Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

VUA CHUỘT - Truyện Ngắn của Khuất Đẩu ( Từ Văn Việt)

Thuở ấy, bọn trẻ con không nhiều đồ chơi như bây giờ. Một cái trống rung kêu long bong cho trẻ lên ba. Một con gà cồ bằng đất thổi kêu toe toe cho trẻ lên tư. Lớn hơn một chút, những con thú làm bằng bột xanh đỏ đủ màu. Những vịt, những gà, những chó, những mèo. Lại có cả chuột. Những con thú bé tí, xinh xinh. Chơi chán, thì bỏ vào nồi cơm, hấp. Ăn như ăn bánh đúc.
Một lần theo mẹ đi chợ, tôi được mẹ mua cho cả một bầy chuột.
Thực ra, không phải mẹ mua mà tự tôi đòi mua. Mẹ bảo, “Mua gì không mua sao lại mua chuột”? Tôi nói, “Con thích chuột”. “Cho nó phá ấy à, mẹ nói, chuột đầy nhà không thấy sao”? “Thì mẹ mua thêm một con mèo cho nó bắt chuột”, tôi nài nỉ. Thế là mẹ phải chiều!
Bầy chuột có đến những năm con.
Một con đen như mực tàu.
Một con trắng như bông bưởi.
Một con vàng như củ nghệ.
Một con xanh như chàm.
Và một con đỏ như tiết.
Chuột bé chỉ bằng ngón tay. Mèo tam thể thì to bằng ngón chân cái.
Tất cả bỏ chung vào trong một cái bát sành đã bị nứt.
Cha tôi cười: Mèo và chuột sống cạnh nhau sao được. Để cha cho một cái lục lạc đeo vào cổ mèo.
Thế là cái ước muốn bao đời của họ nhà chuột, nhờ có cha, đã thành hiện thực.
Trò chơi của tôi là nằm sấp trên một cái phản gõ đen bóng, bày năm con chuột thành một hàng dài, con nọ nối đuôi con kia, rồi đem con mèo đeo lục lạc ra dọa.
Chạy đi! Chạy đi!
Tôi gào lên, nhưng lũ chuột vẫn nằm im không nhúc nhích. Không biết tụi nó điếc hay sợ quá cúm cẳng không chạy được. Tôi lại phải nắm từng con nhấc lên để xuống, giả như chạy.
Nhưng cái trò chơi vớ vẩn ấy quả thật không hào hứng một chút nào. Xem con mèo thật nhảy múa đùa giỡn với con chuột con thích hơn. Cái cách nó tung con mồi lên cao rồi nhảy tới chụp, cứ như một thủ môn bay với trái bóng. Rồi cách nó giả bộ chán chường bỏ đi, cách con chuột nằm xuội lơ giả chết. Thích nhứt là khi con chuột hé mắt vụt chạy, mèo lao tới liền. Loáng một cái, con chuột lém lỉnh đã nằm gọn trong miệng mèo.
Làm sao để những con chuột đủ màu kia và con mèo tam thể nọ có thể biểu diễn những màn tung hứng như thế được?
Óc tưởng tượng của một cậu bé cũng chỉ bày ra được cảnh chuột ăn cắp trứng gà mà thôi. Đặt một cái trứng thằn lằn vào bụng một con chuột nằm ngửa, bắt các con khác kéo. Nhưng rồi cũng lại chính tôi phải cột dây mà lôi đi.
Thật là chán.
Mẹ bảo, “Thôi để mẹ hấp cơm cho”. Nhưng mà ăn thịt chuột thì ghê quá, nuốt sao trôi!
Thế là như bao đứa trẻ khác, những thứ đồ chơi quê mùa đó cũng chỉ kéo dài được vài ba ngày là bị vứt bỏ không thương tiếc. Lúc này đang là mùa hè, chơi trò đá dế sướng hơn.
Đương nhiên là cả nhà cũng quên béng lũ chuột cho dù chúng được nhuộm màu. Số phận của chúng nếu không nằm trong xó nhà, thì cũng nằm đâu đó ở góc vườn. Tôi mà không tưng tiu nữa thì ngay cả con chó mực cũng không thèm giả bộ sủa.
Cho đến một hôm, lúc đã bước vào năm thứ nhất của bậc trung học, bất ngờ tôi thấy bầy chuột ngũ sắc đang nhai quyển sách của ông tôi. Cái cách bọn nó nhai mới thong thả điệu nghệ làm sao. Cứ như đang thưởng thức từng con chữ trong đó. Những chữ vừa có mùi mực nho vừa có mùi của thánh hiền. Như người ta ngồi trong nhà hàng nhai mực khô, vừa nghe vị ngọt của mực vừa mơ hồ nghe đâu đây như có tiếng sóng trùng dương.
Sách của ông tôi làm bằng thứ giấy gì đó, mỏng nhưng rất dai. Sách không để trong tủ mà xếp lại thành từng chồng, treo trên cao như một cái trang thờ. Nghe nói để lại từ đời ông nội của ông nội kia. Nghĩa là xưa lắm, từ hồi các sĩ tử đi thi phải cõng trên lưng cả lều và chõng như một con ốc mượn hồn.
Chồng sách mà sau này tôi nghe nói toàn những chi hồ giả dã, có đến chục quyển, bị chuột gặm gần hết. Vậy mà bấy lâu bà tôi cứ đổ riệt cho ông xé ra vấn thuốc, hút. Đáng lẽ phải chộp mấy con chuột chính danh thủ phạm kia để giải oan cho ông, nhưng tôi lại lặng im. Phần vì thích thú xem chúng nó nhai, phần vì chính tôi cũng có tội cõng chuột về nhà.
Hết sách chữ nho của ông lại đến sách chữ Tây của cha. Có cả những quyển to và nặng như cục gạch, nhưng chỉ trong một đêm là chúng nhai biến. Sách chữ Tây giấy láng, có hình nhiều con thú, trong đó có đủ loại mèo. Có lẽ vì vậy mà chúng nhai nghe rau ráu như chó nhai xương.
Lúc này người ta đang thề phanh thây uống máu quân thù, nên suy cho cùng, lũ chuột chẳng những không có tội mà còn có công.
Khi những đội du kích tới nhà lục soát thì chẳng tìm đâu ra một cuốn sách Tây hay Tàu. Chỉ thấy những đống phân chuột nhiều như lúa, hãy còn phảng phất mùi thơm của chữ nghĩa. Nhờ vậy mà hai cái gông phong kiến và thực dân không tròng lên cổ ông tôi và cha tôi.
“Thật là hú vía, bà tôi nói, cũng may nhờ có ông Tý”! Rồi bà thì thào vào tai tôi: “cháu đừng có dại mồm dại miệng, nhớ cẩn thận kêu Ông Tý nghe chưa”!
Tôi dạ!
Không phải “dạ” cho xong chuyện để bà vui lòng mua bánh kẹo cho tôi mà thực ra, tận đáy lòng, tôi thấy chuột xứng đáng được gọi bằng “ông”. Sau này lớn lên tôi nghe cả nước còn gọi bằng “ngài” nữa kia.
Bởi vì chẳng những quý ông Tý ấy biết ăn sách để khôn ra mà còn biết nói tiếng người!
Một hôm, gió mát trăng thanh, tôi nằm chơi rồi ngủ quên ngoài hiên. Khi thức giấc, nghe mơ hồ như có tiếng rì rầm. Rồi có tiếng nói rất nhỏ nhưng nghe khá rõ:
Chúng ta là loài thông minh.
Không thông minh, sao lại được đứng trước con trâu to gấp triệu lần,
trước con cọp oai phong lẫm liệt,
trước cả kẻ thù truyền kiếp là lũ mèo điên,
trước cả con rồng bay trên trời cao,
trước con rắn nham hiểm,
trước con ngựa ngu đần to xác mà lại để cho người ta cưỡi,
trước con dê xồm hôi hám,
trước con khỉ khọt khẹt ranh mãnh,
trước con gà chỉ biết cục tác lá chanh,
trước con chó khóc đứng khóc ngồi đòi mua cho được đồng riềng và trước con lợn ủn ỉn ngu si đòi mua hành để ướp thịt chính mình.
Mười hai loài, giống chuột đứng đầu.
Chỉ thua có mỗi con người.
Nhưng cũng chưa chắc đã thua.
Nghĩ mà xem, bọn họ một nắng hai sương, chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa, lại trông trời trông đất trông mây, trông cho chân cứng đá mềm, làm ra hạt lúa để cho chúng ta ăn, hỏi ai khôn hơn ai?
Sách là kho trí khôn của bọn họ, nếu thích chúng ta cứ gặm bồ này đến bồ khác, làm gì được nào? Bốn bồ chữ trong thiên hạ, chúng ta chỉ nhai trong một đêm là hết sạch.
Nhưng lâu nay, chúng ta:
bị bẫy chuột đè lòi ruột,
bị bả chuột nằm chết nhăn hai răng cửa,
bị mèo chụp ăn tươi nuốt sống,
bị chó săn đuổi tận hang cùng ngõ ngách…
ấy là bởi chúng ta mạnh ai nấy sống, đem cái khôn vặt của mình ra mà chui vào bồ lúa để ăn một mình, hay thò thụt chui vào bếp, kiếm được cái xương hay khúc cá kho đã cho là đại yến.
Có biết đâu, ngay từ lúc mới sinh ra con người đã sợ chuột. Càng nhớn thì càng sợ.
Ta có một thứ mà bọn họ sợ còn hơn bom nguyên tử.
Ấy là những con bọ be bé sống trong mình chúng ta, chúng cắn chỉ như gãi ngứa, nhưng với con người, thì hạch nổi lên, nóng sốt li bì, chết nhanh còn hơn thuốc diệt chuột. Lịch sử đã từng ghi nhận có những trận đại dịch giết hơn một nửa dân số.
Dịch hạch!
Nghe hai tiếng đó, cái lũ người ngạo nghễ kia đứa nào không sợ.
Chúng ta là thế đấy,
hãy tự tin,
tự hào,
tự tôn
và tự đại
về nòi giống chuột chúng ta.
Đó là giống nòi sinh ra không phải để:
bị đàn áp,
bị giết thịt,
bị nguyền rủa hay
bị đem đi làm thí nghiệm
mà là để thống trị.
Nhưng trước khi ngẩng cao đầu đòi quyền làm chuột, chúng ta hãy đoàn kết lại.
Chuột nhắt,
chuột xạ,
chuột chù,
chuột cống,
chuột ở nhà này,
chuột ở xóm này,
chuột ở huyện này,
chuột ở tỉnh này,
chuột ở nước này,
chuột ở châu Á,
chuột ở châu Phi,
chuột ở châu Mỹ,
chuột ở châu Âu,
tóm lại: chuột trên toàn thế giới đoàn kết lại!
Chít chít!
Chít chít!
Tức là hoan hô, hoan hô!
(Sau này, cũng tiếng chít chít đó, nhưng khi là đả đảo, khi thì muôn năm!)
Hóa ra một con chuột màu đỏ đang diễn thuyết giống như mấy đồng chí cán bộ về làng phóng tay phát động quần chúng, chuẩn bị đấu tố.
Dưới ánh trăng, có cả ngàn con chuột đang say sưa nghe như uống từng lời. Hết chuột xanh, đến chuột trắng, chuột vàng. Chuột nào cũng đứng trên hai chân sau vung hai chân trước lên kể tội con người.
Sau cùng, chuột màu đỏ như tiết đó với một giọng đầy quyền uy, bảo đem con mèo ác ôn ra trình diện trước toàn thể đồng bào chuột.
Chít chít!
Chít chít!
Tức thì, chuột đen oai vệ bước ra, tay cầm một sợi dây cột chặt con mèo tam thể. Con mèo đeo lục lạc bằng bột vốn đã ngơ ngác, đần độn, giờ lại đần độn ngơ ngác hơn, như thể đã bị lũ chuột khoét mất linh hồn.
Chuột màu đỏ có vẻ là chuột chánh án y như ở tòa án nhân dân, ra dấu cho chuột công an màu đen bắt con mèo quỳ xuống.
Con mèo không đủ tỉnh táo để thấy rằng, đây là giây phút ô nhục nhất chưa hề xảy ra đối với dòng họ mèo.
Chỉ cần ngao lên một tiếng là cả lũ bỏ chạy như chuột. Cái danh tiết hiếu sát của tổ tiên để đâu?
Nhưng trông cái vẻ mặt lầm lì, cũng có thể nó bất thần tung ra món võ mèo. Cũng có thể thôi, vì với cái biển chuột lúc nhúc hàng ngàn con này, nhứt là những con chuột cống to như gấu, hôi hám đến lộn mửa, thì ngay cả mèo rừng còn ngại huống hồ là nó.
Chánh án chuột đỏ hỏi:
Thằng mèo kia, mày đã giết bao nhiêu chuột?
(không đáp)
Mày có chịu từ bỏ cái món thịt chuột không?
(không đáp. Nhưng nó nghĩ mèo không ăn thịt chuột chẳng lẽ ăn cứt à?)
Chít chít!
Chít chít!
(phải hiểu là giết giết!)
Mày gây nợ máu với đồng bào chuột của tao, giờ phải trả, biết chưa?
(không đáp, nó lại nghĩ nợ máu là nợ gì, mèo không bao giờ xơi chuột chết)
Chít chít!
Chít chít!
Hỡi đồng bào chuột, tội của mèo cao ngất trời, để nó sống hay giết chết?
Chít chít!
Chít chít!
Nhưng đêm ấy và nhiều đêm sau nữa, con mèo vẫn chưa bị giết. Chẳng phải vì thương một con vật sa cơ thất thế, mà giết nó thì biết lấy ai ra hỏi tội. Chánh án chuột đỏ giao mèo cho chuột đen tiếp tục giam giữ.
Những lúc đứng trước tòa, chuột đen có vẻ hiu hiu tự đắc. Nhưng khi chỉ một mình với mèo thì cái bản năng gốc khiến râu hắn cụp xuống, bốn chân run lẩy bẩy. Hắn phải huy động cả một trung đội cảnh sát chống khủng bố, là những con chuột cống, chẳng những hiếu sát mà còn hiếu dâm.
Vòng trong vòng ngoài ken đặc những con chuột trang bị đến tận răng, nên hắn cảm thấy bớt sợ. Nhưng suốt đêm hắn không ngủ được vì những tiếng cười hềnh hệch của những thằng chuột cống và tiếng la chí chóe của những con chuột cái.
Từ đó, cứ cách một vài đêm, lũ chuột lại dắt mèo ra để vừa làm nhục vừa đùa cợt.
Cái trò vuốt râu mèo đứa nào cũng thích. Cả dòng họ nhà chuột chưa bao giờ dám tới gần miệng mèo, giờ lại được cụng râu, kề má bảo sao chúng không khoái. Râu mèo dai như cước nhưng cả ngàn con chuột đêm nào cũng sờ nắn vuốt ve, nên chẳng còn một sợi nào.
Mèo không râu, trông hiền và nhát như thỏ.
Nó ốm nhom vì mỗi ngày chỉ được phát có mỗi một cái đuôi cá thúi, nhưng bản lĩnh của họ nhà mèo khiến nó vẫn giữ được bình tĩnh. Nó lim dim mắt nhìn lũ chuột gặp thời như chó nhảy lên bàn độc.
Gặp thời thì loài nào cũng vậy thôi.
Nó chỉ ấm ức vì cái ông lão bán tò he, không hiểu lão nặn ra nó bằng thứ bột gì mà khiến nó mất hết oai phong. Trong khi đó, lũ chuột ngũ sắc lại trở nên ranh ma, chẳng những biết rủ rỉ nói cho lũ chuột cống hôi hám nghe theo, mà còn biết dùng cái màu lạ đời khoác trên mình để hù dọa bọn chuột nhắt, chuột chù bần cố.
Chẳng những thế, chúng lại còn muốn tôn mình lên làm vua.
Sau nhiều đêm cãi cọ, hăng máu đến nỗi suýt đánh nhau, chỉ có năm màu thôi mà cũng chia thành năm phe, mỗi phe hùng cứ một góc sân, chúng đi đến thống nhất rằng, sẽ có ba vua là vua chuột Đỏ, vua chuột Trắng, vua chuột Xanh cùng cai trị như quỷ ba đầu. Riêng chuột Vàng sẽ làm tể tướng mãn đời và chuột Đen thì làm đại tướng coi việc an ninh nội bộ.
Rồi đó phân hạng chuột, phong quan chức. Chẳng mấy chốc đã lập nên nhà nước chuột.
Thực ra, thì họ nhà chuột không phải đứa nào cũng tùng phục. Như bọn chuột túi to kềnh ở Úc châu, bọn chuột núi răng dài ở bắc Mỹ. Cả thế giới chuột nhao nhao phản đối.
Nhưng cái đám chuột ngũ sắc ở nhà tôi vẫn cứ cho rằng mình xứng đáng làm vua, vì đã thắng được giặc mèo.
Một đêm lịch sử, chuột tuyên cáo với đất trời làm lễ xưng vương. Đi giữa hai hàng chuột cống to lù lù, chuột Đỏ, chuột Xanh, chuột Trắng trông bé xíu như những con rệp. Nhưng, như đã nói, vì thắng được giặc mèo, nên những cái mặt chuột cứ vênh lên, mắt láo liên cứ như mắt Tào Tháo. Trông hết sức gian hùng.
Chít chít!
Chít chít!
(nghe như dân Nga hô “Hura! Hura!”, dân Tàu hô “Vạn vạn tuế!”).
Từ đây, vua chuột phán, mọi con chuột sinh ra đều có quyền bình đẳng, đó là quyền được sống, được đi lại, được hú hí với vợ con. Thế giới chuột là thế giới đại đồng, không làm cũng có ăn. Tùy theo khả năng, muốn ăn gì thì cứ ăn, muốn phá gì thì cứ phá.
Chít chít!
Chít chít!
Nghe thật mê tơi, đến nỗi tôi cũng muốn làm chuột.
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm con chuột nhắt không làm cũng có ăn!
Nhưng chỉ riêng tôi thôi chứ cả nhà chẳng ai ưa lũ chuột. Cái đức tính muốn ăn gì thì cứ ăn, muốn phá gì thì cứ phá, là đức tính của bọn ăn cướp. Cha tôi căm lắm. Hết đặt bẫy, đánh thuốc, ông lại rước thợ săn về nhà bắt chuột. Thợ đem những cái chà di (chui vào nhưng chui ra không được) đặt ở miệng lù, miệng cống, rồi thả chó đánh hơi rượt đuổi.
Quả nhiên bắt được năm anh chuột cống, mấy chú chuột xạ và một ổ chuột nhắt mới nở đỏ hỏn.
Nhưng bọn Ngũ Thử bang vì nặn bằng bột nên chẳng hề hấn gì. Chó không thể đánh hơi. Chúng có chạy được đâu mà phải cùng đường đút đầu vào chà di. Cha tôi lượm chúng lên, ngó qua rồi ném vào bụi.
Thế nên, tối đến ba chuột Đỏ, Trắng, Xanh vẫn là vua, chuột Vàng vẫn là tể tướng, chuột Đen vẫn là đại tướng. Trong sân vườn vẫn chít chít muôn năm!
Tôi đã bắt đầu thấy chán, thấy bực. Cũng có thể nói là đã bắt đầu cảm thấy ân hận vì đã rước lũ chuột quái quỷ về phá nhà.
Đã mấy lần định tóm vua chuột và đồng bọn cho vào nồi hấp, nhưng giờ chúng là vua, có cả một bầy chuột cống to bằng bắp cẳng nhe răng ra canh giữ, chó còn không dám xáp tới huống hồ là tôi.
Thì đúng là nhát và hèn.
Đành chịu vậy, chứ biết nói sao.
Cũng may, (thực ra nhờ có cái rủi) nhà tôi bị cháy.
Thì đúng như câu cháy nhà ra mặt chuột. Những con chuột đủ màu, con làm vua con làm tướng, bị nướng chín, cháy đen. Họ hàng nhà chuột hốt hoảng thò mặt ra rồi trốn biệt!
Thôi cửa nhà từ đây sạch bóng chuột!
Nhựt nguyệt hết mờ rồi lại sáng!
Non sông vững âu vàng!
10/5/2013

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...