Con
tôi Trần Quang Hải đã viết tiểu sử rất đầy đủ và chính xác về chú ba
của Hải. Tôi chỉ thêm vài chi tiết về em tôi mà ít có người biết và hôm
nay cũng lần đầu tôi mới ghi lại thành văn bản.
+ Tên của Trạch trong gia đình là «Khê em»
Khi Trạch mới sanh, cả nhà đều vui mừng. Ông nội tôi muốn đặt tên con cháu đều có bộ Thủy nên cha tôi tên Triều là dòng nước, tôi tên Khê là khe suối, em tôi tên Trạch là ao, đầm
. Nhưng từ lúc lên một, mỗi khi trong nhà có ai gọi em tôi : Trạch ơi !
là con cháu của bà cụ láng giềng trùng tên, thấy khó chịu, nên qua xin
ông nội tôi đặt tên khác cho chú bé Trạch, để bà khỏi bị kêu réo tên bà.
Cả nhà rất khó nghĩ, tên đã ghi trong sổ bộ đời. Cậu Năm tôi, ông Nguyễn tri Khương,
đến bàn với ông tôi, nhắc lại lịch sử bên Trung quốc dưới triều nhà
Tống có hai anh em ruột, văn hay chữ tốt, thi cùng một khoá, đều đậu
Tiến sĩ, và ra làm quan trong một triều. Trong nước ai cũng quí tài của
hai anh em nên gọi anh là Đại Tống, em là Tiểu Tống. Nay
muốn kiêng tên bà cụ láng giềng, cậu năm tôi đề nghị gọi tôi là Khê Anh
và Trạch là Khê Em. Ông nội tôi bằng lòng và từ ngày đó, trong gia đình
tôi và cả làng Vĩnh Kim, ai nấy đều gọi chúng tôi bằng hai tên Khê anh và Khê em.
Tuy
chúng tôi cách nhau 3 năm, chúng tôi không rời nhau, như anh em sinh
đôi. Tối đi ngủ, sáng thức dậy một lượt, cùng ăn lót lòng giống nhau,
môt gói bắp nấu, một gói xôi đậu hay xôi nếp than có dừa nạo muối mè.
Mỗi buổi ăn, ngồi gần nhau, đi tắm sông, tập đi xe đạp, học võ Thiếu Lâm
với anh ba Thuận con của câu năm Khương, cả khi đi tiểu, đi tiêu cũng
đều cùng một lúc.
+ Nghe chuyện đời xưa
Mỗi
tuần, cậu năm Khương rước chúng tôi vô ở chơi trong nhà cậu năm cả
ngày, từ sáng đến tối, đêm ngủ lại, nghe cậu năm tôi thổi sáo, và thuật
cho chúng tôi nghe những điểm đáng nhớ trong thời thơ ấu của chúng tôi,
hoặc thuật chuyện đời xưa, chuyện Nhị thập tứ hiếu. Qua tiếng nói của
cậu năm, chúng tôi được thấy Khổng Tử gặp Hạng Thác, nghe tiếng sáo
Trương Lương làm tan binh Hạng Võ, theo Quan Công quá ngũ quan, trảm lục
tướng, qua năm cửa ải chém đầu 6 tướng, làm anh em tôi đi ngang nhà nào
có thờ Quan Công là chúng tôi ngừng lại quay vào nhà bái tổ theo nghề
võ, cả làng rất khen Khê anh, Khê em biết kính «ông Bồn».
+ 11 tuổi Trạch đã biềt ra câu đối.
Câu
năm lại dạy anh em tôi đối chữ, đối ý, đối câu. Đầu tiên dạy chúng tôi
phải biềt đối một chữ, bình đối với trắc, màu đối với màu, như vàng đối
với đỏ hay tím, trắng đối với đen, số đối với số, năm đối với bốn, bảy
hay tám, danh từ đối với danh từ, trời đối với đất, sông đối với núi,
động từ đối động từ, đi đối vối chạy, lên đối với xuống. Rồi đến 2 chữ
như vàng khè đối với đỏ hoét, trời biển đối với núi sông.
Cậu năm lại dạy cho chúng tôi biết những câu đối Việt Nam trong đó có những cách «chơi chữ», như câu
Ruồi đậu mâm xôi, mâm xôi đậu
> Kiến bò dĩa thịt, dĩa thịt bò
> Kiến bò dĩa thịt, dĩa thịt bò
Hay «nói láy»,như «Ông mượn cháu, đi Giồng dứa , mua dừa gống về ươn mộng» «Ông mượn , ươn mộng ; giồng dứa, dừa giống».
Đối lại :
« Chồng sai vợ, đi Chợ Thủ kêu chủ thợ về chày sông »
«Chồng sai, chày sông, Chợ Thủ, chủ thợ »
Cậu năm dạy khi người ta ra câu đối Đông Tây, mình có thể đối Nam Bắc. Một hôm cậu năm ra câu đối :
«Cỡi máy bay, bay vòng Đông Tây Nam Bắc» .
Không ai đối được, cậu năm đối :
«Đi tàu lặn, lặn mãn Xuân, Hạ, Thu Đông».
Cậu năm lại ra một câu rất khó đối ;
«Thằng đàng Thổ, nằm dưới đất, ăn thục địa »
Thổ là đất, địa cũng là đất lại nằm dưới đất . Lẽ tất nhiên không ai đối được. Chính cậu năm tìm ra câu đối :
«Chà Châu giang, lội qua sông, hái bạc hà »
Giang là sông, hà cũng là sông, lại lội qua sông. Thục địa là một vị thuốc, bạc hà là một loại rau nhưng cũng là vị thuốc.
Năm
1934, Trạch mới được 11 tuổi ta, một hôm thấy con chó mực trong nhà làm
đổ bình mực liền nghĩ ra một câu đối và thưa với cậu Năm : « Cậu ơi !
Con mới ra câu đối để cậu đối lại cho con :
«Chó mực làm đổ bình mực, mực đổ trên mình chó mực»
Cậu
năm nói : «Cậu không đối liền được, hẹn con đến trưa nay cậu sẽ tìm câu
đối». Cậu ra vườn trồng bông. Vài giờ sau, cậu năm tươi cười gọi Trạch
và tôi đến để nghe câu đối :
«Gà bông bươi ngã bụi bông, bông rơi trên cánh gà bông »
Anh
em chúng tôi vỗ tay hoan nghinh, nhưng cậu năm nói : « Đối ý thì hoàn
toàn, nhưng đối chữ còn chưa được. « … làm đổ bình mực », chữ đổ trắc mà
cậu đối « làm ngã bụi bông », chữ ngã cũng trắc, nhưng cậu tìm không ra
chữ nào giọng bình. Chữ làm đổ bình mực và mực lại đổ trên mình chó
mực, hai chữ đổ cùng âm mà khác nghĩa. Nhưng kể ra câu đối của con cũng
khó đối lắm. Và cậu khen Khê em mới 11 tuổi mà đã ra được câu đối mắc mỏ
như vậy .
+ Mối tình đầu của Trạch
Năm
1936 Trạch mới 13 tuổi và đã yêu một cô gái 12 tuổi, bạn của Ngọc Sương
em gái chúng tôi. Cô bé rất đẹp, cũng có cảm tình với Trạch. Ngày nào
cô bé cũng đến nhà chúng tôi để gặp Ngọc Sương. Tình yêu rất ngây thơ,
nhưng hai trẻ cũng thích chuyện trò, ngồi gần nhau. Trẻ con không quan
tâm, nhưng người lớn lại để ý. Cô ba, người thay cha mẹ chúng tôi để
nuôi chúng tôi, từ lúc tôi lên 10, Trạch lên 7, lại rất tinh đời. Cô đến
tìm cha mẹ cô bé đề nghị cho cô bé về quê mẹ trong một thời gian. Khi
cô bé không đến nhà như thường lệ, Trạch buồn dã dượi trong mấy hôm liền.
Trạch đến nhà cô bé để gặp hai người anh của cô cho đỡ nhớ. Không ngờ
người anh nhỏ, bằng tuổi với Trạch, có nghe lén cha mẹ và cô ba bàn việc
cho em gái về quê để cho Trạch không có dịp gặp cô em nữa. Trạch rất buồn. Khi trở về nhà, lúc đó cô Ba đi vắng. Trạch bỗng nổi cơn giận dữ, bứt hết dây đờn tranh, đờn tỳ của cô ba.
Hả
cơn giận, Trạch bình tâm thấy dây đờn ngổn ngang, tôi lui cui lượm bỏ
dây hư, lấy dây mới và đang mắc từng dây một, nét mặt buồn. Trạch đến
gần tôi nói trong nước mắt ; «Em
khổ quá anh hai ơi ! Lúc giận em không còn suy nghĩ gì nữa. bây giờ em
tỉnh hồn. Nhớ tới cô ba về rầy, em chịu không nổi. Em lại làm cho anh
hai cực, em giận em quá . Em đi khỏi nhà anh hai ơi ! Cô ba có hỏi, anh
hai nói em buồn quá bỏ nhà ra đi. Em cũng không biết sẽ đi đâu. Em sẽ
không trở về. Anh hai đừng đi tìm em, vô ích..» Tôi
khuyên can, nhưng Trạch đã nhứt quyết thì không ai cản ngăn em được.
Nhìn theo em đi bộ xuống chợ cá gần bến xe đò đi Mỹ tho. Rồi cô ba về.
Thấy tôi vừa mắc dây đờn, vừa lên dây mà nước mắt lưng tròng. Cô ba hỏi :
«Tại sao dây đờn đứt hết vậy con?».
«Thưa
cô ba, Khê em buồn gì không biết, vừa bứt từng sợi dây đờn vừa khóc.
Rồi nhờ con xin lỗi cô ba, và ra đi, nói sẽ không trở về nhà nữa.»
«Con
phải đi kiếm em, bảo nó trở về. Có chuyện gì buồn nói cho cô biết. Cô
sẽ không rầy chuyện nó bứt dây đờn đâu. Con có biết em con đi đâu
không?»
«Dạ
thưa không. Nhưng thấy em đi đến phía xe đò đi Mỹ tho, chắc nó đi theo
xe xuống Mỹ. Nó có quen với anh «lơ» chắc họ cho nó đi khỏi trả tiền.»
Nghe
theo lời cô, tôi đi xe đạp xuống Mỹ tho, vì nếu đợi xe đò phải sáng hôm
sau mới có chuyến đi, đêm nay em sẽ ngủ ở đâu? Tôi đạp xe mà lòng buồn
vô hạn. Chưa bao giờ anh em xa nhau một bước. Nay em định bỏ gia đình êm
ấm, xa người anh mà em triếu không thua gì con triếu mẹ, tức là em đang
khổ lắm. Tôi suy nghĩ nếu mình buồn như em, mình sẽ đi đâu ? Chắc mình
sẽ xuống mé sông nhìn nước chảy, vì nước chảy sẽ cuốn trôi phiền muộn.
Tại Mỹ tho có một chỗ tại bờ sông mà lúc phải đi Tam bình qua ở đậu nhà
cô năm tôi để học mấy lớp Sơ học, vì nhà nghèo cô ba tôi không đủ sức
nuôi tôi học trường tỉnh Mỹ tho, anh em tôi thích ngồi bờ sông Tỉền
giang, nhìn qua bên mặt có nóc đỏ nhà Cercle của người Pháp, nhìn phía
trái có rặng cây dương xanh biếc. Hôm nay, chắc em tôi sẽ đến đó. Suy
nghĩ như vậy, và do tình thương em dẫn dắt, tôi đạp xe một mạch đến bờ
sông. Đến chỗ tôi đoán, tôi rât mừng, vì thấy bóng em ngồi trên thềm
gạch, chống tay trên cằm. Tôi đến nhẹ sau lưng em và gọi nhỏ : «Khê em ơi !Anh hai đi kiếm em về. Cô sẽ không rầy la đâu. Anh hai bảo đảm với em.»
«Sao anh hai biết em ở đây mà đến tìm em»
«Tình thương đã dẫn anh hai.»
Hai anh em ôm nhau không nói gì cứ để cho nước mắt tha hồ tuôn.
Nghe
lời tôi khuyên, Trạch chịu về nhà và xin lỗi cô ba. Tôi chở em tôi bằng
xe đạp. Từ Mỹ tho về làng Vĩnh Kim, 15 cây số đường làng, hôm đó trời
mưa xối xả. Hai anh em ướt cả mình mẩy, nhưng lòng tôi vẫn thấy vui ấm
vì anh em tôi không vì lẽ gì phải xa nhau.
+ Trạch thay anh em tôi báo hiếu.
Tuy
việc bứt dây đờn tranh xảy ra lúc Trạch còn nhỏ tuổi, mà mãi sau này,
mỗi lần nhắc lại Trạch lắc đầu như tự trách mình, không biết ơn người cô
đã hy sinh cả cuộc đời để nuôi ba anh em chúng tôi nên người, vì mối
tình của mình đã hành động không suy nghĩ, có thể làm đau lòng người cô
mà chúng tôi thương kính như cha như mẹ. Nên năm 1944, khi cô tôi đau
nặng, bịnh lao đã tới thời kỳ thứ ba, trắc nghiệm trong đàm đã thấy có
vi trùng Koch, cô tôi có một người giúp viêc rất trung thành, tình
nguyện nuôi cô tôi lúc đau ốm. Nhưng Trạch, sau khi thất bại trong việc
làm ăn trên Sài gòn, nhứt định bỏ cả công việc về làng Vĩnh Kim, vừa tìm
việc làm ăn hùn hiêp với một người anh họ để làm lò chén, vừa để mỗi
ngày đạp xe lôi đưa cô tôi đi hứng gió ở ngả ba chim chim, cách nhà cô
tôi đang ở hơn 1 cây số. Trạch thuê đóng một chiếc xe lôi có ghế nệm,
mỗi ngày khi mặt trời xế bóng về chiều, Trạch đạp xe đạp, đưa cô tôi đi
hứng gió. Năm đó, tôi đang học Y tại Hà nội, vì nhiều lý do: sinh viên
theo phong trào «xếp bút nghiên», trường Đại học đóng cửa trong hai
tháng, tôi bị đau rét rừng nặng phải nghỉ học. Miền Bắc thiếu gạo, nhiều
nơi bắt đầu có nạn đói. Tôi về lập với bạn Huỳnh văn Tiểng một gánh hát
sinh viên đi hát trong lục tỉnh, lấy tiền thâu được, mua gạo gởi ra
ngoài Bắc cứu đói. Rồi tôi lại lo việc con đầu lòng của tôi sắp ra đời,
phải đi dạy học tư tại Sài gòn để nuôi gia đình. Em gái tôi học nội trú
trong trường áo tím Nữ học đường, em Trạch đã thay cho ba anh em chúng
tôi báo hiếu với cô ba chúng tôi ..
+ Trạch, bị bắt tại Cần thơ vì có vợ ngưòi Pháp.
…..Anh
em lại xa nhau, tôi đi gặp bạn Huỳnh Văn Tiểng tại Chợ Thiên Hộ, và
được Ủy ban Kháng chiến Nam bộ cử tôi làm «Nhạc trưởng quân đội Nam bộ»,
và các bạn tôi đùa gọi tôi là «Tổng tư lịnh Kèn».
Trạch
lúc đó có dịp xuống Mỹ tho và gặp lại gia đình của một người Pháp sanh ở
đảo Corse. Ông nầy thương Trạch từ hồi Trạch còn là học sinh trường
Trung học Mỹ tho, nên lúc Nhựt đảo chánh năm 1945, ông bị bắt lên tập
trung tại Sài gòn. Trước khi đi lên trại tập trung, ông gởi gấm gia đình
nhờ Trạch trông nom. Ông có một cô gái lớn rất đẹp, và trai tài gặp gái
sắc, như sắt gặp đá nam châm. Và cuộc tình đó dẫn đến sự ra đời của em
bé A. Tiếp theo là phong trào Việt Minh nổi dậy. Lúc đó ai có quần áo 3
màu xanh trắng đỏ thường bị gán cho danh từ «Việt gian». Trạch có vợ
đầm, có đứa con lai, cảm thấy mình bị đe doạ. Nghe nói tôi ở trong vùng
kháng chiến miền Tây, nên Trạch đi liều, gặp Thanh niên tiền phong hay
Thanh niên cứu quốc đều nói đi xuống Bạc liêu tìm «anh hai tôi» trong
vùng kháng chiến. Lúc đó Trạch vừa mới ra trường Trung học Mỹ tho. Chưa
đi hát, không ai biết tên, nên bị bắt mấy lần nhưng được thả ra. Đến Cần
thơ, hai vợ chồng bị nhốt để đợi ủy ban kháng chiến xét xử. Rất may cho
Trạch, lúc đó có cậu sáu là một người quen thân trong gia đình đang làm
Thanh tra chánh trị. Cậu sáu nghe nói có trường hợp một thanh niên có
vợ Pháp mà muốn đi xuống tận Năm Căn tìm anh là Trần Văn Khê, cậu sáu
liền lãnh phần giải quyết trường hợp đó. Cậu khuyên vợ Trạch làm giấy từ
bỏ quốc tịch Pháp, và cậu cấp cho Trạch một giấy đi đường đến tỉnh Bạc
liêu tìm tôi.
+ Trạch, binh nhì trong Đội quân nhạc Nam bộ. Anh em hội ngộ.
Lúc
đó tôi phải đưa đội quân nhạc đến vùng Cái nước, vì cả Ban Quân Y phải
lui về vùng Lẫm Biện Tú, không có tiền lẻ để mua thức ăn trong vùng nhà
quê. Ban quân y chỉ nhận được giấy 500 đồng khó lưu dụng ở thôn quê. Mỗi
ngày cả đoàn quân nhạc chúng tôi tổ chức những đêm hát có ca, nhạc cách
mạng, có dân ca ba miền, góp được tiền lẻ, giữ 30 phần trăm cho đội, 70
phần trăm để giúp trạm Y tế Lẫm Biện Tú mua thịt cá, rau cải cho các
bịnh nhân.
Một
hôm, các anh trong ủy ban kháng chiến đến gặp tôi và cho biết rằng tôi
có người em, có vợ Pháp, và con còn nhỏ, từ Hậu giang đến tìm tôi, rồi
mời tôi theo anh ra trụ sở của Ủy ban. Vừa gặp tôi, Trạch chảy nước mắt,
chạy lại ôm tôi, hai anh em không nói tiếng nào. Các anh trong ủy ban,
đưa giấy giới thiệu của Thanh tra Chánh trị, tôi đọc qua rồi nói với các
anh : «Thanh Tra chánh trị mà anh em tôi trong gia đình gọi là cậu Sáu
đã gởi giấy giới thiệu. Dầu cho không có người giới thiệu mà nếu em tôi
đến tìm tôi, tôi cũng sẵn sàng bảo bọc em tôi và gia đình.. Tôi xin làm
tờ bảo lãnh cho em tôi. Từ giờ nầy, em tôi được vào Đội quân nhạc và nếu
em tôi có làm chi sai lầm, tôi xin chịu trách nhiệm trước ủy ban.».
Trong
thời gian mấy tháng, anh em sống lại cuộc đời thuở nhỏ, cùng ăn một
mâm, cùng ngủ dưới một mái nhà, khi đi từ nhà đến bịnh viên, chống xuồng
qua các rạch các kinh, Trạch khỏi sợ bị bắt như một «Việt gian » vì có
vợ Pháp. Tôi vui vì trong cảnh xa nhà xa làng Vĩnh Kim, được chung sống
với em tôi và gia đinh của em. Ai có ngờ người nghệ sĩ quái kiệt đã có
lúc vì tình phải mang tiếng «Việt gian», khi ngộ biến đã trong mấy tháng
trời làm «binh nhì» trong đội Quân nhạc Nam bộ ?
+ Rồi anh em lại xa nhau.
Nhưng
cuộc hôi ngộ nào cũng đi đến lúc chia tay. Khi tất cả các cơ sở thuộc
Nam bộ đều đi ra Bắc hay chạy theo căn cứ quân sự. Chúng tôi phải trở về
Cần thơ, nơi anh hai con cậu năm tôi có một xưởng làm nước mắm mang
hiệu Quê Hương. Trạch và gia đinh được cậu năm tôi đùm bọc, tôi đi về
Lộc Ninh tá túc nhà nhạc mẫu tôi, bà ngoại của mấy cháu.
Năm
1949 tôi sang Pháp, Trạch làm việc tại Nhà hàng Théophile. Anh em lại
xa nhau. Tôi nghiên cứu cổ nhạc. Em tôi nổi tiếng nhờ tân nhạc và được
danh hiệu quái kiệt trong làng nghệ sĩ..
Khi
nghiên cứu âm nhạc truyền thống và soạn luận án Tấn sĩ tôi được vào
Trung tâm nghiên cứu khoa học nhưng vì muốn xây dựng một Trung tâm học
nhạc Đông phương để dạy nhạc châu Á theo phong cách truyền khẩu truyền
ngón, nên tôi chỉ làm việc bán thời gian cho Trung tâm nghiên cứu khoa
học, còn phân nửa thời gian thì làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu âm
nhạc Đông phương và làm Cố vân nghệ thuật cho anh Ph.V M. Giám đốc Nhà
hàng La Table du Mandarin. Tôi bày ra trò chơi L’Election du Mandarin
(Cuộc bầu cử Thượng quan của Nhà hàng) được diễn gần 20 năm mỗi buổi
chiều. Lúc đó Bích Chiêu, Bạch Yến, Thiên Hương được hát tại La Table du
Mandarin là do sau khi tôi nghe và bằng lòng đề nghị cho Anh Ph.V. M ký
hợp đồng. Khi Trạch đến hát tại La Table du Mandarin, tôi đang giao
việc giới thiệu chương trình bầu cử Thượng quan cho Nhạc sĩ Đan Trường.
Nhưng anh em thỉnh thoảng gặp nhau tại Paris.
+ Trạch đến thường trú tại Pháp.
Đến
năm 1977, ban giám đốc nhà hàng La Table du Mandarin gọi điện thoại báo
tin cho tôi biết Trạch mới từ Việt Nam sang Pháp và muốn gặp tôi. Lúc
đó tôi đã không còn làm Cố vấn chương trình nghệ thuật của Hiệu La Tabe
du Mandarin, nên không có thể giúp Trạch tìm việc làm tại đây. Trạch
phải đi nơi khác. Nhưng anh em lại có dịp cuối tuần về nhà tôi, anh em
đờn hát thâu thanh tại nhà tôi, hay tại nhà nữ Bác Sĩ J. Ph.
Tuy
cùng sống trên đất Pháp, vì công ciệc khàc nhau, tôi đang “bôn ba bốn
biển năm châu“, Trạch đang tìm cách sanh sống bằng thương mãi, anh em
gặp nhau trong những ngày Tết Việt Nam, hay những ngày họp mặt gia đình
tại nhà Trạch. Mỗi khi Trạch có việc buồn thường hay gọi điện thoại cho
tôi để đến gặp tôi, Trạch thèm ca Vọng cổ và muốn tôi đờn tranh phụ họa
cho em.
+ Phút cuối cùng
Đến
khi tôi hay tin em tôi bị đau nặng nằm tại bịnh viện, tôi thường vào
thăm và Trạch một hôm “trốỉ” với tôi:“ Anh hai sắp đi Việt Nam theo
chương trình làm việc cho Trung tâm nghiên cứu khioa học Pháp. Em chỉ
ước ao một điều. Khi em phải từ giã cõi đời, em muốn có anh hai đưa em
đến nơi an nghĩ cuối cùng “ . Tôi hứa với em;“ Dầu cho anh hai đi đâu
trên trái đất nầy, khi biết tin em vĩnh viễn anh hai sẽ trở lại Pháp để
lo việc đưa em về nơi an nghỉ cuối cùng. Anh hai sắp đi xa. Anh hai nhắc
cho em nghe một câu phỏng theo ý của một nhà văn mà anh hai không nhớ
tên: Ngày em ra đời, em khóc mà mọi người quanh nôi em cười vui. Ngày em
phải lìa đời, khi mọi người khóc thưong tiếc em, thì em sẽ mỉn cười ra
đi, vì em đã làm xong tất cả nhiệm vụ của em trên đời.“
Trạch
mìm cười siết chặt tay tôi và nói:“ Anh hai yên lòng đi về nước làm
việc. Mong rằng sẽ gặp lại anh hai khi anh hai trở lại Pháp. Nếu có mệnh
hệ nào, em sẽ mỉm cười ra đi. Và anh hai sẽ về để đưa em về nơi an nghỉ
cuối cùng.“
Lần
đó là lần cuối cùng tôi gặp em tôi khi em còn sống. Và câu nói đó là
câu cuối cùng mà tai tôi nghe tiếng em tôi nói. Và như đã hứa, tôi đã
trở vềtừ Việt Nam và làm chủ tang cho đám táng của Trần Văn Trạch, em
Khê em của tôi.
Trần Văn Khê
bài rát hay
Trả lờiXóa