nhưng tới nay,
thương lái mua mía vẫn chưa thể cho ghe thuyền tới được vì từ đầu năm,
do xâm nhập mặn tăng cao nên các cửa dẫn nước của hệ thống đập Ông Kèo
đã bị đóng lại, làm ảnh hưởng đến luồng chảy của các kênh, rạch nhỏ
trong vùng.
Hòa An tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét