Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Ý nghĩa của hình tượng sư tử trong nghệ thuật




Getty Images

Bất cứ ai đến thăm Quảng trường Trafalgar ở London sẽ biết rằng du khách sẽ bị thu hút về phía một chỗ nhiều hơn tất cả các chỗ khác: bộ bốn bức tượng sư tử bằng đồng khổng lồ, mỗi tượng nặng bảy tấn, nằm dưới chân Cây Cột Nelson.
Những bức tượng này là do họa sỹ kiêm điêu khắc gia người Anh Edwin Landseer thiết kế và dựng lên vào năm 1867. Ông đã sử dụng thi thể của một con sư tử đã chết ở Vườn thú London làm mẫu tạc tượng.
Bộ tượng của Landseer nằm trong số những hình tượng sư tử nổi tiếng nhất trong nghệ thuật phương Tây.
Dĩ nhiên là còn nhiều những bức tượng khác nữa. Thật vậy, các nghệ sỹ đã khắc họa hình ảnh sư tử trong hàng ngàn năm qua đến mức là chúng trở thành một motif trang trí phổ biến đến mức người ta không còn để ý.
Chẳng hạn như sư tử thường xuất hiện như những người bạn đồng hành trung thành trong các bức vẽ về Thánh Jerome.
Rubens vẽ những bức săn sư tử rất cuốn hút. Delacroix cũng vậy. Trong bức ‘Người Di-gan Ngủ’ của Henri Rousseau (1897), một con sư tử dưới ánh trăng đánh hơi một nhân vật đang nằm ngủ bên cạnh cây đàn mandolin.
Một con sư tử có bộ lông da cam lộng lẫy đang đi rình mồi trên con đường bên ngoài một nhà tù ở Port of Spain trong một bức tranh vẽ tạo ảo giác của họa sỹ Scotland Peter Doig vẽ hồi năm 2015.
Hình ảnh sư tử là một thành phần chủ yếu trong thiết kế các huy hiệu. Bức tượng đồng cổ về con sư tử có cánh là biểu tượng của thành phố Venice. Cũng ở thành phố này, một con sư tử tráng lệ nửa thức nửa ngủ canh giữ bức tượng nhà điêu khắc Canova trong nhà thờ Santa Maria Gloriosa dei Frari.
Nói tóm lại, danh sách hình tượng sư tử trong nghệ thuật là vô hạn. Hồi đầu năm 2017, nhà điêu khắc Iran Parviz Tanavoli trông nom một cuộc triển lãm ở Tehran với hàng trăm hình ảnh sư tử nghệ thuật ở nước của ông. Một số hiện vật trưng bày có lịch sử cả ngàn năm.

Nhân Sư

Tất cả những sự thể hiện hình ảnh sư tử này có nghĩa gì? Và từ lúc nào mà chúng trở thành được ưa chuộng như thế? ‘Sống cùng các vị Thần’, tên của một cuộc triển lãm khám phá về niềm tin tôn giáo ở Bảo tàng Anh quốc, đã trả lời cho câu hỏi sau nếu không muốn nói là cả câu hỏi trước, bởi vì nó cho thấy sư tử là một đặc điểm thiết yếu trong ma trận các hình ảnh nghệ thuật từ những ngày đầu nghệ thuật xuất hiện.




Getty Images
Bằng chứng của việc này là một tác phẩm điêu khắc bằng ngà voi cao 31cm khắc họa một sinh vật mình người đầu sư tử được tạc từ chiếc ngà của một con voi ma mút từ 40.000 năm trước.
Các mảnh vỡ của bức tượng này được tìm thấy trong một hang đá ở tây nam nước Đức trong thế kỷ 20. Được phục dựng lại một cách gian khổ, ngày nay nó được gọi đơn giản là ‘Nhân Sư’. “Đó là một kiệt tác,” bà Jill Cook, người trông coi cuộc triển lãm và là một chuyên gia về nghệ thuật Kỷ Băng Hà, nhận xét. “Độc đáo đến không ngờ, tài tình về kỹ thuật và có một quyền lực tâm linh phi thường.”
Theo như Cook giải thích, tính nghệ thuật của tác phẩm điêu khắc này rất đặc biệt: những bắp chân, dường như đứng nhón trên ngón chân, được xoay rất đẹp trong khi phía sau một cái tai chúng ta có thể nhìn thấy một ‘nếp nhăn nhỏ’.
“Nếp nhăn này được tạo ra khi các cơ thu lại lúc con sử tử dỏng tai lên để lắng nghe,” Cook cho biết. “Cho nên, con vật này đang tỉnh táo và đằng trước tai chúng ta có thể thấy ống tai. Nói cách khác, đây không phải là một con người đeo mặt nạ sư tử mà đó là một chiếc đầu sư tử rất chi tiết.”
Bức tượng ‘Nhân sư’ nhiều khả năng dựa trên sự quan sát những con sư tử hang động châu Âu vốn, loài vật giờ đây đã tuyệt chủng nhưng trước kia sống rất nhiều dưới Kỷ Băng Hà, khi mà, theo lời Cook, chúng là ‘thú săn mồi bậc cao’.
“Chúng ta biết rằng nó mô tả sinh vật hung dữ nhất trong tự nhiên và được tạo khắc bằng chất liệu từ động vật có vú lớn nhất,” Cook giải thích. “Do đó, nó muốn nói về con người muốn tìm vị trí của mình trong thế giới tự nhiên để vượt qua hay có lẽ thậm chí định hình lại tự nhiên, hay vươn ra ngoài vũ trụ.”

Sư tử trong nghệ thuật cổ đại

Bà nói tiếp: “Nhưng, một mặt, tôi không quan tâm nó có ý nghĩa là gì. Tất cả nghệ thuật đều có thông điệp của nó – và đây là một hình ảnh rất mãnh liệt vốn cho thấy cách trí tuệ con người hoạt động: kể chuyện, suy nghĩ và tìm cách tạo ý nghĩa cho cuộc sống.”
Tác phẩm ‘Nhân sư’ có từ cách nay rất lâu – từ thuở hồng hoang mà lịch sử còn sơ khai – khoảng mấy chục ngàn năm trước khi loài người phát minh ra chữ viết. Một chuyến đi tham quan nhanh trong Bảo tàng Anh quốc cho thấy từ buổi bình minh của sử sách, hình tượng sư tử đã đóng một vai trò quan trọng trong nghệ thuật cổ đại.




Alamy
Sư tử thường xuất hiện như một kẻ đồng hành trung thành trong các tranh vẽ Thánh Jerome – chẳng hạn như trong tác phẩm này của Sano di Pietro, hồi thế kỷ 15
Mới đây, một trong những đồng nghiệp của bà Cook là ông John Simpson, một nhà khảo cổ và là chuyên gia về Cận Đông, đã dắt tôi đi dạo một vòng những con sư tử cổ đại được ca ngợi nhất ở bảo tàng.
Chúng tôi đã gặp nhau ở Sân Lớn, bên cạnh một bức tượng được gọi là Sư tử Knidos, một tượng đá cẩm thạch khổng lồ có từ thời đỉnh cao của văn minh Hy Lạp.
Được tạo tác vào khoảng thời gian giữa thế kỷ 4 và thế kỷ 2 trước Công nguyên, bức tượng này từng nằm bên trên một lăng mộ ở thành phố biển Knidos, tây nam Thổ Nhĩ Kỳ. “Đối với tôi, điều tuyệt vời về con sư tử này,” Simpson nói, “là nó là bằng chứng lớn nhất mà chúng tôi có về hiện tượng đôi mắt sư tử – bởi vì cặp mắt của nó ban đầu là được lắp thủy tinh”.
Đối với Simpson, tượng sư tử này là một trong những motif quan trọng nhất của nghệ thuật cổ đại. “Sư tử thống lĩnh hệ động vật của Cận Đông cổ đại trong cả tự nhiên lẫn nghệ thuật từ cuối thiên niên kỷ thứ tư trước Công nguyên trở đi,” ông giải thích. “Và trong nghệ thuật, có hai cách thể hiện khác nhau về sức mạnh của sư tử.”

Hai cách thể hiện

Cách thể hiện thứ nhất, ông giải thích, rất phổ biến ở Ai Cập cổ đại và sau đó là Hy Lạp cổ đại như chúng ta thấy trong tác phẩm Sư tử Knido đầy trang trọng.
“Vào những thời kỳ này, các điêu khắc gia thể hiện sự hùng dũng và trang nghiêm của sư tử,” ông giải thích. “Chúng trông đĩnh đạc giống như những con mèo được phóng đại.”
Trong phòng trưng bày liền kề, ông chỉ cho tôi thấy một con sư tử bằng đá granite bóng loáng với cặp mắt cũng được lắp vào được tạo tác theo lệnh pharaoh Amenhotep III thuộc Vương triều 18, người cai trị Ai Cập trong suốt thế kỷ 14 trước Công nguyên. Nó trông điềm tĩnh và thanh thoát một cách đáng kinh ngạc.




Alamy
Trong tác phẩm Người Di-gan ngủ của Henri Rousseau (1897), một con sư tử đánh hơi nhân vật đang nằm ngủ bên chiếc mandolin dưới ánh trăng
Tuy nhiên, theo Simpson, trong khoảng thời gian giữa Tân Vương quốc ở Ai Cập và thời kỳ văn minh Hy Lạp, sư tử được thể hiện trong nghệ thuật cổ đại dưới một hình thái rất khác.
“Nhất là dưới triều đại Assyria và Đế chế Achaemenid (Ba Tư), ý nghĩa biểu tượng của sư tử đã thay đổi triệt để và các nghệ sỹ trong thời kỳ này tìm cách khắc họa sự hung hăng và dữ dội của sư tử,” ông cho biết. “Do đó, chúng được mô tả đang gầm thét, gầm ghè với hàm răng nhe ra.”
Ông dẫn tôi đến một con sư tử canh gác khổng lồ nặng đến 15 tấn nằm trong cặp sư tử tượng trưng cho Ishtar, vị nữ thần chiến tranh dưới triều đại Assyria.
Cặp sư tử này từng nằm hai bên lối vào ngôi đền thờ thần Ishtar do Vua Ashurnasirpal II ở Nimrud (trị vì khoảng từ 883 đến 8559 trước Công nguyên) xây dựng. Đó là hình ảnh đáng sợ của sư tử với chiếc bờm và lớp da dày, bộ chân và móng vuốt mạnh mẽ và vẻ ngoài giận dữ như đang gầm thét.
“Ở đây là sự thể hiện sư tử ‘hung dữ’ – đó là một cách thể hiện hoàn toàn khác về sức mạnh sư tử,” Simpson cho biết. “Đáng buồn là bức tượng còn lại trong cặp đã bị Daesh (tức Nhà nước Hồi giáo), phá hủy”.
Simpson nói rằng sự thể hiện sư tử dữ dằn như thế đã rất thịnh hành: ở một chỗ khác, ông chỉ cho tôi một dãy những viên gạch tráng men trên đó có mô tả một con sư tử khác đang gầm gừ.
Tác phẩm này được sáng tác vào thời Vương quốc Babylon. Dáng bước đi ngạo nghễ, con sư tử từng được trang trí trong điện đặt ngai vàng của Vua Nebuchadnezzar II, người trị vì từ năm 605 cho đến năm 562 trước Công nguyên ở thành phố cổ đại Babylon mà ngày nay là Iraq.

Tàn sát sư tử

Tuy nhiên, đối với Simpson, thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật về sư tử trong thế giới cổ đại phải là thời kỳ Vương quốc Tân Assyria vốn làm bá chủ Cận Đông từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 7 trước Công nguyên.
Đi một quãng ngắn là chúng tôi tới một trong những kho báu của Bảo tàng Anh quốc: một tập hợp những bức tranh đắp nổi bằng thạch cao trên tường được lấy từ một cung điện của Triều đại Assyria ở Nineveh (khoảng từ 668 đến 627 trước Công nguyên). Chúng mô tả cuộc đi săn sư tử của Ashurbanipal, vị vua vĩ đại cuối cùng của Vương triều Assyria.
Simpson gọi loạt những cảnh có liên quan với nhau là ‘bức tranh toàn cảnh về săn sư tử’ với hình ảnh nhà vua và các cận thần của ông, với sự hỗ trợ của binh lính và những người giữ chó đang kìm giữ những con chó săn hung dữ, bắt đầu tàn sát sư tử. “Rõ ràng, đây là bối cảnh thực nơi họ giết sư tử – một phần của quanh cảnh tự nhiên được các họa sỹ gói gọn.”
Đối với khán giả ngày nay, những sinh vật tội nghiệp khiến họ động lòng. Tuy nhiên Simpson nói chúng ta không nên cho rằng con người cổ đại cũng có cảm giác tương tự. “Tôi không chắc khán giả ở thời Assyria sẽ nhìn chúng với con mắt như thế,” ông nói. “Điều đó sẽ làm suy yếu sức mạnh của nghệ thuật. Cuối cùng thì việc thể hiện một loạt những cảnh chết chóc sẽ làm nổi bật uy quyền của nhà vua.”
Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Culture.


Posted by

 

Xem thêm : KIM MAO HẨU Là Gì ? (Hồ Nguyễn ST và trình bày)

MỪNG TẾT TÂY 2018 - Thơ Mai Xuân Thanh


Tây lịch hai ngàn mười tám này
Nhập gia tùy tục Tết nhanh thay
Thời gian lặng lẽ trôi qua đó
Ngày tháng âm thầm cũng mới đây
Thấm thoát năm tàn rơi một cuốn
Thoi đưa tháng lụn rớt nguyên ngày
Đón Xuân đất lạnh Cali nắng
Pháo nổ thăng thiên tia sáng bay...

MAI XUÂN THANH
Ngày 29 tháng 12 năm 2017

Giao Thừa (Tết Tây)

Đêm mơ tối giao thừa
Trời thanh chẳng gió mưa
Nghe xa chùm pháo sáng
Qua rồi cái tuổi thơ

Người ta lo đón Tết
Nghĩ mình già hơn xưa
Lư nhang cây nến tắt
Ai vô thắp đèn mờ

Giờ đây đâu cuối thu
Rừng phong gió vi vu
Ngoài song chớp tia sáng
Ai bắn pháo giao thừa

Thành phố em đêm nay
Khi ánh đèn trên cây
Ai buồn thương nhớ bạn
Con chim sẻ lạc bầy

Nhìn qua ảnh mà thương
Trong lòng cứ tơ vương
Là hoa thơm kỹ niệm
Ngồi đây nhớ quê hương

Bên ni mình nhớ người
Ta quen nhau rồi thôi
Niềm thương này vô hạn
Bạn ơi cần vui tươi

Buồn thiu phải ly hương
Yêu ai người chinh phụ
Xa nhau hàng nghìn dặm
Tưởng gần tối tơ vương...

Mình cùng đón giao thừa !
...    ...    ...    ...    ...  

Mai Xuân Thanh
Ngày 30 tháng 12 năm 2017

Về Trần Văn Trạch ,em Tôi...Bài viết của Trần văn Khê

Con tôi Trần Quang Hải đã viết tiểu sử rất đầy đủ và chính xác về chú ba của Hải. Tôi chỉ thêm vài chi tiết về em tôi mà ít có người biết và hôm nay cũng lần đầu tôi mới ghi lại thành văn bản.
+ Tên của Trạch trong gia đình là «Khê em»
Khi Trạch mới sanh, cả nhà đều vui mừng. Ông nội tôi muốn đặt tên con cháu đều có bộ Thủy nên cha tôi tên Triều là dòng nước, tôi tên Khê là khe suối, em tôi tên Trạch là ao, đầm . Nhưng từ lúc lên một, mỗi khi trong nhà có ai gọi em tôi : Trạch ơi ! là con cháu của bà cụ láng giềng trùng tên, thấy khó chịu, nên qua xin ông nội tôi đặt tên khác cho chú bé Trạch, để bà khỏi bị kêu réo tên bà. Cả nhà rất khó nghĩ, tên đã ghi trong sổ bộ đời. Cậu Năm tôi, ông Nguyễn tri Khương, đến bàn với ông tôi, nhắc lại lịch sử bên Trung quốc dưới triều nhà Tống có hai anh em ruột, văn hay chữ tốt, thi cùng một khoá, đều đậu Tiến sĩ, và ra làm quan trong một triều. Trong nước ai cũng quí tài của hai anh em nên gọi anh là Đại Tống, em là Tiểu Tống. Nay muốn kiêng tên bà cụ láng giềng, cậu năm tôi đề nghị gọi tôi là Khê Anh và Trạch là Khê Em. Ông nội tôi bằng lòng và từ ngày đó, trong gia đình tôi và cả làng Vĩnh Kim, ai nấy đều gọi chúng tôi bằng hai tên Khê anh và Khê em.
Tuy chúng tôi cách nhau 3 năm, chúng tôi không rời nhau, như anh em sinh đôi. Tối đi ngủ, sáng thức dậy một lượt, cùng ăn lót lòng giống nhau, môt gói bắp nấu, một gói xôi đậu hay xôi nếp than có dừa nạo muối mè. Mỗi buổi ăn, ngồi gần nhau, đi tắm sông, tập đi xe đạp, học võ Thiếu Lâm với anh ba Thuận con của câu năm Khương, cả khi đi tiểu, đi tiêu cũng đều cùng một lúc.
+ Nghe chuyện đời xưa
Mỗi tuần, cậu năm Khương rước chúng tôi vô ở chơi trong nhà cậu năm cả ngày, từ sáng đến tối, đêm ngủ lại, nghe cậu năm tôi thổi sáo, và thuật cho chúng tôi nghe những điểm đáng nhớ trong thời thơ ấu của chúng tôi, hoặc thuật chuyện đời xưa, chuyện Nhị thập tứ hiếu. Qua tiếng nói của cậu năm, chúng tôi được thấy Khổng Tử gặp Hạng Thác, nghe tiếng sáo Trương Lương làm tan binh Hạng Võ, theo Quan Công quá ngũ quan, trảm lục tướng, qua năm cửa ải chém đầu 6 tướng, làm anh em tôi đi ngang nhà nào có thờ Quan Công là chúng tôi ngừng lại quay vào nhà bái tổ theo nghề võ, cả làng rất khen Khê anh, Khê em biết kính «ông Bồn».
+ 11 tuổi Trạch đã biềt ra câu đối.
Câu năm lại dạy anh em tôi đối chữ, đối ý, đối câu. Đầu tiên dạy chúng tôi phải biềt đối một chữ, bình đối với trắc, màu đối với màu, như vàng đối với đỏ hay tím, trắng đối với đen, số đối với số, năm đối với bốn, bảy hay tám, danh từ đối với danh từ, trời đối với đất, sông đối với núi, động từ đối động từ, đi đối vối chạy, lên đối với xuống. Rồi đến 2 chữ như vàng khè đối với đỏ hoét, trời biển đối với núi sông.
Cậu năm lại dạy cho chúng tôi biết những câu đối Việt Nam trong đó có những cách «chơi chữ», như câu
Ruồi đậu mâm xôi, mâm xôi đậu
> Kiến bò dĩa thịt, dĩa thịt bò
Hay «nói láy»,như «Ông mượn cháu, đi Giồng dứa , mua dừa gống về ươn mộng» «Ông mượn , ươn mộng ; giồng dứa, dừa giống».
Đối lại :
« Chồng sai vợ, đi Chợ Thủ kêu chủ thợ về chày sông »
«Chồng sai, chày sông, Chợ Thủ, chủ thợ »
Cậu năm dạy khi người ta ra câu đối Đông Tây, mình có thể đối Nam Bắc. Một hôm cậu năm ra câu đối :
«Cỡi máy bay, bay vòng Đông Tây Nam Bắc» .
Không ai đối được, cậu năm đối :
«Đi tàu lặn, lặn mãn Xuân, Hạ, Thu Đông».
Cậu năm lại ra một câu rất khó đối ;
«Thằng đàng Thổ, nằm dưới đất, ăn thục địa »
Thổ là đất, địa cũng là đất lại nằm dưới đất . Lẽ tất nhiên không ai đối được. Chính cậu năm tìm ra câu đối :
«Chà Châu giang, lội qua sông, hái bạc hà »
Giang là sông, hà cũng là sông, lại lội qua sông. Thục địa là một vị thuốc, bạc hà là một loại rau nhưng cũng là vị thuốc.
Năm 1934, Trạch mới được 11 tuổi ta, một hôm thấy con chó mực trong nhà làm đổ bình mực liền nghĩ ra một câu đối và thưa với cậu Năm : « Cậu ơi ! Con mới ra câu đối để cậu đối lại cho con :
«Chó mực làm đổ bình mực, mực đổ trên mình chó mực»
Cậu năm nói : «Cậu không đối liền được, hẹn con đến trưa nay cậu sẽ tìm câu đối». Cậu ra vườn trồng bông. Vài giờ sau, cậu năm tươi cười gọi Trạch và tôi đến để nghe câu đối :
«Gà bông bươi ngã bụi bông, bông rơi trên cánh gà bông »
Anh em chúng tôi vỗ tay hoan nghinh, nhưng cậu năm nói : « Đối ý thì hoàn toàn, nhưng đối chữ còn chưa được. « … làm đổ bình mực », chữ đổ trắc mà cậu đối « làm ngã bụi bông », chữ ngã cũng trắc, nhưng cậu tìm không ra chữ nào giọng bình. Chữ làm đổ bình mực và mực lại đổ trên mình chó mực, hai chữ đổ cùng âm mà khác nghĩa. Nhưng kể ra câu đối của con cũng khó đối lắm. Và cậu khen Khê em mới 11 tuổi mà đã ra được câu đối mắc mỏ như vậy .
+ Mối tình đầu của Trạch
Năm 1936 Trạch mới 13 tuổi và đã yêu một cô gái 12 tuổi, bạn của Ngọc Sương em gái chúng tôi. Cô bé rất đẹp, cũng có cảm tình với Trạch. Ngày nào cô bé cũng đến nhà chúng tôi để gặp Ngọc Sương. Tình yêu rất ngây thơ, nhưng hai trẻ cũng thích chuyện trò, ngồi gần nhau. Trẻ con không quan tâm, nhưng người lớn lại để ý. Cô ba, người thay cha mẹ chúng tôi để nuôi chúng tôi, từ lúc tôi lên 10, Trạch lên 7, lại rất tinh đời. Cô đến tìm cha mẹ cô bé đề nghị cho cô bé về quê mẹ trong một thời gian. Khi cô bé không đến nhà như thường lệ, Trạch buồn dã dượi trong mấy hôm liền. Trạch đến nhà cô bé để gặp hai người anh của cô cho đỡ nhớ. Không ngờ người anh nhỏ, bằng tuổi với Trạch, có nghe lén cha mẹ và cô ba bàn việc cho em gái về quê để cho Trạch không có dịp gặp cô em nữa. Trch rất buồn. Khi trở về nhà, lúc đó cô Ba đi vắng. Trạch bỗng nổi cơn giận dữ, bứt hết dây đờn tranh, đờn tỳ của cô ba.
Hả cơn giận, Trạch bình tâm thấy dây đờn ngổn ngang, tôi lui cui lượm bỏ dây hư, lấy dây mới và đang mắc từng dây một, nét mặt buồn. Trạch đến gần tôi nói trong nước mắt ; «Em khổ quá anh hai ơi ! Lúc giận em không còn suy nghĩ gì nữa. bây giờ em tỉnh hồn. Nhớ tới cô ba về rầy, em chịu không nổi. Em lại làm cho anh hai cực, em giận em quá . Em đi khỏi nhà anh hai ơi ! Cô ba có hỏi, anh hai nói em buồn quá bỏ nhà ra đi. Em cũng không biết sẽ đi đâu. Em sẽ không trở về. Anh hai đừng đi tìm em, vô ích..» Tôi khuyên can, nhưng Trạch đã nhứt quyết thì không ai cản ngăn em được. Nhìn theo em đi bộ xuống chợ cá gần bến xe đò đi Mỹ tho. Rồi cô ba về. Thấy tôi vừa mắc dây đờn, vừa lên dây mà nước mắt lưng tròng. Cô ba hỏi : «Tại sao dây đờn đứt hết vậy con?».
«Thưa cô ba, Khê em buồn gì không biết, vừa bứt từng sợi dây đờn vừa khóc. Rồi nhờ con xin lỗi cô ba, và ra đi, nói sẽ không trở về nhà nữa.»
«Con phải đi kiếm em, bảo nó trở về. Có chuyện gì buồn nói cho cô biết. Cô sẽ không rầy chuyện nó bứt dây đờn đâu. Con có biết em con đi đâu không?»
«Dạ thưa không. Nhưng thấy em đi đến phía xe đò đi Mỹ tho, chắc nó đi theo xe xuống Mỹ. Nó có quen với anh «lơ» chắc họ cho nó đi khỏi trả tiền.»
Nghe theo lời cô, tôi đi xe đạp xuống Mỹ tho, vì nếu đợi xe đò phải sáng hôm sau mới có chuyến đi, đêm nay em sẽ ngủ ở đâu? Tôi đạp xe mà lòng buồn vô hạn. Chưa bao giờ anh em xa nhau một bước. Nay em định bỏ gia đình êm ấm, xa người anh mà em triếu không thua gì con triếu mẹ, tức là em đang khổ lắm. Tôi suy nghĩ nếu mình buồn như em, mình sẽ đi đâu ? Chắc mình sẽ xuống mé sông nhìn nước chảy, vì nước chảy sẽ cuốn trôi phiền muộn. Tại Mỹ tho có một chỗ tại bờ sông mà lúc phải đi Tam bình qua ở đậu nhà cô năm tôi để học mấy lớp Sơ học, vì nhà nghèo cô ba tôi không đủ sức nuôi tôi học trường tỉnh Mỹ tho, anh em tôi thích ngồi bờ sông Tỉền giang, nhìn qua bên mặt có nóc đỏ nhà Cercle của người Pháp, nhìn phía trái có rặng cây dương xanh biếc. Hôm nay, chắc em tôi sẽ đến đó. Suy nghĩ như vậy, và do tình thương em dẫn dắt, tôi đạp xe một mạch đến bờ sông. Đến chỗ tôi đoán, tôi rât mừng, vì thấy bóng em ngồi trên thềm gạch, chống tay trên cằm. Tôi đến nhẹ sau lưng em và gọi nhỏ : «Khê em ơi !Anh hai đi kiếm em về. Cô sẽ không rầy la đâu. Anh hai bảo đảm với em.»
«Sao anh hai biết em ở đây mà đến tìm em»
        «Tình thương đã dẫn anh hai.»
Hai anh em ôm nhau không nói gì cứ để cho nước mắt tha hồ tuôn.
Nghe lời tôi khuyên, Trạch chịu về nhà và xin lỗi cô ba. Tôi chở em tôi bằng xe đạp. Từ Mỹ tho về làng Vĩnh Kim, 15 cây số đường làng, hôm đó trời mưa xối xả. Hai anh em ướt cả mình mẩy, nhưng lòng tôi vẫn thấy vui ấm vì anh em tôi không vì lẽ gì phải xa nhau.
+ Trạch thay anh em tôi báo hiếu.
Tuy việc bứt dây đờn tranh xảy ra lúc Trạch còn nhỏ tuổi, mà mãi sau này, mỗi lần nhắc lại Trạch lắc đầu như tự trách mình, không biết ơn người cô đã hy sinh cả cuộc đời để nuôi ba anh em chúng tôi nên người, vì mối tình của mình đã hành động không suy nghĩ, có thể làm đau lòng người cô mà chúng tôi thương kính như cha như mẹ. Nên năm 1944, khi cô tôi đau nặng, bịnh lao đã tới thời kỳ thứ ba, trắc nghiệm trong đàm đã thấy có vi trùng Koch, cô tôi có một người giúp viêc rất trung thành, tình nguyện nuôi cô tôi lúc đau ốm. Nhưng Trạch, sau khi thất bại trong việc làm ăn trên Sài gòn, nhứt định bỏ cả công việc về làng Vĩnh Kim, vừa tìm việc làm ăn hùn hiêp với một người anh họ để làm lò chén, vừa để mỗi ngày đạp xe lôi đưa cô tôi đi hứng gió ở ngả ba chim chim, cách nhà cô tôi đang ở hơn 1 cây số. Trạch thuê đóng một chiếc xe lôi có ghế nệm, mỗi ngày khi mặt trời xế bóng về chiều, Trạch đạp xe đạp, đưa cô tôi đi hứng gió. Năm đó, tôi đang học Y tại Hà nội, vì nhiều lý do: sinh viên theo phong trào «xếp bút nghiên», trường Đại học đóng cửa trong hai tháng, tôi bị đau rét rừng nặng phải nghỉ học. Miền Bắc thiếu gạo, nhiều nơi bắt đầu có nạn đói. Tôi về lập với bạn Huỳnh văn Tiểng một gánh hát sinh viên đi hát trong lục tỉnh, lấy tiền thâu được, mua gạo gởi ra ngoài Bắc cứu đói. Rồi tôi lại lo việc con đầu lòng của tôi sắp ra đời, phải đi dạy học tư tại Sài gòn để nuôi gia đình. Em gái tôi học nội trú trong trường áo tím Nữ học đường, em Trạch đã thay cho ba anh em chúng tôi báo hiếu với cô ba chúng tôi ..
+ Trạch, bị bắt tại Cần thơ vì có vợ ngưòi Pháp.
…..Anh em lại xa nhau, tôi đi gặp bạn Huỳnh Văn Tiểng tại Chợ Thiên Hộ, và được Ủy ban Kháng chiến Nam bộ cử tôi làm «Nhạc trưởng quân đội Nam bộ», và các bạn tôi đùa gọi tôi là «Tổng tư lịnh Kèn».
Trạch lúc đó có dịp xuống Mỹ tho và gặp lại gia đình của một người Pháp sanh ở đảo Corse. Ông nầy thương Trạch từ hồi Trạch còn là học sinh trường Trung học Mỹ tho, nên lúc Nhựt đảo chánh năm 1945, ông bị bắt lên tập trung tại Sài gòn. Trước khi đi lên trại tập trung, ông gởi gấm gia đình nhờ Trạch trông nom. Ông có một cô gái lớn rất đẹp, và trai tài gặp gái sắc, như sắt gặp đá nam châm. Và cuộc tình đó dẫn đến sự ra đời của em bé A. Tiếp theo là phong trào Việt Minh nổi dậy. Lúc đó ai có quần áo 3 màu xanh trắng đỏ thường bị gán cho danh từ «Việt gian». Trạch có vợ đầm, có đứa con lai, cảm thấy mình bị đe doạ. Nghe nói tôi ở trong vùng kháng chiến miền Tây, nên Trạch đi liều, gặp Thanh niên tiền phong hay Thanh niên cứu quốc đều nói đi xuống Bạc liêu tìm «anh hai tôi» trong vùng kháng chiến. Lúc đó Trạch vừa mới ra trường Trung học Mỹ tho. Chưa đi hát, không ai biết tên, nên bị bắt mấy lần nhưng được thả ra. Đến Cần thơ, hai vợ chồng bị nhốt để đợi ủy ban kháng chiến xét xử. Rất may cho Trạch, lúc đó có cậu sáu là một người quen thân trong gia đình đang làm Thanh tra chánh trị. Cậu sáu nghe nói có trường hợp một thanh niên có vợ Pháp mà muốn đi xuống tận Năm Căn tìm anh là Trần Văn Khê, cậu sáu liền lãnh phần giải quyết trường hợp đó. Cậu khuyên vợ Trạch làm giấy từ bỏ quốc tịch Pháp, và cậu cấp cho Trạch một giấy đi đường đến tỉnh Bạc liêu tìm tôi.
+ Trạch, binh nhì trong Đội quân nhạc Nam bộ. Anh em hội ngộ.
Lúc đó tôi phải đưa đội quân nhạc đến vùng Cái nước, vì cả Ban Quân Y phải lui về vùng Lẫm Biện Tú, không có tiền lẻ để mua thức ăn trong vùng nhà quê. Ban quân y chỉ nhận được giấy 500 đồng khó lưu dụng ở thôn quê. Mỗi ngày cả đoàn quân nhạc chúng tôi tổ chức những đêm hát có ca, nhạc cách mạng, có dân ca ba miền, góp được tiền lẻ, giữ 30 phần trăm cho đội, 70 phần trăm để giúp trạm Y tế Lẫm Biện Tú mua thịt cá, rau cải cho các bịnh nhân.
Một hôm, các anh trong ủy ban kháng chiến đến gặp tôi và cho biết rằng tôi có người em, có vợ Pháp, và con còn nhỏ, từ Hậu giang đến tìm tôi, rồi mời tôi theo anh ra trụ sở của Ủy ban. Vừa gặp tôi, Trạch chảy nước mắt, chạy lại ôm tôi, hai anh em không nói tiếng nào. Các anh trong ủy ban, đưa giấy giới thiệu của Thanh tra Chánh trị, tôi đọc qua rồi nói với các anh : «Thanh Tra chánh trị mà anh em tôi trong gia đình gọi là cậu Sáu đã gởi giấy giới thiệu. Dầu cho không có người giới thiệu mà nếu em tôi đến tìm tôi, tôi cũng sẵn sàng bảo bọc em tôi và gia đình.. Tôi xin làm tờ bảo lãnh cho em tôi. Từ giờ nầy, em tôi được vào Đội quân nhạc và nếu em tôi có làm chi sai lầm, tôi xin chịu trách nhiệm trước ủy ban.».
Trong thời gian mấy tháng, anh em sống lại cuộc đời thuở nhỏ, cùng ăn một mâm, cùng ngủ dưới một mái nhà, khi đi từ nhà đến bịnh viên, chống xuồng qua các rạch các kinh, Trạch khỏi sợ bị bắt như một «Việt gian » vì có vợ Pháp. Tôi vui vì trong cảnh xa nhà xa làng Vĩnh Kim, được chung sống với em tôi và gia đinh của em. Ai có ngờ người nghệ sĩ quái kiệt đã có lúc vì tình phải mang tiếng «Việt gian», khi ngộ biến đã trong mấy tháng trời làm «binh nhì» trong đội Quân nhạc Nam bộ ?
+ Rồi anh em lại xa nhau.
Nhưng cuộc hôi ngộ nào cũng đi đến lúc chia tay. Khi tất cả các cơ sở thuộc Nam bộ đều đi ra Bắc hay chạy theo căn cứ quân sự. Chúng tôi phải trở về Cần thơ, nơi anh hai con cậu năm tôi có một xưởng làm nước mắm mang hiệu Quê Hương. Trạch và gia đinh được cậu năm tôi đùm bọc, tôi đi về Lộc Ninh tá túc nhà nhạc mẫu tôi, bà ngoại của mấy cháu.
Năm 1949 tôi sang Pháp, Trạch làm việc tại Nhà hàng Théophile. Anh em lại xa nhau. Tôi nghiên cứu cổ nhạc. Em tôi nổi tiếng nhờ tân nhạc và được danh hiệu quái kiệt trong làng nghệ sĩ..
Khi nghiên cứu âm nhạc truyền thống và soạn luận án Tấn sĩ tôi được vào Trung tâm nghiên cứu khoa học nhưng vì muốn xây dựng một Trung tâm học nhạc Đông phương để dạy nhạc châu Á theo phong cách truyền khẩu truyền ngón, nên tôi chỉ làm việc bán thời gian cho Trung tâm nghiên cứu khoa học, còn phân nửa thời gian thì làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu âm nhạc Đông phương và làm Cố vân nghệ thuật cho anh Ph.V M. Giám đốc Nhà hàng La Table du Mandarin. Tôi bày ra trò chơi L’Election du Mandarin (Cuộc bầu cử Thượng quan của Nhà hàng) được diễn gần 20 năm mỗi buổi chiều. Lúc đó Bích Chiêu, Bạch Yến, Thiên Hương được hát tại La Table du Mandarin là do sau khi tôi nghe và bằng lòng đề nghị cho Anh Ph.V. M ký hợp đồng. Khi Trạch đến hát tại La Table du Mandarin, tôi đang giao việc giới thiệu chương trình bầu cử Thượng quan cho Nhạc sĩ Đan Trường. Nhưng anh em thỉnh thoảng gặp nhau tại Paris.
+ Trạch đến thường trú tại Pháp.
Đến năm 1977, ban giám đốc nhà hàng La Table du Mandarin gọi điện thoại báo tin cho tôi biết Trạch mới từ Việt Nam sang Pháp và muốn gặp tôi. Lúc đó tôi đã không còn làm Cố vấn chương trình nghệ thuật của Hiệu La Tabe du Mandarin, nên không có thể giúp Trạch tìm việc làm tại đây. Trạch phải đi nơi khác. Nhưng anh em lại có dịp cuối tuần về nhà tôi, anh em đờn hát thâu thanh tại nhà tôi, hay tại nhà nữ Bác Sĩ J. Ph.
Tuy cùng sống trên đất Pháp, vì công ciệc khàc nhau, tôi đang “bôn ba bốn biển năm châu“, Trạch đang tìm cách sanh sống bằng thương mãi, anh em gặp nhau trong những ngày Tết Việt Nam, hay những ngày họp mặt gia đình tại nhà Trạch. Mỗi khi Trạch có việc buồn thường hay gọi điện thoại cho tôi để đến gặp tôi, Trạch thèm ca Vọng cổ và muốn tôi đờn tranh phụ họa cho em.
+ Phút cuối cùng
Đến khi tôi hay tin em tôi bị đau nặng nằm tại bịnh viện, tôi thường vào thăm và Trạch một hôm “trốỉ” với tôi:“ Anh hai sắp đi Việt Nam theo chương trình làm việc cho Trung tâm nghiên cứu khioa học Pháp. Em chỉ ước ao một điều. Khi em phải từ giã cõi đời, em muốn có anh hai đưa em đến nơi an nghĩ cuối cùng “ . Tôi hứa với em;“ Dầu cho anh hai đi đâu trên trái đất nầy, khi biết tin em vĩnh viễn anh hai sẽ trở lại Pháp để lo việc đưa em về nơi an nghỉ cuối cùng. Anh hai sắp đi xa. Anh hai nhắc cho em nghe một câu phỏng theo ý của một nhà văn mà anh hai không nhớ tên: Ngày em ra đời, em khóc mà mọi người quanh nôi em cười vui. Ngày em phải lìa đời, khi mọi người khóc thưong tiếc em, thì em sẽ mỉn cười ra đi, vì em đã làm xong tất cả nhiệm vụ của em trên đời.“
Trạch mìm cười siết chặt tay tôi và nói:“ Anh hai yên lòng đi về nước làm việc. Mong rằng sẽ gặp lại anh hai khi anh hai trở lại Pháp. Nếu có mệnh hệ nào, em sẽ mỉm cười ra đi. Và anh hai sẽ về để đưa em về nơi an nghỉ cuối cùng.“
Lần đó là lần cuối cùng tôi gặp em tôi khi em còn sống. Và câu nói đó là câu cuối cùng mà tai tôi nghe tiếng em tôi nói. Và như đã hứa, tôi đã trở vềtừ Việt Nam và làm chủ tang cho đám táng của Trần Văn Trạch, em Khê em của tôi.
Trần Văn Khê

Ảnh : Từ trái: Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch, Lê Thương – 1949(Hoa Huỳnh chuyển)

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi ( 阮廌), bài "LOẠN HẬU ĐÁO CÔN SƠN CẢM TÁC"


Nguyễn Trải(1380-1442) là một nhà thơ, nhà chánh trị, sống dưói thời nhà Hồ và nhà Lê . Thi đậu Thái Học Sinh năm 1400, ra làm quan cho nhà Hồ. Khi nhà Minh sang xâm lăng nước ta, cha ông là Nguyễn Phi Khanh không đầu hàng giặc nên bị bắt giải về Tàu. Nguyễn Trãi đi theo tiễn cha đến ải Nam Quan thì cha ông khuyên ông trở về lo việc phục thù báo quốc. Khi quân Mình đặt nền cai trị lên đất nước Đại Ngu, Nguyễn Trãi theo phò Lê Lợi kháng chiến chống quân xăm lược, ông trở thành một nhà quân sư bày mưu tính kế đánh giặc đồng thời soạn thảo lời kêu gọi toàn dân nổi lên kháng chiến .  Ngoài ra ông còn soạn văn thư ngoại giao với quân Minh. Sau khi kháng chiến thành công , vì không chịu nổi bọn gian thần hãm hại, ông xin vua trừng trị bọn họ, vua không nghe , ông từ quan về ở ẩn tại Côn Sơn. Năm 1442 toàn thể gia đình ông bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên.
Nguyễn Trãi là một nhà văn hoá lớn có công xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, nêu cao tinh thần bất khuất của dân tộc. Trong bài thơ có nói tới giai đoạn 10 năm lưu lạc của ông ( từ sau năm 1407 cho tới lúc yết kiến Lê Lợi), vẫn còn là một câu hỏi. Cho tới nay cũng chưa có tài liệụ nào xác minh rõ thời gian đó ông ở đâu làm gì. Còn Nguyễn Trãi thì đề cập nhiều tới thời gian "Mười năm lưu lạc" nơi góc biển chân trời trong các sáng tác thơ văn, cho nên con số 10 năm coi như một biểu tượng có giá trị tương đối. Hình ảnh 10 năm phiêu bạt cũng được Nguyễn Du tiên sinh lập lại trong cuộc đời của mình bằng tên gọi là "10 năm gió bụi", từ 20 đến 30 tuổi(1786-1796). Gia phả và sách vở giáo khoa trăm năm qua lại viết 10 năm đó ông sống tại quê vợ.
 Theo TS. Phạm trọng Chánh thì Nguyễn Du có thời gian ba năm yêu cô hàng xóm Xuân Hương Hồ Phi Mai nơi Gác Tía cạnh đền Khán Xuân, rồi lại về Hồng Lĩnh, bị quận công Thận Tây Sơn giam 3 tháng vì toan vào Nam theo chúa Nguyễn Ánh. Nguyễn Du ra Thăng Long trong cuộc tình lỡ làng,người yêu đã đi lấy chồng anh Lang xóm Tây làng Nghi Tàm. Nguyễn Du tìm đến nhà người bạn văn chương Đoàn Nguyễn Tuấn rồi mới về Quỳnh Hải, Thái Bình cưới vợ chấm dứt "10 năm gió bụi".
Sau đây là bài thơ của Nguyễn Trãi :

Nguyên tác:     Phiên âm Hán Việt:
亂後到崑山感作   Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác

一別家山恰十年   Nhất biệt gia sơn kháp thập niên,
歸來松匊半翛然   Quy lai tùng cúc bán tiêu nhiên.
林泉有約那堪負   Lâm tuyền hữu ước na kham phụ,
塵土低頭只自憐   Trần thổ đê đầu chỉ tự liên.
鄕里纔過如夢到   Hương lí tài qua như mộng đáo,
干戈未息幸身全   Can qua vị tức hạnh thân tuyền (toàn).
何時結屋雲峰下   Hà thời kết ốc vân phong hạ,
汲澗烹茶枕石眠.  Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên.
Chù thích :
全(tuyền, âm nữa là toàn)
Côn Sơn:(theo Wikipedia): Một ngọn núi ở xã Chí Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (Bắc Việt), trên núi có động Thanh Hư, dưới có cầu Thấu Ngọc, đều là thắng cảnh (theo sách Quảng Dư Chí). Đời Trần, Trúc Lâm thiền sư dựng am ở đây, và trạng nguyên Lý Đạo Tái (tức sư Huyền Quang) sau khi từ chức trở về nhập thiền và trụ trì chùa Ân Tứ ở núi này. Triều Trần, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi, thường ngâm thơ uống rượu ở núi Côn Sơn sau khi từ chức vì can gián Hồ Quý Ly chuyên quyền mà không được. Tác giả từng thừa hưởng cơ ngơi của ngoại tổ.

Dịch nghĩa :
   Sau loạn về Côn Sơn cảm tác
1. Thời gian xa quê hương vừa đúng mười năm
2. Nay trở về, tùng cúc một nửa đã tiêu sơ
3. Đã có lời hẹn với rừng suối mà sao nỡ phụ
4. Trong cát bụi cúi đầu tự thương mình
5. Vừa qua làng, tưởng như giấc chiêm bao
6. Chiến tranh chưa dứt, may mắn được toàn thân
7. Biết đến bao giờ mới được làm nhà dưới núi mây
8. (để) Múc nước suối nấu trà, gối lên đá mà ngủ.
Dịch thơ :
    Sau loạn về Côn Sơn cảm tác

Mười năm phiêu giạt kiếp long đong

Trở lại, cúc tùng úa héo bông
Đã hẹn suối rừng sao nỡ phụ
Thương mình cát bụi cúi đầu trông
Binh đao chưa dứt may còn sống
Làng cũ vừa qua tưởng mộng xong
Ước muốn dựng nhà mây phủ núi
Nấu trà, gối đá, ngủ bên sông.
Nguyễn Cang
(Ảnh:Đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn-Hải Dương -ảnh từ Google)

Giải cứu voi con nặng trăm cân

Voi
Voi con nặng hơn người cứu nó
Một người gác rừng ở miền Nam Ấn Độ đã trở nên nổi tiếng sau khi cứu một con voi con bị rơi xuống mương và lạc mất voi mẹ.
Palanichamy Sarathkumar, 28 tuổi, giờ đang nhận được vô vàn tin nhắn ủng hộ kể từ khi tin tức về cuộc giải cứu voi con li kỳ ở bang Tamil Nadu được đăng vào cuối tuần.
Nhiều người muốn biết làm thế nào mà ông Sarathkumar có thể vác được con vật còn nặng hơn cả chính mình.
“Nó rất nặng, lúc đó tôi chỉ biết cứ thế kéo nó lên”.Voi con sau đó đã đoàn tụ với voi mẹ.
Ông Sarathkumar là một thành viên của đội kiểm lân đóng gần Mettupalayam, cách ga Ooty khoảng 50 km.
“Sau khi video tôi cứu voi con được phát trên truyền hình địa phương và mạng xã hội, nhiều người gọi điện chúc mừng tôi,” ông nói với BBC.
voi
Voi con yếu tới mức không đi được
“Mọi người trong làng cũng hỏi làm thế nào tôi có thể nâng cả một coi voi lên?”
“Tôi sợ bị mất thăng bằng, nhưng mấy người bạn đã nhảy vào giúp tôi đỡ con voi.”
Cuộc giải cứu diễn ra hôm 12/12 khi ông Sarathkumar nhận được cú điện thoại khi đang trên đường về nhà sau ca trực đêm.
“Người gọi điện nói một con voi cái đang chặn đường gần đền Vanabhadra Kaliamman.”
Ông và các đồng nghiệp đưa con voi cái trở lại rừng bằng cách sử dụng pháo sáng. Sau đó họ tiếp tục tìm kiếm những con voi khác trong cùng khu vực.
“Chúng tôi nhìn thấy voi con bị mắc kẹt ở một mương nước “, ông nói. “Nó rất mệt mỏi và bối rối, vì vậy chúng tôi đã di chuyển một tảng đá lớn chắn đường và đưa nó ra.”
voi
Voi con không bị thương và được cho rằng đã đoàn tụ với voi mẹ
Họ nhận ra con voi con chính là l‎ý do khiến con voi cái tuyệt vọng nên cố gắng giúp nó đoàn tụ với mẹ, nhưng nó yếu tới mức không thể đi được.
“Ban đầu bốn người chúng tôi định mang voi con sang bên kia đường để nó gặp mẹ”, ông Sarathkumar nói. “Nhưng như thế rất nguy hiểm vì voi mẹ khi ấy đang ở gần và có thể tấn công.”
“Vì vậy, thay vì cả bốn gặp nguy hiểm, tôi quyết định một mình vác voi con đi qua đường.”
Sau khi vác con voi trên vai đi được khoảng 50 mét, ông Sarathkumarđặt nó xuống gần một hố nước, với hy vọng voi mẹ sẽ tìm thấy con.
“Chúng tôi chờ đợi nhiều giờ nhưng voi mẹ không quay lại. Cảm giác sự hiện diện của chúng tôi có thể khiến con voi mẹ do dự, tất cả chúng tôi rút lui.”
“Ngày hôm sau khi tôi quay lại, con voi con không còn ở đó nữa, nhưng tôi có thể thấy những dấu chân của một con voi lớn trong rừng, có vẻ như chúng đã đoàn tụ trước bình minh.”
Voi là loài vật thông minh, sống bầy đàn. Các cán bộ kiểm lâm nói rằng voi con sẽ chết nếu họ không can thiệp.
Palanichamy Sarathkumar làm việc trong Đội chống lâm tặc sau khi chứng kiến xung đột giữa người và voi ở Tamil Nadu.
Ông Sarathkumar cao 1,8m và nặng 80kg.
Voi con nặng hơn 100kg.
BBC

Posted by

Tình Yêu và Cuộc đời Kim Dung, người viết Tiểu Thuyết Kiếm Hiệp

Cuộc đời và tình yêu mỗi người đều có hoàn cảnh, những con đường và lý trí riêng của nó.

 Tội nghiệp con trai trưởng của Kim Dung, đã tự tử vì không ngăn được cha mẹ ly dị.
Chuyện cuối đời người vợ thứ hai của Kim Dung thật ngậm ngùi đau xót. 


Người vợ thứ 3 thì hên, " chuột sa hũ nếp ". Well, tất cả là do ý trời.

LỮ KHÁCH


Khi du lịch Hong Kong, hướng dẫn viên bản địa sẽ giới thiệu với du khách một ngôi biệt thự đồ sộ trên sườn núi Thái Bình, khu nhà ở của bậc tỷ phú Hong Kong, với giọng nói đầy ngưỡng mộ:
 “Đây là ngôi nhà của nhà văn Kim Dung”. Rất nhiều người đã nghiên cứu “phong thủy” của ngôi nhà trên, nhằm giải thích nguyên nhân phát tích của “đại hiệp” Kim Dung. 
Kim Dung cùng với Cổ Long và Lương Vũ Sinh, được gọi là “Võ hiệp tam đại gia”. Ông đã góp công lớn đưa thể loại văn chương võ hiệp từ tiểu thuyết dân dã bước lên lâu đài của nền văn học Trung Hoa hiện đại, trở thành nhà văn lớn ngang danh Ba Kim, Băng Tâm. Ngoài sự nghiệp văn chương, ít ai biết ông còn có một cuộc tình lãng mạn… 

Người đưa tiểu thuyết võ hiệp vào sách giáo khoa
Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung. Bút danh đó là do tên ông chiết từ thành 2 chữ mà ra. Ông sinh năm 1924, trong danh môn vọng tộc ở huyện Hải Ninh, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Từ năm 1948, ông định cư và xây dựng sự nghiệp ở Hong Kong.
Ông không viết nhiều như các đồng nghiệp khác. Năm 1955, ông viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên Thư kiếm ân cừu lục, đến năm 1972 viết cuốn Lộc đỉnh ký, rồi gác bút ở tuổi 48. Ông đã lấy 14 chữ đầu tên các cuốn sách của mình đặt thành câu đối như sau: 
Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc;
Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên. 
Câu đối trên được khắc sau tượng Kim Dung, dựng trên đảo Đào Hoa, tỉnh Chiết Giang (quê hương “Đông tà” Hoàng Dược Sư trong pho truyện Anh hùng xạ điêu). 14 tác phẩm trên cộng thêm cuốn Việt nữ kiếm, như vậy tổng số tác phẩm Kim Dung là 15 cuốn.
Trích đoạn Tuyết sơn Phi Hồ đã được chọn trong sách giáo khoa ngữ văn trung học phổ thông ở Trung Quốc.
alt
Biệt thự của Kim Dung. 
Ngoài tiểu thuyết võ hiệp, Kim Dung còn viết nhiều bài thể loại phóng sự, bình luận, khảo cứu. Ông còn là một học giả uyên thâm, được phong nhiều học vị danh dự. Mặc dù đã được cấp bằng tiến sĩ văn học danh dự nhờ cuốn Lộc đỉnh ký, nhưng ông không thỏa mãn. 
Năm 2005, ông lập kỷ lục Guinness đậu bằng tiến sĩ lịch sử thực thụ Trường Đại học Cambridge (Anh) ở tuổi 81 với luận văn “Bàn về chế độ kế thừa ngai vàng thời thịnh Đường”. Năm 1959, ông sáng lập và làm chủ bút tờ Minh Báo, về sau phát triển thành Tập đoàn Minh Báo lên sàn chứng khoán, do ông làm chủ tịch HĐQT. Trong làng văn chương Hoa ngữ, viết văn mà trở thành tỷ phú, có lẽ chỉ có Kim Dung! 
“Giấc mộng đêm hè” của đại hiệp Kim Dung 
Người đời thường nói: “Đắc ý trên thương trường, thất bại trên tình trường”. Kim đại hiệp ngang dọc giang hồ, nhưng tình yêu vẫn khó trọn vẹn. 
Năm 1957, Kim Dung xin vào làm biên kịch cho hãng phim Trường Thành. Lúc đó ông mới 33 tuổi nhưng đã có tên trong danh sách “bốn tài tử Hương Cảng”, danh tiếng nổi như cồn, sao lại chịu khuất mình làm một nhân viên biên kịch? Lý do rất đơn giản: Trường Thành có ngôi sao sáng rực bầu trời – Hạ Mộng. 
Hạ Mộng (nghĩa đen: “Giấc mộng đêm hè” , tên một vở hài kịch nổi tiếng của đại văn hào Shakespeare) tên thật là Dương Mông, sinh năm 1934, người Tô Châu, tỉnh Giang Tô, từ nhỏ sống ở Thượng Hải, năm 1947 định cư ở Hong Kong. Năm 15 tuổi, cô đóng vai chính trong vở kịch tiếng Anh Joan of Arc, được đánh giá “không những người đẹp, còn diễn xuất có hồn” và nổi danh từ đó. Cô cao 1,7m, rất hiếm vào thời điểm giữa thế kỷ trước, cộng thêm tố chất văn hóa, nên năm 1953, sau khi tham gia đội ngũ của hãng phim Trường Thành, cô nhanh chóng trở thành diễn viên hàng đầu với biệt danh “công chúa Trường Thành”.
Tả về vẻ đẹp của Hạ Mộng, Kim Dung từng viết: “Sắc đẹp Hạ Mộng trong đời thường đã làm tôi lóa mắt; Hạ Mộng trên màn ảnh còn đẹp hơn, nhìn thấy cô tim tôi đã loạn nhịp, hồn phách cũng bị cô hớp mất”. 
åalt
Hạ Mộng tuổi học sinh. 
Ông cũng từng viết: “Tây Thi đẹp như thế nào, chưa ai thấy, chắc chỉ cỡ Hạ Mộng là cùng!”. Để có cơ hội tiếp cận người tình trong mơ, Kim Dung đã chọn con đường gia nhập Trường Thành. 
Về già, ông hồi tưởng lại, đúng như trong truyện dân gian Đường Bá Hổ điểm Thu Hương. Đường Bá Hổ là danh sĩ đời Minh, để tiếp cận người đẹp Thu Hương, ông đã đóng vai người hầu, nhưng khác với Kim Dung, Đường Bá Hổ được toại nguyện. 
Để mắt xanh người đẹp để ý tới, ông đã làm việc không mệt mỏi. Chỉ trong vòng 3 năm, ông đã lấy bút danh Lâm Hoan dựng 6 kịch bản: Giai nhân tuyệt thế, Đừng rời xa em, Tiếng đờn lúc nửa đêm… Ông còn học làm đạo diễn, từng hợp tác với bạn, đạo diễn thành công hai bộ phim Ấp ủ tình xuân, Cướp dâu. 
Các phim trên đều do Hạ Mộng đóng vai chính, hai người cộng tác rất thành công, nên ông có nhiều cơ hội tiếp cận người đẹp. Ông bày tỏ tình cảm bằng lời nói bóng gió và liếc mắt đưa tình. Cô cũng cảm mến tài đức của ông, nên đã đáp trả bằng “trên mức tình bạn, dưới mức tình yêu”, càng khiến ông thần hồn điên đảo, nhưng không thể vượt qua giới hạn cho phép. 
 
alt
Hạ Mộng (bìa trái) và Kim Dung (bìa phải). 
Cuộc hò hẹn lãng mạn 
Tất cả đều bắt nguồn từ việc “danh hoa đã có chủ”. Năm 1954, Hạ Mộng đã kết hôn với Lâm Bảo Thành, một thương nhân mê điện ảnh. Ngôi sao màn bạc Á Đông không sống phóng túng như ngôi sao Hollywood, Hạ Mộng không thể phản bội chồng. Đối với vô số người đeo đuổi, cô đều mặt lạnh như tiền, từ chối không thương tiếc, nhưng đối với Kim Dung, cô dành cho sự tôn trọng và thân thiện đặc biệt. 
Hạ Mộng đã nhận lời hẹn gặp với Kim Dung một lần duy nhất tại một quán cà-phê đêm. Ánh đèn mở ảo và tiếng nhạc du dương tạo ra một bầu không khí thơ mộng, 2 người không ngừng nâng ly và bốn mắt nhìn nhau. Kim Dung đã mạnh dạn dốc hết bầu tâm sự bấy lâu nay. Nghe xong, cô rơi lệ và thỏ thẻ với ông rằng, cô rất kính trọng nhân phẩm của ông, cũng rất tán thưởng tài hoa của ông, chỉ tiếc ông đã đến chậm một bước, “Hận bất tương phùng vị giá thì” (Thơ Lý Thương Ẩn: Chỉ tiếc không gặp nhau lúc thiếp chưa lấy chồng). Cô đã xin ông tha thứ, kiếp này không toại nguyện xin hẹn kiếp sau! 
Năm 1959, mang theo nỗi thương cảm không bờ bến, ông rời Trường Thành cùng nghề biên kịch và đạo diễn, ra sáng lập Minh Báo và chuyên tâm viết truyện võ hiệp. 
Tuy chém dứt tơ tình, nhưng hình ảnh Hạ Mộng vẫn dai dẳng bao trùm tâm trí ông. Không lâu sau đó, Hạ Mộng đi du lịch châu Âu dài ngày, ông đã đăng trên Minh Báo 10 số liền “Hạ Mộng du ký”, chính đã thể hiện điều đó. 
Hình ảnh Hạ Mộng cũng được tái hiện dưới ngòi bút Kim Dung, như nàng Tiểu Long Nữ trong trắng hồn nhiên (Thần điêu đại hiệp), Hoàng Dung thông minh sắc sảo (Anh hùng xạ điêu), Vương Ngữ Yên đẹp như tiên nữ (Thiên long bát bộ)…
Nhà văn nữ Đài Loàn đã quá cố Tam Mao từng viết: “Tiểu thuyết Kim Dung đặc biệt ở chỗ, viết ra chữ tình có thể khiến con người lên thiên đàng, xuống địa ngục, mà loài người đến nay vẫn chưa hiểu thấu. Nếu không biết được đoạn tình giữa ông và Hạ Mộng, sẽ không hiểu được hai chữ “tình duyên” trong tiểu thuyết của ông.
Sau 26 năm phấn đấu trên phim trường cũng như thương trường, cô đã để lại 42 bộ phim cũng như danh tiếng lẫy lừng trong giới điện ảnh tiếng Hoa. Năm 1976, Hạ Mộng cáo biệt những người hâm mộ Hong Kong, cùng gia đình đi định cư ở Canada. 
Kim Dung không những đưa tin tường tận, còn phát biểu xã luận nhan đề “Giấc mộng mùa xuân của Hạ Mộng”. Lúc đó, Minh Báo đã là tờ báo lớn, vì sự ra đi của cô đào điện ảnh mà phát biểu xã luận, là việc chưa từng có; chỉ có người trong cuộc mới hiểu được ngọn ngành “giấc mộng” của ông.
Nhìn lại cuộc tình ngang trái diễn ra khi trai có vợ, gái có chồng (Kim Dung kết hôn lần hai năm 1956), chỉ có thể là tình yêu kiểu Plato không vướng bụi trần, để lại một giai thoại cho văn đàn.
Những cuộc hôn nhân đầy sóng gió
Vợ đầu tiên của Kim Dung là Đỗ Trị Phấn, một cô gái xinh đẹp người Hàng Châu. Sau 1 năm yêu nhau, năm 1948, hai người đã kết hôn. Lúc đó cô mới 17 tuổi và sau đó đã cùng nhau sang Hong Kong. Kim Dung mới khởi nghiệp, bận rộn tứ bề, không có thời gian chăm sóc cô vợ kiêu kỳ.
 Với sắc đẹp trời cho, trong vòng vây của các “đại gia” trên đất phồn hoa đô hội, cô đã không chống nổi cám dỗ. Tình cảm 2 người rạn nứt, năm 1953 cô đã bỏ về Đại Lục và làm thủ tục ly hôn, không rõ kết cục cô ra sao. 
alt
Ảnh cưới Kim Dung và người vợ đầu tiên Đỗ Trị Phấn. 
Ở tuổi 74, khi hồi tưởng lại cuộc hôn nhân bất hạnh này, ông nói: “Mặc dù tôi rất yêu cô ấy, nhưng cô ấy đã phản bội tôi, nên kết cục đó tôi không hề hối tiếc”. 
Năm 1956, Kim Dung lấy người vợ thứ 2 kém ông 11 tuổi, cô Châu Mai, tên tiếng Anh là Lucy, một nữ phóng viên sắc sảo, giỏi giang, thạo tiếng Anh, là cánh tay đắc lực khi Kim Dung mới sáng lập Minh Báo.
 Cô từng bán hết nữ trang ủng hộ sự nghiệp của Kim Dung, đúng nghĩa người vợ tào khang. Năm 1959, Lucy sinh con trai đầu lòng Tra Truyền Hiệp. Kim Dung có cả thảy 4 người con, 2 trai 2 gái, đều là con cô Lucy.
Cuộc hôn nhân tưởng như mỹ mãn này cũng không được bền lâu, do có người thứ 3 xuất hiện. 
Lucy vốn tính cứng rắn, cô giữ chức trưởng ban phóng sự Minh Báo, hay xích mích với các đồng nghiệp.
 Trong một lần xô xát với tổng biên tập Wong, ông đã phẫn uất ra đi, kéo theo một số nhân viên đắc lực, khiến Minh Báo phải đình bản vài ngày.
 Lucy không những không nhận lỗi, còn đổ hết trách nhiệm cho Kim Dung. 
Trong cơn buồn bực, ông đã đến giải sầu tại một quán bar gần trụ sở Minh Báo. Ông đã uống đến say mềm, không về nhà nổi. Quán bar có 3 cô phục vụ, nhưng chỉ có cô Lâm Lạc Di, thường gọi là A May, tận tình chăm sóc ông.
 Sau đó, ông hay đến quán bar thư giãn và trò chuyện cùng A May. Một lần bị Lucy bắt gặp, cô đánh ghen vô cớ, khiến Kim Dung bị choáng váng, bệnh tim tái phát phải đưa đi cấp cứu, người trực bên giường bệnh vẫn là A May chứ chẳng phải ai khác.
 Ông đã đặt vấn đề yêu đương và xây tổ ấm chung sống với người tình bé bỏng của mình, lúc đó A May mới 17 tuổi, còn ông đã ngoài 50. 
alt
Kim Dung và người vợ thứ hai Lucy. 
Giọt nước đã làm tràn ly, ông đặt vấn đề ly hôn. Lucy không hề níu kéo, mà chỉ đề ra hai điều kiện khắt khe : Chia nửa gia tài và buộc A May phải tuyệt sản, vì e rằng sau này con anh con tôi, sinh nhiều chuyện rắc rối.
 Với điều kiện thứ 2 phi lý như vậy, không ngờ A May đã khảng khái chấp nhận, nói theo lời của cô, là để tập trung chăm sóc cho các con của Kim Dung, sau này cô quả đã làm tốt điều đó. 
Không thể kiểm chứng tính xác thực của thông tin này, nhưng A May ở tuổi xuân thì, sống với ông hơn 30 năm nhưng không có con, nên người ta tin giao kèo trên là có thật.
 
alt
Kim Dung cùng phu nhân A May. 
Năm 1976, con cả Kim Dung là Tra Truyền Hiệp mới 18 tuổi, đang du học ở Trường Đại học Columbia Mỹ, sau khi yêu cầu bố mẹ ngừng quyết định ly hôn không thành, đã nhảy từ lầu 21 xuống tự sát.
Khi ly hôn, Lucy được chia một căn nhà lớn cùng 300.000 USD, lúc đó là con số cực lớn, nhưng không hiểu vì tính hoang phí hay không thạo lý tài, nên cô đã nhanh chóng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, bị ngân hàng tịch biên nhà cửa. 
Có người còn nhìn thấy cô đứng đường bán túi xách ở khu Trung Hoàn. Năm 1996, cô chết vì bệnh lao phổi, một bệnh của người nghèo, ở tuổi 63. 
Cô chết trong cảnh cô đơn lạnh lẽo, chồng cũ và các con đều không ai có mặt, giấy báo tử của bệnh viện cũng không biết phải báo cho ai. 
alt
Hình chụp mới nhất của vợ chồng Kim Dung. 
Nhìn lại cuộc hôn nhân này, ông từng nói: “Tôi nhập vai người chồng không thành công, tôi mắc lỗi với cô ấy nhiều lắm, nếu được làm lại, tôi sẽ bù đắp cho cô ấy nhiều hơn”. Không thấy ông mảy may có chút hối tiếc về cuộc chia ly này. 
Làm sao có thể bỏ người vợ tần tảo, học thức, bản lãnh, cũng không kém phần nhan sắc, đi yêu một cô bé “ăn chưa no, lo chưa tới”, trình độ chưa hết phổ thông, các nhà “Kim Dung học” không giải thích nổi; có lẽ chỉ có chính ông mới hiểu, nhưng trái tim có tiếng nói riêng của nó, dù nhà văn lớn cũng đâu có thể diễn tả rành rọt được. 
Có người đến thăm ông lúc đó, mô tả lại thấy A May đang thổi bong bóng cùng các con của Kim Dung, chẳng ra dáng “mẹ kế” chút nào, cũng chẳng phách lối như một bà chủ lớn. Để “tân trang” cho cô vợ bé nhỏ, ông đã cho cô sang Úc du học cùng lời hứa “nếu có mối tình nào ưng ý, cô cứ việc bay nhảy”. Cô đã không phụ tình ông, đã cùng ông đi suốt đường đời dưới bóng tịch dương cho đến ngày nay. 
Đánh giá về cuộc hôn nhân này, ông nói: “Cô ấy luôn luôn chiều chuộng và nhường nhịn tôi. Đây không phải cuộc hôn nhân thất bại, cũng chẳng mấy thành công, chỉ là cuộc hôn nhân bình thường”. Quan niệm của ông về cuộc hôn nhân lý tưởng: “Tốt nhất là bị ngay tiếng sét ái tình, rồi kết nghĩa vợ chồng đến lúc đầu bạc răng long, nhưng rất tiếc, đối với tôi đó chỉ là điều mơ ước”.
Mr Hua Sưu tầm
(Hoa Huỳnh chuyển)

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...