Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

Thị trấn với những bức tường gắn đầy kim cương ở Đức



Getty Images
Hồi 15 triệu năm trước, một thiên thạch lao xuống nơi nay là Nördlingen

Khi tôi bước xuống những bậc thang hẹp của tháp nhà thờ theo kiến trúc Gothic ở Nördlingen, Đức, những bậc thang đá đã mòn dường như lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, đem đến những tia sáng bất ngờ. Nếu không thì cầu thang dẫn lên đỉnh tháp sẽ là một màu u tối xám xịt.

Va chạm thiên thạch

“Đó là bởi toàn bộ tòa tháp được xây bằng đá suevite và được đính vào những viên kim cương nhỏ,” ông Horst Lenner, người trông coi tháp, nói với tôi một cách hồ hởi.
“May mắn là những viên kim cương này rất, rất nhỏ, nếu không thì cả tòa tháp đã bị phá sập từ lâu rồi,” ông nói đùa – gương mặt ông nở một nụ cười rạng rỡ.
Tuy chỉ là những lời nói đùa, nhưng những gì Lenner nói quả là thực. Trong quá trình xây dựng tại thị trấn, mà lần đầu tiên được ghi nhận là vào thời thế kỷ 9, những cư dân nơi này không nhận ra rằng khối đá mà họ dùng có lẫn hàng triệu mảnh kim cương nhỏ li ti, tập trung với mức độ dày dặc không từng có ở nơi nào khác trên thế giới.
Sau khi bước xuống các bậc thang từ trên đỉnh tháp, tôi đi lang thang dọc theo những con đường tĩnh lặng trong thị trấn. Nhưng đã từng có một sự kiện ghê gớm xảy ra ở đây, khi mà một thiên thạch lao xuống vào hồi 15 triệu năm trước, và sự kiện đó đã tạo ra một thực tế kỳ lạ, khiến Nördlingen trở thành một thị trấn dát kim cương ở Đức.

Julie Ovgaard
Lực tác động từ khối thiên thạch mạnh tới nỗi những bong bóng carbon bên trong nó gần như ngay lập tức được biến đổi thành những mảnh kim cương nhỏ li ti
Di chuyển với tốc độ khoảng 25km một giây, khối thiên thạch có bề rộng 1km đâm lao xuống đất với lực va đập lớn tới mức không chỉ tạo thành một hố rộng 26km, nơi mà nay thị trấn nằm lọt ở trong, mà nó còn tạo ra sức nóng và áp lực khiến những bong bóng carbon bên trong nó gần như ngay lập tức được biến đổi thành những mảnh kim cương nhỏ li ti, chưa tới 0,2mm – kích thước nhỏ tới nỗi mắt chúng ta khó có thể nhìn thấy.

Chứa đầy kim cương

Không hề biết rằng gì về khối đá đó, được gọi là đá suevite, có xen lẫn đầy kim cương ở trong, những tòa nhà trong thị trấn đã được xây dựng gần như hoàn toàn bằng đá có chứa kim cương – khiến cho Nördlingen không giống như bất cứ thành phố nào trên Trái đất.
“Mọi thức bên trong tường thành đều được xây lên bằng đá được tạo ra sau vụ va thiên thạch,” một cư dân Nördlingen có tên là Roswitha Feil nói.Thậm chí còn lạ lùng hơn nữa, chỉ mãi cho đến tương đối gần đây người dân Nördlingen mới bắt đầu biết về nguồn gốc của miệng hố nơi tọa lạc thị trấn của họ.
Chưa bao giờ để ý quá nhiều về đặc tính sáng lấp lánh của những căn nhà của họ, người dân thị trấn luôn tin rằng Nördlingen được dựng lên trong miệng của một ngọn núi lửa đã tắt vĩnh viễn cho đến khi các nhà địa chất học người Mỹ là Eugene Shoemaker và Edward Chao đến thăm thị trấn vào những năm 1960.

Lothar Theobald/Getty Images
Trước khi phát hiện ra là có kim cương lẫn trong các khối đá, cư dân Nördlingen ngỡ rằng họ sống trong một miệng núi lửa
Sau khi nghiên cứu cảnh quan của Nördlingen từ xa, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng miệng hố ở đây không đáp ứng đúng như tiêu chuẩn của một miệng núi lửa. Họ cũng đi đến thị trấn để kiểm tra giả thiết của họ: vùng đất này đã được định hình từ bên trên thay vì từ trong lòng đất. Các nhà khoa học chẳng mất nhiều thời gian để chứng minh giả thiết trên là chính xác; họ chỉ cần kiểm tra bức tường của nhà thờ ở Nördlingen để phát hiện ra từng chùm đá quý nhỏ li ti.
“Sách giáo khoa dạy chúng tôi rằng vùng đất này có đặc điểm như thế là do núi lửa,” Feil nói. “Sau đó mọi người phát hiện ra rằng đó là do tác động của thiên thạch. Do đó, toàn bộ sách giáo khoa đều phải được viết lại.”

Bảo tàng thiên thạch

Không lâu sau khi Shoemaker và Chao lần đầu tiên đến thăm Nördlingen, các nhà địa chất địa phương đã ước lượng các bức tường và các tòa nhà trong thị trấn có chứa khoảng 72.000 tấn kim cương. Mặc dù đá suevite có thể được tìm thấy ở nơi khác trên thế giới cũng từng bị tác động tương tự, không ở đâu có mật độ tập trung kim cương dày đặc như ở Nördlingen.
Sau khi bước xuống các bậc thang từ trên đỉnh tháp, tôi đi lang thang dọc theo những con đường tĩnh lặng trong thị trấn. Đó là một ngày lạnh lẽo, nhưng tôi được bao bọc khỏi những cơn gió lạnh cắt da cắt thịt của vùng Bavaria bởi những ngôi nhà đầy màu sắc và bức tường thành phòng vệ cổ bao quanh Nördlingen. Hễ bất cứ lúc nào mặt trời chiếu xuyên qua những đám mây, những viên kim cương lấp lánh đính trên tường khiến tôi không thể không chú ý.”Nơi này rất đặc biệt,” Tiến sỹ Stefan Hölzl, nhà địa chất học đồng thời là giám đốc của Bảo tàng RiesKrater, nói. Được đặt trong một nhà chứa cỏ vào thế kỷ 16, bảo tàng này sẽ giúp cho khách tham quan hiểu được tác động của thiên thạch đối với lịch sử thị trấn. Xuyên suốt sáu căn phòng, các mảnh thiên thạch và đương nhiên là đá suavite được trưng bày trong các tủ kính.

Julie Ovgaard
Các nhà địa chất học địa phương ước tính các bức tường trong thị trấn và trong các tòa nhà chứa khoảng 72 ngàn tấn kim cương
“Có một số nơi trên thế giới mà loại vật liệu từ các vụ rơi thiên thạch được dùng để xây nhà cửa nhưng không ở đâu có mức độ như ở đây,” Hölzl nói khi chúng tôi đi từ hiện vật này đến hiện vật khác. “Ở đây vật liệu này được sử dụng để xây nên cả thị trấn.”

Dấu vết của hàng triệu năm trước

Và không chỉ có các tòa nhà mới để lại dấu vết của những gì đã xảy ra hàng triệu năm trước đây. Bên ngoài tường thành, những cây tùng trông giống như trong Kỷ Jura và rừng thông viền quanh miệng núi lửa. Chúng lấy dưỡng chất từ loại đất vô cùng màu mỡ mà ngày xưa từng nằm dưới đáy một hồ muối được hình thành sau một vụ rơi thiên thạch. Nằm rải rác xung quanh là những hầm mỏ và mỏ đá bị bỏ hoang – nơi người ta khai thác đá suavite.

Julie Ovgaard
Khu vực ‘miệng núi lửa’ Nördlingen rất đặc biệt, khiến các phi hành gia tàu Apollo đã tới tham quan để tìm hiểu về các loại đá họ có thể tìm thấy trong vũ trụ
Hölzl giải thích rằng miệng núi lửa ở Nördlingen đặc trưng đến nỗi các phi hành gia trên phi thuyền Apollo 14 và Apollo 16 đã đến nơi đây để tìm hiểu trong lúc chuẩn bị cho chuyến du hành vào Mặt Trăng để xem loại đá nào họ có thể tìm thấy trong vũ trụ và loại đá nào họ nên đem về Trái Đất.
“Chúng tôi vẫn có những vị khách đến từ Nasa, và các phi hành gia thuộc Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) đã đến đây hai tuần trước,” Hölzl nói đầy tự hào. Ông dẫn tôi vào một căn phòng ở tầng trệt nơi một tảng đá Mặt Trăng, quà lưu niệm từ một trong những chuyến du hành Apollo, được trưng bày.
Tuy nhiên, nhiều người trong thị trấn vẫn thờ ơ với việc sống giữa hàng triệu mẩu kim cương nhỏ xíu. Một người phụ nữ nói với tôi khi tôi bước ra khỏi nhà thờ: “Chúng tôi nhìn thấy chúng mỗi ngày. Đối với chúng tôi, chúng không có gì đặc biệt.”
Còn đối với Hölzl, người chuyển đến Nördlingen từ Munich, việc mọi người không cảm thấy bị lôi cuốn trước địa chất và lịch sử độc đáo của thị trấn này là điều lạ lùng. “Họ không cho rằng đó là điều thú vị gì hết. Họ tự hỏi tại sao mọi người lại đến đây tham quan cơ chứ,” ông than thở.
Cũng giống như đá Mặt Trăng, Hölzl cho rằng Nördlingen là một nơi khác thường.
“Thực tế là mọi thứ ở Nördlingen đều có liên hệ với những gì đã xảy ra hàng triệu năm trước. Nó có thể đã là quá khứ nhưng giờ đây chúng vẫn còn nhìn thấy dấu vết của nó,” ông giải thích. “Hiện tại là sản phẩm của quá khứ.”
Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Travel.


Posted by

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...