Bất cứ ai đến thăm Quảng trường
Trafalgar ở London sẽ biết rằng du khách sẽ bị thu hút về phía một chỗ
nhiều hơn tất cả các chỗ khác: bộ bốn bức tượng sư tử bằng đồng khổng
lồ, mỗi tượng nặng bảy tấn, nằm dưới chân Cây Cột Nelson.
Những bức tượng này là do họa sỹ kiêm điêu khắc gia người Anh Edwin
Landseer thiết kế và dựng lên vào năm 1867. Ông đã sử dụng thi thể của
một con sư tử đã chết ở Vườn thú London làm mẫu tạc tượng.Bộ tượng của Landseer nằm trong số những hình tượng sư tử nổi tiếng nhất trong nghệ thuật phương Tây.
Dĩ nhiên là còn nhiều những bức tượng khác nữa. Thật vậy, các nghệ sỹ đã khắc họa hình ảnh sư tử trong hàng ngàn năm qua đến mức là chúng trở thành một motif trang trí phổ biến đến mức người ta không còn để ý.
Chẳng hạn như sư tử thường xuất hiện như những người bạn đồng hành trung thành trong các bức vẽ về Thánh Jerome.
Rubens vẽ những bức săn sư tử rất cuốn hút. Delacroix cũng vậy. Trong bức ‘Người Di-gan Ngủ’ của Henri Rousseau (1897), một con sư tử dưới ánh trăng đánh hơi một nhân vật đang nằm ngủ bên cạnh cây đàn mandolin.
Một con sư tử có bộ lông da cam lộng lẫy đang đi rình mồi trên con đường bên ngoài một nhà tù ở Port of Spain trong một bức tranh vẽ tạo ảo giác của họa sỹ Scotland Peter Doig vẽ hồi năm 2015.
Hình ảnh sư tử là một thành phần chủ yếu trong thiết kế các huy hiệu. Bức tượng đồng cổ về con sư tử có cánh là biểu tượng của thành phố Venice. Cũng ở thành phố này, một con sư tử tráng lệ nửa thức nửa ngủ canh giữ bức tượng nhà điêu khắc Canova trong nhà thờ Santa Maria Gloriosa dei Frari.
Nói tóm lại, danh sách hình tượng sư tử trong nghệ thuật là vô hạn. Hồi đầu năm 2017, nhà điêu khắc Iran Parviz Tanavoli trông nom một cuộc triển lãm ở Tehran với hàng trăm hình ảnh sư tử nghệ thuật ở nước của ông. Một số hiện vật trưng bày có lịch sử cả ngàn năm.
Nhân Sư
Tất cả những sự thể hiện hình ảnh sư tử này có nghĩa gì? Và từ lúc nào mà chúng trở thành được ưa chuộng như thế? ‘Sống cùng các vị Thần’, tên của một cuộc triển lãm khám phá về niềm tin tôn giáo ở Bảo tàng Anh quốc, đã trả lời cho câu hỏi sau nếu không muốn nói là cả câu hỏi trước, bởi vì nó cho thấy sư tử là một đặc điểm thiết yếu trong ma trận các hình ảnh nghệ thuật từ những ngày đầu nghệ thuật xuất hiện.Bằng chứng của việc này là một tác phẩm điêu khắc bằng ngà voi cao 31cm khắc họa một sinh vật mình người đầu sư tử được tạc từ chiếc ngà của một con voi ma mút từ 40.000 năm trước.
Các mảnh vỡ của bức tượng này được tìm thấy trong một hang đá ở tây nam nước Đức trong thế kỷ 20. Được phục dựng lại một cách gian khổ, ngày nay nó được gọi đơn giản là ‘Nhân Sư’. “Đó là một kiệt tác,” bà Jill Cook, người trông coi cuộc triển lãm và là một chuyên gia về nghệ thuật Kỷ Băng Hà, nhận xét. “Độc đáo đến không ngờ, tài tình về kỹ thuật và có một quyền lực tâm linh phi thường.”
Theo như Cook giải thích, tính nghệ thuật của tác phẩm điêu khắc này rất đặc biệt: những bắp chân, dường như đứng nhón trên ngón chân, được xoay rất đẹp trong khi phía sau một cái tai chúng ta có thể nhìn thấy một ‘nếp nhăn nhỏ’.
“Nếp nhăn này được tạo ra khi các cơ thu lại lúc con sử tử dỏng tai lên để lắng nghe,” Cook cho biết. “Cho nên, con vật này đang tỉnh táo và đằng trước tai chúng ta có thể thấy ống tai. Nói cách khác, đây không phải là một con người đeo mặt nạ sư tử mà đó là một chiếc đầu sư tử rất chi tiết.”
Bức tượng ‘Nhân sư’ nhiều khả năng dựa trên sự quan sát những con sư tử hang động châu Âu vốn, loài vật giờ đây đã tuyệt chủng nhưng trước kia sống rất nhiều dưới Kỷ Băng Hà, khi mà, theo lời Cook, chúng là ‘thú săn mồi bậc cao’.
“Chúng ta biết rằng nó mô tả sinh vật hung dữ nhất trong tự nhiên và được tạo khắc bằng chất liệu từ động vật có vú lớn nhất,” Cook giải thích. “Do đó, nó muốn nói về con người muốn tìm vị trí của mình trong thế giới tự nhiên để vượt qua hay có lẽ thậm chí định hình lại tự nhiên, hay vươn ra ngoài vũ trụ.”
Sư tử trong nghệ thuật cổ đại
Bà nói tiếp: “Nhưng, một mặt, tôi không quan tâm nó có ý nghĩa là gì. Tất cả nghệ thuật đều có thông điệp của nó – và đây là một hình ảnh rất mãnh liệt vốn cho thấy cách trí tuệ con người hoạt động: kể chuyện, suy nghĩ và tìm cách tạo ý nghĩa cho cuộc sống.”Tác phẩm ‘Nhân sư’ có từ cách nay rất lâu – từ thuở hồng hoang mà lịch sử còn sơ khai – khoảng mấy chục ngàn năm trước khi loài người phát minh ra chữ viết. Một chuyến đi tham quan nhanh trong Bảo tàng Anh quốc cho thấy từ buổi bình minh của sử sách, hình tượng sư tử đã đóng một vai trò quan trọng trong nghệ thuật cổ đại.
Mới đây, một trong những đồng nghiệp của bà Cook là ông John Simpson, một nhà khảo cổ và là chuyên gia về Cận Đông, đã dắt tôi đi dạo một vòng những con sư tử cổ đại được ca ngợi nhất ở bảo tàng.
Chúng tôi đã gặp nhau ở Sân Lớn, bên cạnh một bức tượng được gọi là Sư tử Knidos, một tượng đá cẩm thạch khổng lồ có từ thời đỉnh cao của văn minh Hy Lạp.
Được tạo tác vào khoảng thời gian giữa thế kỷ 4 và thế kỷ 2 trước Công nguyên, bức tượng này từng nằm bên trên một lăng mộ ở thành phố biển Knidos, tây nam Thổ Nhĩ Kỳ. “Đối với tôi, điều tuyệt vời về con sư tử này,” Simpson nói, “là nó là bằng chứng lớn nhất mà chúng tôi có về hiện tượng đôi mắt sư tử – bởi vì cặp mắt của nó ban đầu là được lắp thủy tinh”.
Đối với Simpson, tượng sư tử này là một trong những motif quan trọng nhất của nghệ thuật cổ đại. “Sư tử thống lĩnh hệ động vật của Cận Đông cổ đại trong cả tự nhiên lẫn nghệ thuật từ cuối thiên niên kỷ thứ tư trước Công nguyên trở đi,” ông giải thích. “Và trong nghệ thuật, có hai cách thể hiện khác nhau về sức mạnh của sư tử.”
Hai cách thể hiện
Cách thể hiện thứ nhất, ông giải thích, rất phổ biến ở Ai Cập cổ đại và sau đó là Hy Lạp cổ đại như chúng ta thấy trong tác phẩm Sư tử Knido đầy trang trọng.“Vào những thời kỳ này, các điêu khắc gia thể hiện sự hùng dũng và trang nghiêm của sư tử,” ông giải thích. “Chúng trông đĩnh đạc giống như những con mèo được phóng đại.”
Trong phòng trưng bày liền kề, ông chỉ cho tôi thấy một con sư tử bằng đá granite bóng loáng với cặp mắt cũng được lắp vào được tạo tác theo lệnh pharaoh Amenhotep III thuộc Vương triều 18, người cai trị Ai Cập trong suốt thế kỷ 14 trước Công nguyên. Nó trông điềm tĩnh và thanh thoát một cách đáng kinh ngạc.
Tuy nhiên, theo Simpson, trong khoảng thời gian giữa Tân Vương quốc ở Ai Cập và thời kỳ văn minh Hy Lạp, sư tử được thể hiện trong nghệ thuật cổ đại dưới một hình thái rất khác.
“Nhất là dưới triều đại Assyria và Đế chế Achaemenid (Ba Tư), ý nghĩa biểu tượng của sư tử đã thay đổi triệt để và các nghệ sỹ trong thời kỳ này tìm cách khắc họa sự hung hăng và dữ dội của sư tử,” ông cho biết. “Do đó, chúng được mô tả đang gầm thét, gầm ghè với hàm răng nhe ra.”
Ông dẫn tôi đến một con sư tử canh gác khổng lồ nặng đến 15 tấn nằm trong cặp sư tử tượng trưng cho Ishtar, vị nữ thần chiến tranh dưới triều đại Assyria.
Cặp sư tử này từng nằm hai bên lối vào ngôi đền thờ thần Ishtar do Vua Ashurnasirpal II ở Nimrud (trị vì khoảng từ 883 đến 8559 trước Công nguyên) xây dựng. Đó là hình ảnh đáng sợ của sư tử với chiếc bờm và lớp da dày, bộ chân và móng vuốt mạnh mẽ và vẻ ngoài giận dữ như đang gầm thét.
“Ở đây là sự thể hiện sư tử ‘hung dữ’ – đó là một cách thể hiện hoàn toàn khác về sức mạnh sư tử,” Simpson cho biết. “Đáng buồn là bức tượng còn lại trong cặp đã bị Daesh (tức Nhà nước Hồi giáo), phá hủy”.
Simpson nói rằng sự thể hiện sư tử dữ dằn như thế đã rất thịnh hành: ở một chỗ khác, ông chỉ cho tôi một dãy những viên gạch tráng men trên đó có mô tả một con sư tử khác đang gầm gừ.
Tác phẩm này được sáng tác vào thời Vương quốc Babylon. Dáng bước đi ngạo nghễ, con sư tử từng được trang trí trong điện đặt ngai vàng của Vua Nebuchadnezzar II, người trị vì từ năm 605 cho đến năm 562 trước Công nguyên ở thành phố cổ đại Babylon mà ngày nay là Iraq.
Tàn sát sư tử
Tuy nhiên, đối với Simpson, thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật về sư tử trong thế giới cổ đại phải là thời kỳ Vương quốc Tân Assyria vốn làm bá chủ Cận Đông từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 7 trước Công nguyên.Đi một quãng ngắn là chúng tôi tới một trong những kho báu của Bảo tàng Anh quốc: một tập hợp những bức tranh đắp nổi bằng thạch cao trên tường được lấy từ một cung điện của Triều đại Assyria ở Nineveh (khoảng từ 668 đến 627 trước Công nguyên). Chúng mô tả cuộc đi săn sư tử của Ashurbanipal, vị vua vĩ đại cuối cùng của Vương triều Assyria.
Simpson gọi loạt những cảnh có liên quan với nhau là ‘bức tranh toàn cảnh về săn sư tử’ với hình ảnh nhà vua và các cận thần của ông, với sự hỗ trợ của binh lính và những người giữ chó đang kìm giữ những con chó săn hung dữ, bắt đầu tàn sát sư tử. “Rõ ràng, đây là bối cảnh thực nơi họ giết sư tử – một phần của quanh cảnh tự nhiên được các họa sỹ gói gọn.”
Đối với khán giả ngày nay, những sinh vật tội nghiệp khiến họ động lòng. Tuy nhiên Simpson nói chúng ta không nên cho rằng con người cổ đại cũng có cảm giác tương tự. “Tôi không chắc khán giả ở thời Assyria sẽ nhìn chúng với con mắt như thế,” ông nói. “Điều đó sẽ làm suy yếu sức mạnh của nghệ thuật. Cuối cùng thì việc thể hiện một loạt những cảnh chết chóc sẽ làm nổi bật uy quyền của nhà vua.”
Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Culture.
bài rất hay
Trả lờiXóa